THI ĐUA "CHỦ ĐỘNG, ĐỒNG BỘ, ĐỘT PHÁ, KỶ CƯƠNG, CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ" XÂY DỰNG TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH THANH HOÁ ĐẠT CHUẨN TRONG NHÓM CÁC TRƯỜNG DẪN ĐẦU CẢ NƯỚC                                                                                           MỪNG ĐẤT NƯỚC ĐỔI MỚI, MỪNG ĐẢNG QUANG VINH, MỪNG XUÂN ẤT TỴ NĂM 2025!
             
NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 95 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM (03/2/1930 - 03/2/2025)!

Đổi mới phương pháp dạy - học môn Tư tưởng Hồ Chí Minh ở Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa hiện nay

Đăng lúc: 16:56:59 13/06/2022 (GMT+7)1294 lượt xem

 Để nâng cao chất lượng dạy-họcbộ môn Tư tưởng Hồ Chí Minh, Nhà trường đưa vào vận dụng mô hình “3 trước, 3 sâu, 3 sau, 3 sáng tạo” trong tất cả các bài học nhằm thống nhất giữa lý luận và thực tiễn, nói đi đôi với làm trong tư tưởng Hồ Chí Minh
Picture1 (1).jpg
Ảnh: Học tập tại Phòng truyền thống nhà trường
Trong thời gian qua, việc đổi mới phương pháp dạy và học môn Tư tưởng Hồ Chí Minh (TT HCM) ở Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá được thực hiện tích cực nhưngkết quả còn tương đối khiêm tốn. Do đó, để nâng cao chất lượng dạy-họcbộ môn TT HCM, Nhà trường đưa vào vận dụng mô hình “3 trước, 3 sâu, 3 sau, 3 sáng tạo” trong tất cả các bài học để tiếp tục phát huy tính chủ động, sáng tạo của người học.
Với “3 trước” trong mô hình này, giảng viên bộ môn TT HCM trước khi giảng dạy cần phải xác định, trả lời rõ các câu hỏi như: Nói cái gì?Vì ai mà nói?Nói để làm gì?Đồng thời cần xác định cho người học rõ:Học để làm gì?Học để phục vụ ai?... Đây cũng chính là quan điểm mà Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khuyên:Các thày giáo cô giáo phải tìm cách dạy. Dạy cái gì, dạy thế nào để học trò hiểu chóng, nhớ lâu, tiến bộ nhanh. Dạy và học cần phải theo nhu cầu của dân tộc, của Nhà nước.
Do đó, để có thể vận dụng kiến thức bài học vào việc liên hệ giải quyết các vấn đề thực tiễn, học viên phải có động cơ, thái độ học tập tốt, chủ động tìm hiểu, nghiên cứu trước bài học;phải xác định rõ 3 câu hỏi mà Chủ tịch Hồ Chí Minh từng đặt ra: Học để làm gì? Học để phục vụ ai? Học thế nào?
Khi thực hiện dạy -học “3 sâu”, giảng viên Bộ môn phải truyền đạt kiến thức để người học thấm nhuần sâu sắc hệ thống quan điểm và phương pháp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bồi đắp thêm lòng yêu nước, tinh thần phục vụ nhân dân, đạo đức cách mạng, qua đó làm cho chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh thực sự trở thành nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam hành động cho chúng ta trong cuộc sống và sự nghiệp.
Thông qua mỗi bài giảng về tư tưởng Hồ Chí Minh, giảng viên phải giúp người học có mong muốn và phương pháp làm việc tốt hơn khi chưa học; từ đó phấn đấu làm một con người với nghĩa cao đẹp nhất, trở thành một cán bộ tốt, biết phục vụ Tổ quốc và Nhân dân.
Đối với “3 sâu” trong môn học TT HCM, học viên sẽ có động cơ, thái độ học tập đúng đắn; biến những kiến thức giảng viên truyền đạt thành suy nghĩ để hành động; liên kết với những kiến thức tự học, tự tìm hiểu trước đó để tìm ra những nội dung khác, mới và đặt ra câu hỏi phản biện nhằm nắm sâu hơn, rõ hơn kiến thức của từng tiết học.
Vận dụng “3 sau” trong giảng dạy bộ môn TT HCM, giảng viên cần giáo dục, cổ vũ thái độ, động cơ người học làm theo lời khuyên của Hồ Chí Minh về nghiên cứu, học tập lý luận; không thõa mãn với những kiến thức đã học được trên lớp rồi tự nhận mình là giỏi, nắm vững toàn bộ tư tưởng Hồ Chí Minh rồi, không cần tiếp tục ôn tập, học tập nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh. Ngược lại, mỗi học viên cần phải tự đào tạo sau đào tạo,“Phải tự nguyện, tự giác, xem công tác học tập cũng là một nhiệm vụ mà người cán bộ cách mạng phải hoàn thành cho được, do đó mà tích cực, tự động hoàn thành kế hoạch học tập, nêu cao tinh thần chịu khó, cố gắng, không lùi bước trước bất kỳ khó khăn nào trong việc học tập”(2).
Dạy và học tư tưởng Hồ Chí Minh phải tu dưỡng và học tập suốt cả cuộc đời mình; học và hành để chuyển hóa tri thức thành hành động thực tiễn; chủ động nâng cao trình độ chuyên môn, rèn luyện kỹ năng, phẩm chất chính trị, kỷ luật, kỷ cương; luôn trăn trở sau mỗi bài giảng để trả lời những vấn đề học viên nêu ra, đồng thời tự mình tìm tòi phương pháp mới, bổ sung tri thức để xứng đáng với vị trí vẻ vang của một người truyền thụ lý luận của Đảng.
Giảng viên cần chú trọng đổi mới hoạt động đánh giá quá trình giảng dạy-học, kết hợp đánh giá của giảng viên với tự đánh giá của học viên; đồng thời giúp người học hình thành phương pháp tự đánh giá để có được những điều chỉnh cần thiết của bản thân trong hoạt động thực tiễn; dạy - học để xây dựng có hiệu quả các mô hình của Trường Chính trị tỉnh, góp phần đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả bài giảng.
Với “3 sáng tạo”, giảng viên phải căn cứ vào nội dung từng bài giảng, từng chủ thể và đối tượng đào tạo mà kết hợp phương pháp thuyết trình, nêu vấn đề gợi mở, đồng thời đặt ra yêu cầu cao nhằm kích thích sự say mê, hứng thú và tư duy sáng tạo của người học; biết lựa chọn những tư liệu quý về Chủ tịch Hồ Chí Minh; biết kế thừa những ưu điểm trong phương pháp thuyết trình, kết hợp với vận dụng sáng tạo các phương pháp, kỹ năng giảng dạy hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy môn học nhằm khích lệ, động viên người học tự học tập, tự nghiên cứu suốt đời; có quá trình nghiên cứu sâu sắc về con người, đạo đức, phong cách, lối sống, quá trình hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh; từ đó, nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện nội dung bài học tư tưởng Hồ Chí Minh cho phù hợp với các đối tượng học viên khác nhau, theo từng chức danh đào tạo; lồng ghép các chủ trương, đường lối, Chỉ thị, Nghị Quyết các cấp vào từng bài học cho phù hợp để làm rõ hơn, sâu sắc hơn nội dung bài giảng. Ngoài ra, giảng viên cần lồng ghép sáu giá trị chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên ở trường chính trị tỉnh Thanh Hóa giai đoạn hiện nay là: Kiên định, Kỷ cương, Dân chủ, Đoàn kết, Nêu gương, Đổi mới sáng tạo vào nội dung bài học;
Khi học tập bộ môn Tư tưởng Hồ Chí Minh, mỗi học viên phải tích cực áp dụng phương pháp học tập nhóm bởi trình độ, nhận thức, kỹ năng, tư tưởng, thái độ của học viên trong một tập thể lớp học là không đồng đều nên sự tự giác học tập, sáng tạo của từng cá nhân học viên sẽ tạo nên kết quả tốt. Chính quá trình học tập theo tổ, nhóm thông qua thảo luận, tranh luận với sự định hướng, hướng dẫn của giảng viên là cơ sở để học viên chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn; chia sẻ kỹ năng làm việc và thái độ ứng xử trong công việc nhằm đạt mục tiêu hiệu quả và đáp ứng yêu cầu đặt ra của chương trình đào tạo, bồi dưỡng.
Qua những phân tích trên đây, có thể rút ra, để vận dụng tốt nhất mô hình dạy - học “3 trước, 3 sâu, 3 sau, 3 sáng tạo” trong giảng dạy bộ môn TT HCM, cần chú trọng những vấn đề sau:
Một là, phát huy tính chủ động, tích cực của giảng viên và học viên trong thực hiện đổi mới giáo dục theo mô hình này. Theo đó, lãnh đạo Khoa phải kiên quyết chỉ đạo, quán triệt các giảng viên thực hiện tốt hoạt động giảng dạy; giảng viên phải luôn bám sát yêu cầu nhiệm vụ chính trị, phương hướng, mục tiêu khung chương trình của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh để thực hiện trong giảng dạy với tinh thần chủ động, sáng tạo nhưng không làm trái quan điểm, nguyên tắc của Giám đốc Học viện đã phê duyệt.
Hai là, quán triệt quan điểm các nguyên tắc nhằm làm sâu sắc, sinh động các bài học trong bộ môn Tư tưởng Hồ Chí Minh; trong đó, phải nắm vững tiểu sử, hoạt độngcủa Chủ tịch Hồ Chí Minh qua các bài nói, bài viết của Người có liên quan đến việc hình thành các nguyên lý lý luận.Người giảng viên không chỉ nắm ngọn, mà cần hiểu rõ các nguồn gốc lý luận trực tiếp dẫn tới hình thành luận điểm cách mạng của Hồ Chí Minh; hiểu rõ những vấn đề khoa học, lý luận cơ bản mà tư tưởng Hồ Chí Minh đề cập, có phương pháp liên ngành.Đặc biệt, giảng viên phải biết thừa kế những nhận định, đánh giá của Đảng, của các vị lãnh đạo, Đảng, Nhà nước về Chủ tịch Hồ Chí Minh; thừa kế các nghiên cứu của các học giả lớn về Hồ Chí Minhtừ nhiều góc độ khác nhau; vận dụng sáng tạo những kết quả mới và tiến bộ trong các nghiên cứu về Hồ Chí Minh.
Ba là,Đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương pháp, hình thức học tập, tuyên truyền về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” (3), tiếp tục đổi mới phương pháp giảng dạy - học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học; gợi mở, thảo luận, trao đổi thẳng thắn, đối thoại có trách nhiệm giữa giảng viên và học viên, kết hợp với ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin và các phương tiện hiện đại.
Bốn là, từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên giảng dạy môn học TT HCM trong thời gian tới, cả về tư tưởng, đạo đức, trình độ chuyên môn... Chính nhân cách, đạo đức của người giảng viên có ảnh hưởng trực tiếp với học viên, do đó người giảng viên phải tự tu dưỡng, tự sửa chữa tư tưởng của chính mình theo yêu cầu của thời đại để có thể hoàn thành sứ mệnh giảng dạy môn học Tư tưởng Hồ Chí Minh cho cán bộ, đảng viên; thường xuyên cập nhật những kiến thức mới, làm chủ được kiến thức, làm chủ được buổi giảng trên lớp, thậm chí là luận giải được những vấn đề mới từ nhu cầu, đòi hỏi của người học hay thực tiễn công việc đặt ra./.
TS. Dương Thị Hằng
Phó Trưởng khoa Lý luận cơ sở
-------------------------
TÀI LIỆU THAM KHẢO
(1)Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.11, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội 2011, tr.95, 96.
(2)Hồ  Chí Minh: Toàn tập, t.8, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội 2011, tr 137-138, 500, 499
(3)Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
 
Số lượt truy cập
Hôm nay:
2248
Hôm qua:
1169
Tuần này:
4569
Tháng này:
12490
Tất cả:
5.104.999