HƯỞNG ỨNG NGÀY SÁCH VÀ VĂN HOÁ ĐỌC VIỆT NAM (21/4/2021 - 21/4/2024)

Kỷ niệm trong tôi qua chuyến đi thực tế

Đăng lúc: 09:18:21 23/03/2016 (GMT+7)1346 lượt xem

 ThS. Nguyễn Thị Phương
 Giảng viên Khoa Lý luận Mác-Lênin, TT Hồ Chí Minh
         
Một mùa xuân mới lại về. Hân hoan trong niềm vui chung của đất nước, niềm vui của tỉnh nhà. Bản thân tôi rất vinh dự được tham gia cùng chuyến đi thực tế với đoàn cán bộ chủ chốt và những cán bộ, giảng viên có thành tích xuất sắc, tiêu biểu của nhà trường. Có lẽ, qua chuyến thăm quan thực tế này mỗi người trong đoàn sẽ có những xúc cảm khác nhau của riêng mình. Riêng tôi, đây là “món quà tinh thần” ý nghĩa nhất khi tôi bước sang tuổi mới. Tôi đã được đi, được gặp gỡ, giao lưu, học hỏi và được trải nghiệm cuộc sống – đó là những kỷ niệm thật khó quên.
Hành trình của chuyến đi dừng chân đầu tiên tại Đền Trần - đây là nơi thờ các vua nhà Trần cùng các quan lại có công phù tá nhà Trần, tại đường Trần Thừa, phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định. Mặc dù không đúng ngày khai ấn nhưng đến với Đền Trần vào những ngày đầu xuân thật ý nghĩa, chúng ta không chỉ được dâng hương tri ân tiên tổ mà còn được giáo dục về truyền thống yêu nước và truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam.
Sau khi tham quan Đền Trần đoàn chúng tôi đến với tỉnh Bắc Ninh. Nơi đây có một nền văn hoá nhân văn đặc sắc, một vùng quê văn hiến có nhiều di tích lịch sử văn hoá, lễ hội dân gian, làng nghề truyền thống... Những dấu ấn lịch sử sống động truyền thống văn hoá Việt Nam, đậm đà bản sắc Kinh Bắc, được kết tinh trong những di sản văn hoá, các lễ hội dân gian.
Con người Bắc Ninh mang trong mình truyền thống văn hoá, hiếu khách, cần cù và sáng tạo, với những bàn tay khéo léo mang đậm nét dân gian của vùng trăm nghề như tơ tằm, gốm sứ, đúc đồng, trạm bạc, khắc gỗ, làm giấy, tranh vẽ dân gian. Tính đến ngày 05/12/2015 Bắc Ninh đã vinh dự nhận 3 danh hiệu UNESCO Việt Nam đó là dân ca Quan họ, Ca trù và trò chơi kéo co truyền thống (kéo co được công nhận ngày 03/12/2015 - là hồ sơ đa quốc gia cùng với Hàn Quốc, Campuchia, Philippine).
Theo kế hoạch chuyến thực tế, sáng ngày 20-2-2016, đoàn chúng tôi về thăm và làm việc với Trường Chính trị Nguyễn Văn Cừ, tỉnh Bắc Ninh. Trong buổi làm việc, đại diện lãnh đạo Trường Chính trị Nguyễn Văn Cừ đã trao đổi kinh nghiệm và những thành tích đạt được trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn; công tác xây dựng đội ngũ. Theo đó, với những cống hiến, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển Bắc Ninh, Trường đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý, trong đó có Huân chương Độc lập hạng Ba, xứng đáng với cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ mang tên Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ. Tại buổi làm việc, đồng chí Lương Trọng Thành, Tỉnh ủy viên, Hiệu trưởng Trường Chính trị Thanh Hóa ghi nhận những kinh nghiệm quý báu trong công tác đào tạo, bồi dưỡng; nghiên cứu khoa học và quản lý, điều hành của Trường Chính trị Nguyễn Văn Cừ. Đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả của Trường Chính trị Thanh Hóa trong thời gian qua để hai bên cùng học hỏi, trao đổi nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và công tác nghiên cứu khoa học.
Sau buổi làm việc với Trường Chính trị Nguyễn Văn Cừ diễn ra hết sức tốt đẹp, chúng tôi vinh dự được mời tham quan đền Đô, đền Bà Chúa Kho và lễ hội Lim. Có thể nói, Lễ hội đền Đô, đền Bà Chúa Kho và lễ hội Lim nói riêng và các lễ hội nói chung là biểu trưng của một bảo tàng về đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, tập trung nhiều phong tục, tín ngưỡng, văn hóa, nghệ thuật, lịch sử quan trọng của dân tộc. Ấn tượng về miền Quan họ và con người Kinh Bắc mến khách, chân tình, gần gũi làm đoàn chúng tôi không khỏi lưu luyến trước khi ra về. Chia tay với Bắc Ninh, với hội Lim, với làn điệu quan họ, mà sao câu hát “người ở đừng về…” cứ mãi lưu luyến làm chúng tôi không nỡ muốn rời xa con người và mảnh đất Kinh Bắc.
Theo lịch trình công tác, chiều ngày 20/2/2016 đoàn làm việc với Ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội)
Khu Công nghệ cao Hoà Lạc được xây dựng theo mô hình thành phố khoa học với đầy đủ các dịch vụ tiện ích, với 8 phân khu, trong đó Khu Nghiên cứu và triển khai (R&D): có quy mô 263 ha, nằm phía trên khu công nghiệp công nghệ cao và bao quanh Khu phần mềm, là nơi tập trung các ngành nghiên cứu, triển khai ứng dụng công nghệ cao, đồng thời là nơi đào tạo các tài năng phục vụ các ngành công nghệ cao. Đây được xem là “trái tim” của khu công nghệ cao Hòa Lạc.
Khu công nghệ cao Hòa Lạc là dự án trọng điểm của quốc gia, chính vì vậy nhà đầu tư được hưởng những ưu đãi đặc biệt so với các khu khác trong cùng địa bàn. Việc tập trung vào xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng được Ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc đặc biệt quan tâm trong giai đoạn hiện nay đối với việc thu hút đầu tư vào Khu. Hạ tầng chính trong khu đã, đang và sẽ được xây dựng từ hai nguồn vốn chính là nguồn ngân sách nhà nước và nguồn vốn vay ODA Nhật Bản. Đến nay đã thu hút gần 80 nhà đầu tư ( trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Việt Nam). Cùng với khu công nghệ cao Đà Nẵng, khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh, khu công nghệ cao Hòa Lạc là 3 khu công nghệ cao của cả nước.
Buổi làm việc, giao lưu giữa đoàn chúng tôi với lãnh đạo Ban quản lý Khu Công nghệ diễn ra hết sức tốt đẹp. Những thắc mắc về vấn đề giải phóng mặt bằng, huy động vốn, chính sách thu hút các nhà đầu tư, nguồn nhân lực chất lượng cao, ứng dụng cộng nghệ hiện đại…lần lượt được giải đáp. Đặc biệt khi được giới thiệu về phần mềm quản lý theo công nghệ GIS 3D, thiết nghĩ nếu như điều đó được ứng dụng trong thực tế ở tỉnh nhà thì có lẽ sẽ giảm thiểu được nhiều trong việc quản lý cơ sở hạ tầng, tháo gỡ những khó khăn trong thực hiện các thủ tục hành chính, thu hút nhiều hơn nữa các nhà đầu tư đến với Thanh Hóa…
Qua buổi làm việc chúng tôi được mời ở lại giao lưu với sự tiếp đón nồng hậu, nhiệt thành, rất chuyên nghiệp của lãnh đạo Ban quản lý Khu công nghệ cao. Đêm giao lưu đối với tôi thật ý nghĩa, có lẽ đây là “món quà vô giá” không có gì có thể so sánh được. Có người hỏi tôi, sinh nhật xa nhà có buồn không, tôi trả lời lại rằng mình không buồn, ngược lại còn cảm thấy mình là người hạnh phúc nhất. Bởi lẽ, tôi đã được ở bên cạnh những đồng nghiệp, những người tôi mới quen, với mảnh đất tôi vừa đến khi tôi bước sang một tuổi mới. Cảm giác đó làm tôi thấy mình đã được đi và được sống những ngày thật ý nghĩa.
Đoàn chúng tôi còn có dịp được về thăm K9 – khu Đá Chông vào sáng ngày 21-2-2016
          Đã 10 năm rồi tôi mới có dịp được trở lại thăm khu Đá Chông – thuộc xã Minh Quang, huyện Ba Vì. Đây là địa điểm nơi gìn giữ thi hài của Bác Hồ từ 1969 - 1975 còn gọi là Khu di tích K9. Gợi lại kỷ niệm trong tôi khi còn là sinh viên năm thứ 3 Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Đoàn chúng tôi lần lượt xếp hàng ngay ngắn vào dâng hương báo công với Bác tại khu nhà thờ Bác Hồ. Đây là địa điểm để lại trong tôi cảm xúc sâu sắc nhất. Cùng dâng hương báo công với Bác, bản thân tôi lại nhớ đến hai câu thơ nổi tiếng của nhà thơ Tố Hữu:
Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn
Xin nguyện cùng Người vươn tới mãi”
Có lẽ đây không chỉ là tình cảm của riêng tôi đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu mà cuộc đời và sự nghiệp của Người mãi mãi là tấm gương sáng ngời cho toàn Đảng, toàn dân ta noi theo. Là thanh niên - thế hệ trẻ hôm nay, chúng con nguyện giữ gìn, bảo vệ, kế thừa và phát huy một cách tốt nhất những giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người.
Chuyến đi nghiên cứu thực tế khép lại, song mở ra cho chúng ta những bài học và những trải nghiệm giá trị. Trước hết, đến với Bắc Ninh, được làm việc với Trường Chính trị Nguyễn Văn Cừ, chúng ta học hỏi được những kinh nghiệm quý báu trong lãnh đạo, quản lý, điều hành; công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; công tác nghiên cứu khoa học; lan tỏa trong ta tinh thần trọng thị, hiếu khách và ấm áp tình người kinh Bắc. Đặc biệt được thưởng thức những làn điệu dân ca mượt mà, đằm thắm, đắm say, lưu luyến lòng người trong những ngày hội Lim. Thứ hai, nghiên cứu thực tế và thăm quan tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, chúng ta thấy rõ sự phát triển của khoa học - công nghệ Việt Nam, từ đó với vai trò đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chúng ta cần trau dồi, nâng cao trình độ chuyên môn, xây dựng phong cách làm việc khoa học, kỷ luật cao, luôn phải đổi mới, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ, góp phần xây dựng nhà trường kiểu mẫu, xây dựng Thanh Hóa thành tỉnh kiểu mẫu. Thứ ba, đến với Di tích Đá Chông, K9, tưởng nhớ Bác, quyết tâm học tập và làm theo tấm gương của Bác. Đồng thời, giáo dục truyền thống cách mạng, tự hào dân tộc cho các thế hệ học viên Trường Chính trị Thanh Hóa hôm nay và mai sau, để chúng ta vững vàng, có niềm tin thực hiện thắng lợi lời Bác dạy: Xây dựng nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh./.
Số lượt truy cập
Hôm nay:
189
Hôm qua:
1836
Tuần này:
8519
Tháng này:
40165
Tất cả:
4.405.045