Xây dựng tác phong, chuẩn mực của cán bộ, giáo viên Trường Mầm non Hoằng Thắng, huyện Hoằng Hóa theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Đăng lúc: 15:19:04 24/06/2023 (GMT+7)2583 lượt xem
Giáo dục mầm non là cấp học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân, đặt nền móng cho sự phát triển về thể chất, nhận thức, tình cảm xã hội và thẩm mỹ cho trẻ em. Chính vì vậy, vai trò của giáo viên mầm non hết sức quan trọng trong việc định hướng và là tấm gương để thế hệ trẻ tương lai đất nước học tập và noi theo.

Tập thể giáo viên Trường Mầm non Hoằng Thắng, huyện Hoằng Hóa
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức coi trọng việc nêu gương. Người cho rằng, nêu gương có vai trò to lớn và là một giá trị trong chuẩn mực đạo đức của người cán bộ, đảng viên, bởi như Người nói: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Cả cuộc đời giản dị, trong sáng của Người cũng là tấm gương mẫu mực về đạo đức, phong cách. Phong cách Hồ Chí Minh được thể hiện trong mọi lĩnh vực, tạo thành một chỉnh thể nhất quán, có giá trị khoa học cả về phong cách tư duy, phong cách làm việc, phong cách lãnh đạo, phong cách diễn đạt, phong cách ứng xử và phong cách sinh hoạt. Chính đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là tấm gương sáng để toàn thể cán bộ, đảng viên và mọi người noi theo.
Đối với giáo viên cấp học Mầm non, việc xây dựng tác phong chuẩn mực có vai trò rất quan trọng trong công tác chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ; bởi, trẻ nhỏ bẩm sinh có khả năng tiếp thu học tập, tiếp nhận các thông tin cảm quan và sử dụng để hình thành hiểu biết và giao tiếp với thế giới. Việc được hưởng sự chăm sóc và phát triển tốt từ lứa tuổi trẻ thơ sẽ góp phần tạo nền móng vững chắc cho sự phát triển trong tương lai của trẻ. Một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến quá trình nhận thức của trẻ nhỏ chính là việc trẻ nhỏ thường xuyên bắt chước những lời nói, hành động từ giáo viên; vì vậy, mỗi cử chỉ, hành động của giáo viên sẽ là một tấm gương để trẻ noi theo và cách ứng xử của trẻ nhỏ cũng được xem là tấm gương phản chiếu lại một phần tác phong của giáo viên trong dạy học và trong giao tiếp,ứng xử với trẻ. Nhận thức rõ điều đó, cùng với việc chú trọng nâng cao trình độ chuyên môn, rèn luyện đạo đức, tập thể cán bộ, giáo viên Trường Mầm non Hoằng Thắng, huyện Hoằng Hóa cũng luôn đặt việc xây dựng tác phong, chuẩn mực theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh lên hàng đầu để mỗi cán bộ, giáo viên thực sự là tấm gương cho trẻ noi theo và góp phần định hướng, hình thành nhân cách cho trẻ.
Theo đó, để cụ thể hóa thành hành động việc thực hiện kết luận số 01 của Bộ chính trị về tiếp tục thực hiện chỉ thị 05 “về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trong xây dựng tác phong chuẩn mực của người giáo viên, Chi ủy, Ban Giám hiệu và tập thể giáo viên Trường Mầm mon Hoằng Thắng luôn quan tâm đến xây dựng tác phong chuẩn mực ở ba giá trị: khoa học - dân chủ - nêu gương. Trong đó, việc nêu gương được xác định là giá trị quan trọng.

Cô trò Trường Mầm non Hoằng Thắng
Trường mầm non Hoằng Thắng hiện nay có tổng số 37 giáo viên; trong đó, 31 giáo viên có trình độ Đại học, Cao đẳng, chiếm 82%. Hầu hết các giáo viên trong trường đều yêu nghề, nhiệt tình và ham học hỏi. Toàn trường đã huy động được 415 cháu trong độ tuổi ra lớp. Nhà trường đã đầu tư đầy đủ cơ sở vật chất, đồ dung, trang thiết bị khang trang và hiện đại phục vụ cho công tác chăm sóc, nuôi dưỡng; đội ngũ nhân viên thực hiện tốt công tác chăm sóc bán trú cho các cháu tại trường.
Trong suốt quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ tại trường, tập thể giáo viên luôn tự hoàn thiện mình trong cách giao tiếp, trao đổi với trẻ; tự xây dựng cho mình thói quen đi làm trước giờ để thực hiện tốt công tác giao nhận trẻ. Trong phong cách ăn mặc và đứng lớp, giáo viên Nhà trường luôn có đồng phục phù hợp với môi trường giáo dục trẻ mầm non. Trong giao tiếp và liên hệ với cha mẹ của trẻ, các cô luôn nhẹ nhàng và đồng hành với gia đình ngay cả ngoài giờ trên lớp. Tập thể giáo viên Nhà trường thường xuyên thực hiện tốt các yêu cầu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Cấp ủy và ban giám hiệu Nhà trường thường xuyên tổ chức, tạo điều kiện cho giáo viên tham gia các lớp học tập, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cũng như các buổi nghe kể về Bác Hồ của giáo sư Hoàng Chí Bảo; đặc biệt, luôn chú trọng quan tâm đến nâng cao đạo đức nghề nghiệp, đạo đức lối sống, nhất là đối với các giáo viên trẻ tuổi.
Bên cạnh những kết quả đó, vẫn còn một số hạn chế đối với việc xây dựng tác phong chuẩn mực đối với một số giáo viên trẻ, như: việc tự học, tự nghiên cứu còn hạn chế, chậm đổi mới phương pháp giảng dạy; việc áp dụng những kiến thức được học tập vào công việc thực tế chưa hiệu quả; một số vẫn còn ngại khó, ngại khổ; đôi lúc còn tình trạng né tránh trách nhiệm, trang phục và lời nói đôi khi còn bị ảnh hưởng bởi tính xã hội.
Để tiếp tục hoàn thiện và xây dựng tác phong chuẩn mực đối với giáo viên Trường Mầm non Hoằng Thắng một cách hiệu quả, xin mạnh dạn đưa ra một số giải pháp sau:
Một là, cần nâng cao nhận thức của giáo viên đối với tầm quan trọng của việc xây dựng tác phong chuẩn mực. Theo đó, mỗi giáo viên cần xây dựng kế hoạch học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nhà trường cần thường xuyên tổ chức các buổi tọa đàm, trao đổi về phong cách Hồ Chí Minh thông qua các mẫu chuyện về Bác và các tấm gương sáng.
Hai là, thiết lập một bộ quy tắc và tiêu chuẩn về tác phong chuẩn mực của đội ngũ giáo viên Nhà trường. Theo đó, Nhà trường cần xây dựng một bộ quy tắc rõ ràng và tiêu chuẩn chung về tác phong chuẩn mực mà tất cả giáo viên phải tuân thủ. Quy tắc này có thể bao gồm các yêu cầu về trang phục, ngôn ngữ, hành vi đạo đức và tinh thần trách nhiệm. Đồng thời, Nhà trường tiếp tục tạo nề nếp làm việc có kế hoạch cụ thể, xây dựng quy định, quy chế về thời gian làm việc; hình thành các thói quen về giờ giấc sinh hoạt, sắp xếp đồ vật gọn gàng, ngăn nắp là một trong những cách giúp trẻ học tập theo, định hình cho trẻ những thói quen tốt.
Trong quy mô nhà trường cần thiết lập quy chế dân chủ tại đơn vị, các cuộc họp và yêu cầu cần được công khai. Những vấn đề cần giải quyết phải được thực hiện một cách dân chủ thông qua bàn bạc, trao đổi đi đến thống nhất. Đối với phạm vi lớp học, giáo viên cần biết lắng nghe từ nhiều phía khi trong trẻ xảy ra mâu thuẫn, cần để các bạn khác biết và khi xử lý tình huống cần khéo léo, hướng dẫn cho trẻ cách nhận lỗi, không né tránh hay đổ lỗi cho bạn khác.
Xây dựng một môi trường giáo dục lành mạnh, văn minh, lịch sự; kết hợp giữa việc nâng cao nhận thức là các biểu ngữ, khẩu hiệu về phát ngôn, ứng xử, giao tiếp của giáo viên đối với trẻ cũng như đối với gia đình của các bé.
Ba là, nâng cao trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu, lãnh đạo của trường cần trở thành một mẫu mực về tác phong chuẩn mực. Cần thể hiện sự chuyên nghiệp, tinh thần trách nhiệm và tôn trọng đối với mọi người xung quanh. Bằng việc thể hiện tác phong chuẩn mực, lãnh đạo tạo ra một môi trường mà các giáo viên có thể lấy làm gương và học hỏi.
Bốn là, đào tạo và phát triển chuyên môn để định hình tác phong chuẩn mực. Các khóa đào tạo nên bao gồm việc giảng dạy về tác phong chuẩn mực, quy định nghề nghiệp, quản lý thời gian và các kỹ năng liên quan khác. Đồng thời, cần tổ chức các buổi họp, hội thảo và trao đổi kinh nghiệm giữa các giáo viên để thúc đẩy việc chia sẻ và học hỏi từ nhau.
Năm là, tạo không gian giao tiếp và phản hồi để giáo viên có thể trao đổi, thảo luận và nhận phản hồi về tác phong chuẩn mực của mình. Điều này có thể được thực hiện thông qua việc tổ chức cuộc họp định kỳ, buổi thảo luận và gửi phản hồi từ phía gia đình của trẻ, thông qua các cuộc khảo sát đánh giá…
Sáu là, cần đánh giá tổng kết, biểu dương những cá nhân thực hiện tốt và có hướng xử lý những cá nhân mắc những sai lầm nghiêm trọng nhất là trong cách ứng xử, giao tiếp đối với trẻ. Có thể xây dựng tiêu chí đánh giá kết quả cuối năm đối với giáo viên.
Có thể khẳng định rằng, chất lượng giáo dục mầm non được đánh giá bởi việc hình thành nên nhân cách, sự tư duy và nhận thức của trẻ nhỏ thông qua quá trình nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục từ phía các cô giáo mầm non. Việc xây dựng tác phong chuẩn mực, trong đó việc tự hình thành nên những tấm gương sáng để trẻ noi theo là hết sức quan trọng. Hy vọng rằng, với những vấn đề đã đưa ra sẽ góp phần cho tập thể giáo viên trường mầm non Hoằng Thắng, huyện Hoằng Hóa tiếp tục xây dựng những giá trị chuẩn mực đạt hiệu quả tốt nhất, góp phần định hướng những mầm non tương lai đất nước cũng như góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng của cả hệ thống giáo dục./.
Học viên: Hà Thu Hằng
Lớp: TCLLCT A8-K50
----------------------
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2011, t.1, tr.284
2. Báo cáo đánh giá xếp loại tổ chức Đảng năm 2022 Trường Mầm non Hoằng Thắng
Các tin khác
- Từ những bỡ ngỡ ban đầu đến phút chia xa đầy lưu luyến!
- Thực trạng và giải pháp nâng cao đạo đức công vụ cho đội ngũ cán bộ, y bác sĩ, nhân viên Bệnh viện Đa khoa thành phố Thanh Hóa hiện nay
- Giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên Trường Tiểu học Quảng Nham I
- Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần đưa xã Tam Chung, huyện Mường Lát thoát nghèo nhanh, bền vững
- Một số giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ công chức của Kho bạc Nhà nước khu vực X trong giai đoạn hiện nay
- Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả ứng dụng khoa học công nghệ trong thực hiện nhiệm vụ ở Trường Trung học cơ sở Quảng Châu hiện nay
- Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại Trường Mầm non Trường Sơn
- Trường Mầm non phường Hoằng Đại, thành phố Thanh Hoá học tập tư tưởng Hồ Chí Minh về tinh thần tự lực, tự cường
- Thực trạng và giải pháp phát triển công tác đoàn của Đoàn Thanh niên xã Ngọc Liên, huyện Ngọc Lặc
- Đẩy mạnh chuyển đổi số tại thành phố Sầm Sơn
Liên kết website
Số lượt truy cập
Hôm nay:
932
Hôm qua:
1513
Tuần này:
932
Tháng này:
37430
Tất cả:
5.335.704