NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 114 NĂM NGÀY QUỐC TẾ PHỤ NỮ 8/3 ( 8/3/1910 – 8/3/2024) VÀ 1984 NĂM KHỞI NGHĨA HAI BÀ TRƯNG!

Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng gắn với đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới - từ thực tiễn Trường Chính trị Thanh Hóa

Đăng lúc: 11:08:14 12/11/2019 (GMT+7)678 lượt xem

 ThS. Nguyễn Thị Lan Hương 
Phó trưởng Khoa Lý luận cơ sở
 
Việc xây dựng nông thôn mới vừa là mục tiêu, yêu cầu của phát triển bền vững; vừa là nhiệm vụ cấp bách, chủ trương có tầm chiến lược đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp cách mạng mang tính nhân văn sâu sắc của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam. Qua đó tạo được sự đồng thuận và sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, sự đồng tâm hiệp lực của toàn xã hội trong triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới (NTM). Để thực hiện được mục tiêu đó phải được bắt đầu ngay từ chính quyền cấp xã. Chính quyền cấp xã là cầu nối trực tiếp của hệ thống chính quyền Nhà nước với Nhân dân, thực hiện hoạt động quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh trật tự, an toàn xã hội ở địa phương theo thẩm quyền được phân cấp, đảm bảo cho các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được triển khai thực hiện trong cuộc sống. Trong đó, đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã có vai trò hết sức quan trọng trong thực hiện chương trình xây dựng NTM. Vì vậy, việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã vững vàng về chính trị, văn hóa, có đạo đức, lối sống trong sạch, có trí tuệ, kiến thức và trình độ năng lực để thực thi công vụ, bảo vệ lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và phục vụ Nhân dân... sẽ góp phần về đích sớm trong xây dựng nông thôn mới ở Thanh Hóa hiện nay.
Là trung tâm đào tạo bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ cấp cơ sở của tỉnh, nhận thức sâu sắc về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, đặc biệt là ý nghĩa nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho quá trình xây dựng NTM ở các địa phương. Trong những năm qua, nhà trường đã tiến hành đổi mới đồng bộ các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nhằm hướng tới việc vận dụng kiến thức ấy vào thực tiễn công tác nên đã tạo sự chuyển biến rõ nét trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ở các địa phương trên địa bàn tỉnh đã được nâng lên cả về trình độ chuyên môn, lý luận chính trị và kinh nghiệm thực tiễn, góp phần đẩy nhanh thực hiện chương trình xây dựng NTM, cụ thể:
Thứ nhất,xác định đúng mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nhà trường luôn hướng tới việc làm rõ hơn về lý luận, sát với đối tượng, phù hợp với thực tiễn;kết hợp giữa lý thuyết, thảo luận, thực hành, báo cáo chuyên đề thực tế, tổng kết thực tiễn…đáp ứng phương châm đào tạo “học đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực tiễn”, góp phần tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng NTM. Nhà trường đã thường xuyên tổ chức các hội nghị thông tin cập nhật kiến thức mới, chủ trương mới, văn bản pháp luật mới cho học viên. Các chương trình bồi dưỡng được xây dựng đảm bảo khoa học, thiết thực, phù hợp với đối tượng học viên. Ngoài ra, nhà trường đã tổ chức có hiệu quả các hoạt động ngoại khóa, tổ chức cho học viên đi nghiên cứu thực tế các mô hình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng NTM ở các địa phương trong và ngoài tỉnh, lồng ghép các báo cáo về những điển hình tiên tiến trong xây dựng nông thôn mới ở các địa phương. Trong những năm (từ 2011 đến 2018), ngoài các lớp Trung cấp Lý luận chính trị - hành chính tập trung tại trường và các lớp không tập trung ở 27 huyện, thị, thành phố, Trường đã tổ chức 352 lớp bồi dưỡng, tập huấn cho 39.383 lượt đối tượng là cán bộ lãnh đạo cấp phòng, cấp huyện, cấp xã và cán bộ thôn, bản các kiến thức về xây dựng NTM, đặc biệt việc phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong xây dựng NTM. Đây là đội ngũ đóng góp quan trọng thúc đẩy chương trình xây dựng NTM sớm cán đích ở nhiều địa phương. Từ đó, nhận thức, ý thức và kiến thức trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới của cán bộ, người dân được nâng lên. Cán bộ ngày càng sâu sát thực tiễn, có ý thức trách nhiệm, phương pháp, cách làm ngày càng đổi mới, hiệu quả; người dân có ý thức cao hơn về vai trò chủ thể của mình trong xây dựng nông thôn mới.
Thứ hai, gắn liền với công tác đào tạo, bồi dưỡng, công tác nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế, tổng kết thực tiễn của cán bộ, giảng viên, học viên nhà trường về xây dựng NTM luôn được chú trọng. Với phương châm“sâu địa bàn, sát lĩnh vực, phát hiện kịp thời, đề xuất được giải pháp”, cùng với việcxây dựng, hình thành các nhóm nghiên cứu chuyên ngành. Nhằm góp phần tăng cường hoạt động nghiên cứu, tư vấn, phản biện phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh. Trong những năm gần đây nhiều hội thảo, đề tài khoa học cấp khoa, cấp trường, cấp tỉnh nghiên cứu về quá trình xây dựng NTM được tổ chức thành công. Kết quả đến năm 2018, Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa đã triển khai 10 đề tài, hội thảo cấp Học viện và khu vực, 7 đề tài cấp tỉnh; 30 đề tài cấp trường, cấp khoa; lồng ghép và tổ chức thành công nhiều buổi tọa đàm khoa học gắn với các lớp đào tạo, bồi dưỡng; triển khai thực hiện và tổng kết các vấn đề thực tiễn gắn với địa phương, cơ sở, trong đó Nhà trường luôn chú trọng nghiên cứu về xây dựng NTM ở các địa phương, như: đề tài “Nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, quản lý của chính quyền cấp xã trong xây dựng nông thôn mới ở Thanh Hóa hiện nay ”; đề tài “Nghiên cứu giải pháp phát triển kinh tế hợp tác trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện nay”; đề tài“Nghiên cứu xây dựng chương trình và tài liệu bồi dưỡng cán bộ cấp cơ sở trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện nay; đề tài“Nghiên cứu đề xuất giải pháp nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp xã trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện nay”; đề tài “Nâng cao đạo đức công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã trên Thanh Hóa hiện nay”; đề tài “Nâng cao năng lực thực thi công vụ của đội ngũ lãnh đạo cấp phòng thuộc UBND cấp huyện trên địa bàn tỉnh Thanh hóa hiện nay”…
Bên cạnh đó, nhà trường đã phối hợp với các địa phương, đơn vị tổng kết các vấn đề thực tiễn về hoạt động lãnh đạo quản lý của cấp ủy, chính quyền cấp xã trong xây dựng NTM, như: “Phát huy dân chủ trong xây dựng nông thôn mới ở Thanh Hóa”; “Liên kết kinh tế giữa doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ nông sản với hộ nông dân trên địa bàn các huyện đồng bằng tỉnh Thanh Hóa”; “Chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với xây dựng NTM ở các huyện miền núi Thanh Hóa”… ... nhằm phục vụ cho cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp xã với những nội dung về phát huy dân chủ trong xây dựng NTM. Qua những hoạt động này đã tìm tòi, phát hiện, nghiên cứu, luận giải những vấn đề đang đặt ra từ thực tiễn. Góp phần nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ cấp cơ sở trong quá trình xây dựng NTM hiện nay.
Thứ ba, cùng với việc nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn nhà trường tổ chức nhiều hội thảo khoa học, hội thảo chuyên đề gắn với mô hình các lớp Trung cấp lý luận chính trị- hành chính tập trung, không tập trung, các lớp bồi dưỡng chuyên viên, chuyên viên chính về phát triển kinh tế - xã hội gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tăng cường nghiên cứu chuyên đề theo lĩnh vực, địa bàn cung cấp cơ sở lý luận, thực tiễn về chương trình xây dựng NTM phục vụ nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng và tư vấn, hỗ trợ nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền trong tỉnh. Mô hình này vừa góp phần nâng cao kiến thức thực tiễn cho học viên về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và chương trình xây dựng NTM ở các địa phương nói riêng; mặt khác, vừa nâng cao khả năng nghiên cứu và kiến thức thực tiễn cho giảng viên. Đặc biệt, là phát huy được sự phối hợp, trách nhiệm của địa phương, đơn vị tham gia vào quá trình tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ với nhà trường.
Thứ tư, trên cơ sở kết quả nghiên cứu đề tài khoa học cấp tỉnh, kết quả thực hiện các nhiệm vụ tổng kết thực tiễn, nhà trường đã tiến hành biên soạn các tài liệu, sách tham khảo, chuyên khảo có liên quan đến xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh để làm tài liệu giảng dạy như: tài liệu bồi dưỡng nâng cao chất lượng Đại biểu HĐND cấp xã, cấp huyện; biên soạn tập bài giảng tình hình nhiệm vụ địa phương… phát hành trên 20.000 cuốn Tập san Nghiên cứu lý luận & thực tiễn nhằm phục vụ cho đội ngũ lãnh đạo, quản lý cấp xã với những nội dung thiết thực, tăng cường các bài viết trao đổi về những kinh nghiệm và cách làm hay trong phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng NTMcác địa phương trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt đã biên soạn 9 cuốn sách tham khảo, chuyên khảo, trong đó có nhiều sách viết về chương trình xây dựng NTM, như sách: Nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, quản lý của chính quyền cấp xã trong xây dựng nông thôn mới ở Thanh Hóa hiện nay; sách: Giải pháp phát triển kinh tế hợp tác trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện nay; sách: Phát huy quyền làm chủ của nhân dận trong xây dựng nông thôn mới; sách: Liên kết kinh tế giữa doanh nghiệp với hộ nông dân trong chế biến, tiêu thụ nông sản trên địa bàn các huyện đồng bằng tỉnh Thanh Hóa hiện nay. Đây là nguồn tài liệu tham khảo quan trọng, cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn phục vụ công tác giảng dạy, công tác lãnh đạo, quản lý của cấp ủy, chính quyền các cấp trong xây dựng NTM ở Thanh Hóa. Nhờ đó trong quá trình triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới đã tạo được sự thống nhất cả về nhận thức và sự đồng thuận trong thực tiễn thực hiện của Nhân dân đối với chương trình nông thôn mới. Qua đó, đã góp phần củng cố lòng tin của Nhân dân; khơi dậy và phát huy sức mạnh toàn diện của Nhân dân để chung tay xây dựng nông thôn mới.
          Để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ cấp cơ sở gắn với việc đẩy mạnh xây dựng NTM ở các địa phương hiện nay, trước hết cần phải nâng cao nhận thức đối với đội ngũ cán bộ, giúp họ hiểu rõ tầm quan trọng của Chương trình xây dựng NTM, NTM nâng cao, kiểu mẫu; trách nhiệm, cách thức để thực hiện có hiệu quả Chương trình NTM. Vì vậy, thời gian tới cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị; tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức ngắn hạn về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước nói chung, kiến thức về xây dựng NTM, NTM nâng cao, kiểu mẫu, các mô hình phát triển kinh tế… nói riêng. Bên cạnh đó, cần đổi mới chương trình, nội dung đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, kiến thức chuyên môn theo hướng cập nhật, phù hợp với tiêu chuẩn từng loại chức danh cán bộ. Bố trí thời lượng phù hợp cho đào tạo, bồi dưỡng về phương pháp tư duy, kỹ năng làm việc ... Cùng với đó, đổi mới việc tổ chức hoạt động nghiên cứu thực tế theo hướng phù hợp, thiết thực, tạo cơ hội để người học thâm nhập thực tế, rút ra kinh nghiệm cần thiết trong quá trình xây dựng NTM ở các địa phương.
Tóm lại, với phương châm và mục tiêu hành động “lấy hiệu quả phục vụ, thành công của học viên, tín nhiệm của Đảng bộ và Nhân dân Thanh Hóa”, Trường Chính trị Thanh Hóa thực hiện đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức tỉnh Thanh Hóa nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và đẩy mạnh thực hiện chương trình xây dựng NTM nói riêng. Vì vậy, trong những năm qua nhà trường đã đổi mới nội dung, phương thức đào tạo, bồi dưỡng theo hướng cụ thể, thiết thực, hiệu quả gắn với việc giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra ở các địa phương, đặc biệt là chương trình xây dựng NTM. Cũng là nhằm hướng tới thực hiện thành công mục tiêu: Xây dựng Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa trở thành trung tâm chất lượng cao (đạt chuẩn mức độ cao) về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý và nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ của tỉnh để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đã đề ra./.
 
 
Số lượt truy cập
Hôm nay:
1660
Hôm qua:
2270
Tuần này:
7873
Tháng này:
58030
Tất cả:
4.356.567