NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2024)

Góp phần tìm hiểu giá trị lý luận và thực tiễn bài viết “một số vấn đề lý luận và thực tiễn về Chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng

Đăng lúc: 06:33:17 12/06/2021 (GMT+7)2676 lượt xem

ThS Bùi Thị Thu 
Tr.K Lý luận cơ sở
Bài viết "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một công trình khoa học có giá trị to lớn cả về lý luận và thực tiễn. Bài viết đã đi sâu nghiên cứu, phân tích, dẫn chứng làm sáng tỏ nhiều vấn đề lý luận về chủ nghĩa xã hội (CNXH) và con đường đi lên chủ nghĩa hội ở nước ta. Những nội dung đó được trình bày một cách hệ thống, đồng bộ và đầy sức thuyết phục. Từ nghiên cứu Bài viết, chúng tôi mạnh dạn rút ra một số giá trị lý luận và thực tiễn trong bài viết của Tổng bí thư:
Thứ nhất, trên phương diện nhận thức lý luận
Một là, làm sáng tỏ nhận thức về đặc trưng bản chất của chủ nghĩa xã hội mà Việt Nam đã và đang xây dựng
Từ góc độ tiếp cận theo lý luận chủ nghĩa xã hội khoa học của học thuyết Mác - Lênin trong thời đại ngày nay và tư tưởng Hồ Chí Minh. Bài viết đi sâu lý giải và làm sáng tỏ hơn bản chất, đặc trưng giá trị đích thực của Xã hội xã hội chủ nghĩa (XHCN) mà chúng ta đang xây dựng. Đó là một chế độ xã hội mang bản chất tốt đẹp, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, lấy con người làm trung tâm, dựa trên lợi ích chung của toàn xã hội hài hòa với lợi ích chính đáng của mỗi con người. Đó là một xã hội mà sự phát triển thực sự vì con người. Phát triển kinh tế phải đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội. Xã hội mà ở đó con người với con người sống nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau. Hệ thống chính trị phải bảo đảm quyền lực thực sự thuộc về Nhân dân, do Nhân dân và phục vụ lợi ích của Nhân dân. Đặc trưng và mục tiêu của CNXH đó đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh trước đây phác thảo một cách phổ quát. Theo đó, Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng dân tộc ta lựa chọn làm mục tiêu cách mạng. Mục tiêu đó đã và đang được toàn thể dân tộc ta kiên định, kiên trì theo đuổi.
Hai là, làm sáng tỏ nhận thức về mô hình, con đường, cách thức thực hiện để đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
Bài viết đã chỉ ra, quá trình đi lên CNXH ở Việt Nam là chặng đường lâu dài, là một quá trình rất khó khăn phức tạp, trải qua nhiều chặng đường, bước tiến khác nhau với các nhiệm vụ cụ thể. Do vậy, nhận thức về con đường cần phải phân định rõ ràng mục tiêu từng giai đoạn; không được lẫn lộn giữa mục tiêu cuối cùng với mục tiêu cụ thể của từng giai đoạn trong quá trình xây dựng CNXH.
Với đặc điểm và điều kiện thực tế của nước ta, đi lên CNXH nhất thiết phải xác định đúng mô hình CNXH của nước ta; phải thống nhất trong nhận thức về tính tất yếu của thời kỳ quá độ lên CNXH đối với một nước xuất phát từ tiền đề lạc hậu, nên là một quá trlâu dài. Vì vậy, phải có nhiều bước đi, nhiều hình thức tổ chức kinh tế, xã hội đan xen nhau, có sự đấu tranh giữa cái cũ và cái mới. Đặc biệt là biết kế thừa những thành tựu, giá trị mà nhân loại đã đạt được trong thời kỳ phát triển chủ nghĩa tư bản, phù hợp với thực tiễn đất nước một cách biện chứng. Đồng thời cần chú trọng tổng kết, rút kinh nghiệm mỗi bước đi, cách làm; kịp thời điều chỉnh cho phù hợp.
Thứ hai, trên phương diện thực tiễn
Một là, bài viết là lời hiệu triệu, thông điệp chính trị đến toàn thể Nhân dân Việt Nam
Bài viết của Tổng bí thư được công bố trong bối cảnh nước ta đang chuẩn bị kỷ niệm 131 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người thầy, người lãnh đạo vĩ đại của cách mạng Việt Nam; là lúc cả nước ra sức thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII với những nhiệm vụ lớn lao; là lúc cử tri cả nước chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, lựa chọn những người đại diện xứng đáng cho mình vào cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước; cùng với đó là cả dân tộc quyết liệt phòng, chống dịch Covid-19. Nên, có tác động rất lớn đến tư tưởng, tình cảm, hành động của mỗi cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Như một lời hiệu triệu gửi đến mọi người dân Việt Nam, đồng lòng, đồng sức phát triển đất nước, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội.
Hai là,bài viết nhằm khẳng định sự kiên định mục tiêu cách mạng xã hội xã hội chủ nghĩa của Đảng và Nhân dân ta - một lựa chọn đúng đắn, sáng tạo, phù hợp
Trên cơ sở phân tích sâu sắc thực tiễn thế giới đương đại, những thành tựu và hạn chế cả về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, nhất là những mâu thuẫn cơ bản, vốn có của các nước tư bản, Bài viết đã chỉ rõ và khẳng định rằng, sự nghiệp cách mạng mà Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhân dân Việt Nam cần lựa chọn chính là xã hội thực sự vì con người - đó là xã hội xã hội chủ nghĩa.
Thực tiễn lịch sử cách mạng Việt Nam do Đảng lãnh đạo, ngay từ đầu lựa chọn mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với CNXH là đúng đắn, phù hợp. Lựa chọn đó không phải là sự bột phát, chủ quan, cảm tính mà là vấn đề thực sự khách quan, khoa học. Kiên định độc lập dân tộc và CNXH của cách mạng Việt Nam là con đường phát triển hợp quy luật khách quan của lịch sử nhân loại. Con đường đó đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh tìm tòi, tiếp thu, kế thừa, vận dụng sáng tạo lý luận Mác - Lênin về sự phát triển tất yếu của xã hội loài người qua quá trình bôn ba tìm đường cứu nước. Từ đó, Người đã khẳng định, tiến lên chủ nghĩa xã hội là bước phát triển tất yếu ở Việt Nam sau khi nước nhà đã giành được độc lập theo con đường cách mạng vô sản.
 Thực tiễn hơn 90 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Bác, dân tộc ta đã kiên định con đường CNXH và giành được những thắng lợi to lớn. Đặc biệt, qua 35 năm thực hiện đổi mới đất nước, mặc dù còn những hạn chế không tránh khỏi, nhưng chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn so với những năm trước đổi mới. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Những thành tựu đó không chỉ là kết quả phấn đấu, nỗ lực không ngừng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta, mà còn là minh chứng hùng hồn cho sự đúng đắn của con đường mà dân tộc ta đã lựa chọn.      
Ba là, bài viết chỉ rõ nhiệm vụ của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong cách mạng XHCN ở nước ta hiện nay
Từ nhận thức sâu sắc Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố quyết định thắng lợi của công cuộc đổi mới và công cuộc xây dựng CNXH ở Việt Nam. Tổng bí thư đã chỉ rõ nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa sống còn của chế độ XHCN ở Việt Nam là giữ vững vai trò, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ đó đi sâu phân tích, làm rõ nội dung, nhiệm vụ của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Trong thực tiễn công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, cần coi trọng nâng cao bản chất giai cấp công nhân của Đảng; Đảng phải luôn tôn trọng và thực hiện nghiêm các nguyên tắc trong tổ chức và hoạt động của Đảng; gắn kết chặt chẽ công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng với công tác cán bộ. Ngoài ra, trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng cần chú trọng các hoạt động kiểm tra, giám sát nhằm ngăn ngừa hiệu quả tệ tham nhũng, quan liêu, thoái hóa v.v...Theo đó, yêu cầu, tổ chức đảng ở mọi cấp phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội, chủ nghĩa cá nhân, chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí, thoái hóa v.v... trong nội bộ Đảng và trong toàn bộ hệ thống chính trị.
Bài viết"Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam" của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhân kỷ niệm 131 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thực sự là một công trình khoa học có giá trị to lớn cả về lý luận và thực tiễn. Nghiên cứu bước đầu chúng tôi tập trung phác thảo những giá trị nổi trội, quan trọng về lý luận bản chất, đặc trưng của CNXH ở Việt Nam; lý luận về cách thức, bước đi trong thời kỷ quá độ lên CNXH ở Việt Nam. Với mong muốn góp phần nhỏ bé vào truyền bá, động viên, khích lệ cán bộ, đảng viên và nhân dân Thanh Hoá. Qua đó, truyền cảm hứng để cán bộ, đảng viên và người dân tiếp tục tin tưởng, kiên định con đường mà Ðảng ta, dân tộc và Nhân dân ta đã lựa chọn, đi theo. Cán bộ, đảng viên và nhân dân Thanh Hoá cần xem các giá trị về lý luận và thực tiễn được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập trong Bài viết là cẩm nang quan trọng để thực hiện tốt nhiệm vụ, góp phần xây dựng Thanh Hóa phát triển nhanh và bền vững.
Số lượt truy cập
Hôm nay:
311
Hôm qua:
2004
Tuần này:
12493
Tháng này:
58867
Tất cả:
4.423.747