NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 114 NĂM NGÀY QUỐC TẾ PHỤ NỮ 8/3 ( 8/3/1910 – 8/3/2024) VÀ 1984 NĂM KHỞI NGHĨA HAI BÀ TRƯNG!

Công tác đào tạo cán bộ cấp phòng cho tỉnh Hủa Phăn, nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào - những thành công và kinh nghiệm

Đăng lúc: 11:07:20 05/05/2018 (GMT+7)1133 lượt xem

                                                 
TS. Thịnh Văn Khoa
 Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng
 
          Thanh Hóa (nước CHXHCN Việt Nam) và Hủa Phăn (nước CHDCND Lào) là hai tỉnh láng giềng gần gũi có mối quan hệ hữu nghị truyền thống bền chặt trong suốt quá trình lịch sử đấu tranh xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước. Truyền thống đoàn kết hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa hai tỉnh luôn được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thanh Hóa và Hủa Phăn chăm lo vun đắp ngày càng phát triển. Công tác tuyên truyền, giáo dục là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Đảng bộ hai tỉnh đặc biệt chú trọng để giữ gìn và tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa hai dân tộc.
 
 
 6q.png
          Đồng chí Lại Thế Nguyên, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy phát biểu tại buổi lễ khai giảng
 
 
          Thực hiện Bản thoả thuận hợp tác toàn diện giữa tỉnh Thanh Hóa - Hủa Phăn giai đoạn 2016 - 2020, Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa được Thường trực Tỉnh ủy giao cho mở lớp Trung cấp lý luận chính trị - hành chính dành cho cán bộ quản lý cấp phòng của tỉnh Hủa Phăn, năm 2017. Theo đó, Ban Giám hiệu Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với Trường Chính trị - Hành chính tỉnh Hủa Phăn xây dựng kế hoạch và tổ chức đào tạo cho 30 học viên là cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phòng của tỉnh Hủa Phăn trong năm 2017.  
          Công tác chuẩn bị chu đáo
          Trường Chính trị tỉnh đã chủ động lập phương án đón tiếp và đào tạo cán bộ cho nước bạn theo đúng kế hoạch. Nhà trường trang bị phòng học đặc biệt có đầy đủ trang thiết bị hiện đại đáp ứng yêu cầu thực hiện dạy và học theo phương pháp tích cực; đồng thời chuẩn bị 12 phòng nghỉ khá tiện ích và bố trí đội ngũ nhân viên có kinh nghiệm phục vụ ăn uống để đảm bảo sức khỏe cho học viên có thể an tâm học tập tại trường. Bên cạnh đó, dựa trên sở thích và nhu cầu giải trí của học viên nước bạn, Nhà trường lập kế hoạch tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ và thể thao.
          Theo đúng kế hoạch, sáng ngày 5/5/2017, Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Trường Chính trị - Hành chính tỉnh Hủa Phăn tổ chức lễ khai giảng lớp học. Ngay sau khi ổn định chỗ ở và hoàn thành các thủ tục nhập học, học viên Lào tiến hành học Tiếng Việt tại trường. Đây là thời gian giúp học viên Lào không những được thực hành Tiếng Việt mà còn là khởi đầu của tình thân ái, hữu nghị với ngôi trường chính trị họ sẽ gắn bó trong vòng 8 tháng. Sau thời gian học Tiếng Việt tại trường (1,5 tháng), 100% học viên đã được cấp Chứng chỉ hoàn thành Chương trình đào tạo Tiếng Việt và có thể phần nào dùng Tiếng Việt để giao tiếp trong cuộc sống hàng ngày.     Tuy nhiên,vốn Tiếng Việt của học viên Lào chưa đủ để có thể hiểu các khái niệm, quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng trong chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính. Vì vậy, Ban tổ chức lớp học đã bố trí một phiên dịch vững vàng thường xuyên có mặt tại lớp trong suốt khóa học.
 
 l1.png
 
Một buổi học Tiếng Việt của học viên lớp Lào
 
          Để triển khai kế hoạch giảng dạy, các khoa chuyên môn đã tiến hành họp và phân công bài giảng cụ thể cho giảng viên. Nhờ có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, các khoa đã biên soạn cô đọng bài giảng và được Hội đồng chuyên môn thẩm định theo nội dung thuộc giáo trình của Học viện Chính trị - hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh.
          Đảm bảo mục tiêu đào tạo: lý luận gắn với thực tiễn
          Trong quá trình giảng dạy tại lớp Lào, giảng viên thường xuyên đổi mới phương pháp, thực hiện tốt phương châm “Gắn lý luận với thực tiễn; tăng trao đổi, đối thoại”; nhờ đó học viên vừa lĩnh hội được kiến thức, vừa rèn luyện kỹ năng tư duy, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng phân tích, tổng hợp... Mặt khác, qua các buổi thảo luận tại lớp, giảng viên có thể cập nhật, bổ sung kiến thức thực tiễn của tỉnh Hủa Phăn cũng như của nước Lào vào bài giảng. Mặc dù học viên còn gặp khó khăn khi diễn đạt ý kiến bởi bất đồng về ngôn ngữ nhưng với sự nhiệt tình và bằng phương pháp giảng dạy tích cực phù hợp với đối tượng của giảng viên, những bài giảng lý luận được học viên Lào đón nhận một cách hào hứng.
Với phương châm“Lý luận gắn liền thực tiễn, học đi đôi với hành”, ngoài giờ học lý thuyết, học viên Lào còn thực hiện các chuyến đi nghiên cứu thực tế. Hoạt động nghiên cứu thực tế giúp học viên hiểu rõ hơn mảnh đất, con người Việt Nam; qua đó tìm hiểu thêm những vấn đề đặt ra trong thực tiễn để vận dụng vào trong học tập và công tác. Trong suốt khóa học, lớp Lào đã tham gia 04 lần nghiên cứu thực tế: thăm Thành phố Thanh Hóa; thăm quan Thành phố Sầm Sơn, thăm khu công nghiệp Nghi Sơn; thăm quan nghiên cứu thực tế một số tỉnh như Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị… Đặc biệt, lớp học đã được thăm quan các địa danh nổi tiếng ở thủ đô Hà Nội như Lăng Bác, Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam…Qua những chuyến thực tế, học viên không những được bổ sung kiến thức thực tiễn mà còn hứng thú, phấn khởi, tự tin trong quá trình học tập và sinh hoạt tại trường.

 
l2.png 
 
Đội bóng đá nữ của học viên Lào
 
Khóa học là sự kết nối tình cảm giữa hai dân tộc Việt - Lào anh em
Ngoài giờ lên lớp, học viênLàocòn tích cực tham gia giao lưu văn hóa, văn nghệ và thể thao trong các phong trào của Nhà trường. Lớp thành lập 01đội bóng đá nam, 01 đội bóng đá nữ và 01 đội văn nghệ. Cùng với các lớp Trung cấp lý luận chính trị - hành chính tập trung K44 và K45, lớp Lào thường xuyên thực hiện có hiệu quả “Ngày thứ 7 kết nối”  thông qua các lời ca, điệu múa và những trận đấu bóng đá giao hữutrong Nhà trườngvà với các đơn vịkhác trong tỉnh. Trong các sự kiện lớn của Nhà trường, lớp đã đóng góp nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc; đồng thời, học viên Làođã rất nhiệt tìnhhướng dẫn, tập luyện cho các thầy cô giáo những bài hát, điệumúa truyền thống của Lào. Ngoài ra, lớp còn tổ chức đến thăm và cùng tham gia một số hoạt động tại gia đình các thầy côtrong trường; nhờ đó tình cảm gắn bó giữa học viên Lào với thầy cô cũng như với học viên của trường và người dân xứ Thanh càng được gắn bó. Những hoạt động này được thực hiện thường xuyên và có hiệu quả là bởi Nhà trường rất quan tâm đến đời sống tinh thần của lưu học viên Lào. Công tác này được thực hiện đồng bộ giữa các khoa, phòng trên tất cả các khâu từ quản lý các khoa chuyên môn, các phòng chức năng và Ban chủ nhiệm lớp.
Thành công của lớp học
Trong công tác đánh giá học viên Lào, Nhà trường thực hiện theo hướng đánh giá quá trình học tập và rèn luyện. Các kỳ thi hết phần học, môn học và thi tốt nghiệp được tổ chức bằng hình thức thi vấn đáp nên có thể đánh giá chính xác và khách quan kết quả học tập. Do đó, học viên Lào đã rất tích cực tự học, tự nghiên cứu, từng bước chuyển từ học thụ động sang học chủ động; sáng tạo vận dụng kiến thức lý luận vào quá trình học tập và công tác.Theo kết quả đánh giá, 33/33 (có 03 học viên Việt Nam) học viên đậu tốt nghiệp (chiếm 100%); trong đó loại xuất sắc đạt 9/33 học viên (chiếm 27%), loại giỏi đạt 24/33 học viên (chiếm 73%.). Về rèn luyện, lớp học có tinh thần thái độ, ý thức học tập tốt. Các học viên xác định đúng đắn động cơ và mục đích học tập; thực hiện nghiêm túc nội quy và quy chế của Nhà trường. Nhờ vậy, trong thời gian học tập tại trường, lớp Lào đã 02 lần đạt danh hiệu "Tập thể lớp kiểu mẫu" và có 04 học viên được Hiệu trưởng biểu dương khen thưởng tại các buổi lễ chào cờ hằng tháng.
Những kinh nghiệm rút ra
Hoàn thành nhiệm vụ đào tạo lớp Trung cấp Lý luận chính trị - hành chính tỉnh Hủa Phăn khóa I là quá trình lao động nỗ lực và là niềm vinh dự của cán bộ, giảng viên Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa. Ghi nhận những thành công của khóa học, đồng thời Nhà trường cũng băn khoăn, trăn trở rút ra những kinh nghiệm để những khóa học tiếp theo đạt hiệu quả hơn. Theo đó, Nhà trường cần thực hiện đồng bộ một số nội dung sau:
Thứ nhất, cần tăng cường thời gian giảng dạy Tiếng Việt
Có thể nói, khó khăn lớn nhất trong quá trình đào tạo cán bộ cho nước bạn Lào là sự bất đồng ngôn ngữ. Thực tế cho thấy, phần lớn học viên Lào chưa thể dùng Tiếng Việt trong giao tiếp và học tập nên dẫn đến tâm lý “ngại giao tiếp”. Xuất phát từ thực tế này, Nhà trường cần tăng thời gian giảng dạy Tiếng Việt cho học viên trước và trong quá trình đào tạo lý luận chính trị. Theo đó, Nhà trường cần bố trí dạy Tiếng Việt trong chương trình chính khóa ít nhất là 3 tháng và dạy xen kẽ vào thời gian học các môn chính trị để tránh nhàm chán. Ngoài ra, Nhà trường nên dạy thêm Tiếng Việt cho học viên Lào vào các ngày thứ Bảy thông qua các hoạt động ngoại khóa và nghiên cứu thực tế. Giảng viên dạy Tiếng Việt không những cần nắm vững chuyên môn mà còn phải biết tạo không khí vui vẻ, tích cực trên lớp học. Bên cạnh đó, việc bố trí phiên dịch trong các giờ học là vô cùng cần thiết. Phiên dịch viên cần có sự trao đổi thường xuyên với giảng viên về những khái niệm, định nghĩa lý luận chính trị nhằm hiểu biết sâu sắc để có thể dịch được chính xác yêu cầu, nội dung của bài học cho học viên. Việc lựa chọn phiên dịch có năng lực và phẩm chất chính trị có vai trò không nhỏ trong công tác đào tạo cán bộ cho nước bạn.
Thứ hai, cần chú trọng cung cấp tài liệu học tập trước khi giảng dạy
Việc lĩnh hội kiến thức của học viên Lào phụ thuộc rất nhiều vào phiên dịch và tài liệu được cung cấp. Nhà trường cần trang bị trước nội dung bài học để học viên có thể đọc, tìm hiểu và tiếp cận vấn đề một cách sâu sắc hơn. Đây chính là cách giúp học viên chủ động trong học tập vì khi được tiếp nhận tài liệu, học viên có thể trao đổi hoặc thông qua phiên dịch giúp giải đáp những từ ngữ, khái niệm trong Tiếng Việt. Tài liệu môn học, bài học cần được biên soạn mạch lạc, rõ ràng, cô đọng, tối giản hóa bằng Tiếng Việt và cần được trình bày, in ấn đẹp, hấp dẫn. Những tài liệu này đồng thời là tư liệu cho học viên ôn tập sau giờ học, giúp học viên tiết kiệm thời gian tra cứu tài liệu. Để tài liệu thực sự cuốn hút được người học, rất cần sự đầu tư tập trung trí tuệ của đội ngũ giảng viên phụ trách và sự đóng góp xây dựng của khoa chuyên môn cũng như đội ngũ làm công tác khoa học của Nhà trường. Đồng thời, sau mỗi khóa học, Nhà trường cần thăm dò, khảo sát và lấy phiếu phản hồi từ phía học viên Lào về nội dung, hình thức biên soạn tài liệu để rút kinh nghiệm cho các khoá học sau.
 
l4.png 
 
Học viên Lào trong một buổi thi vấn đáp
 
Thứ ba, cần chú trọng quy trình đào tạo
Chương trình đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính có mục tiêu trang bị cho học viên Lào kiến thức lý luận chính trị, thông qua đó liên hệ với thực tiễn của Việt Nam và Lào để phục vụ cho học tập và công tác của cán bộ. Để đạt được mục tiêu của khóa học, rất cần một quy trình đào tạo có sự phối hợp chặt chẽ giữa lý thuyết và thực hành. Trong các giờ học trên lớp, giảng viên nên định hướng cụ thể các vấn đề cần nghiên cứu trong hoạt động thực tiễn của học viên. Nhà trường cần tăng cường khâu báo cáo kết quả nghiên cứu sau mỗi chuyến đi nghiên cứu thực tế.
 
 l5.png
 
     Tham gia hoạt động nghiên cứu thực tế tại Phong Nha – Kẻ Bảng tỉnh Quảng Bình
 
Thứ tư, cần tăng cường các hoạt động ngoài giờ lên lớp
 Ngoài các hoạt động ngoại khóa gắn liền với việc học Tiếng Việt và nghiên cứu thực tế, Nhà trường cần quan tâm đến nhu cầu giải trí và rèn luyện sức khỏe cho học viên. Theo đó, Nhà trường nên trang bị sân chơi phục vụ thể dục thể thao như sân chơi bóng chuyền và sân chơi bi - sắt… Đây là những môn thể thao mà học viên Lào đặc biệt ưa thích.
Bên cạnh đó, Nhà trường cần tạo nhiều hơn nữa các hoạt động văn hóa, văn nghệ mang tính kết nối trên tinh thần hữu nghị văn hóa giữa hai dân tộc Việt – Lào. Với những hoạt động này, học viên có thể chia sẻ, giao lưu các điệu múa, bài ca truyền thống của Lào cũng như có thể tiếp nhận, học hỏi những tinh hoa văn hóa qua các điệu múa, dân ca Việt Nam. Nhà trường nên tăng cường các hình thức giao lưu, như tổ chức hội thi văn nghệ ngợi ca tình hữu nghị Việt- Lào qua sân khấu lớn hoặc thông qua giao lưu kết nối với các lớp Trung cấp lý luận chính trị của Nhà trường.
Tin tưởng rằng, những kết quả và thành công của lớp Trung cấp Lý luận - Hành chính tỉnh Hủa Phăn, nước CHDCND Lào khóa I là động lực, là nền tảng dẫn tới thành công hơn cho các khóa học tiếp theo. Cùng với sự quan tâm của lãnh đạo hai tỉnh; sự tâm huyết và kinh nghiệm giảng dạy của đội ngũ giảng viên; sự tận tâm, chu đáo của cán bộ phục vụ Nhà trường và sự nỗ lực của các học viên, công tác đào tạo cán bộ cho nước bạn Lào theo tinh thần hữu nghị hợp tác đã được ký kết tại Bản ghi nhớ của Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa với Trường Chính trị - Hành chính tỉnh Hủa Phăn, giai đoạn 2016-2020 sẽ ngày càng đạt hiệu quả hơn./.
Số lượt truy cập
Hôm nay:
435
Hôm qua:
1933
Tuần này:
2368
Tháng này:
38949
Tất cả:
4.337.486