NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2024)

Xây dựng tác phong làm việc nêu gương cho cán bộ, giảng viên Trường Trung cấp nghề giao thông vận tải Thanh Hóa

Đăng lúc: 16:13:50 25/12/2023 (GMT+7)86 lượt xem

 Trường Trung cấp nghề giao thông vận tải Thanh Hóa thực hiện chức năng, nhiệm vụ là đào tạo hệ Trung cấp vàSơ cấp nghề theo Quyết định số 847/QĐ-UBND ngày 22/03/2007 của Chủ tịch UBDN tỉnh. Để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên, Nhà trường tập trung nghiên cứu, vận dụng nội dung “Nêu gương” gắn với các cuộc vận động và phong trào thi đua thực hiện nhiệm vụ năm học.
1.png
Trường Trung cấp nghề giao thông vận tải Thanh Hóa
 
Trong suốt cuộc đời cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương đạo đức mẫu mực cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân học tập và noi theo. Tấm gương đạo đức của Người đã đạt tới sự thống nhất chặt chẽ giữa nói và làm, giữa giáo dục đạo đức và nêu gương đạo đức.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “nêu gương” là để mọi người “bắt chước” noi theo. Noi gương chỉ được thực hiện khi có sự nêu gương, có sự “làm mẫu” làm “mực thước” và nêu gương chỉ có giá trị đích thực khi có sự noi gương. Điều đó cũng có nghĩa nêu gương phải là những điều mà cán bộ, đảng viên và quần chúng có thể học được, làm được, “bắt chước” được chứ không phải những điều quá cao siêu.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, thường xuyên nhắc nhở cán bộ, đảng viên: “Tự mình phải chính trước, mới giúp được người khác chính”; “Muốn lãnh đạo vững thì trước hết cán bộ và đảng viên phải có tư tưởng, lập trường vững chắc để lãnh đạo, xung phong làm gương mẫu”. Khi thực hiện nêu gương, trước hết, người đứng đầu cần phải tiên phong làm trước, thực hành trước; bắt đầu từ những việc bình thường trong cuộc sống, lối sống, công việc, từ cách nghĩ cho đến cách làm; đồng thời, cần hướng dẫn mọi người làm theo. Đó chính là tính thuyết phục của sự nêu gương và cũng là giá trị đích thực của việc nêu gương. 
2.png
Đại hội Công nhân viên chức Nhà trường năm 2023
 
Theo đó, cán bộ chủ chốt, người đứng đầu cần phải “làm mẫu” trong cả ba mối quan hệ: đối với mình, đối với người và đối với công việc. Với mình thì không tự cao tự đại; luôn thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Với người thì luôn chân thành, khiêm tốn, đoàn kết, khoan dung. Với công việc thì luôn thực hành nguyên tắc “dĩ công, vi thượng”. Và đạo đức công vụ của người cán bộ không nằm ngoài đạo đức công dân. Họ trước hết phải là một công dân tốt, phải vận động mọi thành viên trong gia đình sống và làm việc theo pháp luật. Nếu người cán bộ không vận động được những người trong gia đình mình sống gương mẫu thì cũng không đủ tư cách vận động quần chúng. Tức là người cán bộ phải biết gương mẫu mọi nơi, mọi lúc, trong công việc cũng như trong cuộc sống đời thường.
Muốn nêu gương, cán bộ, đảng viên phải luôn thực hiện nội dung “làm mẫu” là “nói đi đôi với làm”. Nói đi đôi với làm không chỉ là một chuẩn mực trong đạo đức truyền thống mà còn là chuẩn mực đạo đức công vụ tối thiểu; mang lại cho quần chúng lòng tin và sự tôn trọng đối với người cán bộ. Đây là nguyên tắc trước tiên của sự nêu gương. Muốn rèn luyện được phong cách nói đi đôi với làm, người cán bộ phải thường xuyên tự kiểm điểm, soi xét chính mình, đồng thời phải khuyến khích cấp dưới và quần chúng nhận xét, phê bình, góp ý cho mình, tránh căn bệnh hình thức, bệnh “hữu danh, vô thực”, chạy theo những thứ hào nhoáng bên ngoài.
Cùng với các Đảng bộ, địa phương, cơ quan, đơn vị trong cả nước, Trường Trung cấp nghề giao thông vận tải Thanh Hóa tích cực triển khai các nội dung của Chỉ thị 05-CT/TW về học tập và làm theo Bác. Với biên chế là 235 cán bộ, giảng viên và người lao động (Hiện nay Trường có 15 đồng chí là Thạc sỹ, 139 đồng chí có trình độ Đại học, cao đẳng; 82 đồng chí có trình độ Trung cấp; 02 đồng chí có bằng Cao cấp Lý luận chính trị; 19 đồng chí có bằng Trung cấp Lý luận chính trị; 01 đồng chí là chuyên viên chính và 18 chuyên viên), Trường Trung cấp nghề giao thông vận tải Thanh Hóa thực hiện chức năng, nhiệm vụ là đào tạo hệ Trung cấp nghề, Sơ cấp nghề theo Quyết định số 847/QĐ-UBND ngày 22/03/2007 của Chủ tịch UBDN tỉnh. Để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên, Nhà trường tập trung nghiên cứu, vận dụng nội dung “Nêu gương” gắn với các cuộc vận động và phong trào thi đua. Do đó, để việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách “Nêu gương” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà trường cần đẩy mạnh một số giải pháp sau:
 
a
Khu vực để xe Trường Trung cấp nghề giao thông vận tải Thanh Hóa
 
Một là, mỗi cán bộ, giảng viên, người lao động cần phải xác định trách nhiệm nêu gương của mình. Trước hết là nêu gương về nhận thức để xác định được trách nhiệm của bản thân, phạm vi trách nhiệm; từ đó, luôn xác định phải hoàn thành nhiệm vụ, không được ngại khó, ngại khổ, né tránh, đùn đẩy. Tiếp đó, phải nêu gương về hành động để biến nhận thức thành việc làm cụ thể.
Hai là, đội ngũ giảng viên cần gương mẫu về đạo đức, lối sống, xác định đây là việc làm quan trọng hàng đầu; phải thực hiện tốt “nói đi đôi với làm”, cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
Ba là, gương mẫu, đi đầu trong bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, phong cách lề lối làm việc theo hướng chuyên nghiệp. Từng cán bộ, giảng viên, người lao động phải chịu khó, tích cực, hăng hái trong công việc, tiết kiệm thời gian và các phương tiện phục vụ công tác để đạt hiệu quả cao nhất; xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể trong thực hiện công việc, bảo đảm thời gian theo quy định. Khi đã có kế hoạch thì phải tuân thủ kế hoạch đã đề ra, không được lấy thời gian làm việc công để làm việc tư. Trong thực hiện nhiệm vụ cũng như công tác phối hợp phải có chương trình, kế hoạch một cách khoa học, ngăn nắp, nề nếp. Tuy nhiên, cũng không được cứng nhắc, máy móc, phải linh hoạt, sáng tạo, không ngừng cải tiến, đổi mới để hoàn thành công việc nhanh nhất. Khi thực hiện nhiệm vụ phải bao quát nhiệm vụ của tập thể, nhiệm vụ của đồng nghiệp để cùng phối hợp thực hiện mới hoàn thành tốt nhiệm vụ chung. 
Bốn là, xây dựng môi trường sư phạm giáo dục nghề nghiệp lành mạnh để góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy và rèn luyện đạo đức cho học viên, bởi lẽ, sự tác động vào nhận thức, tình cảm, ý chí của học viên không phải chỉ từ phía chủ thể giáo dục mà còn chịu sự tác động mạnh mẽ của môi trường văn hóa. Phải xây dựng tập thể đoàn kết, hợp tác, thân ái, hết lòng vì học viên. Quyết tâm không để thói hư tật xấu, tiêu cực, trái với chuẩn mực đạo đức xâm nhập vào nhà trường, xây dựng tập thể gương mẫu.
Năm là, nêu gương trong công tác tự phê bình và phê bình, góp ý với đồng nghiệp trên tinh thần hợp tác, xây dựng, chia sẻ và chân thành.
Sáu là, khen thưởng, động viên kịp thời những cán bộ, giảng viên là tấm gương đạo đức để phát huy tinh thần nêu gương và nhân rộng tấm gương điển hình tiên tiến nhằm khích lệ cán bộ, giảng viên, người lao động cùng nhau hăng hái thi đua.
Học tập và làm theo phong cách nêu gương, nói đi đôi với làm của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn có ý nghĩa quan trọng trong mọi hoạt động của Trường Trung cấp nghề giao thông vận tải Thanh Hóa. Với mỗi việc làm nêu gương theo chức trách, nhiệm vụ của mình, mỗi cán bộ, giảng viên, người lao động sẽ đóng góp sức lực và trí tuệ xây dựng Nhà trường ngày một vững mạnh hơn./.
Học viên: Doãn Đăng Bình
Lớp: TCLLCT A6-K51
Đơn vị công tác: Trường Trung cấp nghề giao thông vận tải Thanh Hóa
 
Số lượt truy cập
Hôm nay:
1134
Hôm qua:
1697
Tuần này:
1134
Tháng này:
62814
Tất cả:
4.427.694