HƯỞNG ỨNG NGÀY SÁCH VÀ VĂN HOÁ ĐỌC VIỆT NAM (21/4/2021 - 21/4/2024)

Bồi dưỡng cán bộ dự nguồn BCH Đảng bộ và các chức danh lãnh đạo chủ chốt cấp huyện, nhiệm kỳ 2020 - 2025, 2021 – 2026 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa - sức lan tỏa từ một mô hình

Đăng lúc: 13:18:42 27/11/2019 (GMT+7)571 lượt xem

ThS. Trần Thị Ngọc Diệp -  Phó Hiệu trưởng
ThS. Nguyễn Ngọc Thắng - PTP QLĐT & NCKH
 
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Cán bộ là gốc của mọi công việc1, “muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém2 và “huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng3 khẳng định tầm quan trọng của đội ngũ cán bộ, trong quá trình phát triển, Đảng ta cũng đã chỉ rõ: Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng; công tác cán bộ là khâu “then chốt” của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là công việc hệ trọng của Đảng, phải được tiến hành thường xuyên, thận trọng, khoa học, chặt chẽ và hiệu quả. Để thực hiện nhiệm vụ này, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có vai trò hết sức quan trọng.
Xuất phát từ yêu cầu phát triển, tỉnh Thanh Hóa xác định cần tập trung thực hiện 5 trụ cột tăng trưởng: (1) phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo; (2) phát triển du lịch; (3) phát triển nông nghiệp công nghệ cao; (4) phát triển y tế chất lượng cao; (5) đô thị hóa và cơ sở hạ tầng với trọng tâm là khu kinh tế trọng điểm Nghi Sơn. Hơn nữa, từ yêu cầu phát triển toàn diện với nhịp độ cao, đòi hỏi các cấp chính quyền phải thực sự đổi mới, sáng tạo, nhạy bén trong chỉ đạo, điều hành, chú trọng cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh…tạo sự bứt phá đưa Thanh Hóa trở thành tỉnh khá của cả nước vào năm 2020 và trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030. Để thực hiện nhiệm vụ này, nhân tố quyết định là chất lượng đội ngũ cán bộ. Do vậy, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, trong đó xác định nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là yêu cầu vừa có tính chiến lược vừa có tính quyết định đối với sự phát triển. Đặc biệt đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý và cán bộ dự nguồn các chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp của tỉnh là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Theo đó, năm 2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức bồi dưỡng 02 lớp cán bộ dự nguồn Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025, 2021-2026. Đây là mô hình lớp học bồi dưỡng phát huy cao nhất sự gắn kết giữa hoạt động dạy và học, giữa công tác quản lý và trách nhiệm của người học, gắn kết giữa chất lượng đào tạo và hiệu quả đào tạo. Thành công của 02 lớp học đã tạo dấu ấn tốt đẹptrong cán bộ, giảng viên và học viên tham gia lớp học, đồng thời tạo hiệu ứng lan tỏa về đổi mới quản lý, giảng dạy và phục vụ đối với các lớp đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường.
Tiếp nối thành công từ 02 lớp bồi dưỡng cán bộ dự nguồn cấp tỉnh, Trường Chính trị đã chủ động phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy đề xuất và được Thường trực Tỉnh ủy đồng ý chủ trương mở các lớp bồi dưỡng cán bộ dự nguồn Ban Chấp hành Đảng bộ và các chức danh lãnh đạo chủ chốt cấp huyện, nhiệm kỳ 2020-2025, 2021- 2026 trên toàn tỉnh.
Với quyết tâm xây dựng Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa trở thành trung tâm chất lượng cao về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh, ở khu vực và trên cả nước, xây dựng trường chính trị chuẩn, trường chính trị mẫu, trên cơ sở định hướng của tỉnh, năm 2019 nhà trường đã tổ chức thực hiện mô hình bồi dưỡng cán bộ dự nguồn Ban Chấp hành Đảng bộ và các chức danh lãnh đạo, chủ chốt cấp huyện, nhiệm kỳ 2020 - 2025, 2021 - 2026 (sau đây gọi tắt là các lớp nguồn cấp huyện). Trong tổng số 27 huyện, thị, thành phố, đến thời điểm hiện tại (tháng 10/2019), có 18 lớp đã hoàn thành chương trình bồi dưỡng (tương ứng với 18/27 huyện, thị, thành phố, mỗi đơn vị cấp huyện mở 01 lớp); 05 lớp đang thực hiện chương trình và 04 huyện còn lại đã được Thường trực Tỉnh ủy phê duyệt và sẽ được tổ chức lớp vào tháng 11/2019. Phấn đấu đến hết năm 2019 hoàn thành 100% các lớp nguồn cấp huyện.
Để thực hiện nhiệm vụ mở lớp, nhà trường đã phối hợp chặt chẽ với các Ban xây dựng Đảng của tỉnh, Ban Thường vụ các huyện, thị, thành ủy trong toàn tỉnh để: i) xác định nhu cầu bồi dưỡng; ii) xây dựng chương trình bồi dưỡng phù hợp với yêu cầu và nhu cầu bồi dưỡng; iii) xây dựng kế hoạch mở lớp phù hợp với từng địa phương. Theo đó, chương trình bồi dưỡng được xây dựng đảm bảo tính khoa học, chương trình được thiết kế gồm 21 chuyên đề với 03 nhóm kiến thức: i) nhóm kiến thức mới về lý luận của chủ nghĩa Mác –Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, quan điểm mới của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội; ii) nhóm kiến thức về khoa học lãnh đạo, quản lý; iii) nhóm kiến thức về kinh nghiệm thực tiễn trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, xử lý tình huống chính trị ở các địa phương.Trong đó, chú trọng tính đặc thù của từng địa phương để bổ sung những chuyên đề phù với đặc điểm tình hình (chẳng hạn với lớp nguồn Thành phố Sầm Sơn đã bổ sung chuyên đề về Phát triển du lịch bền vững, xây dựng hình ảnh con người đô thị du lịch Sầm Sơn; với lớp nguồn Thành phố Thanh Hóa bổ sung chuyên đề về Giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý đô thị ở thành phố Thanh hóa hiện nay; với lớp nguồn huyện Quảng  Xương bổ sung chuyên đề về Kiến thức chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”- (OCOP) trong điều kiện hiện nay).
Công tác biên soạn tài liệu bồi dưỡng được triển khai thực hiện trước khi mở lớp là 12 tháng, với cách làm bài bản, đảm bảo tính khoa học, sát thực tiễn và phù hợp với đối tượng, nhà trường phân công các nhóm giảng viên biên soạn các chuyên đề theo nhóm chuyên môn. Từ khâu thẩm định các chuyên đề đến khâu thông qua giáo án, phương án giảng dạy cũng được tổ chức bài bản, nghiêm túc, mỗi chuyên đề được tổ chức góp ý, thông qua từ 2- 3 lần. Cùng với đó, yêu cầu và tổ chức cho giảng viên dạy thử trực tiếp trên các lớp đang học tại trường, hội đồng đánh giá góp ý cho giảng viên hoàn thiện bài giảng. Đây là hoạt động thể hiện sự tâm huyết và trách nhiệm cao của nhà trường nhằm hiện thực hóa chủ trương nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng.
          Công tác tổ chức mở lớp được tổ chức theo mô hình: 3 mục tiêu, 3 nội dung, 3 hoạt động. Trong đó, 3 mục tiêu: i) nâng cao nhận thức, niềm tin và trách nhiệm chính trị; ii) phát triển tư duy, tầm nhìn, văn hóa lãnh đạo, quản lý; iii) hoàn thiện phương pháp luận khoa học, kỹ năng xử trí những vấn đề thực tiễn. 3 nội dung là: i) cập nhật kiến thức mới về lý luận của chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, quan điểm mới của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển kinh tế- xã hội; ii) trang bị kiến thức về khoa học lãnh đạo quản lý; iii) kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, phát triển kinh tế xã hội, xử lý các tình huống chính trị ở các địa phương, cơ sở. 3 hoạt động (học chuyên đề tại lớp - đi nghiên cứu thực tế - tọa đàm, trao đổi những kinh nghiệm cần rút ra) được triển khai là: bên cạnh việc tổ chức thực hiện các chuyên đềtrên lớp, để giúp cho học viên nhận thức đúng đắn, đầy đủ, toàn diện và sâu sắc hơn về những vấn đề mới, vấn đề khó, những chương trình trọng tâm, các khâu đột phá, các trụ cột chiến lược phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt là những vấn đề cấp ủy, chính quyền và Nhân dân quan tâm, nhà trường đã chủ trì phối hợp với các huyện, thị, thành ủy lựa chọn các nội dung thực tiễn đang đặt ra, như: cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; giải phóng mặt bằng; kinh nghiệm và giải pháp, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của cấp ủy cấp huyện; xây dựng hình ảnh tốt đẹp của đội ngũ lãnh đạo quản lý; phát triển nông nghiệp công nghệ cao; vấn đề môi trường ở Thanh Hóa - cơ sở lý luận và thực tiễn;…để tổ chức thảo luận, tọa đàm và hội thảo khoa học làm sâu sắc thêm những vấn đề lý luận và thực tiễn. Hoạt động nghiên cứu thực tế được tổ chức đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung như: Nghiên cứu tìm hiểu, học tập các mô hình, điển hình về phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, về quản lý, xây dựng văn hóa du lịch; nghiên cứu mô hình trồng cây ăn quả trên đất dốc đối với một số huyện miền núi; nghiên cứu tư vấn, giải đáp, hỗ trợ cho cấp ủy, chính quyền địa phương…Điểm nổi bật của các mô hình nghiên cứu thực tế giúp cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý của các địa phương đi sâu, đi sát cơ sở, nắm bắt được dân sinh, thấu hiểu được dân tình, tổng hợp được dân ý, từ đó xây dựng, phát triển mối quan hệ gắn bó với Nhân dân, xây dựng ý thức tôn trọng, phát huy và chăm lo đời sống Nhân dân. Sự kết hợp nhuần nhuyễn cả 3 hoạt động trong khóa học với sự kích hoạt đổi mới khâu then chốt quản lý theo đúng định hướng của Tỉnh ủy: kỷ cương hơn, tự giác hơn và chất lượng, hiệu quả cao hơn…đã tạo dựng được mô hình bồi dưỡng cán bộ hoàn hảo nhất, tiêu biểu nhất từ trước đến nay.
Việc đổi mới phương pháp giảng dạy và công tác quản lý lớp, đánh giá kết quả học tập của học viên cũng là những khâu được nhà trường hết sức chú trọng. Xác định được tham gia giảng dạy các lớp nguồn cấp huyện là một trọng trách, nhưng cũng là niềm vinh dự và tự hào đối với mỗi giảng viên, vì lẽ đó, mỗi giảng viên đã phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, trăn trở với từng nội dung kiến thức bài giảng, lựa chọn, chắt lọc kiến thức, cắt nghĩa các vấn đề lý luận, tăng tính hấp dẫn, tính thực tiễn của mỗi chuyên đề. Trong thực hiện bài giảng, đã thực hiện tối đa phương pháp giảng dạy tích cực, chú trọng gợi mở, định hướng, phát huy tính chủ động của học viên thảo luận những vấn đề thực tiễn đang đặt ra ở các địa phương. Từ đó, tạo được không khí sôi nổi của lớp học, phát huy tối đa việc lĩnh hội kiến thức, học viên rất hài lòng về tính thiết thực, ý nghĩa của chương trình bồi dưỡng.
Đối với công tác quản lý, Ban quản lý lớp đã quán triệt, phổ biến nội quy, quy chế lớp học ngay từ đầu khóa học để học viên xác định thái độ, trách nhiệm, chủ động thu xếp thời gian, công việc hợp lý khi tham gia học tập. Trong khóa học, học viên viết 02 bài thu hoạch trên cơ sở nhận thức nội dung kiến thức các chuyên đề và vận dụng vào thực tiễn; viết đề án tốt nghiệp theo vị trí việc làm của từng học viên, đặc biệt nhiều học viên viết về một ý tưởng, giải pháp cho công việc của chính họ nên đề án có giá trị thực tiễn cao, có khả năng ứng dụng vào công việc ở mỗi vị trí công tác của học viên. Điểm mới trong đánh giá kết quả khóa học, nhà trường phối hợp với Ban Thường vụ các huyện, thị, thành phố lựa chọn 10% học viên tiểu biểu, bình chọn lớp tiêu biểu và tiêu biểu kiểu mẫu để tặng Giấy khen. Với cách làm này, tạo được không khí thi đua trong học viên và giữa các lớp với nhau, đây cũng là một trong những điểm mới của lan tỏa.
           Có thể khẳng định, lớp bồi dưỡng cán bộ dự nguồn Ban Chấp hành Đảng bộ và các chức danh lãnh đạo chủ chốt cấp huyện, nhiệm kỳ 2020 - 2025, 2021 - 2026 là mô hình kiểu mẫu về các mặt: (1) mô hình lớp học tiêu biểu cho tinh thần học tập tự giác, cầu thị, nghiêm túc, kỷ cương, kỷ luật cao trong học tập; (2) kiểu mẫu về sự gắn kết giữa đào tạo, quy hoạch và sử dụng cán bộ; (3) kiểu mẫu trong thực hiện phương châm gắn học với hành, lý luận gắn liền với thực tiễn, giữa bồi dưỡng, nâng cao phẩm chất, năng lực và uy tín cán bộ; (4) kiểu mẫu về kỷ cương trong giảng dạy theo phương pháp tích cực, trong quản lý và phục vụ; (5) kiểu mẫu về chất lượng và hiệu quả trong đào tạo, bồi dưỡng. Kết thúc các lớp nguồn cấp huyện học viên nhận thức sâu sắc hơn trách nhiệm chính trị, trách nhiệm xã hội của bản thân đối với cấp ủy, chính quyền và Nhân dân; mỗi địa phương đều phấn khởi, tin tưởng có lực lượng tham mưu có kiến thức hơn, sáng tạo hơn, quyết tâm, quyết liệt hơn với sự nghiệp đổi mới ở địa phương. Thành công của các lớp bồi dưỡng cán bộ dự nguồn Ban Chấp hành Đảng bộ và các chức danh lãnh đạo, chủ chốt cấp huyện đã thể hiện sự quan tâm lãnh, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh; sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường với các ban, sở, ngành và các địa phương trong tỉnh. Đây là mô hình không chỉ khẳng định sức sáng tạo trong việc xây dựng mô hình bồi dưỡng mà còn tạo ra sức ảnh hưởng lớn, lan tỏa về tinh thần tự giác, kỷ cương trong học tập lý luận chính trị; mở ra mối quan hệ tốt đẹp giữa nhà trường với các địa phương và học viên trước, trong và sau đào tạo, bồi dưỡng, gắn kết giữa công tác quy hoạch, đào tạo và sử dụng cán bộ. Thành công của mô hình bồi dưỡng cán bộ nguồn không chỉ đánh dấu một quá trình đổi mới và phát triển mà còn mở ra cơ hội để học gắn liền với hành, giữa lý luận với thực tiễn, giữa niềm tin của Đảng và mong mỏi của Nhân dân về một thế hệ cán bộ mới tràn đầy khát vọng xây dựng Thanh Hóa trở nên tỉnh kiểu mẫu như sinh thời Bác Hồ kính yêu từng mong muốn, một Thanh Hóa tỏa sáng cùng non sông đất nước với khát vọng thịnh vượng./.
 
Chú thích
1, 2, 3. Hồ Chí Minh (2011) Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG-ST, Hà Nội, Tr. 309, 280, 309.
  
Số lượt truy cập
Hôm nay:
50
Hôm qua:
1983
Tuần này:
10363
Tháng này:
42009
Tất cả:
4.406.889