NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2024)

Chuyến đi thực tế nhiều ý nghĩa và cảm xúc

Đăng lúc: 10:19:40 14/03/2016 (GMT+7)4918 lượt xem

 
                                                               Th.S Nguyễn Thị Loan
Giảng viên Khoa Xây Dựng Đảng
         
Thực hiện Kế hoạch nghiên cứu thực tế năm học 2015 – 2016, chiều ngày 19/2/2016 Trường Chính trị Thanh Hóa tổ chức đi nghiên cứu thực tế, trao đổi kinh nghiệm tại Trường Chính trị Nguyễn Văn Cừ  tỉnh Bắc Ninh, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (HHTP- Hoa Lac Hi-Tech Park) và Khu di tích K9. Tham gia đoàn thực tế có 61 đồng chí bao gồm các đồng chí trong Ban Giám hiệu; lãnh đạo các khoa, phòng, tổ bộ môn; giảng viên chính và chuyên viên chính nhà trường, giảng viên có thành tích trong năm học. Đoàn do đồng chí Lương Trọng Thành, Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng nhà trường làm Trưởng đoàn.
          Theo lịch trình chuyến đi, khoảng 15h chiều ngày 19/2/2016, đoàn dừng chân ở Đền Trần, là nơi thờ các vua nhà Trần cùng các quan lại có công phò tá nhà Trần tại đường Trần Thừa, phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định. Đền Trần Nam Định gồm 3 công trình kiến trúc chính, là đền Thiên Trường (đền Thượng), đền Cố Trạch (đền Hạ) và đền Trùng Hoa. Cả 3 đền đều có kiến trúc chung và quy mô ngang nhau. Mỗi đền gồm tòa tiền đường 5 gian, tòa trung đường 5 gian và tòa chính tẩm 3 gian. Nối tiền đường và trung đường là kinh đàn (thiêu hương) và 2 gian tả hữu vu.Sau khi dâng hương tại Đền Trần, đoàn lên đường đi Bắc Ninh đến đền  Lý Bát Đế, còn gọi là Đền Đô hoặc Cổ Pháp điện là một quần thể kiến trúc tín ngưỡng thờ tám vị vua đầu tiên của nhà Lý. Đền Lý Bát Đế đã được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa vào ngày 25 tháng 1 năm 1991. Năm 2015, nơi đây cùng với khu lăng mộ các Vua nhà Lý đã được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Đền Lý Bát Đế thuộc xóm Thượng, làng (xã) Đình Bảng(nay là phường Đình Bảng), thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Đền nằm cách thủ đô Hà Nội gần 20 km về phía Bắc, thuộc địa phận hương Cổ Pháp, châu Cổ Pháp (làng Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh) nên còn gọi là đền Cổ Pháp.
Đền thờ tám vị vua nhà Lý, đó là:
1.   Lý Công Uẩn tức Lý Thái Tổ (1009-1028);
2.   Lý Thái Tông (1028-1054);
3.   Lý Thánh Tông (1054-1072);
4.   Lý Nhân Tông (1072-1128);
5.   Lý Thần Tông (1128-1138);
6.   Lý Anh Tông (1138-1175);
7.   Lý Cao Tông (1175-1210) và
8.   Lý Huệ Tông (1210-1224).
Từ xa xưa, Cổ Pháp được liệt vào làng "tam cổ": "Thứ nhất Cổ Bi, thứ nhì Cổ Loa, thứ ba Cổ Pháp". Đất Cổ Pháp là nơi thắng địa bậc nhất Kinh Bắc, vượng khí, linh thiêng. Làng Cổ Pháp được cho là nơi phát tích của triều đình nhà Lý, kéo dài hơn 200 năm.
Đền Lý Bát Đế được khởi công xây dựng từ ngày 3 tháng Ba năm Canh Ngọ 1030 bởi Lý Thái Tông khi vị hoàng đế này về quê làm giỗ cha. Sau này, đền được nhiều lần trung tu và mở rộng. Lần trùng tu lớn nhất là vào năm thứ hai niên hiệu Hoàng Định của vua Lê Kính Tông (tức năm 1602), khắc văn bia ghi lại công đức của các vị vua triều Lý.
Rời Đền Đô, đoàn đi thực tế tiến vào thành phố Bắc Ninh, và điểm dừng chân của đoàn là Trường Chính trị Nguyễn Văn Cừ tỉnh Bắc Ninh. Tại đây, đoàn đã được ban giám hiệu và trưởng, phó các khoa, phòng, giảng viên của nhà trường tiếp đón nồng hậu, thân tình. Sáng ngày 20/2/2016, đoàn làm việc tại Trường Chính trị Nguyễn Văn Cừ  tỉnh Bắc Ninh. Trong buổi làm việc, đoàn có may mắn gặp gỡ các đồng chí ở Trường Chính trị Tô Hiệu, thành phố Hải Phòng. Đại diện lãnh đạo của 03 trường  Chính trị  đã trao đổi kinh nghiệm và những thành tích đạt được trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn của mỗi trường.  
          Đến với Bắc Ninh, ngoài những kinh nghiệm học được từ Trường Chính trị Nguyễn Văn Cừ trong công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành; công tác đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học…Tôi và các thành viên trong đoàn thực tế Trường Chính trị Thanh Hóa không khỏi lưu luyến bởi tình cảm chân thành, quý mến, gần gũi mà trường bạn dành cho. Đặc biệt, về với Bắc Ninh – về miền Quan họ trong những ngày xuân, được đắm mình trong lời ca, tiếng hát ngọt ngào của liền anh, liền chị qua những bài dân ca thật tình tứ, đắm say lòng người, để chúng ta càng trân trọng hơn giá trị nghệ thuật dân gian truyền thống.
          Rời Bắc Ninh trong sự lưu luyến của cán bộ, giảng viên của Trường Chính trị Nguyễn Văn Cừ, theo lịch trình chuyến đi, chiều cùng ngày, đoàn nghiên cứu thực tế dừng chân tại Khu Công nghệ cao  Hòa Lạc (HHTP) - được thành lập năm 1998 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ với mục tiêu nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao, đào tạo nhân lực công nghệ cao, sản xuất và kinh doanh sản phẩm công nghệ cao.
 Là Khu Công nghệ cao Quốc gia với quy mô 1.586 ha và được phát triển để trở thành một thành phố khoa học, nơi thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển; đào tạo và ươm tạo; sản xuất sản phẩm công nghệ cao thuộc lĩnh vực: Công nghệ sinh học, Công nghệ thông tin - truyền thông, Công nghệ vật liệu mới và Công nghệ tự động hóa. Để tạo môi trường hấp dẫn thu hút đầu tư, một hạ tầng hiện đại ngang tầm khu vực đang được xây dựng tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc bằng ngân sách nhà nước và đặc biệt bằng nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ.
Với phương châm phát triển nhằm nâng cao tiềm lực phát triển khoa học - công nghệ và công nghệp công nghệ cao làm trọng, các nhà đầu tư vào Khu Công nghệ Hòa Lạc sẽ được hưởng ưu đãi cao nhất theo quy định của Luật Công nghệ cao và mô hình phục vụ “một cửa, tại chỗ” để tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư hoạt động hiệu quả tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.
Đến nay, sau 18 năm thành lập, với sự nỗ lực không ngừng, Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã đạt được những kết quả nhất định, hiện đã có gần 70 dự án được cấp phép đầu tư, khoảng 10.000 người đang làm việc và học tập tại đây, riêng về xuất khẩu năm 2015, đạt được trên 130 triệu USD…
          Tại buổi làm việc, cán bộ, giảng viên nhà trường đã được Ban quản lý Khu công nghệ trao đổi, làm rõ những thắc mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, huy động vốn, chính sách thu hút nhà đầu tư         , nhân lực công tác và đảm bảo an ninh, quốc phòng tại khu vực…đặc biệt là Ban quản lý HHTP đang sử dụng công nghệ quản lý GIS (Geographic Information System) 3D (bản đồ 3D mô hình hóa thế giới thực), một công cụ quản lý hiện đại đang được áp dụng phổ biến trên thế giới tại các nước phát triển. Với công nghệ GIS 3D, ban quản lý HHTP có thể ngồi trong phòng vẫn có thể theo dõi mọi hoạt động diễn ra trong khu công nghệ cả dưới mặt đất, trên mặt đất và trên không; có thể xử lý sự cố xảy ra ngay tức thì. Đây là một ưu điểm ưu việt của công nghệ GIS 3D. Sau buổi làm việc, đoàn đã được đi tham quan một số khu chức năng như: khu giáo dục và đào tạo, khu nghiên cứu và triển khai…Riêng bản thân tôi có cơ hội thăm Phòng y tế của Ban quản lý HHTP, cảm nhận được sự chuyên nghiệp, ân cần, tận tình của nhân viên ở đây. Đây thực sự là một ấn tượng tốt đẹp về nguồn nhân lực của HHTP.
          Sau khi thăm quan tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, tôi nhận thấy rằng, trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay, để Việt Nam trở thành một đất nước công nghiệp thì những khu công nghệ cao như HHTP là hết sức cần thiết và thiết thực để hiện thực hóa đưa Việt Nam từ một nước nông nghiệp trở thành nước công nghiệp. Việc xây dựng và đi vào hoạt động của HHTP là định hướng đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta trên con đường hội nhập, cạnh tranh và phát triển. Là giảng viên của Bộ môn Đường lối, chính sách Trường Chính trị Thanh Hóa, sau chuyến nghiên cứu, thăm quan tại khu công nghệ cao Hòa Lạc tôi được mở mang tầm nhìn, hiểu hơn về thực tế của đất nước đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Hy vọng trong tương lai gần sẽ có nhiều khu công nghệ cao được xây dựng ở nhiều tỉnh thành thì chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước sẽ dần trở thành hiện thực.
          Tiếp tục cuộc hành trình, sáng ngày 21/2/2016 , đoàn đi thực tế của Trường lên ôtô đi đến đồi Đá Chông, thuộc xã Minh Quang, huyện Ba Vì. Đây là địa điểm nơi gìn giữ thi hài của Bác Hồ từ 1969 - 1975 còn gọi là Khu di tích K9. Thực sự đây là một địa danh thăm quan mang lại nhiều cảm xúc cho bản thân tôi và cả đoàn. Địa điểm này vào năm 1957 trong một lần tham sư đoàn 316 diễn tập bên sông Đà, Bác Hồ đã dừng chân ăn trưa trên đỉnh đồi, ngay dưới chân ba tảng đá chông hùng vĩ. Thấy khí hậu nơi đây mát mẻ, địa hình hiểm trở, phong cảnh đẹp, Bác đã chọn vị trí này làm khu căn cứ của TW đề phòng chiến tranh có thể mở rộng toàn quốc. Năm 1960, Cục Doanh trại thuộc tổng cục Hậu cần xây dựng một ngôi nhà sàn làm vị trí hội họp nghỉ ngơi của Bác Hồ và Bộ chính trị TW Đảng. Xung quanh là hệ thống công sự kiên cố, khu vực này đặt tên là công trường K9. Những năm có chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ, nhiều lần Bác và các đồng chí trong Bộ chính trị đã lên làm việc và nghỉ ngơi tại đây. Ngày 2/9/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa. Đảng và Nhà nước chọn địa điểm K9 là nơi đầu tư trang thiết bị kỹ thuật để gìn giữ thi hài Bác. Ngày 15/12/1969 công trình gìn giữ thi hài Bác Hồ tại K9 đã hoàn thành trước thời hạn 10 ngày. Để giữ bí mật, K9 đổi thành  K84. Đúng 23 giờ ngày 23/12/1969 thi hài Bác đã được di chuyển từ K75A đưa vào nơi lưu giữ ở K84 một cách an toàn, đảm bảo kỹ thuật tuyệt đối vào sáng ngày 24/12/1969.
Về cơ bản từ năm 1969-1975, thi hài Bác được giữ gìn ở đồi Đá Chông (có thời gian không dài ở K2). Đúng 16 giờ ngày 18/7/1975, tại K9 đoàn xe đặc biệt chở thi hài Bác được lệnh xuất phát về Hà Nội. Đến 20 giờ ngày 18/7/1975 đoàn xe về đến quảng trường Ba Đình. Kính cẩn và trang nghiêm đưa thi hài của Bác vào Lăng, nơi yên nghỉ vĩnh hằng của Người. Hiện nay, K9 đã trở thành nơi một thời giữ yên giấc ngủ của Bác, Bộ Tư lệnh Lăng bố trí bộ phận tiếp đón các đoàn cán bộ và nhân dân toàn quốc về thăm K9. Tại đây đoàn đi thực tế đã thắp hương  tại Nhà thờ Bác Hồ, tham quan khu vực bảo quản thì hài Bác, nơi mà vẫn được giữ nguyên trạng gắn với nhà kính, nhà hầm và các phương tiện kỹ thuật máy móc. Bên trái của khu đồi là dòng sông Đà êm đềm chảy,với cảnh quan thiên nhiên thơ mộng.

          Khoảng 13h30, đoàn đi thực tế lên xe  ra về, chuyến đi nghiên cứu thực tế khép lại, song đọng lại trong tôi rất nhiều điều. Đó có thể chỉ là cái bắt tay theo tinh thần “cải cách thủ tục hành chính” của các đồng nghiệp ở Trường Chính trị Nguyễn Văn Cừ tỉnh Bắc Ninh nhưng cũng đầy ấn tượng và phải học tập. Đó là được mở rộng tầm nhìn khi thăm HHTP, cảm nhận được sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đang diễn ra như thế nào. Đó là những tình cảm xúc động khi thăm quan K9, Đá Chông…Bản thân tôi tự nhủ rằng, cần phải học tập không ngừng, nâng cao trình độ cả về chuyên môn, lý luận và thực tiễn để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ của một giảng viên giảng dạy bộ môn Đường lối, chính sách. Thay cho lời kết, tôi muốn gửi lời cảm ơn chân thành đến Ban giám hiệu nhà trường, Hiệu trưởng, đã tạo điều kiện, cơ hội để giảng viên, cán bộ nhà trường có một chuyến đi thực sự ý nghĩa và nhiều cảm xúc./.
Số lượt truy cập
Hôm nay:
1548
Hôm qua:
2395
Tuần này:
11726
Tháng này:
58100
Tất cả:
4.422.980