NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 114 NĂM NGÀY QUỐC TẾ PHỤ NỮ 8/3 ( 8/3/1910 – 8/3/2024) VÀ 1984 NĂM KHỞI NGHĨA HAI BÀ TRƯNG!

Giảng viên Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa học tập và làm theo phong cách tư duy của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Đăng lúc: 16:20:43 25/02/2019 (GMT+7)937 lượt xem

ThS. Phùng Thị Quyên
Khoa Dân vận
 
           Tư duy bao giờ cũng gắn với một con người cụ thể vì thế tư duy là nhân tố khởi đầu, nội dung cơ bản tạo nên phong cách của chính họ. Tất cả các hoạt động của con người đều bắt đầu từ tư duy. Tư duy phát triển đến trình độ độc lập, sáng tạo mới có thể trở thành phong cách tư duy. Phong cách tư duy thể hiện trình độ độc lập, sáng tạo và có sắc thái riêng của một con người trong việc giải quyết các tình huống thực tiễn. Chủ tịch Hồ Chí Minh có một phương pháp tư duy vừa khoa học, vừa mang sắc thái riêng, thể hiện một phong cách tư duy rất độc đáo, có ý nghĩa định hướng khoa học đối với giảng viên trường chính trị tỉnh. Việc học tập và rèn luyện phong cách tư duy Hồ Chí Minh là yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng đội ngũ góp phần xây dựng Trường Chính trị tỉnh Thanh hóa trở thành trung tâm đào tạo, bồi dưỡng chuẩn, chất lượng cao của khu vực và trong cả nước.
         Phong cách tư duy Hồ Chí Minh là sự kết tinh từ tinh hoa văn hóa dân tộc và nhân loại, là tài sản tinh thần quý báu của nhân dân ta. Mặc dù thể hiện cái riêng, nhưng phong cách tư duy của Người không xa lạ mà có sức lan tỏa, tác động tích cực tới hành động của các thế hệ người dân Việt Nam yêu nước nói riêng, nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới nói chung. Phong cách tư duy Hồ Chí Minh được thể hiện trong mọi hoạt động của Người, tạo thành một chỉnh thể nhất quán, có giá trị khoa học, đạo đức và thẩm mỹ, bao gồm một số nội dung chính là: phong cách tư duy khoa học, phong cách tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo, phong cách tư duy hài hòa, uyển chuyển, có lý có tình.
  Nét đặc sắc nhất trong phong cách tư duy Hồ Chí Minh là tính độc lập, tự chủ, sáng tạo. Phong cách tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo Hồ Chí Minh thể hiện ở những nội dung cốt lõi sau:
Độc lập là không lệ thuộc, không bắt chước, không giáo điều, rập khuôn, không vay mượn nguyên xi của người khác, tự mình tìm tòi, suy nghĩ, truy đến tận cùng bản chất của sự vật, hiện tượng để tìm ra chân lý, phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tiễn.
Tự chủ là tự mình làm chủ suy nghĩ của mình, làm chủ bản thân và công việc của mình,biết tự sắp xếp, bố trí công việc hợp lý theo đúng trình tự trước sau, khoa học.
Sáng tạo là dạng hoạt động trí não cao nhất của con người. Giúp con người dũng cảm từ bỏ cái cũ không còn phù hợp, linh hoạt điều chỉnh những biện pháp, sách lược, sẵn sàng tiếp nhận và vận dụng cái mới tiến bộ, biết vận dụng quy luật chung cho phù hợp với cái riêng, cái đặc thù.
         Với tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo đã giúp Chủ tịch Hồ Chí Minh có con đường riêng của mình trên hành trình đi tìm đường cứu nước là theo Quốc tế III, theo Chủ nghĩa Mác - Lênin chứ không đi theo lối mòn của các vị tiền bối yêu nước trước đó. Tiếp nhận Chủ Nghĩa Mác - Lênin đã làm cho tư duy của Hồ Chí Minh phát triển lên một tầm cao mới, đó là tính cách mạng triệt để và tính khoa học chặt chẽ. Nhờ phong cách tư duy đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát hiện ra quy luật của cách mạng Việt Nam, tìm ra con đường và phương pháp tiến hành cách mạng phù hợp với thực tiễn của đất nước.
Nhận thức được tầm quan trọng về phong cách tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo cuả Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi giảng viên Trường Chính trị tỉnh phải xác định tư duy là điểm xuất phát của mọi việc, muốn có hành động đúng phải có tư duy đúng.
           Học tập và làm theo phong cách tư duy Hồ Chí Minh về độc lập, tự chủ, sáng tạo, luôn gắn chặt lý luận với thực tiễn. Đó chính là con đường dẫn đến nhận thức đúng và phương pháp, hành động đúng. Đó cũng là cách đem lại hiệu quả thiết thực trong công việc để mỗi cán bộ, giảng viên biết sống, làm việc và cống hiến.
 Để việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả thì mỗi cán bộ, giảng viên Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa cần phải xác định được các yêu cầu cơ bản sau đây:
Một là, Mỗi giảng viên phải xác định được điểm xuất phát và mục đích phát triển tư duy trong quá trình học tập, rèn luyện theo phong cách tư duy Hồ Chí Minh   
Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước, Người đã lấy hiện thực xã hội Việt Nam làm điểm xuất phát cho sự hình thành, phát triển tư duy và lấy giải phóng dân tộc là mục đích nhất quán. Sự kết hợp giữa hai tiền đề này vừa là điểm xuất phát, vừa là động lực thôi thúc Chủ tịch Hồ Chí Minh trăn trở, nung nấu tìm đường cứu nước theo phương pháp mới là ra nước ngoài tìm đường cứu nước, cứu dân. Vận dụng vào học tập và làm theo phong cách tư duy Hồ Chí Minh trong thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, các giảng viên phải xác định điểm xuất phát chính là những yêu cầu cấp thiết trong công tác mới của Nhà trường và mục đích có tính đặc thù là nâng cao chất lượng truyền thụ tri thức lý luận; rèn luyện tư duy độc lập sáng tạo của bản thân và dẫn dắt người học đạt mục tiêu, yêu cầu của đào tạo, bồi dưỡng. Học tập phong cách tư duy Hồ Chí Minh là học tập tinh thần sáng tạo để hành động cho phù hợp với mục tiêu mà mình đã đề ra trên cơ sở nắm vững những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh rồi vận dụng vào từng giờ giảng, bài giảng cho phù hợp với nội dung chương trình, đối tượng học viên nhằm thực hiện tốt phong trào thi đua dạy tốt, học tốt.
Hai là, phải chủ động trong việc kế thừa và tiếp nhận tri thức
  Lý luận về con đường cách mạng Việt Nam của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sản phẩm của kế thừa tri thức nhân loại, được tích lũy từ hoạt động thực tiễn cách mạng và chuyển hóa thành tư duy của Người. Hồ Chí Minh đã thể hiện một phương pháp khoa học trong kế thừa và thực hiện phát triển tư duy độc lập sáng tạo. Lý luận về con đường cách mạng Việt Nam là “tri thức mới” được Hồ Chí Minh sáng tạo ra. Nó thống nhất với chủ nghĩa Mác - Lênin về bản chất cách mạng, khoa học, nhưng có nét đặc sắc riêng về tư duy của Người. Ở đó không  có  biểu hiện của giáo điều, rập khuôn máy móc. Vì vậy, không nên coi chủ nghĩa Mác - Lênin là những công thức có sẵn mà học tập chủ nghĩa Mác – Lênin là học tập cái tinh thần xử trí trong công việc.  
 Là giảng viên Trường Chính trị tỉnh trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0, thời đại thế giới kết nối thì phải biết chắt lọc, vận dụng những tri thức khoa học, phù hợp đúng với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước để tuyên truyền, hướng dẫn cho học viên chứ không cóp nhặt nguyên xi tri thức của người khác để vận dụng vào bài giảng của mình một cách máy móc. Bản thân mỗi giảng viên phải thường xuyên rèn luyện học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh từ những công việc nhỏ hằng ngày, từ suy nghĩ, lời nói cho đến hành động và tích cực, chủ động học tập nâng cao trình độ chuyên môn, cập nhật kiến thức thực tế vào từng bài giảng.
Ba là, thường xuyên rèn luyện kỹ năng tư duy chủ động, độc lập, sáng tạo
Học tập và làm theo phong cách tư duy Hồ Chí Minh không chỉ dừng lại ở các phương diện cụ thể, mà còn phải tổng hợp lại để thấy nó là một quá trình biện chứng, thống nhất. Sự khái quát cao nhất có tính nguyên tắc trong tư duy của Người là dĩ bất biến, ứng vạn biến. Nguyên tắc ấy được Hồ Chí Minh vận dụng vào từng giai đoạn, từng lĩnh vực, từng nhiệm vụ từ vĩ mô đến vi mô một cách kiên định, nhất quán, nhưng linh hoạt sáng tạo.
 Tư duy độc lập, chủ động, sáng tạo là chìa khóa của sự phát triển. Việc học tập và rèn luyện tư duy độc lập, chủ động, sáng tạo Hồ Chí Minh giúp cho giảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, làm cho nội dung bài có tính hệ thống, chặt chẽ, không bị thiếu, bị sót, tạo ấn tượng tốt về bài học, khơi dậy sự đam mê, chủ động trong học tập của học viên; tạo ra sự khác biệt, khẳng định năng lực của giảng viên trong công việc và vị thế của mình trong xã hội là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công trong sự nghiệp đổi mới của Nhà trường. Do đó, mỗi giảng viên phải nhận thức đúng và thực hiện đồng bộ các giải pháp sau để việc học tập và rèn luyện đạt kết quả cao.
Thứ nhất, nâng cao nhận thức về phong cách tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh
 Nhận thức được tầm quan trọng của phong cách tư duy Hồ Chí Minh, trong nhiều năm qua Đảng ta đã phát động và lãnh đạo thực hiện học tập và làm theo tấm gương, tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh theo đúng tinh thần Chỉ thị 05-CT/TW về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Thực hiện theo tinh thần đó, Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều biện pháp thiết thực nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, giảng viên như: kịp thời cập nhật các chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; đổi mới hình thức sinh hoạt chi bộ theo chuyên đề; phát huy dân chủ trong Nhà trường; thực hiện tốt công kiểm tra… Trong thời gian tới, Nhà trường tiếp tục phát huy những kết quả đạt được đồng thời nâng cao trách nhiệm cá nhân của mỗi cán bộ, giảng viên, học viên trong việc học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ yếu bằng cách tự học, tự nghiên cứu và rèn luyện qua thực tiễn công việc.
 Thứ hai, tích lũy tri thức phục vụ cho công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học.
Tích lũy tri thức là quá trình có chủ định để hoàn thiện và phát triển tư duy.  Người có tri thức là người hiểu biết sâu rộng, có khả năng sáng tạo, có nhân cách cao cả, lối sống tốt đẹp đóng góp tích cực vào sự phát triển và tiến bộ của xã hội. Tích lũy tri thức giúp chúng ta làm chủ được công việc và cuộc sống của mình. Vì vậy, để tích lũy tri thức phục vụ cho công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học mỗi giảng viên Trường Chính trị phải tích cực chủ động trong việc học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đồng thời phải rèn luyện cho mình những thói quen trong công việc hàng ngày như:
- Đọc sách: Thói quen này không chỉ giúp tích lũy kiến thức mà còn giúp giảng viên rèn luyện tư duy sáng tạo, bởi khi đọc sách để hiểu sâu cần phải “nghiền ngẫm”, suy luận, thậm chí là liên tưởng, tưởng tượng từ đó từng bước hình thành tư duy sáng tạo.
- Cập nhật thông tin về nhiều chủ đề từ internet: Việc tích cực cập nhật các thông tin từ các trang tin tức online, mạng xã hội… sẽ giúp giảng viên có những cái nhìn “đa chiều” hơn, giúp thúc đẩy hình thành, phát triển khả năng sáng tạo phù hợp với thực tiễn.
- Đi và quan sát: Thực hiện phương châm gắn lý luận với thực tiễn. Vì vây, mỗi giảng viên không chỉ cần phải có nền tảng tri thức đã được trang bị ở Nhà trường mà còn phải nắm bắt được thực tiễn khách quan đang diễn ra trên thực tế để đối chiếu, vận dụng vào trong từng bài giảng đáp ứng yêu cầu đặt ra. Muốn có được kiến thức thực tiễn đó giảng viên phải đi nhiều nơi, làm nhiều việc, tiếp xúc với nhiều đối tượng để trải nghiệm, để tăng vốn hiểu biết, tạo tiền đề cho sự sáng tạo.
- Ghi chép: Đây là một trong những cách rèn luyện tư duy sáng tạo, ví dụ như viết nhật ký, viết dự định trong tương lai… được xem là một “bài tập” để rèn luyện sự “tinh nhạy” của trí não, là yếu tố tạo nên sự sáng tạo. Ngoài ra ghi chép để kịp thời lưu lại các ý tưởng hay và có tác dụng nhắc nhở giảng viên khi có đủ những điều kiện cần thiết để thực hiện những ý tưởng đó.
 Thứ ba, rèn luyện kỹ năng tư duy độc lâp, tự chủ, sáng tạo  
 Kỹ năng tư duy độc lập, chủ động, sáng tạo không tự nhiên mà có, nó chỉ được hình thành qua quá trình rèn luyện. Rèn luyện kỹ năng là một quá trình lâu dài đòi hỏi mỗi giảng viên phải kiên trì, quyết tâm, vượt qua chính mình bằng những hoạt động trực tiếp, cụ thể như:                     
- Hành động: Bất kỳ ai sinh ra cũng có khả năng tư duy sáng tạo, nhưng nếu không hành động thì khả năng đó sẽ mất dần theo thời gian. Vì vậy, thay bằng trông chờ vào người khác giải quyết công việc giúp mình, mỗi giảng viên hãy cố gắng vượt qua mọi khó khăn, rào cản, tự giải quyết công việc của mình bằng tất cả sự nỗ lực ở mức độ cao nhất. Đó chính là lúc chúng ta đang rèn luyện kỹ năng tư duy sáng tạo.
- Rèn luyện ngôn ngữ: Ngôn ngữ là cái “vỏ vật chất” của tư duy. Qua ngôn ngữ biểu hiện rõ trình độ tư duy, đồng thời phản ánh tính độc lập, sáng tạo của tư duy. Mỗi giảng viên phải rèn luyện khả năng sử dụng ngôn ngữ theo đúng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nói cho ai nghe, viết cho ai đọc lấy đó làm giá trị định hướng cần quán triệt cho việc rèn luyện của giảng viên.
          - Dám dấn thân và không sợ rủi ro: Để rèn luyện được kỹ năng tư duy sáng tạo phải là người dám dấn thân và không sợ rủi ro. Khi có một ý tưởng mới, một kế hoạch lớn với mức độ rủi ro cao khiến ta cảm thấy đắn đo không dám hành động nghĩa là đang tự thiêu rụi đi những sáng tạo của bản thân. Mỗi giảng viên cần vượt qua nỗi lo sợ rủi ro, thất bại và hành động, tin tưởng vào những ý tưởng và khả năng của bản thân mình để khả năng sáng tạo được phát huy.
-  Không ỷ lại:Việc ỷ lại sẽ khiến cho chúng ta trở nên chậm chạp, lười suy nghĩ  khi có vấn đề cần giải quyết. Do đó, khả năng tư duy, sáng tạo bẩm sinh sẽ dần biến mất và chúng ta sẽ trở nên thụ động trong công việc, không có những sáng tạo riêng.   
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh phải đi vào chiều sâu, thành phong cách của mỗi người cụ thể. Học tập và làm theo phong cách tư duy Hồ Chí Minh là quá trình tổng hợp, vận dụng, phát triển phong cách tư duy của Người vào quá trình rèn luyện tư duy của mỗi cán bộ, giảng viên để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới hiện nay./.
Số lượt truy cập
Hôm nay:
3769
Hôm qua:
2605
Tuần này:
12587
Tháng này:
62744
Tất cả:
4.361.281