NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2024)

Cảm nhận sau chuyến đi tình nguyện của lớp A7 TCLLCT-HC K45 tại xã Thăng Bình, huyện Nông Cống

Đăng lúc: 14:43:52 31/10/2017 (GMT+7)1691 lượt xem

ThS. Dương Bá Tiến
Khoa Lý luận Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh
 
Thực hiện chủ trương của Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa về việc giúp đỡ đồng bào trên địa bàn tỉnh khắc phục hậu quả do thiên tai, ngày 28/10/2017, lớp A7 TCLLCT – HC K45 tổ chức chuyến đi tình nguyện tại Xã Thăng Bình, huyện Nông Cống. Chuyến đi tình nguyện là hoạt động có ý nghĩa thiết thực, khi mà cả nước nói chung, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Thanh Hóa nói riêng đang hướng về bà con vùng lũ cùng chung tay khắc phục hậu quả do cơn bão số 10 gây ra.
 btien 1.png
Tôi đã tham gia nhiều chuyến đi nghiên cứu thực tế, nhưng chuyến đi lần này thì hoàn toàn mang ý nghĩa khác, đó là chuyến đi làm công tác tình nguyện, và điều quan trọng hơn nữa là trong những chuyến đi nghiên cứu thực tế trước đó tôi với vai trò là khách mời, còn chuyến đi lần này tôi với vai trò là “trưởng đoàn” – một trọng trách lớn đặt trên vai.
Theo lịch trình chuyến đi, đúng 5h30 phút tôi có mặt tại cổng trường với một tâm trạng khó diễn tả: vừa lo lắng với trọng trách của mình lại vừa hồ hỡi, phấn khởi để được gặp và giúp đỡ bà con vùng lũ. Đúng theo thời gian quy định, học viên của lớp đã có mặt đông đủ, nhìn những gương mặt với sự háo hức, hồ hỡi, người thì lo công tác hậu cần, người thì lo sắp xếp chỗ ngồi, tiếng cười đùa, tiếng gọi nhau í ới làm cho không khí mỗi lúc thêm nhộn nhịp. Cuối cùng công tác chuẩn bị đã xong, đúng 6h00 xe chuyển bánh, thầy trò chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình “Thăng Bình” thẳng tiến với khẩu hiệu “Học viên lớp A7 TCLLCT-HC K45 chung tay cùng nhân dân Thăng Bình khắc phục hậu quả do lũ lụt”.
Sau khoảng hơn một giờ đồng hồ xe lăn bánh, chúng tôi đã đến với xã Thăng Bình, huyện Nông Cống. Bước chân xuống xe, chúng tôi được các đồng chí lãnh đạo địa phương và nhân dân ân cần đón tiếp. Tại buổi làm việc, chúng tôi được đồng chí Nguyễn Thế Ngà, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã báo cáo tình hình thiệt hại do cơn bão số 10 gây ra và tình hình phát triển KT – XH, QP – AN tại địa phương. Theo đó, thiệt hại do cơn bão số 10 gây ra đã làm cho 200 hộ dân bị ngập hoàn toàn, gần 10 ha rau màu và ớt xuất khẩu bị úng ngập, nhiều ao, hồ nuôi cá của các hộ nông dân bị mất trắng…Đây là sự thiệt hại nặng nề của Thăng Bình – vùng quê nghèo đồng chiêm trũng khi mới đạt 13/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, so với toàn huyện là xã đạt ít tiêu trí nhất, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn cao.
Sau khi nghe báo cáo của đồng chí Nguyễn Thế Ngà là phát biểu của giáo viên chủ nhiệm và phần trao quà của tập thể lớp. Nhìn những gương mặt lên nhận quà mà trong lòng tôi dâng dâng nổi nghẹn ngào, với những ánh mắt, những dáng hình gầy guộc toát lên sự vất vả, khó khăn của bà con Thăng Bình vừa trải qua một trận lũ lịch sử. Đến với nơi đây, chứng kiến sự thiệt hại nặng nề do bão lũ gây ra, trong lòng tôi thầm nghĩ, giá như mình và tập thể lớp làm được nhiều hơn thế, và hy vọng với những sự động viên, chia sẻ về vật chất và tinh thần có thể giúp bà con vơi bớt những khó khăn, nhọc nhằn sớm ổn định với cuộc sống thường ngày.
Rời hội trường Uỷ ban nhân dân xã, chúng tôi đến với thôn 10, nơi có 200 hộ dân đang sinh sống và bị ngập lụt hoàn toàn trong cơn bão số 10 vừa qua. Nhìn những ngôi nhà đơn sơ trên những bức tường loang lỗ còn hằn lên những vết bùn đất của nước lũ dâng để lại sau cơn bão số 10, với những mái ngói nhuộm màu xanh rêu, với những chiếc ghế, chiếc bàn tuềnh toàng cũng đã phản ánh phần nào cuộc sống của bà con nhân dân nơi đây vốn đã khó khăn nay lại càng vất vả.
Tiếp tục hành trình, chúng tôi đến với địa điểm lao động theo sự phân công của các đồng chí lãnh đạo địa phương đó là giúp bà con nhân dân nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy phục vụ sản xuất vụ đông. Với tinh thần nhiệt huyết của tuổi trẻ và sự chia sẻ cùng bà con nhân dân, không ai bảo ai, mỗi người một việc, người thì cầm cuốc, người thì cầm xẻng, tiếng gọi nhau, tiếng hô hào làm cho khu vực lao động náo nhiệt. Tinh thần lao động của tập thể lớp ngày càng lên cao, những đoạn mương dần dần hiện lên với những khối đất được đắp lên cao, ngay ngắn thẳng hàng, cứ như thế những đoạn mương ngày một dài thêm và rồi sự thấm mệt cũng hiện lên trên gương mặt của mỗi học viên và các thầy cô giáo đi cùng đoàn với những vết bùn đất pha lẫn mồ hôi làm cho không khí buổi lao động có vẻ lắng xuống. Rồi bỗng nhiên từ xa có giọng hô vang của ai đó “nước đến rồi đây”, các đồng chí nghỉ tay chút đã, à thì ra đó là giọng của đồng chí lớp trưởng, sau vài phút nghỉ ngơi uống nước, với những lời ca tiếng hát của một số “cây” văn nghệ của lớp thể hiện đã xua tan mệt nhọc, tiếp thêm động lực để anh em nhanh chóng trở lại với công việc.
 btien 2.png
Đang hăng say lao động thì từ xa xa vọng lại tiếng của đồng chí Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch Hội đồng nhân dân Nguyễn Thế Ngà vang lên: “xin mời anh em nghỉ tay vì trời đã quá trưa”. Chúng tôi ai nấy nhìn nhau, có vẻ cũng chưa muốn kết thúc công việc buổi sáng, anh em nói vọng với nhau “bác ơi để các cháu làm hết đoạn mương đã cắm cờ” (ý là hết đoạn mương mà xã đã định sẵn công việc cho đoàn). Đồng chí Bí thư Đảng ủy xã không khỏi ngạc nhiên và thốt lên “các đồng chí làm quá năng suất, mốc cờ đó là dự tính để các đồng chí lao động cả ngày đó”. Anh em lại quay lại nhìn nhau cười và cùng đồng thanh: “thế để các cháu làm “rốn” cho xong bác ạ”. Bác Bí thư nhìn các đồng chí với một nụ cười rất tươi và nói “11h30 rồi các đồng chí ạ, thế này là năng suất quá rồi”.
 btien 3.png
Anh em quay lại nhìn những đoạn mương mà thấy “ngưỡng mộ” vì nó đã quá dài, tới mức bằng mắt thường không nhìn thấy điểm đầu con mương. Thế rồi, anh em người thì cầm cuốc, người cầm xẻng bước chân lên bờ với niềm vui khó tả.
btien 4.png
          Kết thúc buổi lao động, chúng tôi nhanh chóng rửa tay chân, tập trung về nhà văn hóa của thôn. Với những thứ đã được lớp chuẩn bị từ trước khi đi mang theo như sôi, giò, bánh mỳ, sữa, nước uống, trái cây… được bày ra nhanh chóng, và bữa “cơm thân mật” diễn ra với sự có mặt đông đủ của các đồng chí học viên, các thầy giáo, cô giáo đi cùng đoàn và các đồng chí đại diện lãnh đạo địa phương, đại diện cho thôn cũng có mặt đông đủ.
          Bữa “cơm thân mật” được diễn ra trong không khí ấm áp, không có bát, không có thìa, không có đũa…chỉ là những cái “bốc bằng tay” mà sao nó ngon và tình cảm đến thế. Sau bữa ăn trưa cùng đoàn, đại diện địa phương, đồng chí Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã phát biểu cảm ơn, đồng chí nhấn mạnh: Lãnh đạo và nhân dân Thăng Bình rất cảm động vì tình cảm mà đoàn cán bộ, giảng viên và học viên lớp A7 – Trung cấp LLCT – HC K45 Trường Chính trị Thanh Hóa đã dành cho địa phương. Chúng tôi xin hứa sẽ quyết tâm phấn đấu để vượt qua khó khăn trước mắt do thiên tai gây ra và xây dựng Thăng Bình ngày thêm vững mạnh, sớm hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới trong thời gian gần nhất.
Chuyến đi kết thúc, khép lại một cuộc hành trình, song mở ra trong chúng tôi là sự trải nghiệm đặc biệt và thú vị, thắm đượm tinh thần đoàn kết, sự sẻ chia của tập thể lớp đối với mảnh đất và con người Thăng Bình, Nông Cống. Đến với Thăng Bình được thấu hiểu cuộc sống nơi đây, được chia sẻ bằng những việc làm, hành động thiết thực nhằm góp phần làm vơi đi những khó khăn của bà con nhân dân là nghĩa cử cao đẹp thể hiện truyền thống nhân văn tương thân, tương ái của xã hội nói chung và cán bộ, giảng viên, học viên Trường Chính trị Thanh Hóa nói riêng.
Số lượt truy cập
Hôm nay:
1544
Hôm qua:
2395
Tuần này:
11722
Tháng này:
58096
Tất cả:
4.422.976