HƯỞNG ỨNG NGÀY SÁCH VÀ VĂN HOÁ ĐỌC VIỆT NAM (21/4/2021 - 21/4/2024)

Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa xúc tiến xây dựng lực lượng vũ trang trong những năm vận động cách mạng tiến tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền (1939 – 1945)

Đăng lúc: 06:02:47 20/08/2015 (GMT+7)3413 lượt xem

 
ThS. Lê Ái Bình
Phó Trưởng khoa Xây dựng Đảng
 
1. Chủ trương của Trung ương Đảng về vấn đề xây dựng lực lượng vũ trang để tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền
Xây dựng lực lượng vũ trang là vấn đề hết sức quan trọng trong đấu tranh cách mạng và đã được Đảng ta đề cập ngay từ khi mới thành lập. Trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên, Đảng ta đã xác định “phải tổ chức ra quân đội công nông”. Đến Luận Cương chính trị của Đảng (10/1930) một lần nữa khẳng định, mục đích của Đảng là lãnh đạo quần chúng võ trang bạo động và Đảng phải tổ chức ra quân đội công nông. Từ quan điểm đó, thực tiễn cách mạng nước ta thời kỳ đấu tranh giành chính quyền (1930 -1945), nhất là cao trào cách mạng 1930 – 1931 với đỉnh cao là xô viết Nghệ Tĩnh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, các đội tự vệ công nông đã xuất hiện nhiều nơi, trở thành lực lượng nòng cốt hỗ trợ và bảo vệ quần chúng đấu tranh chống thực dân Pháp và phong kiến khắp cả Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ. Các đội tự vệ công nông là lực lượng vũ trang ban đầu của Xô viết Nghệ -Tĩnh, là mầm mống đầu tiên để Đảng tiếp tục kế thừa, vận dụng trong xây dựng các đội tự vệ, du kích chiến đấu làm nòng cốt cho toàn dân đấu tranh chống thực dân, phong kiến trong những năm tiếp theo, đặc biệt là trong những năm vận động tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền (1939-1945).
Năm 1939, khi chiến tranh thế giới II bùng nổ và Pháp là nước tham chiến đã tác động mạnh mẽ và trực tiếp đến nước ta. Bởi vì khi tham gia vào chiến tranh ở Đông Dương, thực dân Pháp điên cuồng tấn công vào các phong trào cách mạng, các tổ chức quần chúng do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo, cùng với đó là tăng cường bắt phu, bắt lính và thi hành chính sách kinh tế thời chiến. Chính sách cai trị thời chiến phản động của thực dân Pháp đã làm cho mâu thuẫn giữa nhân dân ta với thực dân Pháp ngày càng trở nên gay gắt. Cứu nước, giải phóng dân tộc trở thành yêu cầu cấp thiết của cách mạng và cũng là nguyện vọng chung của đông đảo các tầng lớp nhân dân Đông Dương nói chung và Việt Nam nói riêng.
Trước sự chuyển biến mau lẹ của tình hình, tháng 11/1939, tại Hội nghị BCH Trung ương Đảng lần thứ 6 (11/1939), Đảng đã khẳng định: Bước đường sinh tồn của các dân tộc Đông Dương không có con đường nào khác hơn là con đường đánh đổ đế quốc Pháp, chống tất cả các ách ngoại xâm vô luận da trắng hay da vàng để tranh lấy giải phóng độc lập. Hội nghị quyết định thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất phản đế Đông Dương, đồng thời nhấn mạnh đến vấn đề phải xây dựng, phát triển đội tự vệ, làm cho đội tự vệ phải to rộng, đủ dũng cảm, điềm tĩnh, khôn khéo và hy sinh bảo vệ quần chúng.
Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 7 (11/1940) diễn ra sau khi Nhật đã nhảy vào xâm lược nước ta và thực dân Pháp đã cấu kết với phát xít Nhật để cai trị, bóc lột nhân dân ta, càng làm cho mâu thuẫn dân tộc trở nên gay gắt hơn nữa, trong phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng đã xuất hiện hình thức đấu tranh vũ trang, tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn (9/1939), trước tình hình đó Đảng đã dự đoán: “Một cao trào cách mạng nhất định sẽ nổi dậy. Đảng phải chuẩn bị để gánh lấy cái sứ mệnh thiêng liêng: lãnh đạo các dân tộc áp bức ở Đông Dương vũ trang bạo động giành lấy quyền tự do độc lập”[1]. Hội nghị đã quyết định duy trì đội du kích Bắc Sơn, đồng thời chủ trương đi liền với việc mở rộng Mặt trận phản đế, phải lựa chọn những người hăng hái nhất trong đoàn thể của Mặt trận, tổ chức các đội tự vệ trực tiếp vũ trang cho quần chúng, “tổ chức cách mạng quân” để tiến lên vũ trang bạo động.
Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 (5/1941) do Nguyễn Ái Quốc chủ trì đã kết luận và khẳng định “Cuộc cách mạng Đông Dương sẽ kết liễu bằng một cuộc khởi nghĩa võ trang[2]. Vì vậy, xây dựng lực lượng vũ trang được Đảng xác định là nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng toàn dân trong lúc này. Hội nghị đã quyết định xây dựng những tiểu tổ du kích, du kích chính thức và thông qua Điều lệ của Việt Nam tiểu tổ du kích cứu quốc – một tổ chức cao hơn tự vệ đội và thấp hơn du kích chính thức, từ đó sẽ tiến tới thành lập Việt Nam nhân dân cách mạng quân. Điều này cho thấy, đến lúc này, cùng với xây dựng, phát triển lực lượng chính trị, Trung ương Đảng rất coi trọng vấn đề xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân để tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền.
Như vậy, trước sự chuyển biến của tình hình cách mạng trong nước do tác động của Chiến tranh thế giới II, từ Hội nghị Trung ương 6 (11/1939), Hội nghị Trung ương 7 (11/1940) đến Hội nghị Trung ương 8 (5/1941), Đảng đều chủ trương nêu cao nhiệm vụ giải phóng dân tộc, đồng thời cùng với việc xác định tầm quan trọng của xây dựng lực lượng chính trị, Đảng đã nhấn mạnh vấn đề phải đẩy mạnh xúc tiến xây dựng lực lượng vũ trang để tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Vì vậy, công tác xây dựng lực lượng vũ trang đã được Trung ương Đảng xúc tiến một cách mạnh mẽ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, các phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng đã từ đấu tranh chính trị tiến lên đấu tranh vũ trang, từ các tổ chức chính trị của quần chúng tiến lên xây dựng các tổ chức vũ trang cách mạng, khéo kết hợp đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang, phát động chiến tranh du kích cục bộ và khởi nghĩa từng phần, dấy lên một cao trào cách mạng sôi nổi, tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.
2. Đảng bộ Thanh Hóa xúc tiến xây dựng lực lượng vũ trang trong những năm 1939 – 1945 tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền
 Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa được thành lập ngày 29/7/1930. Trong quá trình lãnh đạo phong trào cách mạng đấu tranh giành chính quyền, Đảng bộ Thanh Hóa đã sớm nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng lực lượng vũ trang.  Nên trong khi không ngừng chú trọng xây dựng, phát triển lực lượng chính trị của quần chúng, Đảng bộ đã xây dựng những đội tự vệ công nông trong những năm 1936 – 1939. Những năm vận động cách mạng tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền (1939 -1945), trên cơ sở quán triệt chủ trương của Trung ương Đảng về đẩy mạnh công tác xây dựng lực lượng vũ trang để thực hiện sự nghiệp giải phóng dân tộc, công tác xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng ở địa phương đã được Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã xúc tiến một cách mạnh mẽ,
Cuối năm 1939 đầu năm 1940, khi thực dân Pháp tập trung lực lượng, tăng cường đàn áp cán bộ và đánh phá các cơ sở cách mạng. Tỉnh uỷ Thanh Hóa bị tan rã, hàng trăm cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân bị bắt, nhiều cơ sở Đảng bị chà đi xát lại nhiều lần. Song, số cán bộ, đảng viên còn lại vẫn tích cực hoạt động để vừa khôi phục, củng cố phong trào, vừa tìm cách liên lạc với Trung ương Đảng và Xứ uỷ Trung kỳ nhận Chỉ thị, phương hướng đấu tranh mới. Sau khi nắm được chủ trương của Hội nghị Trung ương lần thứ 6, tháng 11/1940, Hội nghị đại biểu các cơ sở Đảng trong tỉnh được triệu tập tại làng Thuần Hậu (Xuân Minh, Thọ Xuân) để đánh giá phong trào cách mạng trong tỉnh, triển khai Nghị quyết Trung ương 6 và cử ra Tỉnh ủy lâm thời. Sau Hội nghị, các cơ sở Đảng trong tỉnh khẩn trương xây dựng Hội phản đế cứu quốc và Tự vệ cứu quốc, tổ chức các cuộc đấu tranh chống áp bức. Trên cơ sở Hội phản đế cứu quốc phát triển nhanh, mạnh ở các địa phương, các chiến sĩ cộng sản đã chỉ đạo xây dựng lực lượng tự vệ và du kích ở làng, tổng làm nòng cốt cho phong trào cách mạng của quần chúng. Chỉ trong một thời gian ngắn, hầu hết các địa phương có Hội phản đế cứu quốc đều xây dựng lực lượng tự vệ.
Trước sự phát triển mạnh mẽ của phong trào cách mạng trong nước với một số các cuộc khởi nghĩa vũ trang đã nổ ra như khởi nghĩa Bắc Sơn (9/1940), khởi nghĩa Nam Kỳ (11/1940), Trung ương Đảng đã có Thông báo khẩn cấp kêu gọi các địa phương hưởng ứng hai cuộc khởi nghĩa. Theo tinh thần đó, tháng 2/1941, Hội nghị đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa họp tại làng Phong Cốc (Xuân Minh, Thọ Xuân) đã quyết định tiếp tục đẩy mạnh phong trào cách mạng trong tỉnh, hưởng ứng cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn và Nam kỳ. Đồng thời, đã xác định một trong những công tác trọng tâm là thành lập và phát triển các đội tự vệ, đội du kích, tiến tới đấu tranh vũ trang.
 Quán triệt Nghị quyết của Hội nghị đại biểu Đảng bộ, tại các huyện như: Thọ Xuân, Thiệu Hoá, Yên Định, Vĩnh Lộc, Thạch Thành, Hà Trung, Hoằng Hoá phong trào cách mạng phát triển mạnh mẽ, phần lớn các làng, tổng đã xây dựng được đội tự vệ cứu quốc. Nhiều nơi, ban đêm đội tự vệ dương cao Cờ đỏ sao vàng, chia từng tiểu đội tập luyện và tổ chức diễn tập quân sự. Trên cơ sở các đội tự vệ, các chiến sĩ cộng sản đã lựa chọn những người có tinh thần cảm tử, tuyệt đối trọng kỷ luật, có khả năng tổ chức vận động nhân dân để xây dựng các tiểu tổ du kích và nhiều làng đã xây dựng được các tiểu đội du kích đầu tiên trong tỉnh. Sự ra đời của các tiểu đội du kích đánh dấu bước phát triển mới của lực lượng vũ trang cách mạng Thanh Hóa.
Để đáp ứng yêu cầu cách mạng ngày càng dâng cao, ngày 10/7/1941, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã quyết định chọn làng Ngọc Trạo (Thạch Thành) là căn cứ địa cách mạng. Ngày 19/8/1941, chiến khu bị chính quyền cai trị phát hiện, Đảng bộ quyết định chuyển toàn bộ lực lượng về Hang Treo (Hà Long, Hà Trung). Tại Hang Treo, ngày 19/9/1941, Đảng bộ quyết định tổ chức lễ thành lập đội du kích Ngọc Trạo, ban đầu có 21 chiến sĩ, do đồng chí Đặng Châu Tuệ làm Chỉ huy trưởng. Đội du kích Ngọc Trạo ngày càng lớn mạnh và đến tháng 10/1941 phát triển lên tới 83 người, được phiên chế thành 3 tiểu đội, bên cạnh ban chỉ huy, đội còn có các ban chỉ huy quân sự, hậu cần, bảo vệ,... Hàng ngày buổi sáng đội học quân sự, buổi chiều học chính trị, buổi tối sinh hoạt văn nghệ. Các chiến sĩ được trang bị dao, kiếm, súng kíp để luyện tập và chiến đấu. Đây là đội du kích thoát ly đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa. Nhiều chiến sĩ của Đội sau đó trở thành những cán bộ, chiến sĩ nòng cốt của các huyện và làm nòng cốt trong đội quân đi giành chính quyền trong Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945.
Cuối năm 1942, nhận được Chương trình hoạt động của Việt Minh và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 (5/1941), Tỉnh uỷ Thanh Hóa quyết định  thành lập Mặt trận Việt Minh, đưa cách mạng Thanh Hoá hoà chung với phong trào cách mạng của cả nước. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ và Tỉnh bộ Việt Minh, cả tỉnh dấy lên phong trào đánh giặc cứu nước rất sôi nổi. Mặt trận Việt Minh ở các phủ, huyện, thị xã lần lượt được thành lập, các đoàn thể cứu quốc phát triển sâu rộng. Chính vì vậy, lực lượng chính trị được phát triển, tiếp tục tạo điều kiện cho việc xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân ở địa phương.
Tháng 2/1944, Tỉnh ủy triệu tập Hội nghị bất thường, tại Hội nghị  đã quyết định phát triển mạnh lực lượng vũ trang, nhanh chóng mở lớp huấn luyện quân sự, tăng cường công tác tuyên truyền vũ trang nhân dân. Đến tháng 3/1944, Tỉnh uỷ mở lớp huấn luyện quân sự đầu tiên tại Nga Sơn do hai đồng chí Hoàng Tiến Trình, Trương Văn Lĩnh phụ trách. Ngoài ra, Tỉnh uỷ tiếp tục chỉ đạo mở các lớp huấn luyện cho cán bộ tiểu đội và trung đội đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi của công tác xây dựng lực lượng vũ trang cho cách mạng, góp phần thúc đẩy phong trào cách mạng Thanh Hóa tiếp tục phát triển. Cho nên, từ giữa năm 1944 trở đi, phong trào cách mạng Thanh Hoá đã phát triển mạnh mẽ cả về diện rộng và bề sâu, đấu tranh vũ trang, bán vũ trang kết hợp chặt chẽ với đấu tranh chính trị. Các cuộc biểu tình có vũ trang nổ ra liên tiếp.
Vào cuối năm 1944 đến đầu năm 1945, tình hình thế giới và trong nước có nhiều chuyển biến mau lẹ, ngày 24/6/1944, Tỉnh uỷ triệu tập Hội nghị Đại biểu Đảng bộ tại làng Vĩnh Liệt (Hà Trung) nhằm lãnh đạo phong trào cách mạng trong tỉnh gấp rút chuẩn bị mọi mặt tiến đến khởi nghĩa giành chính quyền. Hội nghị nhấn mạnh: phong trào cách mạng hiện nay có tính toàn dân vũ trang nghĩa là có tính khởi nghĩa. Cho nên đã đặt vấn đề phải gấp rút mở thêm nhiều lớp huấn luyện chính trị, quân sự ngắn hạn, đào tạo thêm nhiều cán bộ chính trị quân sự để cung cấp cho cuộc khởi nghĩa sắp tới.
Để biến Nghị quyết của tỉnh Đảng bộ thành hiện thực, ngày 15/9/1944, Tổng bộ Việt minh ra chỉ thị Kíp sửa soạn khởi nghĩa nhằm thức đẩy các địa phương khẩn trương xây dựng, củng cố và phát triển các đội tự vệ, đội du kích, sắm sửa vũ khí, …tiến đến khởi nghĩa giành chính quyền. Các địa phương khẩn trương thực hiện Chỉ thị của Tổng bộ Việt minh, các địa phương đẩy mạnh phong trào quyên góp tiền lập quỹ mua sắm vũ khí, sản xuất vũ khí, huấn luyện quân sự…Bước sang năm 1945, để gấp rút chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa, phong trào xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng ở địa phương đã trở thành một cao trào rộng khắp. Các huyện trong tỉnh đều thành lập các đội tự vệ cứu quốc để chống khủng bố và bảo vệ cách mạng. Lực lượng thanh niên đều hăng hái tham gia các đội tự vệ chiến đấu.
Ngày 24/7/1945, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy và Chi bộ huyện Hoằng Hóa, lực lượng tự vệ cùng với lực lượng quần chúng nổi dậy giành chính quyền. Đây là cuộc khởi nghĩa từng phần đầu tiên ở Thanh Hoá giành thắng lợi, đã cổ vũ mạnh mẽ các địa phương khác trong tỉnh tiến hành giành chính quyền cách mạng trong toàn tỉnh.
Đêm ngày 18, rạng ngày 19/8/1945, Tỉnh uỷ phát động tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Theo tinh thần đó, lực lượng tự vệ và nhân dân các địa phương vùng lên đấu tranh lật đổ chính quyền thân Nhật, giành lại chính quyền về tay nhân dân. Đến cuối tháng 8 năm 1945, hệ thống chính quyền cách mạng đã được thiết lập trên địa bàn toàn tỉnh.
Có thể nói, thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Thanh Hóa là kết quả của 15 năm đấu tranh anh dũng, kiên cường, bền bỉ, liên tục của nhân dân Thanh Hóa dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa. Đó là kết quả tất yếu của quá trình vận dụng đúng đắn, sáng tạo đường lối của Trung ương Đảng vào hoàn cảnh cụ thể của địa phương, trong đó có đường lối về bạo lực cách mạng, về xây dựng lực lượng vũ trang trong đấu tranh cách mạng. Trong lãnh đạo quần chúng nhân dân đấu tranh, cùng với chăm lo xây dựng lực lượng chính trị, Đảng bộ đã luôn chú trọng xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng. Đặc biệt trong những năm vận động cách mạng tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền (1939 -1945), công tác xây dựng lực lượng vũ trang đã được Đảng bộ xúc tiến một cách mạnh mẽ, các đội tự vệ, du kích đã được thành lập ở hầu khắp các địa phương, góp phần cùng với lực lượng chính trị của quần chúng nhân dân làm nên thắng lợi của cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên địa bàn toàn tỉnh. Chính những lực lượng tự vệ, du kích được thành lập trong những năm vận động tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền đã đặt nền móng để Đảng bộ tiếp tục xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang của tỉnh trong các thời kỳ cách mạng sau này./.


[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.7, tr.58.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.7, tr.129
Số lượt truy cập
Hôm nay:
1422
Hôm qua:
2147
Tuần này:
7916
Tháng này:
39562
Tất cả:
4.404.442