NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 114 NĂM NGÀY QUỐC TẾ PHỤ NỮ 8/3 ( 8/3/1910 – 8/3/2024) VÀ 1984 NĂM KHỞI NGHĨA HAI BÀ TRƯNG!

Đổi mới công tác tổ chức thi hết môn học, phần học trong đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính ở Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa hiện nay

Đăng lúc: 16:41:52 09/06/2017 (GMT+7)1762 lượt xem

 
Phạm Xuân Khánh - P.Trưởng Khoa Dân vận
 Vũ Tất Thành – ThS, GVC Khoa Dân vận
 
Quá trình tổ chức đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính bao gồm nhiều khâu, nhiều lực lượng tham gia, để xác định chất lượng của quá trình ấy thì việc đánh giá kết quả học tập của người học sau từng phần học, môn học có vai trò hết sức quan trọng. Vì vậy, trong quá trình đổi mới toàn diện các khâu của quy trình đào tạo, bồi dưỡng, Ban Giám hiệu Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa đã xác định đổi mới công tác đánh giá kết quả học tập của học viên là khâu đột phá. Đánh kết quả học tập của học viên có nhiều cách, song hình thức cơ bản và phổ biến nhất hiện nay vẫn là tổ chức thi. Tổ chức thi là một quy trình gồm các khâu: ra đề, đáp án; duyệt đề, đáp án; coi thi; chấm thi và thanh tra thi. Tổ chức thi có ý nghĩa và vai trò rất quan trọng. Nếu tổ chức thi tốt sẽ giúp đánh giá thực chất quá trình đào tạo và ngược lại, nếu tổ chức thi không tốt sẽ đánh giá sai lệch quá trình này. Vì vậy, đổi mới cách thức tổ chức thi hết môn đối với các lớp hệ đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính ở Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa hiện nay là cần thiết và phải được quan tâm đúng mức.
 
 Đối với Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa, những năm qua, công tác tổ chức thi của nhà trường về cơ bản đảm bảo đúng quy chế, quy định của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, góp phần cùng với các khâu khác nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng, hoàn thành được mục tiêu, nhiệm vụ các năm học đã đề ra. Việc tổ chức thi hết môn học, phần học luôn được Ban Giám hiệu quan tâm chỉ đạo một cách sát xao, nghiêm túc, quyết liệt, đã có tác động tích cực tới cả thầy và trò. Thầy đã nỗ lực hơn trong quá trình giảng dạy, học viên chuyên cần, tự giác hơn trong quá trình học tập; đồng thời đã giúp Ban Giám hiệu Nhà trường đánh giá sát chất lượng của cả hai quá trình: học tập của người học cũng như giảng dạy của người thầy.
 Tuy nhiên, công tác tổ chức thi thời gian qua còn tồn tại những hạn chế nhất định, như chưa thực sự phát huy được tính tự giác, tích cực, chủ động trong học tập của học viên; việc ra đề thi chủ yếu là tự luận đóng, chứ không phải là tự luận mở. Hạn chế của kiểu đề thi tự luận đóng là vừa đánh giá không sát yêu cầu tư duy “động” của người học vừa gây khó khăn cho cả bản thân người dạy. Trong thực tế nhiều môn học, phần học có quy mô khối lượng kiến thức lớn, để hiểu được những khái niệm cơ bản của bài đã là khó, chứ đừng nói đến việc nhớ hết những nội dung của bài. Để khắc phục tình trạng này, Ban Giám hiệu nhà trường đã thí điểm cho phép học viên ở một số lớp hệ tại chức được sử dụng tài liệu dưới hình thức đề cương viết tay trong phòng thi. Song điều này dẫn đến hai hệ quả là một bộ phận học viên tích cực, tự giác sẽ tự mình làm đề cương, bộ phận còn lại mượn và sao chép đề cương của bạn. Thực trạng này dẫn đến chưa phản ánh đúng kết quả học tập thực sự của học viên.
Trước yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo tinh thần số 04 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh; kế thừa và phát huy những ưu điểm và kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác tổ chức thi đối với đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính, trong thời gian tới, theo tôi nhà trường cần triển khai thực hiện tốt các giải pháp chủ yếu sau:
 Một là, phải quán triệt thống nhất nhận thức về vị trí, vai trò và ý nghĩa quan trọng của công tác tổ chức thi hết môn học, phần học.
Việc quán triệt thống nhất nhận thức về vị trí, vai trò và ý nghĩa quan trọng của công tác tổ chức thi hết môn học, phần học không chỉ đối với học viên, mà cả cán bộ giảng viên trong nhà trường. Vấn đề này có ý nghĩa, vai trò quan trọng, vì trước hết có nhận thức đúng - thì hành động mới đúng; và có thống nhất nhận thức - thì mới thống nhất được hành động. Học viên phải xác định học là để nắm vững tri thức, điểm số có được và xếp loại của văn bằng được cấp phải tương xứng với những gì mình tự tích lũy để có được trong quá trình đào tạo. Cái xã hội cần, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh mong đợi và chấp nhận đối với học viên sau khi ra trường là năng lực giải quyết các vấn đề thực tiễn, khả năng tự hoàn thiện để vươn lên của chính họ. Việc quán triệt này có thể lồng ghép với các cuộc họp, giao ban, chào cờ… gắn với vai trò của các khoa, phòng chức năng và với giáo viên chủ nhiệm lớp; đồng thời gắn với vai trò tự quản của ban cán sự lớp.
Hai là, giảng viên phải thường xuyên đổi mới phương pháp giảng dạy; giúp học viên nắm chắc bản chất, nội dung cơ bản của bài.
Ngoại trừ các hành vi “tiêu cực”, “quay cóp”… là những hạt sạn trong quá trình thi cử, về mặt nguyên tắc người học muốn có kết quả thi tốt phải hiểu bài, nắm chắc bản chất, nội dung cơ bản của bài và biết cách liên hệ giữa lý luận với thực tiễn. Có thể nói, ngoài nỗ lực của học viên, việc truyền thụ tri thức của người thầy đóng vai trò rất quan trọng - Để học viên hiểu bài, người thầy phải có phương pháp giảng dạy phù hợp, đây là hai mặt biện chứng của một vấn đề. Vì vậy, giảng viên phải thường xuyên đổi mới phương pháp giảng dạy; giúp học viên nắm chắc bản chất, nội dung cơ bản của bài là đòi hỏi khách quan.
Trong quá trình giảng dạy, trên cơ sở nội dung, chương trình của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã ban hành, giảng viên cần nắm chắc đối tượng, xác định đúng, rõ mục đích, yêu cầu của từng bài giảng, để trang bị những kiến thức cơ bản nhất cho học viên. Cần khắc phục tình trạng “nhồi nhét”, “quá tải”… gây áp lực cho người học trong việc tiếp thu. Muốn vậy, giảng viên cần phải kết hợp tốt giữa phương pháp dạy học truyền thống với phương pháp hiện đại; thực hiện tốt yêu cầu trang bị thế giới quan, phương pháp luận, cách thức tiếp cận, phân tích, luận giải một hiện tượng, một vấn đề thuộc nội dung, chương trình, bài giảng, cũng như trong thực tiễn sinh động cho học viên; gắn “lý luận với thực tiễn”, “lý thuyết với thực hành”; gắn yêu cầu đặt ra của thực tiễn địa phương với những nội dung có liên quan của bài giảng; thực hiện phương châm “lấy người học làm trung tâm”. Giảng viên tăng cường trao đổi, đối thoại, thảo luận với học viên; cung cấp cho học viên những kiến thức thiết thực, sát với thực tế. Giảng viên thực sự đóng vai trò là người chỉ đạo, hướng dẫn, gợi mở cho học viên; giúp họ hiểu bản chất, nắm chắc bài, khắc phục được kiểu tư duy máy móc, siêu hình, “học vẹt”... Qua đó, sẽ khơi dậy được sự hứng thú, kích thích được khả năng chủ động, sáng tạo, ý thức tự giác trong quá trình học tập, tự nghiên cứu; biết liên hệ giữa lý luận với thực tế, biết cách ôn thi và làm bài thi hết môn học, phần học của học viên đạt kết quả tốt.
Ba là, tùy theo đối tượng để có hình thức ra đề, cũng như coi thi cho phù hợp.
* Về hình thức ra đề thi:
- Đối với các lớp phần lớn học viên chưa có bằng chuyên môn đại học: việc ra đề đối với đối tượng này trước mắt vẫn phải thực hiện theo cách truyền thống là ra đề tự luận đóng. Bởi vì khi trình độ người học chưa đạt đến một ngưỡng nhất định (tức là từ đại học trở lên) thì việc ra đề mở sẽ không khác gì việc “tung hỏa mù” đối với họ, cũng giống  như người chưa biết bơi nhưng vẫn bắt họ ra sông sâu, biển lớn để bơi, thay vì họ phải tập bơi trong các ao, hồ cạn trước, đến khi biết bơi và bơi tốt rồi mới từng bước ra sông sâu, biển lớn để bơi được. Ở đối tượng này, do chưa đạt đến trình độ tự nghiên cứu; vì vậy, chúng ta vẫn phải yêu cầu họ học ôn theo cách truyền thống, tức là một mặt vừa phải học mang tính chất học thuộc - học nhớ các nội dung cơ bản, mặt khác vẫn phải kết hợp với làm đề cương để khắc sâu thêm nội dung đã được học.
- Với đối tượng người học đã đạt đến trình độ đại học trở lên (tức là có khả năng tự nghiên cứu) thì cần thí điểm việc đổi mới cách thức ra đề thi và quản lý đề thi đối với đối tượng này; nghĩa là, bỏ hình thức ra đề tự luận đóngnhằm phát huy tính độc lập, sáng tạo của người học. Muốn vậy, cần thực hiện ra đề thi theo một trong hai hình thức: ra đề tự luận mở hoặc đề trắc nghiệm. Ra đề tự luận mở, đề trắc nghiệm và xây dựng thành bộ đề thi (ngân hàng đề thi) hết môn học, phần học. Tùy theo thời gian (số tiết học) của mỗi môn học, phần học và căn cứ vào Quy chế thi để ra đề với số lượng câu hỏi và số lượng đề trong ngân hàng đề cho phù hợp. 
Đánh giá kết quả môn học bằng hình thức ra đề thi tự luận mở, trắc nghiệm sẽ có ý nghĩa tích cực góp phần thay đổi cách dạy, cách học. Thầy sẽ đầu tư nghiên cứu sâu hơn, thường xuyên đổi mới phương pháp giảng dạy; học viên, ngoài giờ học chính khóa, học viên sẽ dành thời gian vào thư viện, vào mạng internet, học nhóm… cũng chính là đáp ứng yêu cầu này.
* Quản lý đề thi:
- Việc quản lý bộ đề thi: giao cho Phòng Phòng Đào tạo chịu trách nhiệm quản lý, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Hiệu trưởng hoặc Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn.
- Đối với các lớp tập trung tại trường: thực hiện bốc thăm đề trong ngân hàng đề; thành phần gồm đại diện Giám hiệu, 02 đồng chí Phòng Đào tạo (01 lãnh đạo và 01 chuyên viên), 02 cán bộ coi thi và đại diện lớp.
+ Đối với đề tự luận (bao gồm cả tự luận đóng và tự luận mở): 30 phút trước giờ thi, bốc đề xong, giao ngay cho cán bộ coi thi đem vào phòng thi; đến giờ thi, đề nghị 02 học viên trong phòng thi kiểm tra lại phong bì đựng đề lần cuối trước khi cán bộ coi thi bóc đề.
+ Đối với đề trắc nghiệm: 1 giờ trước khi thi, đại diện Phòng Đào tạo bóc đề và đọc đề trước sự chứng kiến của tất cả các thành viên tham dự, sau đó giao cho cán bộ coi thi nhân bản và mang vào phòng thi để giao đề cho từng thí sinh.
- Đối với các lớp tại chức: Thực hiện bốc thăm đề 01 ngày trước khi thi; thành phần gồm đại diện Giám hiệu, 02 đồng chí Phòng Đào tạo (01 lãnh đạo và 01 chuyên viên Phòng), 02 cán bộ coi thi; đề thi được cho vào một túi đựng và đóng dấu niêm phong, giao cho cán bộ coi thi; bóc đề (đối với cả đề tự luận và trắc nghiệm), các bước tiếp theo thực hiện giống như đối các lớp tập trung tại trường.
Việc quản lý đề thi như trên, một mặt sẽ giúp Giám hiệu quản lý một cách chặt chẽ, khách quan, minh bạch, tránh được những dị nghị; mặt khác sẽ hạn chế được những sai sót trong quá trình quản lý đề thi.
* Đáp án:
 Đáp án phải đảm bảo chất lượng. Thực hiện nghiêm túc quy trình làm và duyệt đáp án. Giáo trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh là cơ sở cho việc xây dựng và duyệt đề, đáp án. Cần nêu cao tinh thần trách nhiệm của người làm đáp án. Đáp án phải đảm bảo nội dung cơ bản, đủ ý, vừa phải chỉnh sửa những nội dung không còn phù hợp, vừa cập nhật, bổ sung những nội dung, quy định mới trong đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cũng như những tri thức đương đại mới của nhân loại. Trong nhiều trường hợp học viên làm bài thi, phân tích, phát triển sâu hơn, rộng hơn so với đáp án. Vì vậy, đáp án một mặt vừa phải đảm bảo những nội dung cơ bản mang tính cụ thể đã được giáo trình nêu ra, mặt khác vừa mang tính định hướng mở và rộng.
*Về tổ chứcthi:
 Thực hiện nghiêm túc theo đúng quy chế thi của Học viện. Ngoài ra, nên trang bị camera cho một số phòng học và bố trí lịch thi của các lớp vào các phòng này, với hình thức này, sẽ khắc phục được tình trạng gian lận như quay cóp, trao đổi … trong phòng thi.
Bốn là, tiếp tục thực hiện tốt việc chấm thi và thanh tra thi:
- Chấm thi là khâu cuối của quy trình tổ chức thi. Do đó, chấm thi có ý nghĩa, vai trò rất quan trọng, vì đây là  khâu trực tiếp đánh giá kết quả học tập môn học, phần học của học viên. Để thực hiện tốt công việc này, cần phải thực hiện tốt ba khâu: quản lý phách, chấm thi và thanh tra chấm thi (nếu thấy cần thiết). Quản lý phách và chấm thi phải tuân thủ theo đúng quy trình, quy định của Học viện . Phách phải được Phòng Đào tạo quản lý chặt chẽ, niêm phong và đảm bảo bí mật tuyệt đối. Các cặp chấm thi phải độc lập, đáp án là cơ sở, phải khách quan, tránh rơi vào chủ quan, cảm tính trong quá trình chấm. Kiên quyết bắt lỗi nặng đối với những bài thi giống nhau phần liên hệ thực tế; đồng thời khuyến khích những bài làm hay, sáng tạo; như những bài phân tích, phát triển sâu hơn, rộng hơn so với đáp án. Đối với những vấn đề các cặp chấm không thỏa thuận được hoặc vượt ngoài thẩm quyền của người chấm, phải kịp thời báo cáo với người có thẩm quyền cho ý kiến giải quyết.
Ngoài ra, cần phải thực hiện tốt công tác thanh tra trong quá trình tổ chức thi. Thanh tra  được coi là công cụ quan trọng để Giám hiệu sử dụng khi cần thiết, giúp Giám hiệu quản lý chặt chẽ, đảm bảo sự công bằng, khách quan trong quá trình tổ chức thi hết môn học, phần học. Vì vậy, trong quá trình tổ chức thi, nếu thấy khâu nào có vấn đề khả nghi như lộ đề thi, gian lận trong thi, quản lý phách, chấm thi …thì Thanh tra phải vào cuộc. Thanh tra phải đảm bảo quy trình, quy định, phải khách quan, trung thực. Kết luận phải cụ thể, rõ ràng; nêu rõ ý kiến của thanh tra để làm cơ sở cho việc xử lý sai phạm. Quyết định xử lý sai phạm phải nghiêm minh và vừa mang tính chất giáo dục, vừa mang tính chất răn đe, ngăn chặn những sai phạm tương tự có thể xảy ra trong tương lai.
Tóm lại, đánh giá kết quả học tập của người học thông qua hình thức tổ chức thi một cách khách quan, khoa học, phù hợp có ý nghĩa tích cực, là động lực để người học phấn đấu vươn lên và ngược lại nếu đánh giá thiếu khách quan, thiếu công bằng sẽ làm thui chột động lực phấn đấu của người học. Đối tượng khác nhau thì cũng phải có cách đánh giá khác nhau. Do đó, tùy theo đối tượng để có cách đánh giá phù hợp. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu ở trên sẽ có ý nghĩa tích cực trong đổi mới cách thức tổ chức thi hết môn đối với các lớp hệ đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính góp phần nâng cao chất lượng đào tạo ở Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa hiện nay./.
Số lượt truy cập
Hôm nay:
653
Hôm qua:
1933
Tuần này:
2586
Tháng này:
39167
Tất cả:
4.337.704