NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 114 NĂM NGÀY QUỐC TẾ PHỤ NỮ 8/3 ( 8/3/1910 – 8/3/2024) VÀ 1984 NĂM KHỞI NGHĨA HAI BÀ TRƯNG!

Đổi mới hoạt động nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa

Đăng lúc: 08:34:45 06/04/2018 (GMT+7)1106 lượt xem

TS. Lương Trọng Thành
Tỉnh ủy viên, Hiệu trưởng
 
Bám sát vào định hướng của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và lãnh đạo của Tỉnh ủy; căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, những năm qua, Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa đã chủ động đổi mới và phát triển toàn diện các hoạt động, nhất là hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, góp phần  nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong tỉnh.
    Từ năm 2010 đến nay, nhà trường đã tham mưu, tổ chức thành công 02 hội thảo khoa học cấp quốc gia và khu vực, 06 hội thảo khoa học cấp tỉnh, hàng trăm hội thảo khoa học cấp trường, cấp khoa; chủ động đề xuấtvà được tỉnh phê duyệt 6 đề án cấp tỉnh; chủ trì nghiên cứu, bảo vệ xuất sắc3 đề tài khoa học cấp bộ, 10 đề tài khoa học cấp tỉnh, 45 đề tài khoa học cấp trường,hàng trăm đề tài cấp khoa; xây dựng và biên soạn được 19 chương trình, tài liệu bồi dưỡng cập nhật kiến thức và kỹ năng lãnh đạo quản lý cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phòng, ban và chủ chốt ở cơ sở. Đặc biệt, từ năm 2015, từ kết quả của các hội thảo khoa học,  các đề tài khoa học cấp tỉnh, nhà trường đã chủ động đề xuất với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Tỉnh ủy và UBND tỉnh cho chủ trương biên soạn hơn 10 đầu sách tham khảo phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh. Mặt khác, đã xuất bản Tập san “Nghiên cứu lý luận và thực tiễn” với số lượng 3000 cuốn/số/quý phục vụ công tác lãnh đạo, quản lý của cấp ủy, chính quyền cấp xã trên địa bàn toàn tỉnh...
Những kết quả đạt được trong công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn thể hiện nhận thức sâu sắc, sự quyết tâm của Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường trong việc định hướng chỉ đạo, xác định mục tiêu, nhiệm vụ nghiên cứu, đồng thời có cơ chế khích lệ động viên; tạo môi trường thuận lợi cho cán bộ, giảng viên thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nghiên cứu khoa học. Chính từ những đổi mới trong hoạt động khoa học, những năm gần đây đội ngũ cán bộ, giảng viên nhà trường đã có bước trưởng thành vượt bậc về nhận thức lý luận và thực tiễn trong hoạt động lãnh đạo, quản lý. Từ đó, tạo tiền đề phát triển về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, khẳng định nhà trường là đơn vị dẫn đầu cả nước về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn.
 Để tiếp tục xây dựng, phát triển Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa trở thành trung tâm chất lượng cao về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý và nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, phấn đấu là một trong những trường đạt chuẩn đầu tiên trong hệ thống các trường chính trị của cả nước, giai đoạn 2018 – 2020, Nhà trường xác định 4 trụ cột phát triển: lấy nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn là trung tâm; đổi mới công tác quản lý là then chốt; đổi mới kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học viên là khâu đột phá; xây dựng môi trường kỷ cương,thân thiện, giàu tính Đảng là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên. Đồng thời, quyết tâm hiện thực hóa 5 định hướng đổi mới: chuyển mạnh nhận thức từ người thầy là trung tâm sang học viên là trung tâm (học viên phải là chủ và làm chủ trong quá trình tiếp nhận tri thức, phát triển năng lực tư duy); chuyển mạnh từ dạy - học kiến thức là chủ yếu sang dạy – học phát triển phẩm chất, năng lực; chuyển mạnh cập nhật kiến thức mới với tăng cường tổng kết thực tiễn; chuyển mạnh từ đánh giá điểm số sang đánh giá quá trình; chuyển mạnh từ quản lý hành chính sang quản lý phục vụ và kiến tạo. Theo đó, trong thời gian tới, công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn phải tiếp tục được quan tâm đổi mới và nâng cao chất lượng toàn diện, tạo được chuyển biến rõ nét trên các mặt:
Một là, tạo động lực thống nhất nhận thức từ Đảng ủy, Ban Giám hiệu đến toàn thể cán bộ, giảng viên về sự cấp thiết và cần thiết của hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn với việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên; nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; nâng cao vị thế nhà trường.  Để tổ chức đào tạo, bồi dưỡng thì việc nghiên cứu, khảo sát nhu cầu, xây dựng, biên soạn chương trình, giáo trình, tài liệu… phải được chuẩn bị trước. Quy trình chuẩn bị cho bài giảng của giảng viên phải có nhiều đổi mới, chuyển mạnh từ tìm hiểu giáo trình - dạy sang tìm hiểu giáo trình - nghiên cứu phát hiện - thực hành - tổng kết thực tiễn - dạy.
Hai là, tạo động lực thông qua việc định hướng nội dung nghiên cứu và tổng kết.  Nội dung nghiên cứu phải tập trung vào việc đổi mới các khâu, quy trình trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; nghiên cứu cụ thể hóa 4 trụ cột phát triển, 5 định hướng đổi mới và 3 chương trình phục vụ học viên (phát triển kỹ năng lãnh đạo, quản lý; phát triển văn hóa đọc; xây dựng môi trường giáo dục kỷ cương, thân thiện, giàu tính Đảng). Nghiên cứu về công tác xây dựng Đảng, phát huy vai trò của hệ thống chính trị; các chương trình trọng tâm, các khâu đột phá, các cơ chế chính sách của tỉnh và địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội … Đồng thời, với việc quan tâm định hướng nội dung, phương pháp, phương châm nghiên cứu của các khoa, phòng sẽ được chú trọng theo hướng  sâu địa bàn, sát lĩnh vực, phát hiện được vấn đề, đề xuất được giải pháp nhằm cung cấp cơ sở lý luận, thực tiễn phục vụ nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng và tư vấn, hỗ trợ nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền trong tỉnh.
Ba là,tạo động lực thông qua việc giao nhiệm vụ nghiên cứu và  môi trường thuận lợi cho cán bộ, giảng viên thực hiện công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn. Năm học 2017 – 2018 phải tiếp tục triển khai 3 đề tài khoa học cấp tỉnh, tổng kết 5 vấn đề thực tiễn cấp tỉnh, biên tập tài liệu hỏi đáp theo chương trình 1479, bài tập tình huống về công tác xây dựng Đảng, công tác dân vận, quản lý Nhà nước ở cơ sở; biên soạn cuốn Lịch sử Trường Chính trị; biên tập các sách: “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng ở Thanh Hóa hiện nay”; “Kiến thức, kỹ năng cơ bản dành cho cán bộ chủ chốt cơ sở”; “Kiến thức và kỹ năng cơ bản dành cho 5 chức danh công chức cấp xã”; “Phát huy dân chủ trong xây dựng NTM ở Thanh Hóa hiện nay”…; giao nhiệm vụ cho giáo viên chủ nhiệm chủ trì các hội thảo, tọa đàm khoa học gắn với các lớp đào tạo, bồi dưỡng của Nhà trường. Cùng với đó, Nhà trường tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động nghiên cứu tìm hiểu, ưu tiên nguồn lực nghiên cứu phát hiện, khuyến khích nghiên cứu tư vấn, hỗ trợ phục vụ đổi mới quản lý đào tạo, bồi dưỡng và công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền trong tỉnh.
Bốn là, tạo động lực thông qua đa dạng hóa và phát triển toàn diện các loại hình nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn trong cán bộ, giảng viên và học viên. Chú trọng và khuyến khích cán bộ, giảng viên tham gia các đề tài, hội thảo khoa học cấp bộ; chủ trì xây dựng các đề án cấp tỉnh, đề tài khoa học, hội thảo khoa học cấp tỉnh, cấp trường, cấp khoa; viết và báo cáo chuyên đề thực tiễn; tổ chức cuộc thi Thuyết trình ý tưởng trong cán bộ, giảng viên và học viên. Tiếp tục cải tiến và nâng cao chất lượng, hiệu quả việc hướng dẫn, viết và báo cáo khóa luận tốt nghiệp cuối khóa ở các lớp, các hệ đào tạo, bồi dưỡng của Nhà trường gắn liền với ý tưởng, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả theo chức danh, vị trí việc làm của học viên.
Năm là, tạo động lực thông qua việc đổi mới và thực hiện đồng bộ các khâu quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn. Để nâng cao hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, Nhà trường tiếp tục thực hiện đồng bộ các chức năng quản lý hoạt động khoa học từ khâu xây dựng kế hoạch; chỉ đạo, điều hành; tổ chức thực hiện và kiểm tra đánh giá.  Đặc biệt, quan tâm chú trọng khâu đánh giá, xếp loại công trình; quản lý và sử dụng sản phẩm nghiên cứu phục vụ cho công tác nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.
Nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn là một trong hai chức năng cơ bản của Nhà trường. Nghiên cứu khoa học tốt sẽ góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Nhà trường. Tuy nhiên, đây là hoạt động khó, đòi hỏi sự sâu sắc về nhận thức tư duy, nhạy cảm phát hiện được vấn đề và đề xuất được giải pháp, theo đó cần phải được quan tâm đồng bộ từ định hướng đến cơ chế và môi trường, thực sự trở thành động lực cho cán bộ, giảng viên và học viên phát huy cao nhất trách nhiệm, chủ động, tích cực tham gia có hiệu quả hoạt động khoa học, làm được như thế thực chất nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên” đáp ứng yêu cầu cách mạng trong giai đoạn mới./.
 
Số lượt truy cập
Hôm nay:
530
Hôm qua:
1933
Tuần này:
2463
Tháng này:
39044
Tất cả:
4.337.581