GÓP PHẦN TÌM HIỂU TƯ TƯỞNG CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VỀ GIÁO DỤC
Đăng lúc: 13:35:29 18/11/2015 (GMT+7)1298 lượt xem
ThS. Dương Thị Hằng
Phó Trưởng khoa Lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh
Quan điểm về giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí Minhcó ý nghĩa lý luận sâu sắc trong sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phục vụ cho quá trình đổi mới và hội nhập hiện nay. Để góp phần tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục, trong bài viết này xin trao đổi một số nội dung tư tưởng của Người về giáo dục và ý nghĩa thực tiễn đối với việc đổi mới giáo dục hiện nay .
Thứ nhất, về vai trò, mục tiêu và nhiệm vụ của giáo dục
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, con người là vốn quý nhất. Sự hưng thịnh, tồn vong của một quốc gia suy cho cùng phụ thuộc vào con người, vào sự nghiệp “trồng người” – giáo dục. Vì thế Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt vai trò của sự nghiệp giáo dục đối với tiến trình cách mạng, theo Người: “không có giáo dục, không có cán bộ thì cũng không nói gì đến kinh tế, văn hóa”1. “Xã hội càng đi tới, việc càng nhiều, máy móc càng tinh xảo. Mình không chịu học thì lạc hậu, mà lạc hậu thì bị đào thải, tự mình đào thải mình” 2. Chủ tịch Hồ Chí Minh còn khẳng định: giáo dục vừa là một nhiệm vụ của cách mạng, vừa là một mặt trận trong cuộc đấu tranh giành, giữ chính quyền, xây dựng và phát triển đất nước. Vì vậy sau khi tuyên bố thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, ngày 3/9/1945, Người đã chỉ thị “một trong những công việc phải thực hiện cấp tốc trong lúc này là nâng cao dân trí”,“diệt giặc dốt”, vì “nạn dốt là một trong những phương pháp độc ác mà bọn thực dân dùng để cai trị chúng ta”,“dốt thì dại, dại thì hèn”,“một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”.
Nhằm định hướng mục tiêu của nền giáo dục mới xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Người chỉ rõ: “Giáo dục có mục đích đào tạo những công dân và cán bộ tốt, những người chủ tương lai của nước nhà" và Người cũng nhắc nhở: “Các cháu cần nhận rõ mình học cốt để phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Học ngành nào cũng cần phải căn cứ vào nhu cầu của Tổ quốc, của nhân dân mà định, không thể tùy theo sở thích riêng của mình” và nhấn mạnh mục tiêu:“giáo dục nhằm đào tạo những người kế tục sự nghiệp cách mạng to lớn của Đảng và nhân dân”.
Như vậy, mục tiêu giáo nền dục nước ta là để phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Nói cách khác, tư tưởng giáo dục của Hồ Chí Minh là vì con người, cho con người, là xây dựng con người mới. Người còn lưu ý, gắn với mỗi thời kỳ cách mạng khác nhau nhiệm vụ giáo dục phải thay đổi cho phù hợp.
Thứ hai, về nội dung giáo dục
Xuất phát từ vai trò, mục tiêu của giáo dục, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đòi hỏi, giáo dục phải đáp ứng sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người, nội dung giáo dục phải toàn diện nhằm hoàn thiện con người cả về đức, trí, thể, mỹ. Người đặc biệt quan tâm tới giáo dục lý tưởng, đạo đức, nhân cách con người mới xã hội chủ nghĩa. Như trong thư gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên (tháng 9/1945), Bác viết: “Từ giờ phút này trở đi các em bắt đầu được nhận nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam…,một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em”.
Thứ ba, về phương châm, phương pháp giáo dục
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra một số phương châm, phương pháp giáo dục cơ bản đó là:
Một là, Học đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực tiễn
Ngay từ năm 1947, trong Sửa đổi lối làm việc, Người đã nói: “Một người học xong đại học có thể gọi là có tri thức… Song công việc thực tế y không biết gì cả. Thế là y chỉ có tri thức một nửa. Tri thức của y là tri thức học sách, chưa phải là tri thức hoàn toàn; y muốn trở thành người tri thức hoàn toàn phải đem tri thức đó áp dụng vào thực tế”3. Người thường xuyên nhắc nhở: “Học để hành, học với hành phải đi đôi với nhau. Học mà không hành thì học vô ích. Hành mà không học thì hành không trôi chảy” và “học để hành ngày ngày càng tốt hơn”. Từ những luận điểm trên cho thấy, học đi đôi với hành là nguyên tắc vàng của nền giáo dục mới. Thực hiện điều này thì cùng một lúc sẽ hình thành cả tri thức lẫn kỹ năng; hành sẽ trở thành một hình thức chính của học, quá trình học sẽ diễn ra trong quá trình hành.
Trong triết lý của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục, Người thường nhắc nhở mọi người phải tránh căn bệnh coi thường lý luận. Người chỉ rõ, nếu kém lý luận, coi khinh lý luận hoặc lý luận suông không liên hệ với thực tiễn sẽ dẫn đến căn bệnh chủ quan duy ý chí, “lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế. Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi”. Nhưng học là để vận dụng vận dụng vào thực tiễn, học để hành. Nếu học mà không hành, không áp dụng vào thực tế “thì khác nào một cái hòm đựng sách, xem sách nhiều để mà lòe, để làm ra vẻ ta đây”. Người ví “lý luận cũng như cái tên (hoặc viên đạn). Thực hành cũng như cái đích để bắn. Có tên mà không bắn, hoặc bắn lung tung, cũng như không có tên”4.
Hai là, Giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và xã hội
Đây là một định hướng lớn trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục, vì con người sinh ra và lớn lên trong môi trường gia đình, nhà trường và xã hội, mỗi môi trường đều diễn ra quá trình giáo dục với những phương pháp riêng, song đều hướng vào hình thành nhân cách con người .
Ngay từ đầu chủ trương phát triển nền giáo dục mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lưu ý trong giáo dục phải gắn nhà trường với xã hội. Người chỉ rõ: “Ngoài giờ học ở trường, tham gia vào các Hội cứu quốc để luyện tập thêm cho quen với đời sống chiến sĩ và để giúp đỡ một vài việc nhẹ nhàng trong công cuộc phòng thủ đất nước”5; hay “Học ở trường, học sách vở, học lẫn nhau và học nhân dân. Không học nhân dân là một thiếu sót rất lớn”. Vì theo Người, giáo dục trong nhà trường chỉ là một phần,còn cần có giáo dục ngoài xã hội và trong gia đình để giúp cho việc giáo dục trong nhà trường được tốt hơn. Giáo dục trong nhà trường dù tốt mấy, nhưng thiếu giáo dục trong gia đình và ngoài xã hội thì kết quả cũng không đầy đủ hoàn toàn.
Ba là, Gắn giáo dục với tự giáo dục
Trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vấn đề tự học, tự đào tạo là một nội dung rất quan trọng đối với sự nghiệp giáo dục: “Lấy tự học làm cốt, do thảo luận và chỉ đạo giúp vào”. Tự học chính là sự nỗ lực của chính bản thân người học, song phải học có kế hoạch, có môi trường, có sự quản lý, chỉ đạo về nội dung. Trong điều kiện như vậy quá trình học tập sẽ là quá trình tự học.Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở mọi người là phải thường xuyên tự học tập “học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời. Không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, đã biết hết rồi. Thế giới ngày càng đổi mới, nhân dân ta ngày càng tiến bộ, cho nên chúng ta tiếp tục học và hành để tiến bộ kịp nhân dân”6.
Có thể khẳng định, tư tưởng giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị, là “khuôn vàng, thước ngọc”, là kim chỉ nam cho đổi mới nền giáo dục Việt Nam trong thời kỳ CNH, HĐH.
Tuy nhiên, từ thực tế của nền giáo dục nước ta, bên cạnh những thành tựu đạt được, hiện tại vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế, Văn kiện lần thứ XI của Đảng đã chỉ rõ: “… chất lượng giáo dục đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn còn hạn chế; chưa chuyển mạnh sang đào tạo theo yêu cầu xã hội; chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa tăng số lượng, quy mô với nâng cao chất lượng, giữa dạy chữ và dạy người; chương trình, nội dung, phương pháp dạy và học đổi mới chậm; cơ cấu giáo dục không hợp lý giữa các lĩnh vực, ngành nghề đào tạo; chất lượng giáo dục toàn diện giảm sút, chưa đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; quản lý nhà nước về giáo dục còn nhiều bất cập; xu hướng thương mại hóa và sa sút đạo đức trong giáo dục còn chậm khắc phục, hiệu quả thấp, đang trở thành vấn đề bức xúc của xã hội".Vì vậy, đổi mới giáo dục đào tạo trở thành nhu cầu cấp bách hơn bao giờ hết. Từ những yếu kém nêu trên, HNTW8 (khóa XI), Đảng đã ra Nghị quyết số 29/NQ-TW về: “đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục và đào tạo”.
Để triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 29 HNTW8 (khóa XI), qua nghiên cứu những nội dung cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục, tác giả đề xuất một số yêu cầu mang tính giải pháp như sau:
Một là, phải xác định mục tiêu nền giáo dục quốc dân cho phù hợp với nhiệm vụ cách mạng hiện nay đó là đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, có đạo đức, tri thức, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực công dân đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hai là: Phải đổi mới mạnh mẽ, căn bản và thực chất nội dung, phương thức của hoạt động giáo dục đào tạo. Đảm bảo về cả chất lượng và quy mô để sản phẩm giáo dục đào tạo và nhu cầu xã hội ngày càng tiệm cận và phù hợp với nhau.
Ba là: Đẩy mạnh quá trình xã hội hóa giáo dục để bảo đảm tất cả mọi công dân Việt Nam đều quan tâm và có trách nhiệm đến sự nghiệp giáo dục đào tạo, tạo ra môi trường thuận lợi cho giáo dục phát triển.
Bốn là: Tất cả mọi công dân Việt Nam đều bình đẳng trước các cơ hội được giáo dục. Tuy nhiên, nhà nước cần quan tâm đặc biệt tới giáo dục vùng sâu, vùng xa, nhất là những đối tượng chính sách.
Những yêu cầu của toàn cầu hóa đang đặt nền giáo dục đào tạo nước ta đứng trước thời cơ nhưng cũng nhiều thách thức. Việc nghiên cứu và vận dụng Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục vào việc đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục đào tạo là vấn đề cấp thiết cả về lý luận và thực tiễn trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thời đại kinh tế tri thức, hội nhập quốc tế ở nước ta hiện nay.
Chú thích:
1Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, t.8, tr.184.
2 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, t.9, tr.554
3 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, t.5, tr.235.
4 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, t.8, tr.496.
5 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, t.5, tr.235.
6 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, t.4, tr.33.
Các tin khác
- Mô hình “5 được, 5 sản phẩm, 5 quán xuyến, 5 thông qua, 5 vai trò” trong công tác chủ nhiệm lớp
- Nữ cán bộ, viên chức Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá đẩy mạnh phong trào thi đua xây dựng trường đạt chuẩn mức 2
- Vận dụng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chống thói ba hoa trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” để nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị
- Giải phóng Thủ đô Hà Nội - Sự kiện trọng đại của dân tộc Việt nam
- Ý nghĩa của Tuyên ngôn Độc lập đối với cách mạng Việt Nam
- Học tập Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế
- Một số giải pháp xây dựng văn hóa doanh nghiệp trong cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa giai đoạn hiện nay - Thực tiễn từ Tổng Công ty Hợp Lực, Thanh Hóa
- Báo cáo từ chương trình nghiên cứu thực tế lớp Bồi dưỡng cán bộ dự nguồn Ban Chấp hành Đảng bộ và các chức danh lãnh đạo, quản lý huyện Thạch Thành, nhiệm kỳ 2025 - 2030, 2026 - 2031
- Giải pháp nâng cao chất lượng Trang thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá đáp ứng yêu cầu chuẩn hóa theo Quy định số 11
- Đóng góp của lực lượng vũ trang Thanh Hóa trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược
Liên kết website
Số lượt truy cập
Hôm nay:
1009
Hôm qua:
1497
Tuần này:
7128
Tháng này:
15049
Tất cả:
5.107.558