THI ĐUA "CHỦ ĐỘNG, ĐỒNG BỘ, ĐỘT PHÁ, KỶ CƯƠNG, CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ" XÂY DỰNG TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH THANH HOÁ ĐẠT CHUẨN TRONG NHÓM CÁC TRƯỜNG DẪN ĐẦU CẢ NƯỚC                                                                                           MỪNG ĐẤT NƯỚC ĐỔI MỚI, MỪNG ĐẢNG QUANG VINH, MỪNG XUÂN ẤT TỴ NĂM 2025!
             
NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 95 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM (03/2/1930 - 03/2/2025)!

75 năm ngày Toàn quốc kháng chiến – nhìn lại vai trò đóng góp của quân và dân Thủ đô Hà Nội

Đăng lúc: 08:12:08 16/12/2021 (GMT+7)418 lượt xem

 ThS. Lê Thị Huyền - Khoa Xây dựng Đảng
Trịnh Hoàng Minh – Khoa Nhà nước và pháp luật
 
Cách đây 75 năm, vào 20 giờ ngày 19-12-1946, quân và dân Thủ đô Hà Nội đã nổ súng mở đầu cuộc kháng chiến toàn quốc.Để giành được thắng lợi trong cuộc chiến đấu 60 ngày đêm và hoàn thành suất sắc nhiệm vụ Trung ương Đảng giao cho, quân và dân Hà Nội đã có sự chuẩn bị hết sức chu đáo trên tất cả các mặt, từ di chuyển các cơ quan, các kho tàng máy móc và dân cư đến nơi an toàn, đến chuẩn bị các thế trận chiến đấu trong Thủ đô. Trên tinh thần chủ động trong công tác chuẩn bị kháng chiến, quân dân Thủ đô xứng đáng là địa phương đầu tiên phát tiếng súng báo hiệu cho toàn quốc kháng chiến đi đến thắng lợi toàn quốc.
Về di chuyển các cơ quan,Thủ đô Hà Nội là địa bàn trọng yếu, nơi tập trung các cơ quan đầu não kháng chiến. Vấn đề bảo vệ các cơ quan đầu não của Đảng và Nhà nước là nhiệm vụ rất quan trọng. Nhiệm vụ lịch sử đó do Trung ương Đảng chỉ đạo, phối hợp với quân và dân Thủ đô thực nhiệm. Để chuẩn bị cho ngày toàn quốc kháng chiến, quân và dân Thủ đô đã di chuyển toàn bộ cơ quan Trung ương của Đảng và Nhà nước bí mật rời đến các an toàn khu. Lãnh tụ Hồ Chí Minh cùng với Ban Thường vụ, Tổng chỉ huy, Bộ tham mưu đã luân chuyển đến các an toàn khu trong vàng đai cách nội đô 10 đến 15km, ở Vạn Phúc-Hà Đông, Viên Nội-Thanh Oai, Hà Đông, chùa Thầy, Cần Kiệm-Quốc Oai, Sơn Tây, sau đó mới chuyển lên Việt Bắc. Trước khi cuộc kháng chiến nổ ra, toàn bộ cơ quan Trung ương của Đảng ở Hà Nội cơ bản đã được chuyển lên những vùng an toàn khu: Việt Bắc, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Cạn.
Về di chuyển thiết bị, nguyên vật liệu. Từgiữa năm 1946, quân và dân Hà Nộiđã bắt đầu tiến hành di chuyển kho tàng, máy móc, nguyên vật liệu, lương thực thực phẩm ra khỏi Thủ đô. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Lương Bằng, quân và dân Thủ đô đã tổ chức di chuyển hàng nghìn tấn máy móc, nguyên vật liệu, các thiết bị chủ yếu của xưởng A-vi-a, Ba-lô, Nam Phong, Chi-Nê... từ Hà Nội về Việt Bắc. Đến đầu năm 1947, quân và dân Thủ đô thực hiện tổng di chuyển các cơ quan, các kho tàng, máy móc về an toàn khu để xây dựng lực lượng chuẩn bị cho cuộc kháng chiến trường kỳ.
Về công tác tản cư, di dân bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân. Thực hiện cuộc tổng di chuyển ở địa bàn Hà Nội, Ủy ban tản cư và di dân ở Hà Nội đượcthành lập, do đồng chí Tạ Hoàng Cơ tổ chức, chỉ đạo. Khó khăn nhất là công tác vận động dân đi tản cư. Những người già và trẻ em thì chấp thuận đi tản cư trước nhưng những gia đình tiểu thương, buôn bán lớn, các gia đình khá giả ở Hà Nội thì không dễ dàng bỏ lại tài sản để đi tản cư. Do vậy, việc tổ chức tản cư ở Hà Nội kéo dài đến sau ngày Toàn quốc kháng chiến. Trước khi chiến sự nổ ra, khoảng sáu nghìn đồng bào và hàng nghìn ngoại kiều, phần lớn là người Hoa tản cư đã di chuyển đến những nơi an toàn như Canh, Phùng, Hà Đông, Chương Mỹ... Tổng kết quả của công tác tản cư là khoảng hơn một triệu cán bộ, chiến sĩ, nhân dân cũng đã được tản cư, di chuyển an toàn về các vùng căn cứ và tự do.
Có thể nói, trong điều kiện vô cùng khẩn trương, ác liệt, việc tổ chức thành công cuộc di chuyển, tản cư là một thành tích rất lớn của quân và dân Thủ đô Hà Nội. Cuộc di chuyển tại địa bàn Hà Nội thực sự là một cuộc tổng di chuyểnchiến lược. Thành quả của cuộc tổng di chuyển, tản cư của quân dân Thủ đô đã góp phần bảo toàn được nhân lực, vật lực của cả dân tộc, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ chống thực dân Pháp xâm lược.
Đồng thời với công tác tổng di chuyển ra khỏi Hà Nội, quân và dân Thủ đô đã ráo riết chuẩn bị kế hoạch kháng chiến ngay trong lòng Thủ đô. Tháng 11 năm 1946, Trung ương Đảng chia cả nước thành 12 chiến khu; Hà Nội là chiến khu XI; cThành phố trở thành trận địa. Hà Nội đã củng cố kiện toàn lực lượng vũ trang Thủ đô gồm ba thứ quân (Vệ quốc đoàn, Tự vệ chiến đấu thành Hoàng Diệu, tự vệ rộng rãi ở các nhà máy, xí nghiệp, khu phố, làng, xã). Hà Nội “luôn luôn sẵn sàng chiến đấu cao độ, không được bị động để địch đánh úp bất ngờ”[1]. Hà Nội chuẩn bị kế hoạch rất chu đáo để chiến đấu trong Thành phố. Từ tháng 8 năm 1946, quân và dân Thủ đô tích cực phá hoại đường sá để ngăn chặn địch, như: đắp ụ, đóng cọc, đào đường, đào hầm hố, phá cầu cống...Lực lượng Vệ quốc đoàn, tự vệ chiến đấu, tự vệ Thành, công an xung phong, các đội cảm tử, các tổ du kích đặc biệt luôn bám sát địch và chặn đánh địch khắp nơi làm cho địch hoang mang, luôn bị động chống đỡ. Đến đầu tháng 12 năm 1946, công tác chuẩn bị tác chiến ở Hà Nội được tiến hành gấp rút hơn. Những người tản cư thì hăng hái tản cư theo sự chỉ đạo của Ủy ban tản cư Hà Nội, theo đúng tinh thần “tản cư cũng là kháng chiến”; còn những người ở lại trong nội thành tích cực tham gia đào giao thông hào, chiến lũy, đục tường nhà, đắp ụ chiến đấu. Thanh niên vào các đội tuyên truyền thông tin điện đài và tiếp tục tham gia tự vệ. Từ học sinh, công chức, công nhân, thợ xẻ, thợ may, thợ điện, thợ hỏa xa cho đếncác em bé, cô sen, người dân buôn bán nhỏ... tất cả đều hăng hái tham gia công tác chuẩn bị kháng chiến, nhất là lực lượng công nhân Hà Nội. Ở hầu hết các nhà máy, công xưởng, xí nghiệp, công nhân đều thành lập các đội tự vệ hoặc tham gia nhập Vệ quốc đoàn, công an xung phong. Đây cũng là lực lượng chủ chốt tham gia di chuyển thiết bị, máy móc, lương thực của Hà Nội về các an toàn khu. Công nhân ở tất cả các ngành nghề đều tham gia chuẩn bị cho ngày toàn quốc kháng chiến với tinh thần khẩn trương, hăng hái và quyết tâm cao. Như vậy, trước ngày toàn quốc kháng chiến, quân và dân Thủ đô cơ bản xây dựng xong thế trận “trong đánh - ngoài vây”[2] trong lòng Thủ đô. Hà Nội đã trở thành một chiến lũy, quân và dân thủ đô Hà Nội đã sẵn sàng cho ngày toàn quốc kháng chiến.
Thời gian càng lùi xa, chúng ta càng nhận thức sâu sắc hơn về tầm vóc cũng như giá trị lịch sử ngày toàn quốc kháng chiến (19/12/1946). Sự kiện đã góp phần khẳng định đường lối chính trị, đường lối quân sự độc lập, tự chủ, đúng đắn, sáng tạo của Đảng Cộng sản Đông Dương trong cuộc đụng đầu lịch sử với thực dân Pháp. Mặt khác, thắng lợi của toàn quốc kháng chiến là thắng lợi đầu tiên trong cuộc trường chinh 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc (1945-1975), tạo cơ sở vững vàng cho ta giành được thành quả cách mạng trong những chặng đường tiếp theo.Để làm nên thắng lợi đó không thể không kể đến vai trò của quân và dân Thủ đô trong sự chuẩn bị cho ngày Toàn quốc kháng chiến.
75 năm qua là khoảng thời gian không dài so với hàng nghìn năm lịch sử dân tộc, nhưng chỉ với từng ấy thời gian, Hà Nội đã trải qua biết bao thăng trầm và đã có bước chuyển mình lớn lao chưa từng có. Hà Nội hôm nay không chỉ đóng vai trò là Thủ đô của đất nước mà còn là cầu nối quan trọng để đất nước hội nhập với cộng đồng quốc tế. Hà Nội không chỉ là biểu tượng của nền văn hiến Việt Nam, là nơi hội tụ của văn minh Đại Việt mà còn là nơi kết tinh những giá trị cao đẹp của thời đại Hồ Chí Minh. Hà Nội không chỉ trở thành một trung tâm kinh tế trọng điểm, mà còn là nơi khởi nghiệp của nhiều giá trị tinh hoa trong nước và quốc tế, thu hút nhiều tập đoàn, nhà đầu tư danh tiếng hàng đầu thế giới và là động lực tăng trưởng quan trọng trong tiến trình hội nhập và toàn cầu hóa của cả nước. Thành quả ấy có được cũng là nhờ Đảng bộ và Nhân dân Hà Nội đã vận dụng sáng tạo những bài học quý báu được đúc kết từ kinh nghiệm trong ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946); từ cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc và cũng là nhờ Đảng gắn bó máu thịt với dân, luôn được Nhân dân đặt trọn niềm tin. 
Đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn ra trên phạm vi toàn thế giới cũng như nước ta, trong đó có Thủ đô Hà Nội, gây thiệt hại lớn tới tất cả các lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, song phát huy truyền thống cách mạng của Thủ đô ngàn năm văn hiến, anh hùng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô đã sớm dự báo, chủ động, bản lĩnh, linh hoạt, sáng tạo, bình tĩnh trong mọi tình huống để có các chủ trương và quyết sách đúng, trúng với tinh thần quyết liệt, phù hợp tình hình thực tiễn của thành phố, với mục tiêu bảo vệ sức khỏe, tính mạng của Nhân dân là trên hết, là trước hết, quyết tâm bảo vệ bằng được Thủ đô, không để dịch bệnh lây lan rộng. Cùng đó là sự vào cuộc hiệu quả của cả hệ thống chính trị, Nhân dân Thủ đô, cộng đồng doanh nghiệp, các lực lượng tuyến đầu, các tình nguyện viên, Hà nội cùng hướng về một cuộc sống trong trạng thái bình thường mới./.
 
Tài liệu tham khảo
1. Bộ quốc phòng, Viện Khoa học xã hội Việt Nam: 60 năm toàn quốc kháng chiến, ký ức lịch sử và bài học kinh nghiệm xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2007.
2. PGS.TS Vũ Như Khôi: 60 năm toàn quốc kháng chiến (1946-2006), Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2006.
3. Ngô Hoàng Nam: Vài nét về cuộc tản cư, di cư nhân dân ở Bắc Bộ trong những năm đầu toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 1/2013
4. Võ Nguyên Giáp: Chiến đấu trong vòng vây, NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1995.


[1] PGS.TS Vũ Như Khôi: 60 năm toàn quốc kháng chiến (1946-2006), Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2006, tr. 173.
[2]Võ Nguyên Giáp: Chiến đấu trong vòng vây, NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1995, tr.40.
Số lượt truy cập
Hôm nay:
118
Hôm qua:
2301
Tuần này:
4740
Tháng này:
12661
Tất cả:
5.105.170