HƯỞNG ỨNG NGÀY SÁCH VÀ VĂN HOÁ ĐỌC VIỆT NAM (21/4/2021 - 21/4/2024)

Đổi mới công tác chủ nhiệm các lớp Trung cấp Lý luận chính trị - Hành chính tại chức – Từ thực tiễn Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa

Đăng lúc: 13:37:32 25/11/2016 (GMT+7)2292 lượt xem

 
ThS. Lê Ái Bình
Phó trưởng Khoa Xây dựng Đảng
 
Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là vấn đề quan trọng hàng đầu đối với các Trường Chính trị tỉnh, thành phố trong cả nước. Đối với Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa - một trường có bề dày truyền thống hơn sáu mươi năm xây dựng và phát triển, trong những năm qua, trên cơ sở bám sát chức năng, nhiệm vụ được giao, Ban Giám hiệu nhà trường đã luônchú trọng nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng thông qua việc đổi mới đồng bộ trên các mặt hoạt động của nhà trường. Trong đó, lấy đổi mới công tác quản lý đào tạo là khâu đột phá. Trong quản lý đào tạo thì đổi mới về công tác chủ nhiệm lớp, đặc biệt là đối với các lớp Trung cấp Lý luận Chính trị – Hành chính tại chức được coi là một trong những mắt khâu quan trọng nhằm góp phần vừa nâng cao chất lượng quản lý đối với các lớp, vừa nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên của nhà trường.  
Trước đây, công tác chủ nhiệm các lớp Trung cấp Lý luận Chính trị - Hành chính, kể cả các lớp tập trung và tại chức đều chủ yếu giao cho cán bộ, chuyên viên Phòng Đào tạo phụ trách, vì vậy dẫn đến tình trạng một cán bộ hoặc chuyên viên của Phòng Đào tạo phải chủ nhiệm nhiều lớp cùng một thời điểm, trong khi các lớp Trung cấp Lý luận Chính trị – Hành chính tại chức thì phân bổ ở tất cả các huyện, thị, thành phố trên địa bàn toàn tỉnh, dẫn đến chủ nhiệm lớp không thể nắm bắt kịp thời, đầy đủ tình hình học tập của học viên cũng như những diễn biến hàng ngày của lớp học,…nên ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo của các lớp tại chức. Trong khi đó, nhiều cán bộ, giảng viên ở các khoa, phòng khác của nhà trường có trình độ, năng lực và cũng cần được tham gia nhiều hơn vào các khâu của quá trình đào tạo, bồi dưỡng để trưởng thành hơn về mọi mặt nhưng chưa được phát huy. Chính vì vậy, trong những năm qua, Ban Giám hiệu nhà trường đã từng bước thực hiện đổi mới về việc phân công chủ nhiệm các lớp, đặc biệt là đối với các lớp tại chức: Chủ nhiệm lớp không giao hoàn toàn cho Phòng Đào tạo mà phân công cho cả các cán bộ, giảng viên ở các khoa, phòng, tổ bộ môn và gắn việc phân công chủ nhiệm lớp với giao nhiệm vụ chủ trì các buổi tọa đàm khoa học, chủ nhiệm các đề tài khoa học mang tính tổng kết thực tiễn ở các địa phương.
Có thể nói, việc đổi mới trong phân công chủ nhiệm các lớp Trung cấp Lý luận Chính trị - Hành chính tại chức trong thời gian qua đã khắc phục được tình trạng quá tải khi một cán bộ, chuyên viên Phòng Đào tạo phải chủ nhiệm nhiều lớp cùng một thời điểm, đồng thời cũng phát huy được năng lực của cán bộ, giảng viên trong nhà trường, tạo nên sức mạnh tổng hợp trong việc nâng cao chất lượng quản lý học viên nói riêng, chất lượng đào tạo của các lớp Trung cấp Lý luận Chính trị – Hành chính tại chức nói chung. Mặt khác, sự thay đổi trong công tác chủ nhiệm ở Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa trong những năm qua cũng đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên của nhà trường. Qua chủ nhiệm lớp, cán bộ, giảng viên đã có sự trưởng thành trên nhiều phương diện.
 Một là, nâng cao năng lực quản lý. Theo Quy chế chủ nhiệm lớp của nhà trường, chủ nhiệm lớp là người được Hiệu trưởng giao nhiệm vụ trực tiếp quản lý lớp học theo quy chế đào tạo như: Theo dõi việc học tập và rèn luyện của học viên, truyền đạt những chủ trương của nhà trường đến lớp học theo chỉ đạo của Hiệu trưởng. Mặt khác, chủ nhiệm lớp còn phối hợp cùng Phòng Đào tạo, Phòng Tổ chức - Hành chính - Quản trị trong quản lý các hoạt động của học viên; đề nghị Hiệu trưởng xem xét quyết định cử và công nhận Ban cán sự lớp; thông báo đặc điểm tình hình của lớp cho khoa, phòng có liên quan biết để thuận lợi trong phối hợp công tác, quản lý chặt chẽ học viên; theo dõi giảng dạy và học tập của lớp mình phụ trách, nắm vững số học viên vắng mặt trong các buổi lên lớp, theo dõi tinh thần, thái độ học tập và rèn luyện của học viên, tổ chức thực hiện nghiêm túc các quy chế đào tạo…Vì vậy, chính thông qua quản lý lớp học, chủ nhiệm lớp được nâng cao về tư duy quản lý và năng lực quản lý như: Hoàn thiện về khả năng xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện kế hoạch chủ nhiệm lớp; nâng cao khả năng nắm bắt đặc điểm tâm lý, tâm tư nguyện vọng, hoàn cảnh của từng học viên và nhóm đối tượng học viên, kịp thời xử lý điều chỉnh hướng vào mục tiêu chung của tập thể lớp (thông qua nắm lý lịch, thông qua trao đổi và các kênh thông tin khác); nâng cao khả năng phối hợp, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập rèn luyện của học viên; nâng cao khả năng xử lý các tình huống nảy sinh trong quá trình học tập của học viên; nâng cao khả năng chuyên gia, cố vấn cho Ban cán sự lớp trong triển khai thực hiện quản lý lớp học và tổ chức các hoạt động tự quản...
Hai là, nâng cao  năng lực tham mưu. Qua công tác chủ nhiệm lớp, qua việc nắm bắt toàn diện đối tượng người học về nhu cầu hiểu biết, về kiến thức nghiệp vụ mà họ đã có hoặc còn thiếu, chủ nhiệm lớp có cơ sở tham mưu cho lãnh đạo nhà trường về việc đổi mới phương thức đào tạo, bồi dưỡng; đổi mới nội dung chương trình và phương pháp giảng dạy sát với đối tượng người học nhằm đem lại hiệu quả cao trong kết quả đào tạo, bồi dưỡng. Đồng thời, cũng chính qua công tác chủ nhiệm lớp, qua quá trình theo dõi tiến độ thực hiện chương trình đào tạo của lớp, qua sự phản ánh của học viên và các trung tâm bồi dưỡng chính trị ở các địa phương có lớp học diễn ra, chủ nhiệm lớp kịp thời nắm bắt được những vấn đề phát sinh đặt ra trong quá trình đó, chẳng hạn như như tình học tập, rèn luyện, hoặc những chế độ chính sách đối với người học từ đó có thể tham mưu với lãnh đạo nhà trường về những giải pháp phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc tăng cường công tác quản lý học viên hoặc là những chế độ chính sách đối với người học. Mặt khác, khi làm chủ nhiệm các lớp tại chức, giảng viên cũng có điều kiện tìm hiểu về tình hình thực tế ở các địa phương, qua đó thấy được những vấn đề thực tiễn đang đặt ra ở các địa phương, từ đó tham mưu cho lãnh đạo nhà trường về những vấn đề thực tiễn mà nhà trường cần tham gia cùng cấp ủy, chính quyền địa phương nghiên cứu, tổng kết, để nhà trường vừa thực hiện tốt phương châm đào tạo gắn lý luận với thực tiễn, vừa có thể cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương đề ra những giải pháp giải quyết những vấn đề khó khăn đang đặt ra trong thực tiễn.
Ba là, nâng cao năng lực nghiên cứu thực tế, tổng kết thực tiễn. Trong giảng dạy lý luận chính trị, một trong những yêu cầu đặt ra có tính nguyên tắc đối với người giảng viên là phải vững vàng về kiến thức lý luận và am hiểu về tình hình thực tiễn của thế giới và trong nước, đặc biệt là về tình hình kinh tế – xã và đời sống nhân dân ở các địa phương trong tỉnh. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa đang trong quá trình chuyển giao các thế hệ giảng viên, những giảng viên có bề dày kinh nghiệm trong giảng dạy, có vốn kiến thức thực tiễn phong phú thì phần lớn đã nghỉ hưu, trong khi đó các giảng viên trẻ mặc dù đều được đào tạo cơ bản về kiến thức chuyên môn, nhưng vốn kiến thức thực tiễn, sự am hiểu về truyền thống lịch sử, phong tục tập quán và tình hình đời sống nhân dân ở các địa phương còn hạn chế. Để khắc phục tình trạng này, trước đây, nhà trường luôn quan tâm đến việc tổ chức cho cán bộ, giảng viên đi nghiên cứu thực tế để nâng cao vốn kiến thức thực tiễn, nhưng chủ yếu là theo các đợt do khoa và nhà trường tổ chức và việc tiếp cận thông tin chủ yêu thông qua nghe các báo cáo từ các lãnh đạo địa phương, mà chưa có thời gian để tìm hiểu sâu sát mọi mặt tình hình chính trị, kinh tế, xã hội và đời sống nhân dân. Hiện nay, với việc được phân công chủ nhiệm các lớp tại chức ở các địa phương, các giảng viên trẻ sẽ có điều kiện, thời gian để đi sâu tìm hiểu tình hình thực tiễn bằng nhiều kênh thông tin khác nhau, đặc biệt là thông qua các đối tượng học viên của lớp học vì đa số họ đều là những cán bộ đang trực tiếp tổ chức và thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, có nhiều người hiện đang giữ các cương vị lãnh đạo, quản lý ở cơ sở. Nhờ đó, sự hiểu biết về truyền thống lịch sử, phong tục tập quán và tình hình kinh tế – xã hội, đời sống nhân dân các địa phương của các giảng viên trẻ  không ngừng được nâng lên, phục vụ ngày càng tốt hơn cho công tác giảng dạy, đáp ứng yêu cầu gắn lý luận với thực tiễn.
Mặt  khác, khi phân công các giảng viên trẻ làm chủ nhiệm các lớp tại chức, Ban Giám hiệu nhà trường đã giao cho họ chủ trì các buổi tọa đàm khoa học hoặc chủ nhiệm các đề tài mang tính tổng kết thực tiễn các vấn đề nổi bật ở địa phương có lớp học. Chính điều này đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao năng lực nghiên cứu thực tế, tổng kết thực tiễn cho các giảng viên như: khả năng phát hiện và  nắm bắt nhanh chóng các vấn đề trong thực tiễn, nhất là những vấn đề liên quan đến chuyên môn; biết cách thu thập, phân tích, xử lý thông tin và  khái quát hóa để rút ra những bài học kinh nghiệm thực tiễn mang tính lý luận cao; biết vận dụng những kiến thức, những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn vào trong các bài giảng.
Tóm lại, với chức năng, nhiệm vụ được giao, trên cơ sở phát huy những kết quả đã đạt được trong các giai đoạn trước, trong những năm qua, Trường Chính trị tỉnh  Thanh Hóa đã luôn quan tâm đến đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng và đã hoàn thành tốt nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho tỉnh nhà. Đóng góp vào sự thành công trong công tác đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường trong những năm qua là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố, nhưng trong đó sự thay đổi về việc phân công chủ nhiệm lớp đối với các lớp tại chức chính là một trong những yếu tố hết sức quan trọng tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng quản lý đào tạo các lớp tại chức và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên nhà trường. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực như tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, đòi hỏi  trong thời gian tới, Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa cần phải tiếp tục thực hiện đổi mới đồng bộ tất cả các khâu trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng, trong đó có công tác chủ nhiệm lớp. Đối với công tác chủ nhiệm lớp, những kết quả đạt được từ việc đổi mới phân công chủ nhiệm các lớp Trung cấp Lý luận Chính trị – Hành chính tại chức trong những năm qua là hết sức quan trọng, tuy nhiên để phát huy hơn nữa những kết quả đó, trong thời gian tới, Ban Giám hiệu nhà trường cần chỉ đạo Phòng Đào tạo và các khoa chuyên môn tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong việc chọn cử, phân công nhiệm vụ và tạo điều kiện giúp đỡ các chủ nhiệm lớp hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Đồng thời, cùng với việc tổ chức các hội nghị giao ban công tác chủ nhiệm lớp theo định kỳ, Phòng Đào tạo cần tham mưu để tổ chức nhiều hơn nữa những hội nghị chuyên đề với sự tham gia của Ban Giám hiệu nhà trường, lãnh đạo các địa phương, các Trung tâm bồi dưỡng chính trị, giáo viên chủ nhiệm các lớp và cả ban cán sự của các lớp để trao đổi, rút kinh nghiệm trong công tác chủ nhiệm lớp và quản lý học viên các lớp Trung cấp lý luận Chính trị – Hành chính tại chức. Tin tưởng rằng, với những kết quả đã đạt được, trên tinh thần tiếp tục đổi mới để phát triển, Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa vào sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đáp ứng yêu cầu xây dựng Thanh Hóa trở thành tỉnh khá vào năm 2020.
 
Số lượt truy cập
Hôm nay:
2185
Hôm qua:
2925
Tuần này:
9968
Tháng này:
56342
Tất cả:
4.421.222