HƯỞNG ỨNG NGÀY SÁCH VÀ VĂN HOÁ ĐỌC VIỆT NAM (21/4/2021 - 21/4/2024)

Huy động nguồn lực phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn tại Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa

Đăng lúc: 13:29:45 14/09/2019 (GMT+7)1000 lượt xem

 NCS.Đỗ Phương Anh
Phó Trưởng phòngQuản lý ĐT&NCKH
 
1. Sự cần thiết huy động nguồn lực phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn tại các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Về mặt học thuật, nguồn lực được hiểu theo cả nghĩa rộng và nghĩa hẹp. Theo nghĩa rộng, nguồn lực gồm tất cả“các yếu tố đầu vào” phục vụ cho hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương trong từng lĩnh vực nhất định. Theo nghĩa hẹp, nguồn lực bao gồm hai yếu tố cơ bản là: nguồn nhân lực; nguồn lực tài chính và điều kiện vật chất khác.
 Đối với công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn (NCKH, TKTT) tại trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nguồn lực khoa học gồm: 1) Đội ngũ cán bộ, giảng viên, chuyên gia; 2) Nguồn tài chính và các điều kiện vật chất khác. Việc huy động nguồn lực được thực hiện bằng cách thức như: 1) Chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy ban hành cơ chế; đề xuất các nhiệm vụ khoa học câp tỉnh, cấp bộ; 2) Tạo cơ chế tốt, môi trường tốt; định hướng tốt NCKH, TKTT; 3) Phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ, giảng viên và các chuyên gia; 4) Xã hội hóa nguồn lực; 5) Kết nối nguồn lực.
Có thể thấy, huy động nguồn lực phục vụ công tác NCKH, TKTT tại các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là hết sức cần thiết, bởi:
- Xuất phát từ yêu cầu thực hiện tốt chức năng của Nhà trường theo Quy định số 09-QĐi/TW, ngày 13-11-2018 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Bước vào thời kỳ mới, cùng với công tác đào tạo, bồi dưỡng thì NCKH, TKTT cũng là một chức năng quan trọng nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên; cung cấp cơ sở khoa học phục vụ hoạt động lãnh đạo, quản lý của cấp ủy, chính quyền địa phương. Vì vậy, huy động nguồn lực khoa học trước hết đáp ứng yêu cầu thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong giai đoạn hiện nay.
- Xuất phát từ yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý theo tinh thần Nghị quyết số 32-NQ/TW, ngày 26-5-2014, của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý. Với mục tiêu: tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả của công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có đủ phẩm chất chính trị, đạo đức và năng lực, phong cách làm việc hiệu quả[1], một trong những nhiệm vụ mà Nghị quyết đưa ra là: đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với từng loại chức danh cán bộ[2]; muốn vậy, cần phải phát huy vai trò của đội ngũ giảng viên, đầu tư nguồn lực vật chất thỏa đáng cho việc nghiên cứu đổi mới, nội dung chương trình và phương pháp giảng dạy.
- Xuất phát từ thực tiễn công tác NCKH, TKTT của các trường chính trị, thời gian qua đã được các trường chính trị quan tâm góp phần nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng. Song, việc huy động nguồn lực phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiến ở một số trường chưa được quan tâm tương xứng với chức năng, nhiệm vụ của nhà trường.
2. Huy động nguồn lực phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn tại Trường chính trị tỉnh Thanh Hóa
Một là, Nhà trường chủ động tham mưu; hoàn thiện thể chế về nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn
Những năm qua, trước yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, Nhà trường đã chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh ban hành hoàn thiện hệ thống thể chế về tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của Nhà trường; đề xuất các chương trình, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học nhằm hiện thực hóa các chủ trương, nghị quyết của Tỉnh ủy về đổi mới nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của tỉnh, như: Quyết định số 238-QĐ/TU ngày 28/7/2011; Quyết định số 877-QĐ/TU ngày 05/9/2017; Quyết định số 2943-QĐ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh Thanh Hóa về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và mối quan hệ của Trường Chính trị tỉnh. Trong đó, xác định rõ: Tham gia tổng kết thực tiễn ở địa phương, cơ sở, tổ chức nghiên cứu khoa học phục vụ giảng dạy, học tập[3] là một trong những nhiệm vụ của Nhà trường. Nhà trường cũng chủ động trình Tỉnh ủy phê duyệt chủ trương phát hành Tập san “Nghiên cứu lý luận và thực tiễn” 4 số/năm, mở rộng đối tượng phục vụ cho các chức danh lãnh đạo, quản lý cấp xã; đề xuất thực hiện 12 nhiệm vụ tổng kết thực tiễn vào năm 2015; 2017…
Hai là, Nhà trường đã tập trung xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách, môi trường cho nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn.
Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, Đảng ủy, Ban Giám hiệu hoạch định chiến lược phát triển toàn diện hoạt động nghiên cứu khoa học đảm bảo tính thiết thực và hiệu quả với phương châm: sâu địa bàn, sát lĩnh vực, phát hiện được vấn đề, đề xuất được giải pháp. Chương trình, kế hoạch hoạt động khoa học đều quán xuyến 3 mục tiêu: 1) Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; 2) Xây dựng đội ngũ; 3) Cung cấp cơ sở khoa học phục vụ hoạt động lãnh đạo, quản lý của cấp ủy, chính quyền địa phương. Nội dung nghiên cứu khoa học tập trung nghiên cứu việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh trong giai đoạn hiện nay như: Phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo nhanh và bền vững; đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực… nhằm đánh giá khách quan toàn diện những kết quả đạt được; những tồn tại, hạn chế; phát hiện những khó khăn, vướng mắc trong cơ chế thực hiện các chủ trương, chính sách, từ đó đề xuất giải pháp… Bên cạnh đó, một số đề tài cấp tỉnh, cấp trường đi sâu nghiên cứu các chương trình bồi dưỡng đáp ứng nhu cầu cập nhật kiến thức và kỹ năng quản lý điều hành cho đội ngũ cán bộ, công chức; đổi mới phương pháp giảng dạy, công tác quản lý, phục vụ… của Nhà trường.
Trên cơ sở quy định về quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa đã cụ thể hóa thành quy chế, quy định phù hợp với điều kiện của Nhà trường nhằm tạo động lực  cho cán bộ, giảng viên tự giác, chủ động, say mê nghiên cứu khoa học như: Có chế độ thưởng cho các bài viết đăng ở các tạp chí Trung ương, địa phương; lấy kết quả nghiên cứu khoa học là một trong những tiêu chí bình xét thi đua và đánh giá xếp loại công chức; lấy năng lực nghiên cứu khoa khoa học là một trong những điều kiện để quy hoạch nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý, xem xét bổ nhiệm vào chức danh trưởng, phó khoa, phòng; đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của giáo viên chủ nhiệm lớp Trung cấp lý luận chính trị - hành chính khi có đầy đủ sản phẩm khoa học (gồm: Báo cáo chuyên đề thực tế, Tổng thuật Tọa đàm, Báo cáo Tổng kêt khóa học, Báo cáo kinh nghiệm chủ nhiệm lớp..); tôn vinh biểu dương cá nhân có sản phẩm, công trình khoa học có tính ứng dụng cao…
Ba là, phát huy vai trò nòng cốt của đội ngũ cán bộ, giảng viên trong nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn
Xác định rõ, đội ngũ cán bộ, giảng viên Nhà trường là một trong những nguồn lực quan trọng - quyết định tới chất lượng, hiệu quả, sự đổi mới và phát triển toàn diện hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, Nhà trường đã xây dựng lộ trình và có các biện pháp thiết thực để nâng cao năng lực NCKH, TKTT cho đội ngũ giảng viên, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, giảng viên học tập nâng cao trình độ chuyên môn.
Nhằm tiếp tục nâng cao năng lực TKTT, phù hợp với thực tế giảng dạy cũng như yêu cầu đặt ra từ cơ sở, Nhà trường định hướng nội dung nghiên cứu khoa học làm sáng rõ cơ sở lý luận và thực tiễn của 5 chương trình trọng tâm và 4 khâu đột phá mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đã xác định; tổng kết các nghị quyết mà Đảng bộ tỉnh đã ban hành trong nhiệm kỳ 2010 - 2015, trong đó, tập trung vào việc xây dựng Đảng, chính quyền, công tác cán bộ....
Ngoài ra, Nhà trường đa dạng các hoạt động khoa học giúp cho đội ngũ giảng viên có nhiều cơ hội để tham gia như: xây dựng đề tài, đề án, chương trình đào tạo, bồi dưỡng; tổng kết thực tiễn; tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị chuyên đề tạo diễn đàn cho giảng viên, học viên trao đổi về phương pháp, kinh nghiệm giảng dạy, học tập, nghiên cứu đề tài khoa học, viết báo cáo chuyên đề nghiên cứu thực tế, tiểu luận, khóa luận tốt nghiệp; nghiên cứu trao đổi báo cáo thực tế các môn học, phần học… qua đó giúp giảng viên có thêm kiến thức thực tiễn, giúp học viên nắm chắc kiến thức lý luận và kỹ năng công tác góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập của giảng viên và học viên.
 
Bốn là, đẩy mạnh xã hội hóa, kết nối nguồn lực khoa học
Mục tiêu của hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn trong các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương không chỉ nhằm nâng cao chất lượng đạo tạo, bồi dưỡng; xây dựng đội ngũ giảng viên có đủ phẩm chất chính trị, năng lực giảng dạy mà còn cung cấp cơ sở khoa học phục vụ hoạt động lãnh đạo, quản lý của cấp ủy, chính quyền địa phương. Với tư duy, tầm nhìn có tính chiến lược, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường xác định nguồn nhân lực khoa học không chỉ là đội ngũ cán bộ, giảng viên Nhà trường, mà còn mở rộng tới các cơ quan, ban, ngành trong tỉnh, cấp ủy, chính quyền cấp huyện; các đồng chí lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội và các học viên của Nhà trường. Thông qua chương trình liên kết đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính với các huyện, thị xã, thành phố, Nhà trường đã huy động được sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo, quản lý ở cấp ủy, chính quyền, các học viên trong NCKH, TKTT; đồng thời chủ động nắm bắt việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của tỉnh đề kết nối nguồn lực tài chính từ các chương trình giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; phát triển doanh nhân…
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc huy động nguồn lực cho hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn của Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa còn có những bất cập, hạn chế nhất định như:
- Về thể chế, còn thiếu các hướng dẫn cụ thể cho một số hoạt động khoa học như: Hướng dẫn quy trình tổng kết thực tiễn; Quy chế khen thưởng trong hoạt động nghiên cứu khoa học; Quy chế lưu trữ sản phẩm nghiên cứu; đánh giá hiệu quả ứng dụng sau nghiên cứu… Đặc biệt là cơ chế phối hợp với các địa phương trong tổng kết thực tiễn.
- Lực lượng tham gia nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn chưa đồng đều, chủ yếu tập trung ở cán bộ, chủ chốt của khoa, phòng và một số giảng viên; chất lượng một số công trình nghiên cứu chưa cao; đội ngũ cán bộ tham mưu quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học chưa đáp ứng yêu cầu.
- Kinh phí cho hoạt động khoa học cơ sở còn khiêm tốn.
          3. Một số giải pháp huy động nguồn lực phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn tại các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
          Bước vào giai đoạn cần tổng kết các chương trình trọng tâm mà Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra; nhằm cung cấp luận cứ khoa học cho việc ban hành chính sách phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn tới, đồng thời, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược có phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ thì đòi hỏi các trường chính trị phải không ngừng đổi mới nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng; chú trọng đổi mới phương pháp dạy và học gắn với đẩy mạnh hoạt động NCKH, TKTT, để phát huy được các nguồn lực phục vụ công tác NCKH, TKTTcần thực hiện tốt các biện pháp sau:
Một là, tích cực chủ động trong công tác tham mưu hoàn thiện cơ chế, thể chế, đề xuất đề tài khoa học, nhiệm vụ tổng kết thực tiễn
- Trước hết cần tranh thủ sự quan tâm, lãnh đạo chỉ đạo và các hướng dẫn của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về hoạt động NCKH, TKTT, đề nghị mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng NCKH, TKTT cho cán bộ, giảng viên; tích cực, chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy hoàn thiện thể chế và cơ chế phối hợp giữa nhà trường với các sở, ban, ngành, địa phương về nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn.
- Hoàn thiện quy chế, quy định về hoạt động khoa học nội bộ theo hướng rõ mục tiêu, đó là: 1) Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; 2) Xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên; 3) Cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn phục vụ hoạt động lãnh đạo, quản lý của cấp ủy, chính quyền trong tỉnh.
- Hoàn thiện quy trình thực hiện các nhiệm vụ khoa học nhất là hoạt động tổng kết thực tiễn. Trong đó xác định rõ các khâu, các bước trong đề xuất, phê duyệt, triển khai, nghiệm thu và ứng dụng kết quả nghiên cứu.
 - Bám sát vào các nhiệm vụ, chương trình trọng tâm, chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước để chủ động đề xuất với Học viện, các bộ, ban, ngành, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đảm nhiệm các đề tài khoa học, nhiệm vụ tổng kết thực tiễn.
Hai là, phát huy vai trò nòng cốt của cán bộ, giảng viên Nhà trường trong NCKH, TKTT; đồng thời huy động lực lượng nghiên cứu là các chuyên gia, nhà khoa học.
Đối với đội ngũ cán bộ, giảng viên Nhà trường cần hình thành các nhóm chuyên gia nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn theo lĩnh vực như: Nhóm nghiên cứu về công tác xây dựng Đảng; nhóm nghiên cứu về kinh tế, hợp tác xã, xây dựng nông thôn mới; nhóm nghiên cứu về quản lý hành chính nhà nước, tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương. Hoạt động của các nhóm chuyên gia chính là môi trường khoa học thuận lợi nhất để các thành viên trao đổi học thuật, tập hợp lực lượng và cùng nhau tiếp cận, giải quyết các vấn đề mới của khoa học, rút ra được những nguyên lý từ thực tiễn.
Kết nối với các chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn ở các sở, ban, ngành, địa phương; các trường chính trị. Đặc biệt là phát huy được vai trò của học viên trong nghiên cứu tư vấn cách thức giải quyết những vấn đề mà nhân dân quan tâm.
Ba là, chủ động kết nối nguồn lực
Với định hướng xã hội hóa hoạt động nghiên cứu tìm hiểu, ưu tiên nguồn lực nghiên cứu phát hiện, khuyến khích nghiên cứu tư vấn, hỗ trợ phục vụ đổi mới quản lý đào tạo, bồi dưỡng và công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền trong tỉnh, nhà trường cần chủ động và tích cực hơn nữa trong công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng ở các lớp Trung cấp lý luận chính trị - hành chính, chuyên viên, chuyên viên chính, đặc biệt là lớp Bồi dưỡng cán bộ dự nguồn BCH Đảng bộ cấp huyện đang tổ chức hiện nay; phối kết hợp với cấp ủy, chính quyền cấp huyện thực hiện tồng kết các vấn đề thực tiễn trong thực hiện các chủ trương, chính sách lớn của tỉnh và nhiệm vụ trọng tâm của huyện, thị, thành phố trong tỉnh.
Có thể nói, những kết quả đạt được trong hoạt động nghiên cứu khoa học của Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa thời gian qua gắn liền với hiệu quả của công tác huy động nguồn lực phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, theo đó quy chế, quy định cho hoạt động khoa học của Nhà trường ngày càng hoàn thiện và đồng bộ hơn; năng lực nghiên cứu, tính chủ động, sáng tạo trong nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn của cán bộ, giảng viên được nâng cao; công tác xã hội hóa nguồn lực khoa học đẩy mạnh và tăng cường./.


[1]Nghị quyết số 32-NQ/TW, ngày 26-5-2014, của Bộ Chính trị
[2]Nghị quyết số 32-NQ/TW, ngày 26-5-2014, của Bộ Chính trị
[3]Quyết định số 2943-QĐ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh Thanh Hóa về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và mối quan hệ của Trường Chính trị tỉnh
Số lượt truy cập
Hôm nay:
926
Hôm qua:
2395
Tuần này:
11104
Tháng này:
57478
Tất cả:
4.422.358