HƯỞNG ỨNG NGÀY SÁCH VÀ VĂN HOÁ ĐỌC VIỆT NAM (21/4/2021 - 21/4/2024)

Góp phần tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận

Đăng lúc: 14:42:51 24/10/2018 (GMT+7)837 lượt xem

                                                     Giảng viên chính: Mai Thị Viện
                                                       Phó trưởng Khoa dân vận

 
Dân vận hay công tác dân vận đều là thuật ngữ dùng để chỉ công tác “Tuyên truyền, vận động nhân dân”[1].  Dân vận cũng có nghĩa là cán bộ, đảng viên phải làm gương trước nhân dân, mọi hành động của cán bộ, đảng viên là vì dân, mang lại hiệu quả thiết thực cho nhân dân.
Trong bài báo Dân vận viết ngày 15/10/1949 Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và Đoàn thể đã giao cho.
Dân vận không thể chỉ dùng báo chương, sách vở, mít tinh, khẩu hiệu, truyền đơn, chỉ thị mà đủ.
Trước nhất là phải tìm mọi cách giải thích cho mỗi một người dân hiểu rõ ràng: Việc đó là lợi ích cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được.
Điểm thứ hai là bất cứ việc gì đều phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương, rồi động viên và tổ chức toàn dân ra thi hành.
Trong lúc thi hành phải theo dõi, giúp đỡ, đôn đốc, khuyến khích dân.
Khi thi hành xong phải cùng với dân kiểm thảo lại công việc, rút kinh nghiệm, phê bình, khen thưởng”[2].
Trong bài viết này, tác giả xin được tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận trên các nội dung sau:
Trước hết, đối tượng làm công tác dân vận là nhân dân
Nhân dân là tất cả những người Việt Nam không phân biệt dân tộc, giai cấp, tôn giáo, tín ngường, lứa tuổi, ngành nghề…Theo Bác, đã là người Việt Nam ai cũng con Lạc cháu Hồng con Rồng cháu Tiên, ai cũng có lòng ái quốc. Suốt cuộc đời hoạt động của mình, Bác luôn nhìn nhận đánh giá đúng lực lượng của nhân dân.
Năm 1923, sau khi nghiên cứu kinh nghiệm cách mạng của các nước trên thế giới, Hồ Chí Minh đã rút ra kết luận: Muốn cách mạng thành công, phải tập hợp, huy động  được sức mạnh của nhân dân. Trước khi rời Pháp sang Nga, trong thư để lại cho các đồng chí ở Hội Liên hiệp thuộc địa, Người tỏ rõ quyết tâm: “Đối với tôi câu trả lời đã rõ ràng: trở về nước, đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do độc lập”[3].
Trong tác phẩm Đường cách mệnh viết năm 1927,  Người nhấn mạnh “cách mệnh là việc chung của dân chúng chứ không phải của một hay hai cá nhân anh hùng nào”[4]. “Thiên thời” không bằng “Địa lợi”; “Địa lợi” không bằng “Nhân hòa”. “Nhân hòa” là quan trọng hơn hết. Nhân dân là lực lượng cơ bản của cách mạng. Cho nên, dân vận là vận động tất cả mọi người dân, nhằm khơi dậy lòng yêu nước trong mỗi con người và tất cả mọi người, không để sót một ai. 
Trong Cương lĩnh thành lập Đảng năm 1930, Hồ Chí Minh viết:
“1. Đảng là đội tiên phong của vô sản giai cấp, phải thu phục cho được đại bộ phận giai cấp mình, phải làm cho giai cấp mình thành giai cấp lãnh đạo được quần chúng.
2. Đảng phải thu phục cho được đại bộ phận dân cày và phải dựa vào dân cày nghèo làm thổ địa cách mạng đánh trúc bọn đại địa chủ và phong kiến. Đảng phải hết sức liên lạc với tiểu tư sản, trí thức, trung nông, thanh niên, Tân Việt…vv…để kéo họ đi vào phe vô sản giai cấp”[5].
Sau khi lãnh đạo Đảng vận động toàn thể nhân dân tổng khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng, tuyên ngôn thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Bác nói: Nước ta là nước dân chủ nên dân làm chủ; “Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”[6]; “Nước lấy dân làm gốc, dân là chủ của nước”; “Dân chúng đồng lòng, việc gì cũng làm được. Dân chúng ủng hộ việc gì cũng làm nên”. Bác căn dặn:
“Gốc có vững, cây mới bền
Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”[7].
Thứ hai, mục tiêu công tác dân vận là vận động nhân làm cách mạng vì lợi ích của nhân dân là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội
Công tác dân vận là vận động các tầng lớp nhân dân làm cách mạng nhằm đáp ứng lợi ích của nhân dân. Lợi ích của nhân dân là mục tiêu đồng thời cũng là động lực đấu tranh cách mạng và là sự vận dụng sáng tạo Học thuyết Mác – Lênin vào cách mạng Việt Nam. Theo C.Mác: Tất cả cái gì con người đấu tranh để giành lấy đều dính liền đến lợi ích của học. Ph.Ăngghen chỉ rõ: quyền lực chính trị là phương tiện để đạt đến lợi ích kinh tế. Lê - Nin nói “Những lý tưởng cao cả nhất cũng không đáng một xu nhỏ chừng nào người ta không biết kết hợp chặt chẽ những lý tưởng đó với lợi ích của chính những người đang tham gia cuộc đấu tranh kinh tế, chừng nào người ta không biết kết hợp những lý tưởng đó với những vấn đề “chật hẹp” và nhỏ nhặt trong cuộc sống hàng ngày của giai cấp ấy như vấn đề trả công lao động một cách công bằng”[8].
Theo Hồ Chí Minh, “Ngoài lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, Đảng ta không có lợi ích gì khác”. Người chỉ rõ mục tiêu của cách mạng là phải:“Làm cho dân có ăn, làm cho dân có mặc, làm cho dân có chổ ở, làm cho dân có học hành”[9]. Hồ Chí Minh đã hy sinh cả cuộc đời để phấn đấu cho mục tiêu cao cả cho nước nhà độc lập, nhân dân tự do hạnh phúc. Người nói: “Cả đời tôi chỉ có một mục đích là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân…Bất kỳ bao giờ, bất kỷ ở đâu, tôi cũng chỉ theo đuổi một mục đích, làm cho ích quốc lợi dân”[10]. Vì thế, Người nói “nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do, thì độc lập cũng chẳng nghĩa lý gì”[11]. Hồ Chí Minh luôn nhắc cán bộ, đảng viên “việc gì có lợi cho dân ta phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân ta phải hết sức tránh”.
Thứ ba, phương pháp làm công tác dân vận, Bác chỉ rõ cần phải được tiến hành theo quy trình sau:
- Thứ nhất, nói cho dân biết, giải thích cho dân hiểu.
Tức là tuyên truyền, phổ biến, giáo dục để mọi người dân nắm rõ chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; giải thích cho nhân dân hiểu vì sao họ phải thực hiện chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước? Tức là chỉ ra cho họ thấy lợi ích khi chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng thành hiện thực. Bác căn dặn: “Chúng ta hãy ghi tạc vào đầu cái chân lý này: dân rất tốt. Lúc họ hiểu ra thì việc khó khăn đến mấy họ cũng làm được, hy sinh mấy họ cũng không sợ. Nhưng trước hết cần phải chịu khó tìm đủ cách giải thích cho họ hiểu rõ rằng: những việc đó là vì lợi ích của họ mà họ phải làm”[12].
- Tiếp theo, bày cách cho dân làm.
Tức là tổ chức cho nhân dân bàn bạc thảo luận dân chủ, thực sự lắng nghe ý kiến và kinh nghiệm của dân; cùng với dân lập kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương, rồi động viên và tổ chức toàn dân ra thi hành.
- Trong lúc dân làm phải theo dõi, giúp đỡ, đôn đốc, khuyến khích dân.
- Khi thi hành xong phải cùng với dân sơ kết, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm, phê bình, khen thưởng.
Bác chỉ rõ: “Muốn thực sự gần gủi quần chúng thì phải cùng ăn, cùng ở, cùng làm, mới biết được sinh hoạt của quần chúng như thế nào, mới biết khó khăn, biết chí khí và nguyện vọng của quần chúng nhân dân như thế nào”[13].
Bác yêu cầu cán bộ làm công tác dân vận phải tự mình rèn luyện để có phong cách làm dân vận là: “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”.
- “Óc nghĩ” được Hồ Chí Minh đặt ở vị trí hàng đầu, cho thấy người đặc biệt đề cao trí tuệ và yêu cầu về sự “động não” của người làm công tác dân vận. Người làm công tác dân vận trước hết phải là con người khoa học, phải biết tìm tòi suy nghĩ để phân tích tình hình nhân dân, vận dụng sáng tạo lý luận vào thực tiễn sinh động để vận động nhân dân có hiệu quả.
Mắt trông: Là quan sát mọi sự việc, hiện tượng từ thực tiễn phong trào cách mạng của quần chúng, để “trăm nghe không bằng một thấy”. Đề ra yêu cầu này là Bác muốn nhắc nhở cán bộ làm công tác dân vận phải thường xuyên sâu sát cơ sở.
- Tai nghe: Theo Bác  người làm công tác dân vận biết nghe dân nói, từ đó mà hiểu được những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của dân; loại trừ những thông tin thiếu chính xác. Nghe dân nói, cũng là để biết dân đã hiểu gì, hiểu đến mức như thế nào, đã làm như thế nào và làm được đến đâu để kịp thời bổ sung, điều chỉnh.
- Chân đi: Đây là yêu cầu bức thiết luôn đặt ra đối với cán bộ dân vận nhằm chống lại căn bệnh quan liêu, hành chính, xa dân của một số cơ quan. 
- Miệng nói: Người cán bộ dân vận phải thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội...Để dân hiểu, dân tin, dân ủng hộ và làm theo thì cán bộ làm công tác dân vận phải nói đúng. Bác dặn: nói với dân phải đơn giản, rõ ràng, cụ thể, tránh mệnh lệnh; đối với người già, các bậc lão thành phải cung kính, lễ độ, với đồng chí, đồng bào phải đúng mực, nghiêm trang, với nhi đồng phải thương yêu, quý mến.
- Tay làm: Làm là làm gương, làm mẫu trước cho quần chúng để dân thấy dân tin dân theo. Đây là yêu cầu và là phương pháp hết sức quan trọng đối với cán bộ làm công tác dân vận. Người đặc biệt phê phán những cán bộ, đảng viên “nói không đi đôi với làm”, “nói hay mà làm dở”, “đánh trống bỏ dùi”. Người chỉ rõ “cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, phải thiết thực, miệng nói, tay làm để làm gương cho nhân dân. Nói hay mà không làm thì nói vô ích”.
"Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm" là có sự thống nhất, hòa quyện chặt chẽ với nhau, bổ sung cho nhau; là cẩm nang về phương pháp dân vận cho tất cả cán bộ, đảng viên trong công tác dân vận.
Thay cho lời kết, tác giả xin viết lại câu của Bác:Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”./.


[1] . Viện Ngôn ngữ học. Từ điển Tiếng Việt. Nxb Đà Nẵng. Hà Nội – Đà Nẵng, năm 2000, tr 247.
[2] . Hồ Chí Minh. Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 5, trang 698-699.
[3] . Hồ Chí Minh. Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, năm 2000, tập 1, trang 192.
[4] . Hồ Chí Minh. Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, năm 2000, tập 2, trang 261-262.
[5] . Hồ Chí Minh. Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, năm 2000, tập 3, trang 3.
[6] . Hồ Chí Minh. Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, năm 2000, tập 8, trang 276.
[7] . Hồ Chí Minh. Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, năm 2000, tập 5, trang 409 - 410.
[8] . Lênin Toàn tập,Nxb TB, M, năm 1974, tập 1, trang 510-511.
[9] . Hồ Chí Minh. Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, năm 2000, tập 4, trang 152.
[10] . Hồ Chí Minh. Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, năm 2000, tập 4, trang 240.
[11] . Hồ Chí Minh. Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, năm 2000, tập 4, trang 56.
[12] . Hồ Chí Minh. Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, năm 2000, tập 5, trang 246.
[13] . Hồ Chí Minh. Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, năm 2000, tập 9, trang 251.
Số lượt truy cập
Hôm nay:
1424
Hôm qua:
1836
Tuần này:
9754
Tháng này:
41400
Tất cả:
4.406.280