THI ĐUA "CHỦ ĐỘNG, ĐỒNG BỘ, ĐỘT PHÁ, KỶ CƯƠNG, CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ" XÂY DỰNG TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH THANH HOÁ ĐẠT CHUẨN TRONG NHÓM CÁC TRƯỜNG DẪN ĐẦU CẢ NƯỚC                                                                                           MỪNG ĐẤT NƯỚC ĐỔI MỚI, MỪNG ĐẢNG QUANG VINH, MỪNG XUÂN ẤT TỴ NĂM 2025!
             
NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 95 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM (03/2/1930 - 03/2/2025)!

Giảng dạy Trung cấp Lý luận chính trị - Hành chính theo nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn

Đăng lúc: 16:20:18 22/06/2015 (GMT+7)2159 lượt xem

                                            
                                                                 GVC. Bùi Thị Thu     
                             Phó trưởng Khoa LL Mác - Lênin, TT Hồ Chí Minh
 
1. Thống nhất giữa lý luận và thực tiễn trong dạy và học lý luận chính trị
Theo chủ nghĩa Mác - Lênin, lý luận và thực tiễn có mối quan hệ biện chứng, quy định, tác động qua lại với nhau, trong đó thực tiễn là cơ sở, động lực, mục đích và là tiêu chuẩn chân lý của lý luận. Sự hình thành, phát triển lý luận xuất phát từ thực tiễn, do yêu cầu của thực tiễn, được kiểm nghiệm, bổ sung và phát triển trong thực tiễn. Nhưng, khi ra đời, lý luận phục vụ cho hoạt động thực tiễn (cải tạo tự nhiên và xã hội). Lý luận có ý nghĩa định hướng xác định mục tiêu, hướng dẫn biện pháp hành động của thực tiễn, đáp ứng đòi hỏi từ thực tiễn.
Để nhận thức đúng nguyên tắc về sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn trong dạy và họclýluận chính trị, trước hết phải làm rõ cơ sở lý luận của nguyên tắc đó. Cụ thể là:
Thứ nhất, thực tiễn là cơ sở, động lực, mục đích và là tiêu chuẩn chân lý của lý luận
Bản chất quan hệ giữa con người với thế giới là thực tiễn, con người sử dụng các công cụ, phương tiện để tác động vào các đối tượng vật chất khách quan, buộc chúng phải bộc lộ những thuộc tính và mối quan hệ, nhờ đó con người có được sự hiểu biết. Chính quá trình cải tạo thế giới mà con người nhận thức được cơ sở khách quan sự hình thành và phát triển của các đối tượng vật chất trong thế giới. Trên thực tế, mọi tri thức bắt đầu từ sự thu nhận các tài liệu cảm tính, kinh nghiệm thực tiễn, từ đó con người so sánh, phân tích, tổng hợp, trừu tượng hóa, khái quát hóa thành lý luận. Như vậy, thực tiễn là cơ sở cung cấp tài liệu cho lý luận; lý luận chỉ là kết quả phản ánh trực tiếp, hoặc gián tiếp bản chất khách quan của thế giới từ hoạt động thực tiễn.
Ngoài ra, qua thực tiễn con người phát triển cả năng lực thể chất và năng lực trí tuệ; tự hoàn thiện bản thân. Như Ph.Ăngghen đã khẳng định: “... chính việc người ta biến đổi tự nhiên... là cơ sở chủ yếu nhất và trực tiếp nhất của tư duy con người, và trí tuệ con người phát triển song song với việc người ta người đã học cải biến tự nhiên[1].
Mọi tri thức lý luận được xác định là đúng hay sai, chân lý hay sai lầm đều phải được kiểm nghiệm trong thực tiễn. Nhưng, thực tiễn luôn biến đổi và gắn liền với hoạt động có mục đích của con người, nên không tránh khỏi mặt chủ quan. Bởi vậy, không được coi tri thức hiện có của con người là chân lý vĩnh viễn. Sự phát triển của thực tiễn yêu cầu, mọi tri thức được rút ra trong một giai đoạn lịch sử cụ thể cần được bổ sung, phát triển, hoàn thiện cho phù hợp với thực tiễn mới; nhận thức lý luận phải dựa trên cơ sở thực tiễn, phải coi trọng tổng kết thực tiễn. Nghiên cứu lý luận phải gắn với thực hành lý luận trong thực tiễn, tránh bệnh giáo điều, máy móc, bệnh chủ quan.
Hiện nay, sự nghiệp đổi mới ở nước ta đã và đang đặt ra nhiều vấn đề mới cho công tác nghiên cứu lý luận, chẳng hạn, quan hệ giữa kinh tế thị trường và định hướng XHCN; về phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong điều kiện một đảng cầm quyền v.v.. đòi hỏi lý luận phải nghiên cứu để giải đáp; đồng thời cũng là nhiệm vụ của công tác giảng dạy lý luận trong tình hình mới.
          Thứ hai, lý luận là cơ sở để đề ra mục tiêu, phương hướng, biện pháp cho thực tiễn; thực tiễn phải được chỉ đạo bởi lý luận khoa học
Thực tiễn quyết định lý luận, nhưng đến lượt nó, lý luận có vai trò to lớn đối với thực tiễn. Lý luận chi phối mục tiêu, biện pháp, phương thức hoạt động biến đổi hiện thực. Như Lênin đã viết: “Không có lý luận cách mạng thì cũng không thể có phong trào cách mạng”[2].
Vai trò của lý luận đối với thực tiễn biểu hiện trước hết đó là, khi lý luận thâm nhập vào quần chúng trở thành "lực lượng vật chất" to lớn, vì đã tạo nên các phong trào thực tiễn của nhân dân. Chính từ những lý luận khoa học, con người tìm được quy luật tất yếu của đối tượng, dự báo tương lai vận động của đối tượng, đó là cơ sở khoa học giúp con người, xã hội lựa chọn được mục tiêu, phương pháp hành động. Từ đó, làm cho hành động của con người trở nên chủ động, tự giác hơn; hạn chế được tình trạng mò mẫm, tự phát. Sức mạnh của chủ nghĩa Mác - Lênin chính là khái quát sự phát triển của lịch sử, tìm ra qui luật vận động của lịch sử,... nên đã trở thành vũ khí tinh thần. Theo đó, các Đảng Cộng sản dựa vào lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, đã vạch ra được đường lối, tìm phương hướng và biện pháp cách mạng phù hợp với đặc điểm, hoàn cảnh, điều kiện cụ thể của mỗi nước trong mỗi giai đoạn phát triển
Tuy nhiên, điều cần chú ý, lý luận có nguy cơ ảo tưởng, giáo điều, xa rời cuộc sống, vì lý luận gián tiếp phản ánh thực tiễn dựa trên sự lôgic của tư duy. Nên, đòi hỏi phải tăng cường tổng kết kinh nghiệm thực tiễn để bổ sung, phát triển, hoàn thiện lý luận. Như V.I. Lênin nhắc nhở, "..., lý luận lại không là một cái gì cứng nhắc, nó đầy tính sáng tạo; lý luận luôn cần được bổ sung bằng những kết luận mới được rút ra từ thực tiễn sinh động".
Đối với hoạt động đào tạo trung cấp lý luận chính trị - hành chính ở Trường chính trị, về cơ bản là giảng dạy những quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối cách mạng của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho cán bộ cơ sở. Đây là những người trực tiếp tổ chức thực hiện, đưa những quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào thực tiễn cuộc sống. Do đó, việc giảng dạy lý luận chính trị cho họ không phải chỉ là giúp họ nhận thức đúng, mà điều quan trọng là họ biết vận dụng sát với điều kiện ở mỗi địa phương, đơn vị. Nói cách khác, việc giảng dạy lý luận chính trị phải giúp người học biết vận dụng lý luận vào hoạt động thực tiễn sinh động, gắn với mỗi địa phương cơ sở. Điều này yêu cầu người giảng viên phải sáng tạo trong giảng dạy lý luận nhằm gắn nó với thực tiễn; định hướng để người học biết vận dụng lý luận vào hoạt động thực tiễn. Khẳng định điều này, trước đây Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Lý luận rất cần thiết, nhưng, nếu cách học tập không đúng thì sẽ không có kết quả. Do đó, trong lúc học tập lý luận, chúng ta cần nhấn mạnh lý luận phải liên hệ với thực tế".
2. Bảo đảm sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn trong giảng dạy lý luận chính trị
Việc tổ chức giảng dạy của các chương trình đào tạo trong các nhà trường phải quán triệt nguyên lý học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn. Bởi vậy, giảng dạy lý luận chính trị vừa phải trình bày thống nhất về các nguyên lý lý luận, quan điểm chính trị gắn với thực tiễn xã hội; vừa phải khái quát để phản ánh sự biến đổi của đời sống xã hội phù hợp. Hiện nay, công cuộc đổi mới ở nước ta thực sự làm biến đổi khá nhanh các lĩnh vực của đời sống xã hội, đòi hỏi việc giảng dạy lý luận phải kịp thời nắm bắt. Nhưng, lý luận không phải lúc nào cũng giải đáp trực tiếp được cho từng vấn đề cụ thể đa dạng trong thực tiễn, chỉ là cơ sở phương pháp luận có tính định hướng cho thực tiễn. Do vậy, giảng dạy lý luận chính trị cần từ thực tiễn để phân tích cơ sở lý luận; làm rõ khía cạnh phương pháp luận từ nội dung lý luận nhằm giúp người học có định hướng lý giải những vấn đề từ thực tiễn. Giảng dạy lý luận chính trị không nên chỉ thuần túy minh họa, thuyết minh chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, mà quan trọng là phải phân tích cơ sở lý luận được vận dụng vào đường lối, chủ trương, chính sách, để giúp cán bộ hiểu cơ sở khoa học của nó. Hơn thế còn biết vận dụng để tự phân tích, nhận định những vấn đề thực tiễn mới nảy sinh ở địa phưong.
Để giảng dạy lý luận chính trị trên nguyên tắc gắn lý luận với thực tiễn đạt hiệu quả, chúng tôi cho rằng, người giảng viêncần phải chú ý các điểm sau:
          Thứ nhất, phải nắm kiến thức thực tiễn của các nội dung lý luận để thực tiễn hóa lý luận sát với đối tượng người học
Mục đích của chương trình đào tạo trung cấp lý luận chính trị - hành chính là  nâng cao trình độ nhận thức lý luận, năng lực tư duy lý luận; trau dồi phẩm chất chính trị, đạo đức và nghiệp vụ, kỹ năng về lãnh đạo, quản lý, từ đó, góp phần nâng cao năng lực hoạt động thực tiễn cho cán bộ cấp cơ sở. Vì vậy, việc giảng dạy lý luận chính trị, trước hết giảng viên cần phải gắn kết nội dung lý luận với công tác lãnh đạo, quản lý tại địa phương để chọn vấn đề thực tiễn soi rọi làm sáng tỏ lý luận. Điều rất quan trọng của việc gắn lý luận với thực tiễn trong giảng dạy lý luận chính trị là phải sát đối tượng người học.Nghĩa là phảitừ đối tượng để lựa chọn kiến thức thực tiễn phù hợp, nhất là những vấn đề từ thực tế của xã hội đang diễn ra cần được cắt nghĩa từ lý luận. Mặt khác, những vấn đề thực tiễn khi liên hệ phải sát với thực tế cơ sở, tránh tràn lan thông tin. Tuỳ các nhóm đối tượng để lựa chọn vấn đề thực tiễn phù hợp nhằm giúp người học nâng cao nhận thức lý luận, năng lực quản lý chuyên môn. Do học viên trung cấp LLCT - HC là những cán bộ quản lý, điều hành tại cơ sở hoặc trong các ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến huyện. Nên, vấn đề thực tiễn được liên hệ phải bám sát mục tiêu đào tạo, có tính định hướng.
          Thứ haikiến thức thực tiễn đưa vào bài giảng phải có giá trị phương pháp luận nhằm vận dụng trong hoạt động lãnh đạo, quản lý ở cơ sở
          Giảng dạy lý luận chính trị trước hết là để hình thành thế giới quan chính trị, phương pháp luận cho hoạt động thực tiễn. Cán bộ cơ sở học lý luận chính trị là để nâng cao nhận thức, hình thành phương pháp tư duy lý luận, giúp họ nhận thức được đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước có cơ sở khoa học nhằm củng cố niềm tin chính trị; đồng thời hình thành ý thức vận dụng vào hoạt động lãnh đạo, quản lý. Nhất là giúp người học biết nhận định, đánh giá thực tế bảo đảm sự trung thực, khách quan; nhìn nhận nguyên nhân của thành công và hạn chế có tính toàn diện và cụ thể,... Do vậy, trong giảng dạy, cần lý giải nội dung lý luận sát mục tiêu, sát trình độ và năng lực thực tiễn của cán bộ; trình bày phải ngắn gọn, liên hệ thực tiễn phù hợp. 
       Thứ ba, kiến thức thực tiễn khi liên hệ vào lý luận phải mang tính điển hình
          Thực tiễn khi đưa vào bài giảng lý luận chính trị phải mang tính điển hình, từ cái chung của đất nước, một tỉnh hoặc nhiều tỉnh đã làm, một huyện hoặc nhiều huyện đã vận dụng và đã được kiểm chứng thông qua quá trình vận dụng tại các địa phương có hiệu quả. Tránh đưa những kiến thức thực tiễn chưa được kiểm chứng, hoặc những mô hình đang thử nghiệm, chưa được tổng kết, đánh giá. Thực tế cho thấy,khi liên hệ thực tiễn phù hợp sẽ làm cho các nguyên lý lý luận trừu tượng, phức tạp trở thành những vấn đề gần gũi, dễ tiếp thu, dễ nhớ và khắc sâu cho người học. Đúng như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: "Trường Đảng là một trường học để đào tạo những chiến sĩ tiên tiến phấn đấu cho sự nghiệp của giai cấp vô sản. Các đồng chí đều là những cán bộ cốt cán của Đảng. Việc học tập lý luận của các đồng chí không phải nhằm biến các đồng chí thành những người lí luận suông, mà nhằm làm thế nào cho công tác của các đồng chí tốt hơn".Thực hiện lời dạy đó, giảng dạy lý luận cần phải liên hệ lý luận với thực tiễn phù hợp;thực tiễn liên hệ phải có ý nghĩa chung, vấn đề thực tiễn đều phải có địa chỉ rõ ràng, đảm bảo tính trung thực; khi liên hệ cần phân tích để người học thấy được sự phù hợp hay không, mang ý nghĩa tiêu cực hay tích cực./.
 

[1] C.Mác và Ph.Ăngnghen: Toàn tập, Nxb. CTQG, HN, 1994, t. 20, tr. 270
[2] C.Mác và Ph.Ăngnghen: Toàn tập, Nxb CTQG, HN, 1995, t.3, tr. 9-10. 
[3]V. I. Lênin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mátxxcơva. 1978, tr 30.
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, HN, 1995, t. 5, tr. 234.
[5] V.I.Lênin: Toàn tập, T 4, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva. 1978, t.45, tr 428. 
Số lượt truy cập
Hôm nay:
1101
Hôm qua:
1497
Tuần này:
7220
Tháng này:
15141
Tất cả:
5.107.650