HƯỞNG ỨNG NGÀY SÁCH VÀ VĂN HOÁ ĐỌC VIỆT NAM (21/4/2021 - 21/4/2024)

Giải pháp đáp ứng nhu cầu học tập nâng cao trình độ Lý luận chính trị và Kiến thức quản lý nhà nước cho cán bộ, công chức, viên chức tại Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa hiện nay

Đăng lúc: 09:39:22 28/02/2020 (GMT+7)3411 lượt xem

  
ThS. Trần Thị Ngọc Diệp
Phó Hiệu trưởng
 
          Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban chấp hành Trung ương Khóa VIII về Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã xác định chế độ học tập đối với cán bộ “Học tập là quyền lợi và nghĩa vụ của cán bộ, đảng viên. Thực hiện chế độ học tập bắt buộc nhằm nâng cao trình độ mọi mặt, bảo đảm sự thống nhất về chính trị và tư tưởng trong toàn đội ngũ cán bộ”. Đến nay, việc học tập thường xuyên, học tập suốt đời vừa là nhu cầu, vừa là nhiệm vụ của mỗi cá nhân. Mọi cán bộ, công chức, viên chức phải có kế hoạch thường xuyên học tập nâng cao trình độ. Trong đó, học tập nâng cao trình độ lý luận chính trị, kiến thức quản lý nhà nước cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nói chung và đội ngũ lãnh đạo, quản lý nói riêng là nhiệm vụ cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu về phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, năng lực công tác trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.           Với tư cách là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh, Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa có chức năng, nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể... cho cán bộ, công chức, viên chức ở địa phương. Những năm qua, Nhà trường triển khai đồng bộ các giải pháp đổi mới nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, kiến thức quản lý nhà nước. Trong đó,chú trọng đổi mới, cải tiến nội dung chương trình, đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên và tăng cường cơ sở vật chất...Vì vậy, chất lượng dạy và học lý luận chính trị, kiến thức quản lý nhà nước không ngừng được nâng lên. Giai đoạn 2015- 2019, mỗi năm Nhà trường đã đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính, bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước ngạch chuyên viên, chuyên viên chính cho hàng ngàn cán bộ, công chức, viên chức. Đa số học viên sau đào tạo, bồi dưỡng đã vận dụng kiến thức, từng bước củng cố, nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực công tác, hoàn thiện kỹ năng lãnh đạo, quản lý, góp phần quan trọng vào việc triển khai thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên, Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước.
          Tuy nhiên, một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng và ý nghĩa của việc học tập nâng cao trình độ lý luận chính trị, kiến thức quản lý nhà nước, chưa xác định đúng động cơ học tập lý luận chính trị, cho rằng việc học tập này chỉ là để đủ tiêu chuẩn về bằng cấp chứ không phải để nghiên cứu, nắm vững lý luận chính trị phục vụ nhu cầu công tác, nên thiếu nghiêm túc khi tham gia các lớp học. Bên cạnh đó, nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị và quản lý nhà nước đã được cải tiến, đổi mới, song vẫn chưa theo kịp được yêu cầu của thực tiễn. Đặc biệt, chưa thiết kế được các chương trình liên thông để khắc phục được sự chồng chéo, trùng lắp kiến thức trong các chương trình và các nhóm đối tượng người học khác nhau. Một bộ phận cán bộ, giảng viên chậm đổi mới phương pháp, cách thức truyền đạt kiến thức, thiếu kiến thức thực tiễn, chưa thường xuyên cập nhật kiến thức mới, chưa trăn trở, sáng tạo trong quá trình dạy học, nên nội dung bài giảng chưa sâu, chưa hấp dẫn, thu hút được người học.
          Trước thực tế trên, để đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ của công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, kiến thức quản lý nhà nước cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tại Trường Chính trị tỉnh, thời gian tới cần tập trung vào một số nội dung sau:
          Thứ nhất, quán triệt và nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên về học tập lý luận chính trị, kiến thức quản lý nhà nước.
          Nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên về học tập lý luận chính trị là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Thực hiện nhiệm vụ này có thể tiến hành qua cách thức sau: (1) Các cấp ủy Đảng cần quán triệt sâu sắc cho đội ngũ cán bộ, đảng viên về những yêu cầu về phẩm chất, năng lực, phương pháp, tác phong của người cán bộ trong tình hình hiện nay; về chế độ học tập lý luận chính trị trong Đảng, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp gắn với trách nhiệm nêu gương; (2) mỗi cán bộ, đảng viên cần nhận thức sâu sắc vai trò, sự cần thiết của việc học tập lý luận chính trị, kiến thức quản lý nhà nước trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Từ đó, yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên cần chủ động xây dựng mục tiêu, kế hoạch học tập một cách khoa học, hợp lý; quyết tâm thực hiện đúng kế hoạch với phương pháp đúng đắn, phù hợp; (3) về hình thức và phương pháp học tập cần vận dụng linh hoạt, kết hợp việc học trên lớp với việc tự học, học thông qua thực tiễn, sách vở, phương tiện thông tin đại chúng… Phương pháp học tập lý luận chính trị và quản lý nhà nước phải đảm bảo tính khoa học, học đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực tiễn, vận dụng linh hoạt các phương pháp phù hợp với mỗi cá nhân. Thường xuyên kiểm tra, đánh giá việc thực hiện kế hoạch học tập để không ngừng rút kinh nghiệm, nâng cao chất lượng học tập và vận dụng kết quả học tập vào thực tiễn công việc tại cơ quan, đơn vị công tác.
          Thứ hai, cải tiến nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, kiến thức quản lý nhà nước theo phương châm rõ hơn về lý luận, sát với đối tượng và phù hợp với thực tiễn.
          Bám sát nội dung chương trình đào tạo lý luận chính trị của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Nhà trường chỉ đạo giảng viên thường xuyên cập nhật kiến thức mới, chủ trương mới, pháp luật mới, cập nhật thông tin thực tiễn ở từng địa phươngvào các chuyên đề giảng dạy ở các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho phù hợp với các nhóm đối tượng học viên và với từng địa phương. Đồng thời, bổ sung các chuyên đề ngoại khóa và thực tiễn về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, về công tác xây dựng Đảng; các chuyên đề kỹ năng lãnh đạo, quản lý; tăng cường mời giảng viên thỉnh giảng là các đồng chí lãnh đạo các ngành, địa phương trao đổi các chuyên đề thực tiễn địa phương. Đối với chương trình bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước ngạch chuyên viên, chuyên viên chính, bám sát chương trình khung của Bộ Nội vụ, ngoài việc trang bị kiến thức chung về quản lý nhà nước, tăng kiến thức thảo luận, thực hành, kiến thức rèn luyện kỹ năng theo chức trách, nhiệm vụ của công chức ngạch chuyên viên, chuyên viên chính.  
          Thứ ba, đổi mới phương thức tổ chức đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, kiến thức quản lý nhà nước phù hợp đặc điểm đối tượng học viên.
          Trong giảng dạy lý luận chính trị phải quán xuyến mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng sát với yêu cầu thực tiễn, với tính đặc thù của từng nhóm đối tượng học viên. Từ đó chủ động đổi mới từ công tác quản lý đến cách dạy theo hướng giảng viên chú trọng dạy cách thức, phương pháp tư duy, giải quyết công việc và ứng xử; học viên chú trọng phương pháp học hiểu, học vận dụng và học xử trí. Kiên trì thực hiện nguyên tắc giáo dục: “trong cách học phải lấy tự học làm cốt”, chú trọng đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy - học, trong đó học viên giữ vị trí trung tâm, là chủ và làm chủ quá trình lĩnh hội tri thức; giảng viên là người hướng dẫn, tổ chức, quản lý quá trình học tập, chuyển mạnh dạy từ cái thầy có sang cái học viên cần, thực tiễn cần, Nhân dân cần. Trong giảng dạy thực hiện phương châm dạy - học hiểu, dạy - học vận dụng và dạy - học xử trí với nguyên tắc 3 tăng, 3 giảm(3 tăng: Tăng chủ động, tăng đối thoại, tăng xử lý tình huống; 3 giảm: giảm thụ động, giảm độc thoại, giảm lý thuyết),tăng cường phương pháp đối thoại, thảo luận nhóm và thực hành các bài tập tình huống; kết hợp kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ quá trình dạy và học, cập nhật chủ trương, quan điểm, nghị quyết mới của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước...; trang bị và rèn luyện kỹ năng tự học, tự nghiên cứu cho học viên; quan tâm tổ chức các hoạt động ngoại khóa, nghe báo cáo chuyên đề...
          Xác định đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá là khâu đột phá, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng. Chú trọng tổ chức cho học viên báo cáo chuyên đề, chuyên luận (gắn lý luận với thực tiễn) sau mỗi phần học; nâng cao chất lượng viết tiểu luận và báo cáo tiểu luận cuối khóa; khách quan, công tâm trong đánh giá, nhận xét kết quả học tập, rèn luyện của học viên, gửi về cơ quan, đơn vị nơi học viên công tác làm cơ sở cho việc sử dụng có hiệu quả cán bộ sau đào tạo, bồi dưỡng.
          Thứ tư, xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, kiến thức quản lý nhà nước trong tình hình hiện nay.
          Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, Nhà trường đã và đang tiếp tục định hướng tốt, tạo cơ chế và môi trường tốt cho giảng viên rèn luyện, phấn đấu và trưởng thành. Theo đó, chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giảng viên nâng cao trình độ chuyên môn và kiến thức thực tiễn thông qua việc cử giảng viên đi học cao học, nghiên cứu sinh nhằm đảm bảo tính chuyên sâu về kiến thức chuyên môn, hướng tới hình thành nhóm giảng viên đầu đàn ở mỗi bộ môn giảng dạy của Nhà trường; giao cho giảng viên đảm nhận các đề tài nghiên cứu khoa học, nghiên cứu tổng kết những vấn đề thực tiễn, đảm nhận các công việc quản lý... Bên cạnh đó, cần xây dựng đội ngũ giảng viên kiêm chức là các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các ban, ngành và các địa phương để tham gia giảng dạy một số chuyên đề. Đổi mới công tác đánh giá chất lượng đội ngũ thông qua nhiều kênh thông tin: từ học viên, từ đồng nghiệp, từ tổ chức và tự đánh giá. Trong đó, tập trung đánh giá trên 3 mặt: thái độ, trách nhiệm; kiến thức; phương pháp giảng dạy và sự hài lòng của học viên.
          Thứ năm, xây dựng môi trường giáo dục kỹ cương, thân thiện, kiểu mẫu.
          Cùng với việc nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, Nhà trường tiếp tục tạo môi trường, điều kiện tốt để học viên rèn luyện, phát triển toàn diện. Chuyển mạnh từ quản lý hành chính sang quản lý phục vụ, trong đó chú trọng phát triển kỹ năng lãnh đạo, quản lý, phát triển văn hóa đọc, xây dựng môi trường giáo dục kỹ cương, nề nếp, thân thiện, kiểu mẫu. Để thực hiện tốt nhiệm vụ trên đòi hỏi mỗi cán bộ, giảng viên phải thực sự tiêu biểu và mẫu mực về tinh thần kiên định với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; nói, viết và làm đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tiêu biểu về tinh thần đoàn kết, sáng tạo, dám đổi mới vì sự phát triển của Nhà trường; tiêu biểu về trách nhiệm với công việc, về cách ứng xử văn hóa để học viên học tập noi theo. Thực hiện tốt phương châm mỗi thầy cô giáo: Nghiêm về giờ giấc; đẹp về trang phục; chuẩn về phát ngôn; đúng mực trong ứng xử và sáng tạo đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng giờ giảng. Đồng thời, phát huy vai trò là chủ và làm chủ của học viên trong quá trình học tập, rèn luyện, tiếp nhận tri thức, hoàn thiện và phát triển phẩm chất năng lực, xây dựng tác phong học tập, rèn luyện theo nguyên tắc 3 không, 3 có (3 không: Không vào lớp muộn, về sớm; không cẩu thả; không làm việc riêng, sử dụng điện thoại trong giờ học; 3 có: có mục tiêu, động lực học tập tích cực; có tác phong, hình ảnh đẹp; có phương pháp học tập, rèn luyện khoa học).
          Thực hiện đồng bộ những giải pháp trên cùng với sự phối hợp chặt chẽ của cấp ủy Đảng các cấp, các ban, ngành, đoàn thể đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, kiến thức quản lý nhà nước ở Trường Chính trị, chúng tôi hy vọng mỗi cán bộ, đảng viên sẽ phát huy vai trò là những tấm gương tiêu biểu về tinh thần trách nhiệm, về tác phong, phong cách làm việc khoa học, triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ mỗi cơ quan, đơn vị, góp phần xây dựng quê hương Thanh Hóa ngày càng giàu, đẹp./.
Số lượt truy cập
Hôm nay:
271
Hôm qua:
2395
Tuần này:
10449
Tháng này:
56823
Tất cả:
4.421.703