HƯỞNG ỨNG NGÀY SÁCH VÀ VĂN HOÁ ĐỌC VIỆT NAM (21/4/2021 - 21/4/2024)

Một chuyến đi thực tế xúc động và nhiều ý nghĩa

Đăng lúc: 13:42:17 27/04/2018 (GMT+7)2992 lượt xem

                                                                              
                                                                                       Kiều Thu Huyền
                                                               Lớp Trung cấp LLCT- HC ngành Giáo dục
 
Đây là lần đầu tiên hơn 70 học viên trong Lớp Trung cấp Lý luận chính trị - Hành chính ngành giáo dục đi thực tế. Mà cũng chẳng biết chúng tôi có lần thứ hai đi cùng nhau không? Chính tâm lí ấy khiến chúng tôi không coi đây là chuyến đi bắt buộc, và là nghĩa vụ tham dự như việc phải đi học đầy đủ.
Sau rất nhiều dự thảo, rất nhiều cuộc họp ở quán trà, rồi ở lớp, quyết định cuối cùng của chúng tôi là sẽ đi về Ngã ba Đồng Lộc, thăm quê Bác và vãn cảnh chùa Đại Tuệ trong 2 ngày 7-8/4/2018.
 31.png
Chụp ảnh lưu niệm tại Khu tưởng niệm Liệt sĩ TNXP toàn quốc và các liệt sĩ đã hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc
 
Trước khi đi, tôi đã nhận được email của ban cán sự lớp gửi tư liệu về những nơi tập thể chúng tôi sẽ đến. Tôi chắc chắn là chẳng nhiều người quan tâm bởi lẽ đây là địa chỉ quen thuộc của những chuyến du lịch, đi về nguồn. Nhưng quả thật có đi mới biết và hiểu cảm xúc mỗi chuyến đi mỗi khác, đối tượng đi cùng lại càng khác và sự nhận thức cũng khác.
Đến viếng mộ 10 cô gái ở Ngã ba Đồng Lộc, hình ảnh những cô gái trong sáng, tươi tắn đang ở độ thanh xuân nhất khiến tôi rưng rưng khóe mắt. Sau đó chúng tôi qua Khu tưởng niệm các liệt sĩ thanh niên xung phong. Nơi đây có hơn 180 thanh niên xung phong Thanh Hóa đã ngã xuống cùng hàng nghìn những chàng trai cô gái ở nhiều tỉnh thành. Thế hệ chúng tôi có thể chưa hiểu hết tinh thần “Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh” của một thời kì đã qua, nhưng ngay khi đứng trước những nấm mồ, những hình ảnh này chúng tôi càng thấm tháp sự mất mát, ngưỡng mộ sự hy sinh và nhen nhóm trong mình sự tự trọng rằng ít nhất phải sống tử tế.
Hành trình tiếp theo của chúng tôi là về thăm quê Bác. Đây là lần thứ 5 tôi về quê vị lãnh tụ của dân tộc. Những hàng rào râm bụt, những hình ảnh nông cụ quen thuộc, và cả chiếc chõng tre… thật thân thiết, gần gũi.
32.png 
                     Chụp ảnh lưu niệm tại nhà Bác Hồ ở làng Sen, Nam Đàn.
 
Tôi còn nhớ hình ảnh anh Trần Đăng Thành – Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kỹ nghệ Thanh Hóa loay hoay cầm bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thấy ánh mắt tôi ngạc nhiên, anh nói: “Chân dung Bác Hồ được trưng bày và bán ở nhiều nơi. Nhưng mang bức ảnh Bác ở nơi Bác sinh ra về mới thật ý nghĩa. Anh sẽ treo trang trọng nơi phòng làm việc”. Quả thật, những tình cảm mọi người dành cho Bác dù không nói ra song luôn chứa chan tình yêu thương, sự kính trọng và niềm tự hào
Cũng ở Nam Đàn, chúng tôi còn đến chùa Đại Tuệ - tọa lạc trên động Thăng Thiên thuộc dãy núi Đại Huệ, có độ cao 450m so với mực nước biển với khuôn viên khoảng 6000m2. Đặc biệt, chùa Đại Tuệ còn xác nhận được 4 kỷ lục: Ngôi chùa trên núi có hồ nhân tạo lớn nhất; Ngôi chùa có hệ thống tượng hồng ngọc nhiều nhất; Ngôi chùa có hệ thống tượng bằng gỗ dâu nguyên khối nhiều nhất và ngôi chùa có hệ thống câu đối bằng thư pháp thuần Việt nhiều nhất Việt Nam. Từ trên đỉnh Thăng Thiên, phóng tầm mắt thật xa, một vùng non nước điệp trùng, trời mây tụ khí lành... chúng tôi thấy cảnh nơi đây đẹp hơn cả ý thơ: “Đường vô xứ Nghệ quanh quanh/ Non xanh nước biếc như tranh họa đồ…”.
 
 33.png
          Đại diện lớp Trung cấp LLCT-HC ngành giáo dục trao quà Lưu niệm cho Trường THPT Lê Viết Thuật

Đặc biệt, chúng tôi có buổi giao lưu với Trường THPT Lê Việt Thuật – ngôi trường có hơn 40 năm xây dựng và trưởng thành. Hiện tại, Trường THPT Lê Việt Thuật có 109 giáo viên, trong số đó hơn ½ giáo viên có trình độ Thạc sĩ, với trên 1600 học sinh. Tại đây các thành viên của lớp chúng tôi và các thầy cô giáo Trường THPT Lê Viết Thuật đã có buổi hội thảo “Xây dựng hình ảnh, phong cách nhà giáo trong thời kỳ đổi mới”. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tình cảm và sự quan tâm đặc biệt với đội ngũ giáo viên nói riêng và những người làm công tác giáo dục nói chung. Người chỉ rõ sư phạm là một nghề đặc biệt vì đối tượng và “sản phẩm” lao động là con người. Để sự nghiệp “trồng người” thành công, theo Người trước hết phải quan tâm đến đội ngũ giáo viên, nhân tố cơ bản, then chốt, có ý nghĩa quyết định. Tại buổi hội thảo, các giáo viên trường THPT Lê Viết Thuật cùng thành viên lớp TCLLCT-HC ngành giáo dục Thanh Hóa đã chia sẻ những khó khăn, thuận lợi, trăn trở về nghề. Từ đó cho thấy mong muốn xây dựng một môi trường giáo dục dân chủ, lấy học sinh làm trung tâm đang là hướng đi đúng.
Trước chuyến đi, chúng tôi còn ngại ngùng bắt chuyện với nhau, còn chưa biết hết cả tên người ngồi kế bên mình. Nhưng chỉ với 2 ngày đi thực tế, chúng tôi đã trao nhau ánh mắt và nụ cười vui vẻ, sự quan tâm chia sẻ, và cả những quan điểm trong cuộc sống và công việc. Chẳng còn ai nhắc nhở nhau về bài thu hoạch, song tôi tin chắc rằng, mỗi người đều có cho mình những bài học kinh nghiệm để vận dụng vào thực tiễn công tác của mình.
Số lượt truy cập
Hôm nay:
652
Hôm qua:
1836
Tuần này:
8982
Tháng này:
40628
Tất cả:
4.405.508