NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 114 NĂM NGÀY QUỐC TẾ PHỤ NỮ 8/3 ( 8/3/1910 – 8/3/2024) VÀ 1984 NĂM KHỞI NGHĨA HAI BÀ TRƯNG!

Giới thiệu sách - một nét độc đáo phát triển văn hóa đọc tại Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá

Đăng lúc: 09:18:59 20/04/2018 (GMT+7)1009 lượt xem

ThS. Lê Thị Hương - PT Phòng NCKH-TT-TL
ThS. Tào Thị Thanh Mai -Phòng NCKH - TT - TL
 
Đọc sách có vị trí quan trọng trong đời sống của con người và từ lâu đã trở thành một nhu cầu thiết yếu của cuộc sống. Nhận thức sâu sắc được tầm quan trọng đó, trong những năm qua, Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá rất chú trọng đẩy mạnh việc phát triển văn hoá đọc cho đội ngũ cán bộ, giảng viên, học viên trong toàn trường.
Một trong những hình thức phát triển văn hóa đọc là giới thiệu sách của đội ngũ cán bộ Thư viện nhà trường đến học viên các lớp Trung cấp Lý luận chính trị - hành chính, các lớp bồi dưỡng, nhằm tuyên truyền, giới thiệu sách hay, sách mới đến với bạn đọc, góp phần xây dựng, phát triển thói quen đọc sách, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng - đây chính là nét độc đáo phát triển văn hoá đọc tại Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá.
Thời gian qua, Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa luôn tìm tòi, vận dụng các hình thức tuyên truyền một cách sáng tạo, phù hợp với thực tế từng giai đoạn và đạt hiệu quả cao trong công tác tuyên truyền giới thiệu sách. Trước kia, Thư viện Trường Chính trị chỉ quan tâm tới vấn đề phục vụ bạn đọc tại chỗ, tức là khi bạn đọc có nhu cầu thì cán bộ Thư viện có trách nhiệm đáp ứng tối đa nhu cầu tin có thể cho bạn đọc trong khuôn khổ Thư viện. Bên cạnh đó, hàng năm Thư viện còn tổ chức những hoạt động tuyên tuyền sách tới học viên nhằm phát triển văn hoá đọc như: Trưng bày sách, triễn lãm sách nhân các ngày lễ lớn; trên Website nhà trường luôn cập nhật những sách mới cho học viên tiện theo dõi. Tuy nhiên, hình thức tuyên truyền đó còn đơn giản, chưa phong phú và chưa tạo sức hút để bạn đọc tìm đến Thư viện như một địa chỉ tin cậy, không thể thiếu.
 Được sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường, lãnh đạo phòng Nghiên cứu khoa học - thông tin - tư liệu tới công tác phát triển văn hoá đọc, Thư viện nhà trường luôn đổi mới hình thức tuyên truyền, với hình thức mới là giới thiệu sách tới đông đảo học viên. Có thể nói, đây là một nét mới, độc đáo, tạo một bước chuyển biến trong công tác phục vụ bạn đọc. Sở dĩ gọi giới thiệu sách là một nét độc đáo bởi 3 yếu tố: Độc đáo trong hình thức giới thiệu - Độc đáo trong nội dung - Độc đáo trong phương thức phục vụ.
Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện, giới thiệu sách đã trở thành phong trào, một hoạt động thường xuyên hướng tới bạn đọc; đây cũng là nét đột phá trong công tác phục vụ, đó là: Thư viện không đơn thuần duy trì hình thức như trước đây “Người đọc tìm đến sách, mà bây giờ sách cần phải “đi tìm” người đọc”.  Đặc biệt, đội ngũ cán bộ Thư viện được trau dồi kỹ năng và tăng cường về mặt số lượng, cụ thể: Năm 2014 có 02 cán bộ tham gia giới thiệu; đến năm 2016 là 05 cán bộ luân phiên giới thiệu. Bên cạnh đó, trong những năm qua, đội ngũ cán bộ thư viện đã không ngừng đổi mới nội dung cũng như thể loại tài liệu khi giới thiệu, đó không chỉ là sách văn học, sách giáo dục, mà còn là sách kỹ năng, bao gồm kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp và quan trọng hơn cả là kỹ năng lãnh đạo, quản lý; nhất là sách tham khảo do Trường Chính trị tỉnh biên soạn phục vụ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở; cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện, cấp tỉnh. Chính vì vậy, đã và đang tạo chuyển biến tích cực, nâng cao chất lượng phục vụ bạn đọc, kết quả công tác phục vụ bạn đọc tăng lên đáng kể: phục vụ 16.800 lượt bạn đọc/năm (năm 2016) lên 18.210 lượt bạn đọc/năm (năm 2017).
Chương trình giới thiệu sách có sức hút lan tỏa không chỉ trong học viên mà còn cả trong cán bộ, giảng viên Nhà trường, trong đó tiêu biểu là Câu lạc bộ giảng viên trẻ đã đưa chương trình giới thiệu sách xen vào những buổi sinh hoạt định kỳ.  Với học viên, một số lớp đã vận dụng chương trình giới thiệu sách vào các phong trào thi đua, học tập; đặc biệt trong Ngày hội đọc sách 21/4, cuộc thi “Giới thiệu sách” góp phần xây dựng phong trào đọc sách trong toàn trường.
Tuyên truyền giới thiệu sách là biện pháp quan trọng để Thư viện nhà trường kiểm tra, đánh giá và điều chỉnh công tác Thư viện để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ giáo dục chính trị, bồi dưỡng kiến thức cho học viên. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được chương trình giới thiệu sách vẫn còn một số khó khăn:
- Cán bộ Thư viện làm công tác tuyên truyền giới thiệu sách mới dừng lại ở việc tự tìm tòi và học hỏi, chưa được tham gia khóa đào tạo liên quan đến trang bị kỹ năng mềm và các khâu hoạt động liên quan công tác tuyên truyền, nên hiệu ứng tuyên truyền chưa đạt được hiệu quả tối đa.
- Cơ sở vật chất còn thiếu, cán bộ Thư viện phải tự trang bị máy tính xách tay; cấu hình còn thấp nên chất lượng nội dung và hình ảnh chưa cao.
- Vốn tài liệu hiện nay chưa đáp ứng nhu cầu tối đa của học viên: số đầu bản sách thì nhiều nhưng số lượng bản trên một đầu sách còn hạn chế (1-3 cuốn/ bản sách); tài liệu phục vụ cho công tác đào tạo - bồi dưỡng chủ yếu là tài liệu tham khảo, còn các tài liệu chuyên khảo không nhiều.
- Hình thức giới thiệu sách còn đơn giản, chưa có sự đa dạng hóa để tạo hiệu ứng cao nhất đến bạn đọc.
Để khắc phục khó khăn trên, trong thời gian tới cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp chủ yếu sau:
Thứ nhất, Ban Giám hiệu nhà trường cần quan tâm đầu tư trang bị cơ sở vật chất phục vụ cho công tác tuyên truyền giới thiệu sách, cụ thể trang bị ít nhất một đến hai máy tính xách tay với cấu hình cao để công tác giới thiệu sách đạt chất lượng tốt nhất; tăng cường nguồn kinh phí bổ sung vốn tài liệu; tăng số lượng cuốn trên một đầu bản (ít nhất khoảng 6-8 cuốn trên đầu bản) để đáp ứng kịp thời nhu cầu của cán bộ, giảng viên và học viên nhà trường.
Thứ hai, cán bộ Thư viện không ngừng trau rồi kỹ năng, chất lượng các buổi giới thiệu bằng cách tham gia các lớp đào tạo kỹ năng, đổi mới hình thức giới thiệu sách do Vụ Thư viện và Hiệp hội thư viện (ví dụ: Hội Liên hiệp các trường đại học khu vực phía bắc) tổ chức định kỳ hàng năm hoặc các cuộc trao đổi, tọa đàm, tập huấn do Thư viện Quốc gia Việt Nam tổ chức.
Trong tuyên truyền giới thiệu sách, vấn đề mấu chốt là phải chọn đúng các tác phẩm và chủ đề sao cho các tác phẩm được giới thiệu phải thực sự là các tác phẩm có giá trị và chủ đề được chọn phải là các chủ đề được quan tâm. Chỉ có như vậy mới thu hút được sự chú ý của bạn đọc. Điều này đòi hỏi đội ngũ cán bộ Thư viện phải nhạy bén, hiểu biết sâu rộng, lòng say mê đọc và khả năng thẩm định giá trị tác phẩm. Một điều nên tránh đó là tâm lý làm hình thức“làm cho có”. Phải làm sao để “làm cho hay”,“Làm cho hấp dẫn”. Muốn vậy cán bộ Thư viện phải biết chọn các hình thức tuyên truyền phù hợp với yêu cầu tuyên truyền, nội dung tác phẩm và đối tượng tuyên truyền.
Thứ ba, cần đa dạng hóa hoạt động tuyên truyền giới thiệu sách, với các hình thức khác nhau: tuyên truyền giới thiệu sách dưới hình thức sân khấu hóa với chủ đề nhất định liên quan đến các sự kiện lớn của đất nước, các nhiệm vụ chính trị của tỉnh, nhà trường; hội thi tuyên truyền giới thiệu sách, để tổ chức hội thi này thì cần phải thành lập các đội thi. Tiếp đó các đội thi phải lựa chọn một hoặc một chùm tác phẩm hay theo một chủ đề nhất định để giới thiệu... Hình thức tuyên truyền này rất lý thú bởi nó tạo cho bạn đọc cảm giác không những đang xem một cuộc trình diễn nghệ thuật mà còn được trực tiếp cảm nhận được tác phẩm sống động qua cách diễn xuất …
Ngoài ra, Nhà trường cần đẩy mạnh tuyên truyền giới thiệu sách trên Nội san, trên Websitevới hình thức giới thiệu những bài viết những cảm nhận về cuốn sách hay để giới thiệu đến cho bạn đọc; xây dựng chương trình giới thiệu video mỗi tuần một cuốn sách để đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền, bởi biết vận dụng linh hoạt các hình thức tuyên truyền giới thiệu sách mới đạt được hiệu quả cao.
Thứ tư, song song với đó, hàng năm thư viện nêntiến hành các cuộc điều tra nhu cầu đọc của học viên trên quy mô các lớp vào đầu mỗi khoá học để nắm bắt kịp thời, nhanh chóng nhu cầu thực của học viên, trên cơ sở đó làm công tác bổ sung và phục vụ.
Tôi tin chắc rằng với việc thực hiện đồng bộ bốn giải pháp nêu trên, cùng sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám hiệu, sự cố gắng nỗ lực của tập thể cán bộ Thư viện, phong trào đọc sách sẽ phát triển một cách bền vững; thành công của giới thiệu sách chính là minh chứng rõ nét nhất, nó trở thành một nét độc đáo phát triển văn hoá đọc. Tôi xin chốt lại bài viết của mình bằng câu nói của người xưa: “Tạo chúc cầu minh, đọc thư cầu - Minh dĩ chiếu ám thất, lý dĩ chiếu nhân tâm" (Nghĩa là làm ra cây đuốc là để soi sáng nhà cửa, còn đọc sách là để soi sáng tâm trí, nhân tâm con người).Đội ngũ những người làm công tác Thư viện Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá chúng tôi mãi luôn là “sứ giả” để tuyên truyền, nhân rộng, phổ biến hơn nữa, để văn hóa đọc, thói quen đọc sách trở thành một phong trào hiệu quả trong Nhà trường.
 

2. Đọc và văn hóa đọc trước ngưỡng cửa thông tin:http://nlv.gov.vn/
3. Tương lai văn hóa đọc: http:// www.lic.vnu.vn
4. Luận bàn văn hoá đọc thời hiện đại: http://lib.vnu.edu.vn
5. Văn hóa đọc và thư viện:http://lib.vinhuni.edu.vn
6. Văn hóa đọc sách của giới trẻ ngày nay:http://trandangkhoa.vn
Số lượt truy cập
Hôm nay:
1552
Hôm qua:
1933
Tuần này:
3485
Tháng này:
40066
Tất cả:
4.338.603