NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2024)

Góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý của cấp ủy và chính quyền xã trong xây dựng NTM

Đăng lúc: 10:01:13 18/03/2016 (GMT+7)1211 lượt xem


Lương Trọng Thành
Tỉnh ủy viên – Hiệu trưởng Trường Chính trị Thanh Hóa
 
Trong 5 năm qua, Thanh Hóa đã đạt được nhiều kết quả trong thực hiện Chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), có 110 xã đã đạt chuẩn NTM; có 01 huyện (Yên Định) đang hoàn thiện hồ sơ trình Trung ương thẩm định, công nhận huyện đạt chuẩn NTM năm 2015; hệ thống chính trị được tăng cường; an ninh trật tự được giữ vững; kinh tế - xã hội phát triển theo hướng bền vững; đời sống vật chất và tinh thần của người nông dân từng bước được nâng lên; diện mạo xã hội nông thôn được thay đổi. Để đạt được những kết quả đó phải có sự chỉ đạo quyết tâm, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền; sự năng động sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo; quản lý, điều hành của cán bộ cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, trong đó có sự đóng góp của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.
Là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh, nhận thức sâu sắc về mục tiêu chương trình quốc gia về xây dựng NTM, thời gian qua, Trường Chính trị đã đồng hành với các ban, sở, ngành; cấp ủy, chính quyền tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị cấp cơ sở trong xây dựng NTM, nổi bật là:
 1. Tổ chức có hiệu quả các lớp bồi dưỡng về xây dựng NTM
Để nâng cao chất lượng công tác bồi dưỡng cán bộ, Nhà trường đã nghiên cứu và tìm ra mô hình 3 – 3 – 3, cụ thể như: 3 mục tiêu (nâng cao nhận thức, niềm tin; nâng cao kiến thức; hoàn thiện phương pháp lãnh đạo, quản lý trong chỉ đạo thực hiện xây dựng NTM); 3 nội dung (cập nhật kiến thức mới; bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý; trao đổi kinh nghiệm thực tiễn trong lãnh đạo, quản lý về xây dựng NTM); 3 hoạt động (học các chuyên đề; đi nghiên cứu thực tế; tổ chức hội thảo chuyên đề về xây dựng NTM). Nhà trường đã tổ chức mở 65 lớp cho hơn 10.000 học viên tham gia bồi dưỡng kiến thức về xây dựng NTM theo đề án 1956 của Chính Phủ; tổ chức hàng chục cuộc hội thảo, hội nghị chuyền đề về xây dựng NTM. Từ đó, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp xã được nâng cao nhận thức về mục tiêu, yêu cầu, nội dung của Chương trình xây dựng NTM; hoàn thiện kỹ năng lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện xây dựng NTM để tiếp tục triển khai chủ trương xây dựng NTM tại các địa phương có hiệu quả hơn.
2. Chủ động nghiên cứu khoa học về năng lực lãnh đạo của cấp ủy, quản lý của chính quyền xã trong xây dựng NTM
Nhận thức sâu sắc về mối quan hệ biện chứng giữa hoạt động nghiên cứu khoa học với nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, trong những năm qua Nhà trường đã chủ động thực hiện nghiên cứu nhiều đề tài khoa học cấp tỉnh, cấp trường, cấp khoa, phục vụ nâng cao chất lượng các chuyên đề bồi dưỡng; phục vụ hoạt động lãnh đạo, quản lý của cấp ủy, chính quyền cấp xã. Trong đó nổi bật là, Nhà trường tập trung triển khai nghiên cứu đề tài cấp tỉnh về “Nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, quản lý của chính quyền cấp xã trong xây NTM ở Thanh Hóa hiện nay”, đề tài đã được nghiệm thu và xếp loại xuất sắc. Kết quả của đề tài đã cung cấp những luận chứng, luận cứ khoa học về thực trạng năng lực lãnh đạo của cấp ủy, quản lý của chính quyền cấp xã trong xây dựng NTM; những yếu tố ảnh hưởng đến năng lực lãnh đạo của cấp ủy, quản lý của chính quyền cấp xã trong xây dựng NTM; đồng thời, đề xuất những giải pháp có tính khả thi, sát thực với thực tiễn để nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, quản lý của chính quyền cấp xã trong xây dựng NTM hiện nay.
3. Nghiên cứu, tổng kết thực tiễn về xây dựng NTM
Trong những năm qua, nhà trường đã chủ động phối hợp với các địa phương, đơn vị đẩy mạnh tổng kết thực tiễn về hoạt động lãnh đạo, quản lý trong xây dựng NTM như: phối hợp với Huyện ủy Đông Sơn, Nga Sơn, Cẩm Thủy, tổ chức các hội thảo “Năng lực lãnh đạo của Đảng ủy xã trong xây dựng NTM ở huyện Đông Sơn hiện nay”; “Nâng cao năng lực quản lý của chính quyền xã trong xây dựng NTM ở huyện Nga Sơn hiện nay”; “Nâng cao hiệu quả cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ trong xây dựng NTM ở huyện Cẩm Thủy” ... Từ hiệu quả thiết thực của công tác tổng kết thực tiễn, năm 2015 Nhà trường đã chủ động đề xuất với Thường trực Tỉnh ủy cho Trường chính trị tổng kết 7 vấn đề thực tiễn, trong đó có vấn đề về “Phát huy dân chủ trong xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa”. Qua hoạt động tổng kết thực tiễn đã tìm tòi, phát hiện, nghiên cứu và luận giải những vấn đề đang đặt ra từ thực tiễn như: hoạt động lãnh đạo của cấp ủy, quản lý của chính quyền xã; cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ trong xây dựng NTM ... để biên soạn thành tài liệu phục vụ công tác bồi dưỡng cán bộ; phục vụ hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện của cán bộ cấp xã trong xây dựng NTM.   
Bước sang giai đoạn 2016 – 2020, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đã xác định xây dựng NTM là 1 trong 5 chương trình trọng tâm và “coi phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM là nền tảng” phấn đấu “tỷ lệ số xã đạt chuẩn NTM năm 2020  đạt 50% trở lên”, để thấy nhận thức sâu sắc và quyết tâm chính trị rất lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh. Theo đó, để góp phần sớm đưa Nghị quyết vào cuộc sống và tiếp tục chung sức trong sự nghiệp xây dựng NTM, Nhà trường xác định thực hiện tốt 3 nhiệm vụ sau:
Một là, tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng bồi dưỡng xây dựng NTM theo hướng chủ động cập nhật kịp thời chủ trương, chính sách mới, đồng thời bổ sung thêm các chuyên đề nâng cao năng lực về lãnh đạo phát triển kinh tế, kỹ năng dự báo thị trường, quy hoạch sản xuất, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế gắn liền với phát triển bền vững và an sinh xã hội... Để thực hiện có hiệu quả công tác bồi dưỡng, Nhà trường sẽ chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh đề xuất với UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch bồi dưỡng về xây dựng NTM, giai đoạn 2016 - 2020
Hai là, nâng cao hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học và tổng kết thực tiễn về xây dựng NTM. Vì, trong thực tiễn xây dựng NTM đang đặt ra nhiều vấn đề cần phải nghiên cứu và tổng kết, như: cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ trong xây dựng NTM; phát huy dân chủ trong xây dựng NTM; vai trò giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; sự phát triển bền vững trong xây dựng NTM.
Ba là, đa dạng hóa các loại hình cập nhật kiến thức xây dựng NTM. Trong đó, tập trung nâng cao chất lượng các kênh thông tin của Nhà trường, đặc biệt nâng cao tính ứng dụng và trang bị tủ sách cho đội ngũ cán bộ cơ sở, trên cơ sở các hội thảo khoa học, các hoạt động tổng kết thực tiễn và đề tài nghiên cứu khoa học, Nhà trường sẽ đề xuất biên tập thành tủ sách phục vụ nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, quản lý điều hành của chính quyền cấp xã trong xây dựng NTM
          Với trách nhiệm đổi mới và sự năng động, sáng tạo trong tổ chức thực dạy, thực học, thực nghiên cứu với mục tiêu lấy hiệu quả phục vụ, thành công của học viên, tín nhiệm của nhân dân chắc chắn Trường Chính trị sẽ có nhiều đóng góp cùng với cả tỉnh sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM và phấn đấu xây dựng Thanh Hóa trở thành tỉnh khá vào năm 2020./.
 
Số lượt truy cập
Hôm nay:
382
Hôm qua:
2004
Tuần này:
12564
Tháng này:
58938
Tất cả:
4.423.818