HƯỞNG ỨNG NGÀY SÁCH VÀ VĂN HOÁ ĐỌC VIỆT NAM (21/4/2021 - 21/4/2024)

“Dĩ bất biến, ứng vạn biến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Một chân lý về phương châm cách mạng Việt Nam

Đăng lúc: 07:23:36 01/09/2016 (GMT+7)1585 lượt xem

 
ThS. Lê Ái Bình
Phó Trưởng khoa Xây dựng Đảng

Triết lý “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh được mọi người biết đến lần đầu tiên là ngày 31 - 5 - 1946, khi Bác trao đổi với cụ Huỳnh Thúc Kháng (cụ Huỳnh). Trước lúc Bác Hồ sang Pháp với tư cách là thượng khách của Chính phủ Pháp, Bác Hồ đã dặn cụ Huỳnh: “Tôi vì nhiệm vụ quốc dân giao phó phải đi xa ít lâu, ở nhà trăm sự khó khăn nhờ cậy ở Cụ cùng anh em giải quyết cho, mong C“Dĩ bất biến, ứng vạn biến”[1]. Chính từ lời căn dặn ấy của Bác, cụ Huỳnh đã giải quyết suôn sẻ, hiệu quả và rất hợp lòng dân mọi gay cấn ở trong nước và bảo vệ được Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” không chỉ là lời căn dặn riêng mà là một triết lý hành động, một phương châm cách mạng xuyên suốt và nhất quán được Bác Hồ cùng với Đảng thực hiện trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam.
Mặc dù không nói cụ thể “Dĩ bất biết, ứng vạn biến” là gì, nhưng chính bằng thực tiễn cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là minh chứng khách quan, sinh động và đầy tính thuyết phục về phương châm cách mạng do Người đưa ra; đồng thời, đây còn là kinh nghiệm quý về vận dụng nó trong mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn khác nhau của cách mạng.
Có thể khẳng định, thực chất phương châm cách mạng “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” là lấy cái không thay đổi - mục tiêu cách mạng, để đối phó với vạn thay đổi từ trong thực tiễn sao cho hiệu quả - sách lược cách mạng. Trên thế giới và ngay tình thế của cách mạng luôn vận động, thay đổi, nhưng giá trị chân lý và mục tiêu cách mạng thì không thể thay đổi. Người làm cách mạng cần phải đứng vững trên một chân lý cách mạng, phải kiên định với mục tiêu cách mạng đã lựa chọn để đối phó với những tình huống phức tạp xảy ra trong thực tế ở mỗi thời kỳ.
Đối với cách mạng Việt Nam, cái “ bất biến” đó chính là nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một; độc lập dân tộc, thống nhất đất nước không bao giờ thay đổi; độc lập dân tộc gắn liền CNXH là mục tiêu chiến lược của cách mạng Việt Nam,.. Tất cả điều đó là chân lý và là mục tiêu của cách mạng Việt Nam. Tuy nhiên, làm cách mạng phải biết sáng tạo để lựa chọn biện pháp xử trí các tình huống cách mạng linh hoạt, mềm dẻo để đưa cách mạng đến thành công theo giá trị chân lý đó. Trong đấu tranh cách mạng, thực hiện mục tiêu XHCN và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN, nhất là việc bảo vệ chủ quyền đất nước, chủ quyền biển đào là thiêng liêng, là nhất quán, xuyên suốt. Nhưng, thực hiện điều đó phải “ứng vạn biến”, khôn khéo, mềm dẻo, linh hoạt về sách lược với mọi âm mưu thủ đoạn của kẻ thù.
Thực tế kinh nghiệm cách mạng nước ta trong giai đoạn 1945 -1946 cho thấy, sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở khu vực Đông nam Á do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu đã phải đương đầu với bao thế lực “thù trong giặc ngoài” đang lăm le bóp chết chính quyền cách mạng ngay từ trứng nước. Đó là hơn 20 vạn quân Tưởng kéo vào miền Bắc và hơn 1 vạn quân Anh vào miền Nam với danh nghĩa vào giải giáp phát xít Nhật, nhưng thực chất đều có âm mưu chống phá cách mạng nước ta. Và theo sau quân Anh là quân Pháp quay trở lại xâm chiếm nước ta một lần nữa. Ngoài ra, bọn Việt Quốc, Việt Cách bám gót quân Tưởng về nước; bọn tay sai của thực dân Pháp và một số phần tử phản cách mạng trong nước cấu kết với thực dân đế quốc, tiếp tay cho kẻ thù chống phá cách mạng. Tình cảnh đất nước giai đoạn này như “ngàn cân treo sợi tóc”.
Từ phương châm cách mạng “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”, Bác Hồ cùng Đảng ta đã phân tích, đánh giá, qua đó tìm cách để làm phân hoá, gạt bỏ từng kẻ thù, phá thế lưỡng đầu thọ địch. Thực hiện “ ứng vạn biến” vì “ Dĩ bất biến”, chúng ta đã chủ trương hoà với quân Tưởng để đối phó với Pháp ở miền Nam, sau đó lại tạm hòa với Pháp để đuổi Tưởng ra khỏi miền Bắc; đồng thời, đuổi luôn được bọn Việt Quốc, Việt Cách. Đối với kẻ thù chính của cách mạng là thực dân Pháp, Bác Hồ và Đảng ta lại chủ động đề ra sách lược “hoà để tiến” bằng Hiệp định sơ bộ ngày 06/3/1946 và tiếp đến là Tạm ước ngày 14/9/1946,….Nhờ đó đã tạo thời gian quý báu cho chính quyền cách mạng củng cố lực lượng, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài với thực dân Pháp. Hiệp định sơ bộ là bước sáng tạo mẫu mực, tuyệt vời theo sách lược nhân nhượng trên nguyên tắc “ứng vạn biến” để thực hiện mục tiêu “bất biến”. Nhờ đó giúp Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Đảng ta đã chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua được muôn vàn khó khăn bão tố trong những năm đầu sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, bảo vệ được thành quả cách mạng và đưa cách mạng tiến lên giành thắng lợi mới.
Hiện nay, trước tác động mạnh mẽ cuộc cách mạng khoa học công nghệ hiện đại, dẫn tới khu vực hóa và toàn cầu hóa ngày càng tăng, nhất là trong kinh tế. Xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển diễn ra mạnh mẽ trên thế giới đã và đang tạo ra những thời cơ mới, môi trường mới thuận lợi cho sự phát triển kinh tế của mỗi quốc gia. Nhưng chính quá trình đó đồng thời cũng đem đến những khó khăn, tạo nên nhiều thách thức mới đối với mục tiêu và cách thức hoàn thành mục tiêu cho cách mạng. Để thực hiện hiệu quả mục tiêu cách mạng XHCN, đẩy nhanh phát triển kinh tế của đất nước trong điều kiện đó, vận dụng phương châm cách mạng “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”, Đảng ta chủ trương, tích cực và chủ động hội nhập nền kinh tế thế giới; nhất quán thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế. Theo đó, đến nay, nước ta đã trở thành thành viên của nhiều tổ chức thế giới và khu vực; nước ta đã tham gia nhiều hiệp ước quan trọng vì sự phát triển và tiến bộ chung trong khu vực và thế giới. Tất cả là nhằm tranh thủ cơ hội thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, từng bước củng cố và tăng cường tiềm lực quốc phòng, quân sự để bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, thực tiễn của đất nước, trực tiếp hoặc gián tiếp đang nảy sinh không ít khó khăn, thách thức, tác động tiêu cực đến việc bảo vệ độc lập chủ quyền, lợi ích quốc gia, dân tộc và yêu cầu giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa trong quá trình phát triển. Thẳng thắn nhìn nhận, hiện tại chúng ta còn đang đối mặt với không ít nguy cơ và thách thức, nhất là nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa; nguy cơ phá hoại của các thế lực thù địch với âm mưu “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ để chống phá cách mạng nước ta.
Để tranh thủ thời cơ, đẩy lùi nguy cơ trong tình hình mới, một lần nữa đòi hỏi Đảng, Nhà nước ta; yêu cầu với mỗi địa phương, mỗi cán bộ, đảng viên cần nghiên cứu, quán triệt và vận dụng tốt phương châm “Dĩ bất biến, ứng vạn biến mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra. Nhất là phải quán triệt, vận dụng “Dĩ bất biến,” -  không vì lợi ích nhất thời, cục bộ của địa phương, cá nhân nào đó mà làm tổn hại đến lợi ích chung của quốc gia, dân tộc, của tập thể. Tuyệt đối phải đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc, vì sự phát triển của chủ nghĩa xã hội như là “bất biến”. Nhưng, để phát huy nội lực, nhằm khai thác các tiềm năng, lợi thế, chúng ta cần chủ động hợp tác, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế cho phát triển đất nước. Đồng thời phải luôn cảnh giác, nắm chắc tình hình, phân định kịp thời đối tác, đối tượng. Muốn vậy, đòi hỏi mọi tổ chức, cá nhân phải thực sự “ứng vạn biến” -  phải phân tích, dự báo về thuận lợi thật sự khách quan trung thực để chớp lấy thời cơ thực hiện có hiệu quả các chủ trương đổi mới theo con đường XHCN, mang lại lợi ích cho quốc gia, góp phần vì mục tiêu chung của cách mạng. Đây vừa là bản lĩnh, sự mẫn cảm chính trị; vừa là nguyên tắc lãnh đạo trong thời kỳ chủ động hội nhập quốc tế hiện nay.
Có thể khẳng định, tình hình thế giới và trong nước hiện đang có nhiều biến đổi nhanh, phức tạp và khó lường. Để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa cần nhận thức sâu sắc các yếu tố đã và đang tác động đến mục tiêu đã định, qua đó có biện pháp ứng phó kịp thời, phù hợp. Phát triển kinh tế, nhất là đẩy mạnh tăng trưởng nhưng vẫn giữ được độc lập, tự chủ; không đi chệch mục tiêu, bản chất chủ nghĩa xã hội,..Đòi hỏi mỗi chúng ta phải vận dụng sáng tạo, linh hoạt phương châm “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh cả hôm nay và mai sau./.
 


[1]. Viện Nghiên cứu chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh – Biên niên tiểu sử, Nxb Chính trị quốc gia, H.1993, t3, tr216.
Số lượt truy cập
Hôm nay:
339
Hôm qua:
2395
Tuần này:
10517
Tháng này:
56891
Tất cả:
4.421.771