HƯỞNG ỨNG NGÀY SÁCH VÀ VĂN HOÁ ĐỌC VIỆT NAM (21/4/2021 - 21/4/2024)

KẾT QUẢ ĐÁNH GIÁ CHẤT LƯỢNG CÁC CHƯƠNG TRÌNH BỒI DƯỠNG GÓP PHẦN NÂNG CAO VỊ THẾ CỦA TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH THANH HÓA

Đăng lúc: 13:33:37 02/03/2018 (GMT+7)1707 lượt xem

TS. Nguyễn Thị Thanh Nhàn,
Phó Hiệu trưởng

           Một trong 10 sự kiện tiêu biểu góp phần đổi mới đồng bộ và nâng cao chất lượng toàn diện công tác đào tạo, bồi dưỡng của Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa đó là việc tổ chức thành công nhiệm vụ rà soát, đánh giá chất lượng 04 chương trình bồi dưỡng (chương trình bồi dưỡng lãnh đạo cấp phòng, chuyên viên, chuyên viên chính, cán sự) do Bộ Nội vụ giao cho Trường Chính trị Thanh Hóa thực hiện.
          Nghiêm túc, chuyên nghiệp và khoa học trong tổ chức
          Nhận thức sâu sắc việc đánh giá chất lượng các chương trình bồi dưỡng là nhiệm vụ có ý nghĩa thiết thực vừa là cơ hội để nhà trường khẳng định, phát triển toàn diện năng lực, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên vừa khẳng định uy tín, vị thế của nhà trường, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong giai đoạn mới. Tuy nhiên, đây là việc làm mới và khó. Mới, bởi vì: Trong cùng thời điểm đánh giá lại 04 chương trình bồi dưỡng đã nêu là việc làm chưa có trong tiền lệ ở các cơ sở đào tạo nhất là trong hệ thống các Trường Chính trị cấp tỉnh. Khó, bởi vì: Từ trước đến nay, các Trường Chính trị cấp tỉnh chủ yếu đảm nhận vai trò  giảng dạy trên cơ sở chương trình, giáo trình của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh hoặc Bộ Nội vụ… chưa coi trọng việc nghiên cứu, cải tiến, đánh giá chương trình nên thiếu về tư duy, phương pháp, năng lực và kinh nghiệm trong đánh giá. Là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý ở địa phương lớn của cả nước, đồng hành với sự nghiệp đổi mới quê hương, đất nước, bám sát vào chức năng, nhiệm vụ, định hướng của các cấp ủy đảng, chính quyền từ Trung ương đến tỉnh, Trường Chính trị Thanh Hóa đã chủ động, sáng tạo phát triển toàn diện mọi hoạt động, trong đó xác định nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn là trung tâm; đổi mới quản lý là then chốt; đổi mới đánh giá chất lượng dạy – học là khâu đột phá. Theo đó, khi được Bộ Nội vụ tin tưởng giao nhiệm vụ, Nhà trường đã tổ chức triển khai đánh giá chương trình một cách nghiêm túc, khoa học và chuyên nghiệp, được thể hiện rõ nét ở các bước: i) kế hoạch được xây dựng theo phương châm 05 rõ: rõ việc, rõ người, rõ thời gian, rõ trách nhiêm và điều kiện thực hiện; ii) trong chỉ đạo đã lựa chọn những giảng viên giàu kinh nghiệm giảng dạy; có năng lực đánh giá các chương trình đào tạo, bồi dưỡng; có khả năng chịu áp lực cao trong công việc. Chọn thời điểm kết thúc các khóa bồi dưỡng để lấy ý kiến phản hồi của người học…iii) trong tổ chức thực hiện, nội dung đánh giá được cụ thể hóa thành các tiêu chí; phương pháp đánh giá được đa dạng hóa trong đó chú trọng kết nối với các địa phương, đơn vị sử dụng cán bộ, các trường chính trị cấp tỉnh, đặc biệt kết nối với các học viên đã, đang học các chương trình bồi dưỡng ở nhà trường; iv) công tác thẩm định được thực hiện đúng quy trình, phát huy vai trò trách nhiệm của các nhóm nghiên cứu, tranh thủ được ý kiến của các chuyên gia, tổ chức các hội nghị, hội thảo đảm bảo chất lượng… v) công tác bảo vệ kết quả nghiên cứu được chuẩn bị chu đáo, công phu, nội dung các báo cáo đảm bảo chất lượng được Hội đồng nghiệm thu của Bộ Nội vụ đánh giá xếp loại xuất sắc.
          Kết quả dánh giá ngoài mong đợi
           Các báo cáo đã phản ánh sâu sắc, toàn diện những ưu điểm và hạn chế của các chương trình bồi dưỡng. Về ưu điểm nổi bật: i) đây là những công trình công phu, tâm huyết của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đã góp phần tích cực vào việc chuẩn hóa và nâng cao kiến thức quản lý nhà nước, kỹ năng thực thi công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức; ii) mục tiêu của các chương trình tương đối rõ ràng, phù hợp với đối tượng học viên và yêu cầu thực tiễn đặt ra; iii) phương pháp thiết kế chương trình đảm bảo tính khoa học, đi từ kiến thức chung đến nghiệp vụ, kỹ năng, kết hợp với các báo cáo thực tế, viết đề án/thu hoạch; iv) cấu trúc của các chương trình tương đối hợp lý; v) việc thiết kế chương trình đã đáp ứng được phương châm lý luận gắn với thực tế, học đi đôi với hành…Tuy nhiên, các chương trình vẫn còn những hạn chế nhất định: i) kết cấu của các chương trình còn có những bất cập; bố cục ở một số chuyên đề chưa đảm bảo tính hợp lý ii) nội dung một số chuyên đề trong các chương trình còn nặng về lý thuyết, tính ứng dụng chưa cao, chưa chú trọng tính đặc thù riêng biệt của từng vị trí việc làm của cán bộ, công chức, viên chức; iii) các chương trình được ban hành từ lâu nên thiếu tính cập nhật…Trên cơ sở phân tích về ưu điểm và những hạn chế của các chương trình; nhằm tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng chương trình, góp phần đổi mới và nâng cao chất lượng bồi dưỡng, các báo cáo kết quả nghiên cứu đã đề xuất, kiến nghị: i) cần tiếp tục đổi mới, cải tiến nội dung chương trình theo hưỡng rõ về mục tiêu, sát với đối tượng, phù hợp với thực tiễn; ii) điều chỉnh nội dung của các chuyên đề để đảm bảo tính phù hợp với mục tiêu chương trình, với đối tượng người học; iii) điều chỉnh, sửa đổi, hoàn thiện nội dung ở một số mục trong các chuyên đề nhằm đảm bảo tính khoa học, tính logic, thống nhất giữa tiêu đề và nội dung bên trong; iv) điều chỉnh, bổ sung nội dung chương trình hàng năm để cập nhật kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật mới của nhà nước có liên quan đến nội dung của chương trình; v) nội dung các chuyên đề kỹ năng cần tiếp cận theo hướng rõ về quy trình thực hiện; cách thức thực hiện để học viên dễ vận dụng vào thực tiễn… Đánh giá những kiến nghị, đề xuất này, ngày 14 tháng 11 năm 2017, Hội đồng nghiệm thu kết quả rà soát, đánh giá chất lượng các chương trình bồi dưỡng của Bộ Nội vụ đã đánh giá rất cao những đề xuất, kiến nghị chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện các chương trình bồi dưỡng của nhà trường và khẳng định đây là những đề xuất, kiến nghị có giá trị khoa học cao, có ý nghĩa thực tiễn lớn là căn cứ quan trọng để cải tiến, đổi mới nội dung các chương trình bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong giai đoạn mới.
          Ý nghĩa thật thiết thực
          Từ thực tiễn đánh giá chất lượng các chương trình bồi dưỡng đã góp phần phát triển toàn diện tư duy quản lý, năng lực đội ngũ và vị thế, vai trò của người học trong đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hiện nay, cụ thể là:   
          Đối với công tác quản lý, muốn nâng cao chất lượng bồi dưỡng thì phải: i) thường xuyên cập nhật kiến thức mới, kiến thức thực tiễn, bổ sung cập nhật tình hình, nhiệm vụ địa phương vào nội dung chương trình theo tinh thần Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; ii) chú trọng công tác tổng kết, đánh giá, bổ sung, hoàn thiện các chương trình bồi dưỡng theo hướng chuyển mạnh từ giảng dạy nội dung trường có sang giảng dạy nội dung xã hội cần, nhân dân cần, cán bộ cần; iii) kiên trì thực hiện phương châm 3 tốt: định hướng tốt, cơ chế tốt, môi trường tốt trong phát triển năng lực nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn; năng lực tư vấn, phản biện, xây dựng và biên soạn các chương trình, tài liệu bồi dưỡng, trở thành chuyên gia trên các lĩnh vực.
          Đối với đội ngũ cán bộ, giảng viên: i) chuyển mạnh nhận thức từ dạy học là chủ yếu sang nghiên cứu, biên soạn nội dung chương trình; ii) chuyển mạnh từ năng lực đảm nhận các chương trình đào tạo là chủ yếu sang đảm nhận các chương trình bồi dưỡng; iii) phát huy, phát triển năng lực cập nhật, năng lực tư vấn phản biện, quản lý đánh giá trong tổ chức thực hiện các chương trình và khả năng xây dựng chương trình, biên soạn tài liệu đáp ứng yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng trong thời kỳ mới…
          Đối với học viên: i) chuyển mạnh nhận thức từ học tập thụ động sang học tập chủ động trong quá trình tiếp nhận kiến thức, phát triển phẩm chất năng lực nhất là năng lực phát hiện vấn đề, năng lực tư vấn, phản biện…; ii) khẳng định vai trò là chủ, làm chủ của học viên trong học tập, rèn luyện và xây dựng nhà trường; iii) đảm bảo thống nhất về nội dung; đa dạng hóa các chuyên đề, tăng cường các kỹ năng về thực thi công vụ và quản trị bản thân…
          Khép lại năm 2017, cùng với 10 sự kiện nổi bật, việc tổ chức thành công đánh giá chất lượng các chương trình bồi dưỡng đã tạo thêm niềm tin, vị thế mới cho đội ngũ cán bộ, giảng viên nhà trường. Kết quả đánh giá được ghi nhận đã tạo bước chuyển biến tích cực về chất trong phát triển toàn diện năng lực đội ngũ giảng viên từ giảng dạy đến nghiên cứu, thẩm định, tư vấn đổi mới nội dung chương trình bồi dưỡng. Thông tin thật vui, từ kết quả đánh giá chương trình Bộ Nội vụ đã tiếp tục giao nhiệm vụ xây dựng chương trình, biên soạn tài liệu bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch cán sự cho Trường Chính trị Thanh Hóa. Và như thế, toàn thể cán bộ, giảng viên nhà trường chào đón xuân mới, năm mới 2018 với khí thế thi đua mới, quyết tâm đổi mới đồng bộ và toàn diện công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, phát triển nhà trường trở thành trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý đạt chuẩn đầu tiên trong hệ thống các trường chính trị của cả nước ./.
Số lượt truy cập
Hôm nay:
155
Hôm qua:
2395
Tuần này:
10333
Tháng này:
56707
Tất cả:
4.421.587