HƯỞNG ỨNG NGÀY SÁCH VÀ VĂN HOÁ ĐỌC VIỆT NAM (21/4/2021 - 21/4/2024)

Đội ngũ giảng viên trẻ trường Chính trị Thanh Hóa học và làm theo đức tính “Cần” trong tư tưởng Hồ Chí Minh

Đăng lúc: 14:14:30 16/05/2017 (GMT+7)1007 lượt xem

 ThS. Đinh Thị Bình
Khoa Lý luận Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng. Suốt cuộc đời, Người đặc biệt quan tâm tới việc giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên. Hồ Chí Minh quan niệm đạo đức là nền tảng, sức mạnh, là nhân cách của người cán bộ, đảng viên. Người coi đó là cái gốc của cây, ngọn, nguồn của sông nước. Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư được xem là 8 chữ vàng mà Bác yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải phấn đấu thực hiện thật tốt để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Đối với đội ngũ giảng viên trẻ Trường Chính trị Thanh Hóa, việc nghiên cứu, học tập, làm theo tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh nói chung, đặc biệt là đức tính “cần” nhằm nâng cao đạo đức cách mạng, ngày càng xứng đáng là những người thừa kế xây dựng CNXH vừa “hồng” vừa “chuyên” là hết
sức cần thiết và rất quan trọng.
1. Đức tính “cần” trong tư tưởng Hồ Chí Minh
Trong Tư tưởng Hồ Chí Minh, “Cần” có nghĩa là cần cù, siêng năng, chăm chỉ trong học tập, lao động có kế hoạch, sáng tạo, lao động với tinh thần tự lực cánh sinh, không lười biếng, không ỷ lại, không dựa dẫm.  “Cần” còn có nghĩa là việc gì, dù khó khăn mấy, cũng làm được, cũng như dao siêng mài thì sắc bén, ruộng siêng làm cỏ thì lúa tốt. “Siêng học tập thì mau biết. Siêng nghĩ ngợi thì hay có sáng kiến. Siêng làm thì nhất định thành công. Siêng hoạt động thì sức khỏe tốt. Người siêng năng thì mau tiến bộ. Cả nhà siêng thì chắc ấm no. Cả làng siêng năng thì làng phồn thịnh. Cả nước siêng năng thì nước mạnh giàu”. Muốn cho chữ “Cần” có nhiều kết quả hơn thì phải có kế hoạch cho mọi công việc, nghĩa là phải tính toán, sắp đặt gọn gàng. Công việc bất kỳ to nhỏ, đều có điều nên làm trước, điều nên làm sau. Nếu không có kế hoạch thì điều nên làm trước mà lại để sau, điều nên làm sau mà đưa làm trước, như thế thì sẽ hao tổn thì giờ, mất công nhiều mà kết quả ít.  Người đã dạy: “Làm việc phải đến đúng giờ, chớ đến trễ về sớm. Làm cho chóng, cho chu đáo. Việc ngày nào nên làm xong ngày ấy, chớ để ngày mai”. Song, theo Hồ Chí Minh “cần” phải đi liền với “kiệm”. “Kiệm” theo Hồ Chí Minh là tiết kiệm, sử dụng có kế hoạch và có mục đích, không xa xỉ hoang phí, phô trương hình thức. Khi nói đến mối quan hệ giữa “cần” và “kiệm”, Hồ Chí Minh nói rằng, nếu chúng ta “cần” mà không “kiệm” thì như thùng không đáy; còn nếu “kiệm” mà không “cần” thì lấy gì mà “kiệm”. Do đó đối với cán bộ, công chức, Hồ Chí Minh khuyên “để giúp công việc chính phủ một cách đắc lực, để nâng cao tinh thần kháng chiến, anh em viên chức bây giờ phải có 4 đức tính là: cần, kiệm, liêm, chính”. Bên cạnh phân tích đức tính “cần” rất cần thiết cho cán bộ, đảng viên thì Bác cũng đã chỉ ra đối lập với “cần” là lười biếng: “Lười biếng là kẻ địch của chữ cần. Vì vậy, lười biếng cũng là kẻ địch của dân tộc. Một người lười biếng, có thể ảnh hưởng tai hại đến công việc của hàng nghìn, hàng vạn người khác”. Ngày nay, trong thực tế công việc cũng như cuộc sống hàng ngày không ít cán bộ, đảng viên vẫn còn có tư tưởng ngại khó, ngại khổ, chưa thực sự cần cù, chưa có tính sáng tạo, sắp xếp kế hoạch công việc chưa logic, không phù hợp nên hiệu quả công việc thấp. 
2. Vận dụng đức tính “Cần” đối với giản viên trẻ Trường Chính trị Thanh Hóa trong công tác
Hiểu thấu Tư tưởng Hồ Chí Minh về đức tính  “Cần”, đội ngũ giảng viên Trường Chính trị Thanh Hóa đã vận dụng một cách linh hoạt trong tự giác tu dưỡng rèn luyện và trong những hoạt động công tác cụ thể.
  Trước hết đức tính “Cần” được vận dụng ở  tự giác trong tu dưỡng, rèn luyện. Thấm nhuần lời chỉ dạy của Người, đội ngũ giảng viên trẻ của trường luôn nêu cao tinh thần tự giác tu dưỡng, rèn luyện bản thân trên tất cả các mặt, luôn thể hiện sự tích cực, cầu tiến bộ với các họat động thực tiễn, đặc biệt là trong nhiệm vụ chuyên môn, tích cực đấu tranh với những biểu hiện lười hoạt động, lười suy nghĩ, học tập một cách thụ động máy móc.  Muốn tự cải tạo được bản thân để tự mình hoàn thiện nhân cách thì mỗi bản thân người giảng viên phải tự nhận thức được những ưu điểm và khiếm khuyết của mình để tự xây dựng kế hoạch, đề ra mục tiêu, rèn luyện, tu dưỡng để hoàn thiện nhân cách. Quá trình tự  hoàn  thiện, tự giáo dục, tự  rèn luyện nhân cách của cán bộ, đảng viên nói chung và giảng viên nói riêng không phải là công việc tự giác nhất thời mà là quá trình phấn đấu thường xuyên, liên tục, có chủ định.
Bằng hoạt động thực tiễn. Đối với mỗi giảng viên thì việc tu dưỡng rèn luyện phải được thực hiện bằng hoạt động thực tiễn của bản thân trong học tập, trong công tác, trong các mối quan hệ với đồng nghiệp. Trên cơ sở nhận thức đúng đắn, đầy đủ nhiệm vụ trọng yếu của nhà trường trong đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên tỉnh nhà; đội ngũ giảng viên trẻ Trường Chính trị Thanh Hóa luôn xác định vươn lên để hoàn thành tốt và hoàn thành  xuất sắc nhiệm vụ của mình, mà một trong những vấn đề đặt ra là cần phải giảng dạy tốt và không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng tích cực. Chính vì vậy, các phong trào “dạy tốt, học tốt” đã được đội ngũ giảng viên trẻ nhiệt tình hưởng ứng và tham gia tích cực. Nhưng để có kiến thức chuyên môn vững,  chất lượng bài giảng tốt, giờ giảng thành công thì  phụ thuộc vào nhiều yếu tố, một trong những yếu tố góp nên sự thành công đó là soạn giáo án và nghiên cứu các tài liệu để phục vụ cho soạn giáo án. Đội ngũ giảng viên nhà trường luôn luôn cập nhật tin tức thời sự mới, những nội dung văn kiện mới vào bài giảng của mình để bài giảng trở nên sinh động và thực tế hơn. Để nâng cao trình độ, chuyên môn, đội ngũ giảng viên trẻ của trường còn tích cực học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với những giảng viên lâu năm thông qua việc dự giờ các tiết giảng, tham gia sinh hoạt chuyên môn để thảo luận, trao đổi những nội dung trong bài dạy, những vấn đề mà trong quá trình giảng dạy đang còn băn khoăn, trăn trở; tham gia các buổi tọa đàm trao đổi về phương pháp giảng dạy, kinh nghiệm giảng dạy, rồi việc áp dụng phương pháp giảng dạy tích cực vào bài giảng như thế nào để đem lại hiệu quả cao. Thông qua các buổi sinh hoạt, tọa đàm, trao đổi đó, mỗi giảng viên sẽ đúc rút được những kinh nghiệm riêng cho bản thân mình trong quá trình giảng dạy lên lớp. Cùng với việc nghiên cứu, học tập để nâng cao trình độ chuyên môn, đội ngũ giảng viên trẻ của nhà trường còn tham gia nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế, tổng kết thực tiễn. Hoạt động nghiên cứu khoa học được đội ngũ giảng viên nhiệt tình hăng hái tham gia viết bài đăng báo, các tạp chí chuyên ngành, đăng Website, đăng nội san nhà trường để vừa củng cố kiến thức chuyên môn, vừa có điều kiện mở rộng hiểu biết kiến thức từ các chuyên ngành khác, đáp ứng yêu cầu của nhà trường. Vấn đề nghiên cứu thực tế của giảng viên được triển khai sâu rộng trong nhà trường và được đội ngũ giảng viên trẻ tích cực hưởng ứng tham gia đi nghiên cứu thực tế để viết bài, qua đó cập nhật số liệu thực tế ở địa phương để bổ sung vào bài
giảng của mình cho sinh động. 
Đức “Cần” của Hồ Chí Minh không chỉ được đội ngũ giảng viên trẻ của trường vận dụng trong việc học tập nâng cao trình độ chuyên môn, tham gia nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế, tổng kết thực tiễn; mà đức “Cần” còn được đội ngũ giảng viên trẻ của trường thể hiện ngay trong cách làm việc của mình. Đó là tính nghiêm túc trong công việc, mà như Hồ Chủ tịch đã nói “làm việc phải đến đúng giờ, chớ đến trễ về sớm”, đội ngũ giảng viên trẻ của trường luôn luôn thực hiện đúng nội quy giờ giấc làm việc của nhà trường; đeo thẻ cán bộ khi vào cơ quan, khi lên lớp; thực hiện nghiêm túc trang phục khi lên lớp theo quy định của nhà trường. Ai ai cũng ý thức và tự giác trong thực hiện những nội quy mà nhà trường đã quy định. Tuy đây chỉ là việc nhỏ, nhưng lại góp phần rất lớn trong việc hoàn thiện đạo đức của mỗi giảng viên trẻ để xây dựng nhà trường ngày một vững mạnh. Đối với những giảng viên kiêm nhiệm công tác chủ nhiệm lớp, các giảng viên rất quan tâm và có trách nhiệm trong bám sát tình hình học tập của lớp, cũng như nắm bắt được tâm tư, tình cảm, hoàn cảnh gia đình, những trăn trở, băn khoăn của mỗi học viên để từ đó có những kiến nghị, đề xuất với ban giám hiệu nhà trường. 
Hồ Chủ tịch đã nói “siêng học hỏi thì sẽ mau biết”, “giáo viên cũng phải tiến bộ cho kịp thời đại thì mới làm được nhiệm vụ, chớ tự mãn cho mình giỏi rồi thì dừng lại mà dừng lại là lùi bước, là lạc hậu, tự đào thải mình trước”. Nhà giáo phải không ngừng trau dồi kiến thức, đặc biệt phải thành thạo lĩnh vực chuyên môn của mình, đáp ứng ngày càng tốt hơn sự nghiệp giáo dục - đào tạo; hoàn toàn không được bằng lòng với kiến thức đã có, thường xuyên tích lũy  kiến thức, tự học, tự bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, phương pháp sư phạm để thực sự là tấm gương sáng.           
Chủ tịch Hồ Chí Minh – anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn của thế giới. Tư tưởng và tấm gương đạo đức của Người thực sự là tấm gương sáng cho toàn Đảng, toàn dân ta noi theo. Đối với đội ngũ giảng viên trẻ Trường Chính trị Thanh Hóa, việc nghiên cứu, học tập, làm theo tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh nói chung, đặc biệt là đức tính “cần” nhằm nâng cao đạo đức cách mạng, ngày càng xứng đáng là những người thừa kế xây dựng CNXH vừa “hồng” vừa “chuyên” là hết sức cần thiết và rất quan trọng.
Số lượt truy cập
Hôm nay:
763
Hôm qua:
1983
Tuần này:
11076
Tháng này:
42722
Tất cả:
4.407.602