Đẩy mạnh công tác vận động, hỗ trợ phụ nữ trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá sáng tạo khởi nghiệp, phát triển kinh tế
Đăng lúc: 20:46:05 07/03/2022 (GMT+7)568 lượt xem
ThS. Phạm Bá Thịnh – Khoa Lý luận cơ sở
Từ xưa đến nay, phụ nữ bao giờ cũng là lực lượng quan trọng và đông đảo trong đội ngũ những người lao động tạo dựng nên xã hội. Phụ nữ là chủ thể của quá trình phát triển xã hội, là thành viên quan trọng trong gia đình. Phụ nữ vừa là người công dân, người lao động và là người thầy đầu tiên của con người. Vì vậy, để góp phần phát huy lực lượng quan trọng này, yêu cầu tất yếu khách quan cần phải đẩy mạnh công tác vận động, hỗ trợ phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp, phát triển kinh tế.
Vận động, hỗ trợ phụ nữ Việt Nam sáng tạo khởi nghiệp, phát triển kinh tế là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta, nhằm nâng cao nhận thức của phụ nữ về chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về khởi nghiệp, thúc đẩy hiện thực hoá các ý tưởng kinh doanh, góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia về phát triển doanh nghiệp và chiến lược quốc gia về bình đẳng giới.
Đối với Thanh Hóa, một tỉnh nằm ở vị trí chiến lược, cầu nối giữa Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, giữ vai trò hết sức quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và cả nước; là tỉnh lớn có diện tích tự nhiên 11.114,6 km2, đứng thứ 5 cả nước; dân số trên 3,65 triệu người, đứng thứ 3 cả nước, với 27 huyện, thị, thành phố, có 559 đơn vị hành chính cấp xã, phụ nữ chiếm trên 1 triệu dân số toàn tỉnh, với 4393 chi hội phụ nữ, thu hút gần 581 nghìn hội viên phụ nữ tham gia sinh hoạt Hội. Xuất phát từ vai trò, vị trí của phụ nữ Việt Nam; đồng thời, nhằm hiện thực hoá một trong bốn nhiệm vụ trọng tâm của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thanh Hoá là “Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững”, những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện của cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Thanh Hoá và Hội cấp trên, công tácvận động, hỗ trợ phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp, phát triển kinh tế trên địa bàn đã đạt được những kết quả to lớn không chỉ khẳng định vị thế, vai trò của phụ nữ Thanh Hoá trong gia đình và xã hội, còn góp phần quan trọng trong các lĩnh vực phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội, quốc phòng, an ninh của tỉnh nhà. Đó là:
Hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, phát huy nội lực, tăng cường kết nối thúc đẩy khởi nghiệp, sáng tạo của phụ nữ gắn với thực hiệnkhâu đột phá “Tăng cường hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gắn với bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và công tác bảo vệ môi trường theo tinh thần Nghị quyết số 04-NQ/TU và số 05-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh” được triển khai đồng bộ, đáp ứng các tiêu chí về an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường; tập trung nguồn lực, mở rộng kết nối các chương trình, xây dựng các mô hình kinh tế theo chuỗi giá trị “Sản xuất sạch, chế biến sạch, tiêu dùng sạch” phù hợp với từng địa phương, đã mang lại kết quả tích cực, khơi dậy ý chí, phát huy được nội lực của phụ nữ. Các mô hình được gắn kết với thực hiệnchương trình giảm nghèo nhanh và bền vững; chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và các phong trào, cuộc vận động, chương trình của Hội như: “Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ”, “Ngân hàng bò”, “Con giống niềm tin”, “Trao sinh kế bền vững”… tạo nên phong trào rộng lớn trong Hội viên giúp nhau về vốn, ngày công, con giống, chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển kinh tế, đã có 82.307 lượt hộ nghèo được các cấp Hội giúp bằng nhiều hình thức với tổng trị giá 114.884 triệu đồng.Đặc biệt, các cấp Hội đã nỗ lực vận động nguồn lực thực hiện có hiệu quả chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” tại 16 xã biên giới khó khăn với tổng trị giá 13 tỷ đồng; triển khai nhiều hoạt động mang tính nhân văn sâu sắc, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên, phụ nữ và Nhân dân.
Công tác dạy nghề, giới thiệu việc làm có bước chuyển mới, các cấp Hội đã tăng cường phối hợp, liên kết đào tạo nghề cho 53.943 phụ nữ, trong đó trên 80% trở lên chị em sau đào tạo nghề được giới thiệu việc làm hoặc tự tạo việc làm. Cùng với đó, chủ động mở rộng phối hợp tín chấp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội, nguồn vốn Quỹ quốc gia về việc làm, Quỹ TYM, Tổ chức tài chính vi mô Thanh Hóa, Quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo với tổng nguồn vốn do Hội quản lý là 9.521 tỷ 849 triệu đồng, cho 189.910 phụ nữ vay phát triển kinh tế. Phối hợp với các ngành tổ chức chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 824.299 lượt hội viên, phụ nữ, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Nhằm góp phần nâng cao nhận thức, thúc đẩy sự chủ động sáng tạo của các cấp Hội trong đề xuất với chính quyền phê duyệt kế hoạch hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, Hội Liên hiệp phụ Nữ tỉnh đã tham mưu đề xuất và thực hiện có hiệu quả Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”; tổ chức 25 lớp tập huấn nâng cao năng lực kinh doanh, khởi nghiệp và xây dựng các ý tưởng khởi nghiệp cho 1.250 phụ nữ; đã có 10.843 chị được Hội hỗ trợ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp, trong đó có 661 doanh nghiệp do nữ làm chủ được thành lập. Ngày phụ nữ sáng tạo - khởi nghiệp hằng năm được tổ chức theo chủ đề phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế, đáp ứng khát vọng khởi nghiệp, mở ra những cơ hội tiếp cận vốn, kiến thức, kinh nghiệm, kết nối cung cầu sản phẩm cho phụ nữ. Hiệp hội Doanh nhân nữ và 14 câu lạc bộ Nữ doanh nhân có nhiều hoạt động kết nối, hỗ trợ phụ nữ thực hiện ý tưởng sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển sản xuất kinh doanh, dạy nghề, tạo việc làm; đồng thời tích cực tham gia hoạt động nhân đạo từ thiện, an sinh xã hội.
Xuất phát từ chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể và xây dựng nông thôn mới, Hội đã tuyên truyền, vận động, tư vấn, kết nối, hỗ trợ phụ nữ xây dựng các mô hình kinh tế tập thể. Đến nay, các cấp Hội đã hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng 153 mô hình phát triển kinh tế tập thể do nữ làm chủ, trong đó thành lập mới 62 hợp tác xã. Đồng thời tiếp tục theo dõi, hỗ trợ nâng cao chất lượng hoạt động các mô hình kinh tế tập thể đã thành lập. Với sự quyết tâm, tăng cường sự liên kết với các ngành, đa dạng hóa nguồn lực, thông qua các hoạt động hỗ trợ đồng bộ, thiết thực, hiệu quả, trong nhiệm kỳ, các cấp Hội đã giúp cho 15.075 hộ phụ nữ thoát nghèo, đóng góp thiết thực vào thành tựu phát triển kinh tế, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh xuống còn 3,27%...
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác vận động, hỗ trợ phụ nữ tỉnh Thanh Hoá sáng tạo, khởi nghiệp phát triển kinh tế cũng còn nhưng hạn chế, nguyên nhân như: một số tổ chức Hội chưa mạnh dạn chỉ đạo xây dựng mô hình mới tập hợp, thu hút hội viên sáng tạo, khởi nghiệp phát triển kinh tế; một bộ phận nhỏ chị em còn có tư tưởng tự ti, bằng lòng với khó khăn, thiếu ý thức vươn lên. Mặt khác, thiếu kiến thức về kỹ thuật, kỹ năng, phương pháp, thiếu kinh nghiệp thực tiễn, nguồn lực vật chất để thúc đẩy sáng tạo, khởi nghiệp phát triển kinh tế; một số cơ sở Hội chưa thật sự nhạy bén, chưa chủ động tham mưu cho cấp ủy và phối hợp với chính quyền thúc đẩy hoạt động sáng tạo, khởi nghiệp phát triển kinh tế cho hội viên… gắn với nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Nhằm đẩy mạnh công tác vận động, hỗ trợ phụ Nữ trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá sáng tạo khởi nghiệp, phát triển kinh tế, cần tập trung làm tốt một số giải pháp sau:
Thứ nhất,đẩy mạnh tuyên truyền về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về khởi nghiệp, phát triển kinh doanh; vềvai trò, vị trí của phụ nữ đối với phát triển kinh tế. Tổ chức phát động, triển khai các hoạt động ngày phụ nữ khởi nghiệp; tuyên truyền vận động hội viên tham gia cuộc thi ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp hàng năm do hội cấp trên tổ chức; đa dạng các hình thức tuyên truyền về phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế như: xây dựng và duy trì chuyên mục về phụ nữ khởi nghiệp trên trang thông tin điện tử của Hội, trên Báo Phụ nữ Việt Nam, hệ thống truyền thanh, truyền hình ở các địa phương; xây dựng các mô hình thí điểm tuyên truyền tại cộng đồng, nhất là các huyện miền núi, tổng kết rút kinh nghiệm để triển khai trên diện rộng.
Thứ hai,tăng cường hỗ trợ phụ nữ đổi mới sáng tạo phát triển kinh doanh và khởi nghiệp; phối hợp với chính quyền, các ngành chức năng tổ chức các hoạt động hỗ trợ hồ sơ sơ thủ tục thành lập doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh; các hoạt động tập huấn nâng cao năng lực quản trị điều hành, lập kế hoạch kinh doanh, đào tạo nghề và tư vấn hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác do phụ nữ làm chủ trong việc đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu, đăng ký sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm chủ lực của địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho hội viên phụ nữ khởi nghiệp thành công, phát triển kinh tế bền vững.
Đối với các chi hội ở cơ sở, hằng nămtổ chức rà soát nắm danh sách, nhu cầu phụ nữ có ý tưởng khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp gửi về huyện tổng hợp để đăng ký và tổ chức các hoạt động hỗ trợ hiện thực hóa các ý tưởng phù hợp với nhu cầu từng nhóm đối tượng. Tư vấn hỗ trợ hội viên lựa chọn ý tưởng, lập kế hoạch khởi sự, khởi nghiệp; phối hợp tổ chức các hoạt động hỗ trợ nâng cao năng lực cho nữ chủ doanh nghiệp; trọng tâm là các doanh nghiệp mới thành lập do nữ làm chủ.
Thứ ba,hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp nữ mới thành lập như: tập huấn, đào tạo kiến thức, đào tạo nghề, đẩy mạnh xúc thương mại, tổ chức đối thoại giữa doanh nghiệp với chính quyền; tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp nữ tiếp cận các nguồn lực về vốn, pháp lý, khoa học công nghệ; tư vấn, hỗ trợ nâng cao chất lượng các tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp nữ; kết nối các doanh nghiệp nữ giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mai thông qua trang điện tử của Hội, Báo phụ nữ Việt Nam, các báo của bộ, ngành, địa phương, hội chợ.
Thứ tư,phát huy vai trò của tổ chức Hội trong việc chủ động tham mưu cho cấp ủy và phối hợp với chính quyền thúc đẩy hoạt động sáng tạo, khởi nghiệp phát triển kinh tế cho hội viên… gắn với nhiệm vụ chính trị của địa phương; cũng như tháo gỡ khó khăn, những vấn đề vướng mắc liên quan trong khởi sự khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp. Tiếp tục hỗ trợ nâng cao năng lực của cán bộ Hội chịu trách nhiệm đối mối phụ trách hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp về kỹ năng kinh doanh, kỹ năng quản lý, điều hành, kết nối các đơn vị hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp. Làm tốt công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai các chính sách luật pháp liên quan đến hỗ trợ khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp trên địa bàn trong đó có hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.
Thứ năm,phát triển mạng lưới các Hiệp hội, Câu lạc bộ doanh nhân nữ. Củng cố, kiện toàn nâng cao năng lực các Hiệp hội, Câu lạc bộ doanh nhân nữ hiện có; kết nối, hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp nữ; khuyến khích phụ nữ khởi nghiệp, tinh thần khởi nghiệp, nhất là phụ nữ khó khăn có mong muốn khởi nghiệp phát triển doanh nghiệp; tổ chức diễn đàn, hội thảo, chia sẻ kinh nghiệm nâng cao kiến thức phát triển doanh nghiệp; đẩy mạnh hoạt động phát triển doanh nghiệp gắn với các hoạt động xã hội vì cuộc sống đồng.
Có thể khẳng định, những hoạt động thiết thực, cụ thể của Hội Liên hiệp Phụ Nữ tỉnh Thanh Hoá đối với công tác vận động, hỗ trợ phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp, phát triển kinh tế đã có nhiều chuyển biến tích cực và hiệu quả, đây không chỉ là thành quả chung sức cùng Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng, xây dựng Thanh Hóa sớm trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc, tỉnh giàu đẹp, văn minh, hiện đại, tỉnh “kiểu mẫu” của cả nước, còn góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia về phát triển doanh nghiệp và chiến lược quốc gia về bình đẳng giới./.
-------------------
Tài liệu tham khảo:
- Quyết định số 939/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025”.
- Các Văn kiện trình Đại hội đại biểu Phụ Nữ tỉnh Thanh hoá, khoá XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Các tin khác
- Mô hình “5 được, 5 sản phẩm, 5 quán xuyến, 5 thông qua, 5 vai trò” trong công tác chủ nhiệm lớp
- Nữ cán bộ, viên chức Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá đẩy mạnh phong trào thi đua xây dựng trường đạt chuẩn mức 2
- Vận dụng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chống thói ba hoa trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” để nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị
- Giải phóng Thủ đô Hà Nội - Sự kiện trọng đại của dân tộc Việt nam
- Ý nghĩa của Tuyên ngôn Độc lập đối với cách mạng Việt Nam
- Học tập Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế
- Một số giải pháp xây dựng văn hóa doanh nghiệp trong cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa giai đoạn hiện nay - Thực tiễn từ Tổng Công ty Hợp Lực, Thanh Hóa
- Báo cáo từ chương trình nghiên cứu thực tế lớp Bồi dưỡng cán bộ dự nguồn Ban Chấp hành Đảng bộ và các chức danh lãnh đạo, quản lý huyện Thạch Thành, nhiệm kỳ 2025 - 2030, 2026 - 2031
- Giải pháp nâng cao chất lượng Trang thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá đáp ứng yêu cầu chuẩn hóa theo Quy định số 11
- Đóng góp của lực lượng vũ trang Thanh Hóa trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược
Liên kết website
Số lượt truy cập
Hôm nay:
47
Hôm qua:
2301
Tuần này:
4669
Tháng này:
12590
Tất cả:
5.105.099