NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 114 NĂM NGÀY QUỐC TẾ PHỤ NỮ 8/3 ( 8/3/1910 – 8/3/2024) VÀ 1984 NĂM KHỞI NGHĨA HAI BÀ TRƯNG!

Góp phần tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ

Đăng lúc: 13:47:20 28/12/2018 (GMT+7)884 lượt xem

ThS. Nguyễn Thị Lan Hương
P. Trưởng khoa LL Mác - Lênin, TT Hồ Chí Minh
 
Tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ là một trong những cống hiến lý luận đặc sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là sự kết tinh những giá trị tư tưởng, văn hóa truyền thống của dân tộc và nhân loại, phản ánh tính cách mạng, khoa học và nhân văn, thể hiện sự vận dụng nhuần nhuyễn, sáng tạo lý luận mác xít về dân chủ. Người không những để lại cho chúng ta một hệ thống các quan niệm, quan điểm sâu sắc về dân chủ mà còn nêu gương mẫu mực thực hành dân chủ cho chúng ta noi theo. Đây là một trong những chỉ dẫn quan trọng trong sự nghiệp xây dựng  xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở nước ta mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại choĐảng ta.
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: Dân chủ là chìa khoá vạn năng để giải quyết mọi công việc khó khăn của cách mạng. Vì vậy, Người xác định phải thực hành dân chủ trên tất cả các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Cho nên, phải tiến hành một cuộc cách mạng thực sự triệt để, đó là một cuộc cách mạng được tiến hành theo phương châm: đem tài dân, sức dân, của dân làm lợi cho dân. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, dân chủ XHCN được thực hiện trên ba mặt gắn bó chặt chẽ với nhau, tác động qua lại lẫn nhau là dân quyền, dân sinh, dân trí. Vì thế mà Người luôn đặc biệt chăm lo đến dân quyền, dân sinh và dân trí. Trong suốt quá trình cách mạng, Người quyết tâm và động viên toàn dân thực hiện: dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc. Để thực hiện dân chủ, phát huy quyền làm chủ của dân phải chú ý đảm bảo các điều kiện: dân sinh, dân trí, dân quyền để tiến tới dân chủ, để từng bước xây dựng văn hóa dân chủ, từ văn hóa công dân, văn hóa lao động đến văn hóa pháp lý, văn hóa đạo đức của cá nhân, gia đình, cộng đồng, xã hội. Kết hợp cả hai phương thức dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp, mở rộng các hoạt động tự quản và nâng cao năng lực tự quản cộng đồng của nhân dân. Người khẳng định, nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do thì độc lập cũng không có nghĩa lý gì. Vì vậy, việc gì có lợi cho dân ta phải hết sức làm. Việc gì có hại cho dân ta phải hết sức tránh. Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm và coi trọng xây dựng một nhà nước “mà mọi quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”; xây dựng một Chính phủ là công bộc của dân, có trách nhiệm gánh vác việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân: “Dân là chủ thì Chính phủ phải là đầy tớ. Làm việc ngày nay không phải là để thăng quan phát tài. Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ”1.
Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chỉ rõ dân chủ nghĩa là “dân là chủ và dân làm chủ”. Người còn nhấn mạnh: nhân dân đã có quyền làm chủ thì đồng thời cũng phải thực hiện nghĩa vụ của người chủ. “Làm chủ” là tự chủ, biết phát huy năng lực sáng tạo trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Chữ “dân” được Người khẳng định là đông đảo những người lao động, bị áp bức, không có chức quyền, là toàn dân Việt Nam, trừ bọn phản động, tay sai đế quốc thực dân. Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, giá trị và ý nghĩa thực sự của dân chủ chỉ có được khi nhân dân lao động thực hiện lợi ích thiết thực và quyền lợi của họ với tư cách là quyền của người dân làm chủ được tôn trọng, được đảm bảo trong thực tế. Lợi ích và quyền lợi ấy phải mang nội dung toàn diện cả vật chất và tinh thần, cả kinh tế và chính trị văn hóa xã hội. Nó không chỉ được thừa nhận và đảm bảo về mặt pháp lý (được khẳng định trong hiến pháp, pháp luật), mà còn phải được thực hiện thông qua cơ chế chính sách (thông qua hiệu lực và hiệu quả vận hành của các cơ chế dân chủ), trước hết là hoạt động của bộ máy nhà nước. Chính vì vậy, Người nhấn mạnh: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân2.  Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên không bao giờ được quên “dân là chủ”, “mọi quyền hành đều ở nơi dân”, nhân dân thật sự là ông chủ tối cao của chế độ mới. Trong quan hệ giữa dân và Đảng, Hồ Chí Minh quan niệm: dân là chủ và dân làm chủ thì Đảng, Chính phủ, cán bộ, đảng viên là đày tớ và làm đày tớ cho dân. Đây là những lời dạy quý báu và luôn có tính thời sự trong công tác quản lý nhà nước, trong tu dưỡng đạo đức nâng cao văn hóa dân chủ của cán bộ ta. 
Để đảm bảo quyền dân chủ của người dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu phải xây dựng được nhà nước của dân, do dân, vì dân với hệ thống pháp luật, lấy việc bảo vệ quyền lợi của nhân dân lên hàng đầu. Người cho rằng pháp luật là cơ sở, là phương tiện đảm bảo quyền làm chủ của nhân dân, “thực hiện chế độ pháp trị, giữ vững và bảo vệ quyền lợi nhân dân, bảo vệ chế độ dân chủ của ta”3. Theo Người, để người dân thực sự là chủ  thì phải xây dựng được đội ngũ cán bộ, đảng viên thành những cán bộ thấm nhuần đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, không tham ô, lãng phí, am hiểu pháp luật, thực hành tốt văn hóa ứng xử. Vì vậy, từ rất sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt vấn đề đấu tranh để ngăn ngừa các tệ nạn quan liêu, chuyên quyền, tham ô, lãng phí, đặc quyền, đặc lợi. Người coi đó là những thứ giặc rất nguy hiểm, làm hư hỏng cán bộ, phá vỡ kỷ luật, kỷ cương, có thể làm ruỗng nát chế độ dân chủ từ bên trong. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, chống tham ô, lãng phí, quan liêu là cách mạng, là dân chủ. Dân chủ là dựa vào lực lượng quần chúng, đi đúng đường lối quần chúng. Cho nên phong trào chống tham ô, lãng phí, quan liêu ắt phải dựa vào lực lượng quần chúng thì mới thành công. Phải động viên quần chúng, phải làm cho quần chúng hiểu rõ, làm cho quần chúng hăng hái tham gia thì mới chắc chắn thành công. Đồng thời, Người cũng phê phán những cán bộ thoát ly quần chúng, đè đầu cưỡi cổ dân, trở thành “quan cách mạng”. Người viết: “”Miệng thì nói dân chủ nhưng việc thì làm theo lối “quan” chủ. Miệng thì nói “phụng sự quần chúng”, nhưng họ lại làm trái ngược với lợi ích của quần chúng, trái ngược với phương châm của Đảng và Chính phủ”4. Vì thế, để xây dựng nền dân chủ ở nước ta, cần phải thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ cần thiết sau: phát triển sản xuất và kinh tế, xây dựng thể chế pháp luật, các quy chế, cơ chế có tính pháp lý giáo dục ý thức chính trị, ý thức pháp luật và đạo đức, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức theo đúng yêu cầu của Nhà nước pháp quyền; hoàn thiện các kỹ năng, phương pháp quản lý, kiểm tra, kiểm soát dựa vào luật nước và năng lực của dân. Đây là cả một quá trình lâu dài, vừa xây dựng dân chủ, vừa chống quan liêu, tham nhũng. Đó là những điểm căn bản nhất về lý luận dân chủ theo tư tưởng Hồ Chí Minh. 
Chủ tịch Hồ Chí Minh còn luôn nhắc nhở phải thực hành dân chủ rộng rãi. Việc thực hành dân chủ, chấp hành dân chủ tập trung, gương mẫu đoàn kết, gương mẫu thi hành pháp luật để làm gương cho dân chúng noi theo, để tiến bộ và phát triển. Người đòi hỏi các chi bộ phải tích cực nâng cao sức chiến đấu của đảng viên, tăng cường mối liên hệ giữa đảng với nhân dân, giữa người lãnh đạo và cán bộ. Thấm nhuần và thực hiện được tinh thần như vậy là làm tốt việc thực hành dân chủ, đưa dân chủ trong sinh hoạt Đảng ngày càng đảm bảo đúng nguyên tắc và bản chất của nó. Từ việc xây dựng, lãnh đạo triển khai thực hiện Nghị quyết, đảng viên và các cấp bộ đảng từ cơ sở đến Trung ương phải nhận thức được mối quan hệ chặt chẽ giữa thực hành dân chủ với phê bình và tự phê bình. Một trong những nguyên tắc được Hồ Chí Minh coi trọng trong xây dựng Đảng là sự tuân thủ dân chủ, thực hành dân chủ. Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh tới vấn đề phát triển và thực hành dân chủ trong xây dựng chế độ dân chủ mới, xây dựng Nhà nư­ớc, xây dựng Đảng, cũng như­ các tổ chức quần chúng xã hội, xây dựng khối đoàn kết toàn dân... Theo Người, "phải thực hành dân chủ, phải làm cho quần chúng hiểu rõ, làm cho quần chúng hăng hái tham gia thì mới chắc chắn thành công. Quần chúng tham gia càng đông, thành công càng đầy đủ, mau chóng"5.
Thấm nhuần tư tưởng của Hồ Chí Minh về dân chủ, Đảng taluôn coi trọng phát huy dân chủ trong mọi tổ chức, hoạt động; đặc biệt là quyền làm chủ của nhân dân, bảo đảm mọi quyền lực đều thuộc về nhân dân. Qua các kỳ Đại hội từ khi đổi mới đến nay, Đảng luôn xác định phải xây dựng, triển khai toàn diện và đồng bộ nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Những bài học kinh nghiệm qua hơn ba mươi năm đổi mới cho thấy, việc coi trọng dân chủ như một động lực và ra sức thực hành dân chủ đã giúp chúng ta khai thác, phát huy hiệu quả mọi nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực con người, tạo nên sức mạnh, nội lực thúc đẩy sự phát triển đất nước. Văn kiện Đại hội XII của Đảng đưa ra các nhiệm vụ tổng quát, trong đó khẳng định: “Hoàn thiện, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ của nhân dân; không ngừng củng cố, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tăng cường sự đồng thuận xã hội; tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân”6. Như vậy, Đảng ta đã nhấn mạnh và khẳng định quyền làm chủ của nhân dân trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, đó là tính sáng tạo, làm chủ của nhân dân trong việc tham gia xây dựng, củng cố quyền lực của nhân dân. Nếu chúng ta biết phát huy, khơi dậy tính tích cực, tự giác, sáng tạo của các tầng lớp nhân dân đúng lúc, đúng nơi, đúng chỗ thì việc thực hiện dân chủ và phát huy dân chủ sẽ trở thành nguồn lực quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Tóm lại, tư tưởng dân chủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh là những bài học quý giá soi sáng trong giai đoạn hiện nay, gắn chặt với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong Đảng, hệ thống chính trị và nhân dân; tăng cường mối liên hệ giữa Đảng với nhân dân, thực hiện tốt đẹp đặc trưng chính trị hàng đầu của xã hội XHCN ở Việt Nam là chế độ do nhân dân làm chủ. Vì thế, đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một nội dung quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện "tự diễn biến”, "tự chuyển hóa" trong nội bộ, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu.Tiếp tục làm cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhận thức ngày càng sâu sắc hơn những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của đời sống xã hội, xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát trin bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
_______________
1.       Hồ Chí Minh. Toàn tập, t.5. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000,  tr.60.
2.        Hồ Chí Minh. Sđd, t.5, tr. 698.
3.       Hồ Chí Minh: Nhà nước và pháp luật, NXB. Pháp lý, HN, 1985, tr 250.
4.       Hồ Chí Minh. Sđd, t.6, tr. 292 -293.
5.       Hồ Chí Minh. Sđd, t.6, tr. 495.
6.. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2016, tr. 79
Số lượt truy cập
Hôm nay:
2353
Hôm qua:
2270
Tuần này:
8566
Tháng này:
58723
Tất cả:
4.357.260