NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 114 NĂM NGÀY QUỐC TẾ PHỤ NỮ 8/3 ( 8/3/1910 – 8/3/2024) VÀ 1984 NĂM KHỞI NGHĨA HAI BÀ TRƯNG!

Bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ địa phương - Hợp tác cùng phát triển

Đăng lúc: 10:44:17 18/09/2016 (GMT+7)1016 lượt xem

Lương Trọng Thành
Tỉnh ủy viên, Hiệu trưởng
 
        Thanh Hóa đang đặt ra mục tiêu trở thành tỉnh khá của cả nước vào năm 2020 và cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030. Đó là quyết tâm lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thanh Hóa, vấn đề được thảo luận sâu và thống nhất hành động tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020.
Tuy nhiên, hiện nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế của Thanh Hóa. Vậy phải làm gì, và làm như thế nào để hiện thực mục tiêu đó, là yêu cầu đặt ra hết sức khắt khe, có thể xem như một “mệnh lệnh” chính trị đối với cả tỉnh. Với chức năng, nhiệm vụ, thế mạnh của mình, mỗi ngành, mỗi địa phương, cơ quan trong tỉnh hơn lúc nào hết, cần phải bám sát Nghị quyết Đại hội, đa dạng hóa các hoạt động của mình, để có những việc làm, sự hợp tác phù hợp, thiết thực, để cùng biến mục tiêu lớn của tỉnh thành hiện thực.
Và rõ ràng, để trở thành một tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại như mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đã đề ra, phải tiếp tục thay đổi cách nghĩ, cách làm, chuyển dần diện tích canh tác nông nghiệp sang sản xuất hàng hóa tập trung, đầu tư vào những ngành công nghiệp mũi nhọn, có lợi thế, đặc biệt chú trọng, tạo điều kiện cho những “đầu tầu” công nghiệp phát triển.
Trong 4 trung tâm công nghiệp hiện tại của Thanh Hóa là Lam Sơn - Sao Vàng, Bỉm Sơn - Thạch Thành, Nghi Sơn - Bãi Trành và thành phố Thanh Hóa, thì Khu kinh tế Nghi Sơn đã có sự xuất hiện của công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến lớn, trong đó Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn được xem là “trái tim” - trung tâm để thu hút công nghiệp phụ trợ cho khu kinh tế.
Nhưng trước tiên, muốn những dự án như Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn phát triển đảm bảo cả về tiến độ, giá trị về kinh tế lẫn đảm bảo cam kết về lợi ích dân sinh, phải cần đến sự chung tay, chia sẻ, cộng đồng trách nhiệm của nhiều cấp, ngành, đặc biệt là chính quyền nơi dự án đứng chân.
Để làm tốt nhiệm vụ đó, trước tiên chính quyền phải có nguồn cán bộ chất lượng trong thực thi công vụ, có thể cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước và chính sách của địa phương vào thực tiễn cuộc sống. Tuy nhiên, là khu vực khó khăn, người dân ít có điều kiện học tập, nâng cao dân trí, bên cạnh đó ngành nghề truyền thống từ bao đời chủ yếu là nghề nông, ngư nghiệp; thực tế đó đã và đang đặt ra những thách thức cho cấp ủy, chính quyền trong việc triển khai thực hiện dự án.
Từ thực tế đặt ra, đòi hỏi việc bồi dưỡng nâng cao nhận thức, trình độ cho cán bộ địa phương để đáp ứng yêu cầu công việc khắt khe trong giai đoạn mới đang trở thành nhiệm vụ có yếu tố sống còn với nhiều địa phương trong Khu kinh tế Nghi Sơn, đặc biệt là trong vùng triển khai thực hiện Dự án Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn.
Thực hiện tốt nhiệm vụ này, cũng chính là các địa phương và cơ sở đào tạo đã góp phần từng bước cụ thể hóa Chương trình đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực của tỉnh cũng như chung tay, góp sức cho Chương trình phát triển Khu kinh tế Nghi Sơn - là 2 trong 5 chương trình trọng tâm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XVIII.
Yêu cầu là rất rõ ràng, có tính cấp thiết, nhưng không phải địa phương nào cũng đủ nhận thức, khả năng, kinh nghiệm lẫn kinh phí để tự thực hiện nhiệm vụ đó. Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện, các trung tâm học tập cộng đồng xã cũng chưa thể làm được điều đó. Để có nguồn cán bộ trình độ cao hơn đáp ứng kịp thời yêu cầu đặt ra tại cơ sở, cán bộ cần phải được bồi dưỡng ở những cơ sở đào tạo uy tín, và Trường Chính trị tỉnh - một trung tâm đào tạo, bồi dưỡng nguồn cán bộ chất lượng của tỉnh với bề dày gần 70 năm nghiên cứu, giảng dạy, đã trở thành địa chỉ để Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn, chính quyền huyện Tĩnh Gia lựa chọn làm đơn vị hợp tác thực hiện Dự án “Bồi dưỡng năng lực cán bộ địa phương” cho các phòng, ban, đoàn thể của huyện Tĩnh Gia và 4 xã trong vùng ảnh hưởng bởi Dự án Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn là Hải Yến, Tĩnh Hải, Mai Lâm và Nguyên Bình.
          Thực hiện dự án thể hiện tinh thần chủ động, trách nhiệm, chung tay, góp sức của Trường Chính trị cùng với Đảng bộ, chính quyền, các cấp, các ngành và nhân dân trong tỉnh quyết tâm triển khai thành công Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn và vì sự phát triển Khu kinh tế Nghi Sơn trở thành trung tâm đô thị công nghiệp và dịch vụ ven biển trọng điểm của cả nước; đồng thời coi đây là môi trường thực tiễn sinh động để cán bộ, giảng viên nhà trường nâng cao trình độ quản lý, phục vụ và giảng dạy, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra trong thời kỳ đẩy mạnh thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Nội dung, nhiệm vụ chủ yếu của dự án là nhà trường tổ chức triển khai 3 hợp phần, gồm: Bồi dưỡng Tiếng Anh cơ bản, Bồi dưỡng Tin học nâng cao và Bồi dưỡng  kỹ năng mềm. Theo đó, nhận thức của nhà trường đối với dự án quan trọng này, không chỉ trang bị cho học viên về trình độ Tiếng Anh cơ bản; kỹ năng tin học nâng cao để thuận lợi trong giao tiếp, tạo ra công cụ hữu hiệu để xử lý công việc kịp thời, chính xác; còn trang bị kiến thức, rèn luyện và phát triển các kỹ năng lãnh đạo, quản lý cho cán bộ, từ đó góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, có khả năng vận dụng sáng tạo kiến thức vào thực tiễn công tác, nâng cao trách nhiệm trong thực thi công vụ, tăng cường ý thức phục vụ nhân dân. Từ đó, đội ngũ cán bộ sẽ thích nghi hơn, đáp ứng yêu cầu trong việc kết nối với các dự án của Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn cũng như tạo điều kiện tốt hơn cho các hoạt động của dự án; chuyển hóa thành phương pháp, tác phong làm việc gần gũi với nhân dân để giải quyết được những bức xúc đang diễn ra trong việc tái định cư liên quan đến phong tục, tập quán, tín ngưỡng, lối sống, các tranh chấp dân sự… cũng như nhiệm vụ khơi nguồn sinh kế lâu dài cho nhân dân tại nơi ở mới - vấn đề có tính cốt tử ở bất cứ địa bàn tái định cư nào.
Với kinh nghiệm qua thực tế bồi dưỡng “kỹ năng mềm” cho cán bộ của nhiều huyện trong tỉnh, học viên sau khi học đã phát huy tốt kiến thức, kỹ năng trong giải quyết công việc tại các địa phương, vì vậy đang trở thành thế mạnh - một “thương hiệu” của Trường Chính trị tỉnh. Căn cứ vào yêu cầu đang đặt ra tại các xã, “kỹ năng mềm” mà Trường Chính trị tỉnh trang bị cho học viên ở các lớp học này được xác định là: Bồi dưỡng kỹ năng về thuyết trình; giao tiếp công sở; tổ chức và điều hành hội nghị; xây dựng chương trình, kế hoạch; kỹ năng làm việc nhóm; kỹ năng tiếp công dân và giải quyết các khiếu nại - tố cáo của công dân liên quan đến chính quyền cấp huyện, xã.
Để thực hiện thành công dự án quan trọng và ý nghĩa này, nhà trường đã chú trọng hợp tác điều tra, khảo sát, phân tích, đánh giá, nắm chắc nhu cầu, điều kiện và năng lực thực tiễn của 3 bên để xây dựng kế hoạch triển khai dự án đảm bảo tính khả thi. Trong đó có nhiều điểm nhấn quan trọng mà lần đầu tiên nhà trường đổi mới và thực hiện đồng bộ từ việc xây dựng chương trình phù hợp đối tượng, sát với thực tiễn công việc đang diễn ra tại địa phương, những vấn đề địa phương đang cần, chứ không phải là cái nhà trường có; đổi mới phương pháp, mô hình dạy – học, tăng cường sự kết nối giữa giáo viên và học viên trước, trong và sau học tập; đổi mới đánh giá, phục vụ từ tài liệu, giáo trình đến phòng học, điều kiện học nhằm tạo ra môi trường học tập tốt nhất cho học viên. Phải để học viên thấy hài lòng, thấy cần thiết phải học và tự nguyện học. Cùng với học trên lớp là tổ chức các chuyến nghiên cứu thực tế, hội thảo khoa học với những chủ đề thiết thực, vấn đề học viên cần, thực tế cuộc sống tại vùng dự án đang đặt ra và câu thúc. …Bên cạnh đó, nhà trường đã tăng cường phối hợp trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện và đánh giá rút kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện dự án. Những việc làm không chỉ thể hiện tính nghiêm túc trong suy nghĩ, còn là sự tôn trọng, nhất quán trong hợp tác.
Có thể khẳng định, việc hợp tác thực hiện dự án giữa Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn, chính quyền địa phương và Trường Chính trị tỉnh là một quá trình hợp tác chia sẻ, để cùng nâng cao năng lực - kết nối tầm nhìn, cùng bổ khuyết cho nhau bởi mục tiêu chung vì sự phát triển của một dự án trọng điểm - “trái tim” trong Khu kinh tế động lực ở vùng Nam Thanh - Bắc Nghệ.        
Với một quyết tâm, sự thống nhất về ý chí và hành động, chương trình hợp tác bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ địa phương đã đáp ứng yêu cầu thực hiện các vấn đề an sinh xã hội trong thời gian trước mắt và cả lâu dài cho 4 xã trong khu vực ảnh hưởng bởi Dự án Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã được xác lập giữa 3 bên: Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn - là chủ đầu tư, Trường Chính trị tỉnh - là đơn vị thực hiện và UBND huyện Tĩnh Gia - địa phương được thụ hưởng kết quả từ dự án.
Dự án đã hoàn thành với kết quả tốt đẹp và có ý nghĩa quan trọng. Trước hết, đối với học viên: Sau khoá học đã được nâng cao về nhận thức, trách nhiệm; nâng cao về kiến thức; phương pháp, kỹ năng công tác. Bước ra khỏi lớp học trở về với công việc thường nhật tại địa phương, chắc chắn họ sẽ linh hoạt, hài hòa và hiệu quả hơn trong giải quyết các vấn đề công vụ, tạo sự hài lòng hơn cho người dân.  Đối với cấp ủy, chính quyền: Có thêm đội ngũ công chức làm việc chuyên nghiệp, lấy hiệu quả phục vụ nhân dân lên trên hết, đáp ứng lâu dài cho nhiệm vụ đổi mới quê hương, góp phần phát triển đất nước. Đối với người dân của 4 xã thuộc vùng dự án:Vui mừng, phấn khởi  bởi nhận được sự phục vụ tận tâm, tận lực của đội ngũ công chức và khẳng định: “Cho dự án, cho tiền, cho của cũng tốt, nhưng không bằng cho cán bộ tốt”. Đối với nhà trường: Qua quá trình thực hiện dự án đã có thêm nhiều trải nghiệm, kinh nghiệm. Đặc biệt, với những tình huống đặt ra, những điều tiếp nhận được từ thực tế, nhất là thông qua quá trình làm việc cùng chuyên gia nước ngoài với những yêu cầu rất khắt khe, tính nghiêm túc, khoa học, cẩn trọng trong công việc, cả về tầm nhìn, sẽ góp phần để giảng viên Trường Chính trị tỉnh nâng cao hơn nữa nhận thức, bổ sung thêm kiến thức, trau dồi kỹ năng, phương pháp, đáp ứng yêu cầu đặt ra ngày càng cao trong nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực, để nhà trường không chỉ đào tạo theo kế hoạch, mà còn đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nước ngoài, các dự án lớn của tỉnh.
Thành công của dự án là tiền đề quan trọng để nhà trường mở ra hướng phát triển mới: đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng nhu cầu xã hội; tạo dấu ấn tốt đẹp, thắt chặt mối quan hệ giữa nhà trường với Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn, với cấp ủy, chính quyền huyện Tĩnh Gia; đồng thời, thành công của dự án là cơ sở thực tiễn sinh động giúp cho cán bộ, giảng viên Trường Chính trị tỉnh tin tưởng sẽ được đóng góp nhiều hơn nữa công sức, trí tuệ cho sự nghiệp đổi mới quê hương, đất nước.
Khép lại thành công của dự án là mở ra một triển vọng  mới, và chắc chắn các bên liên quan đều thấy hài lòng. Đó là hiện thân của sự cam kết về niềm tin, trách nhiệm, khẳng định sự hợp tác cùng phát triển./.
                                                                 
Số lượt truy cập
Hôm nay:
2021
Hôm qua:
2270
Tuần này:
8234
Tháng này:
58391
Tất cả:
4.356.928