HƯỞNG ỨNG NGÀY SÁCH VÀ VĂN HOÁ ĐỌC VIỆT NAM (21/4/2021 - 21/4/2024)

Giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý quy hoạch đô thị trên địa bàn thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa hiện nay

Đăng lúc: 08:55:32 24/10/2020 (GMT+7)963 lượt xem

Lê Đình Khải
Phó Trưởng khoa Khoa NN & PL
         
          Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế của mỗi quốc gia đều trải qua tiến trình đô thị hóa. Đó là việc tổ chức không gian, kiến trúc cảnh quan đô thị, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội và nhà ở để tạo lập môi trường sống thích hợp cho người dân sống trong đô thị, được thể hiện thông qua đồ án quy hoạch đô thị. Quản lý quy hoạch đô thị đóng một vai trò rất quan trọng trong việc phát triển đô thị bền vững, trong đó trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền sẽ quyết định đến hiệu quả xây dựng và quản lý quy hoạch đô thị trên địa bàn.
Huyện Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn) có diện tích và quy mô dân số vào loại lớn của tỉnh Thanh Hóa, có vị trí chiến lược quan trọng với nhiều tuyến giao thông chạy qua, đặc biệt có Cảng biển nước sâu Nghi Sơn và các điều kiện về địa lý, hạ tầng kỹ thuật rất thuận lợi để phát triển các ngành kinh tế biển như: Cảng biển, dịch vụ vận tải biển, công nghiệp lọc hóa dầu và các ngành phụ trợ sau lọc hóa dầu, sản xuất điện năng, nuôi trồng, khai thác, chế biến hải sản, dịch vụ hậu cần và hạ tầng nghề cá, phát triển , dịch vụ, du lịch... Quy hoạch vùng nam Thanh - bắc Nghệ đến năm 2025, tầm nhìn sau năm 2025 cũng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1447/QĐ-TTg ngày 16/9/2009, định hướng đến năm 2025 sẽ hình thành thành phố Nghi Sơn. Trong tương lai gần sẽ là đô thị động lực gắn với phát triển kinh tế biển đa dạng, đa lĩnh vực, lấy công nghiệp nặng, công nghiệp cơ bản làm trọng tâm, gắn với khai thác có hiệu quả Cảng biển Nghi Sơn. Đồng thời đóng vai trò đầu mối giao thông quan trọng, cửa ngõ giao thương hàng hóa, kết nối vùng Bắc Lào, Đông Bắc Thái Lan, vùng phụ cận Thanh Hóa với tuyến đường hảng hải quốc gia, quốc tế qua hệ thống đường bộ và cảng nước sâu Nghi Sơn; như vậy phù hợp với định hướng Quy hoạch tổng thể phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2050.
Qua khảo sát, đánh giá công tác quản lý quy hoạch đô thị trên địa bàn huyện Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn) trong những năm qua cho thấy đã giành được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Khu kinh tế Nghi Sơn đã thu hút được nhiều dự án trọng điểm của quốc gia kéo theo sự phát triển sôi động của toàn khu vực. Hệ thống hạ tầng được đầu tư hoàn thiện, cùng nhiều nhà máy đã và đang được xây dựng và hoạt động mở ra cho Tĩnh Gia phát triển các ngành dịch vụ, thương mại, du lịch, đặc biệt là thúc đẩy phát triển và nâng cao chất lượng đô thị. Huyện Tĩnh Gia đã phối hợp với các sở ,ban, ngành cấp tỉnh, Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tổ chức lập, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt các quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết phục vụ cho phát triển Khu Kinh tế Nghi Sơn và phát triển đô thị trên địa bàn huyện. Từ kết quả đó Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ký quyết định số 788/QĐ-BXD ngày 23/9/2019 về công nhận huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa đạt tiêu chí đô thị loại IV; Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 933/NQ-UBTVQH14 ngày 22/4/2020 về việc thành lập thị xã Nghi Sơn và các phường thuộc thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
Song công tác quản lý quy hoạch đô thị trên địa bàn huyện (nay là thị xã) vẫn cònmột sốhạn chế. Công tác tuyên truyền về quản lý đất đai, quản lý quy hoạch đô thị, trật tự xây dựng, cấp phép xây dựng ở một số xã chưa hiệu quả, chưa tác động đến ý thức chấp hành pháp luật, một bộ phận nhân dân còn hạn chế trong việc xin cấp phép xây dựng trước khi xây dựng, dẫn đến còn nhiều hộ xây dựng không phép. Trách nhiệm trong quản lý nhà nước về đất đai, quản lý quy hoạch, trật tự xây dựng tại một số xã còn hạn chế, thiếu tính chủ động, có biểu hiện ngại khó, đùn đẩy trách nhiệm, các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng  không kịp thời tổ chức các biện pháp ngăn chặn và xử lý dứt điểm. Các quy hoạch được phê duyệt nhưng chưa được triển khai do đó gây khó khăn, ảnh hưởng tới đời sống người dân và công tác quản lý quy hoạch; một số khu vực mới có quy hoạch phân khu và quy hoạch 1/500 dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý, cấp phép xây dựng.Kết cấu hạ tầng ở khu kinh tế Nghi Sơn có nhiều thay đổi song nhìn tổng quát toàn thị xã Nghi Sơn các công trình phúc lợi chưa được đầu tư nhiều như: Khu vui chơi giải trí, Sân vận động, Trung tâm Văn hóa huyện... Công tác quản lý du lịch phát triển ngành công nghiệp không khói còn nhiều bất cập, các công trình vui chơi giải trí cho du khách chưa được quan tâm đầu tư nhiều; công tác quản lý vệ sinh môi trường, xử lý rác thải còn nhiều hạn chế.
          Nguyên nhân chủ yếu của các hạn chế nêu trên là: Các văn bản nhà nước có liên quan đến công tác quản lý quy hoạch xây dựng, xử lý vi phạm trật tự xây dựng, xử lý đất đai còn nhiều bất cập, chồng chéo, một số văn bản còn chậm được ban hành so với quy định nên ảnh hưởng rất lớn đến công tác quản lý quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn. Hiện nay các hộ gia đình có đất ở không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất theo Quyết định số 1699/QĐ-TTg ngày 07/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ, UBND huyện Tĩnh Gia chưa có cơ sở cấp giấy phép xây dựng. Một số xã không cương quyết xử lý các trường hợp vi phạm ngay từ đầu theo chức năng, thẩm quyền, dẫn đến nhiều trường hợp vi phạm, khi vi phạm với quy mô lớn, khó giải quyết thì mới báo cáo và đùn đẩy sự việc lên cấp trên. Một bộ phận cán bộ, công chức còn yếu kém về năng lực, trách nhiệm thực thi công vụ chưa cao, còn có lúc, có nơi gây phiền hà cho nhân dân; công tác cải cách hành chính có nơi còn chậm, chưa đáp ứng với nhu cầu đô thị hóa, hiện đại hóa. Việc giám sát, kiểm tra, thanh tra chưa thực hiện thường xuyên, chưa kịp thời phát hiện và xử lý các vi phạm về quy hoạch đô thị trên địa bàn huyện. Công tác phối hợp giữa Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn với huyện Tĩnh Gia và các xã, thị trấn trong quản lý quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng chưa thực sự hiệu quả, chưa có sự thống nhất phối hợp kiểm tra và biện pháp xử lý vi phạm.
          Để nâng cao hiệu quả quản lý quy hoạch đô thị trên địa bàn thị xã Nghi Sơn, cần tập trung thực hiện tốt những giải pháp sau:
          Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, quản lý, điều hành của chính quyền trong phát triển đô thị; phối hợp tốt giữa các cấp, các ngành với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội nhằm tạo sự thống nhất nhận thức và hành động trong phát triển kết cấu hạ tầng và đô thị... Uỷ ban nhân dân thị xã phối hợp với chủ đầu tư, các ngành có liên quan đẩy mạnh công tác lập quy hoạch và nâng cao chất lượng quy hoạch. Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt chú trọng về thủ tục đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư, thu hút đầu tư.Rà soát các quy định, chính sách đầu tư, kinh doanh để sửa đổi, bổ sung tạo đồng bộ, nhất quán trong chính sách đầu tư. Tiếp tục thể chế hóa các chính sách về các ưu đãi khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực: phát triển đô thị, phát triển hạ tầng kỹ thuật, phát triển nhà ở xã hội và nhà ở cho người có thu nhập thấp, xây dựng công trình phúc lợi cho người lao động làm việc trong các khu công nghiệp, các dự án đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, công trình dự án xử lý nước thải sinh hoạt và chất thải rắn, chất thải công nghiệp. Tiếp tục rà soát các dự án đã cấp giấy chứng nhận đầu tư trên cơ sở đó có biện pháp hỗ trợ, tập trung tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện cho dự án sớm được triển khai và đi vào hoạt động.
         Thứ hai, huy động vốn đầu tư các công trình cơ sở hạ tầng theo hình thức BOT, BT. Chuyển nhượng quyền khai thác công trình hạ tầng. Giải pháp Nhà nước và nhân dân cùng làm cần được nhân rộng và thực hiện có hiệu quả .Sử dụng vốn ODA ưu tiên cho những chương trình, dự án thuộc các lĩnh vực xây dựng hạ tầng kinh tế đồng bộ theo hướng hiện đại, xây dựng kết cấu hạ tầng xã hội.
 Thứ ba, đẩy mạnh hơn nữa việc đổi mới tư duy trong quản lý nhà nước về đô thị đi đôi với việc nâng cao phẩm chất năng lực và trình độ cán bộ quản lý đô thị các cấp. Tăng cường phân cấp quản lý đô thị, nâng cao quyền hạn, trách nhiệm của chính quyền đô thị các cấp theo đề án 1961 của Chính phủ về “Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý về xây dựng và phát triển đô thị đối với công chức và lãnh đạo chuyên môn đô thị các cấp”. Đẩy mạnh việc liên kết trong đào tạo phát triển nguồn nhân lực, tăng cường mở các lớp tập huấn để đào tạo thường xuyên nhằm duy trì chất lượng và số lượng cho đội ngũ lao động kế cận, Có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào đề án đào tạo, tái đào tạo đội ngũ lao động.
Thứ tư, tiếp tục thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá nhằm khai thác tốt tiềm năng, lợi thế đảm bảo sự phát triển nhanh, toàn diện và bền vững. Chú trọng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế.
          Thứ năm, tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm quy hoạch đô thị: các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần thường xuyên thực hiện công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm quy hoạch đô thị./.
Số lượt truy cập
Hôm nay:
156
Hôm qua:
1983
Tuần này:
10469
Tháng này:
42115
Tất cả:
4.406.995