NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 114 NĂM NGÀY QUỐC TẾ PHỤ NỮ 8/3 ( 8/3/1910 – 8/3/2024) VÀ 1984 NĂM KHỞI NGHĨA HAI BÀ TRƯNG!

Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa hiện nay

Đăng lúc: 09:45:13 13/08/2021 (GMT+7)17101 lượt xem

 Ths. Lê Minh Nguyệt
 Giảng viên Khoa Nhà nước và Pháp luật
 
         
            Di sản văn hoá là tài sản quý giá của dân tộc, có vai trò to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của nhân dân ta, là báu vật mà thiên nhiên ban tặng cho đất nước, kết tinh lao động sáng tạo mà ông cha ta từ đời này qua đời khác đã dày công tạo dựng. Vì vậy, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa là việc làm quan trọng và cần thiết trong công cuộc kiến thiết nước nhà, góp phần “phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần” theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
   Thị xã Nghi Sơn là thị xã mới thành lập trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân số của huyện Tĩnh Gia, nằm ở ven biển phíaNam của tỉnh Thanh Hóa,có hệ thống di sản văn hóa đa dạng và phong phú. Theo thống kê đến thời điểm tháng 01/2021, toàn thị xã có 248 di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh với 32 di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh được xếp hạng, trong đó có 03 di tích xếp hạng cấp Quốc gia, 29 di tích xếp hạng cấp tỉnh và 216 địa điểm di tích đã được UBND thị xã phối hợp với Trung tâm bảo tồn di sản văn hóa tỉnh kiểm kê lập danh sách đề nghị UBND tỉnh đưa vào danh mục cần bảo vệ. Trước yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, đô thị hóa hiện nay, việc bảo tồn và phát huy những giá trị di sản văn hóa là nội dung quan trọng trong định hướng phát triển của thị xã đối với xây dựng và phát triển văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân, là cơ sở quan trọng để khai thác phát triển du lịch, thu hút du khách đến tham quan, thúcđẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Trong những năm qua, thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/HU ngày 22/3/2018 củaBan chấp hành Đảng bộ huyện Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn) về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ đảng đối với công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hoá, đô thị hoá, giai đoạn 2018 –2025, UBND thị xã đã tập trung chỉ đạo, xác định rõ vai trò, trách nhiệm,xây dựng các kế hoạch hành động để thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết, từng bước đáp ứng nhu cầu về hưởng thụ văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần của người dân. Từ đó, xóa bỏ các phong tụ tập quán lạc hậu, thực hiện lối sống lành mạnh, văn minh;góp phần nâng cao nhận thức, lòng tự hào của mỗi người dân về truyền thống lịch sử văn hóa của quê hương; quảng bá hình ảnh về đất và người thị xã Nghi Sơn với bạn bè trong và ngoài tỉnh, trong nước và quốc tế, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, đô thị hóa trong những năm qua.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn thị xã vẫn còn những hạn chế, đó là:
            Thứ nhất, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ đảng đối với chính quyền, Mặt trận tổ quốc, các tổ chức đoàn thể ở một số xã, phường trong việc tuyên truyền và thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/HU chưa thường xuyên và kịp thời, chưa thật sự quan tâm đến công tác bảo tồn di sản văn hóa.
   Thứ hai, công tác quản lý nhà nước về văn hóa, đặc biệt là nội dung bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa chưa thực sự hiệu quả.Còn chậm trong công táclập quy hoạch, khoanh vùng, cắm mốc giới, hoàn thiện hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích.Công tác nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng di sản văn hóa phi vật thể chưa được quan tâm đúng mức, có nguy cơ bị thất truyền.Vẫn còn tình trạng di tích bị xâm phạm, ý đưa hiện vật vào di tích, thực hiện công tác tu bổ không đúng quy định gây mất mỹ quan và ảnh hưởng đến yếu tố gốc của di tích.
Thứ ba, một số ban quản lý di tích được thành lập nhưng còn hình thức, chưa xây dựng quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, chưa xây dựng được bảng giới thiệu và nội quy hoạt động.
Thứ tư, công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử văn hóa, cách mạng,quảng bá, giới thiệu về di sản văn hóa còn hạn chế, chưa thu hút được đông đảo ngườidân và du khách đến tham quan.
Thứ năm, công tác xã hội hoá và nguồn lực dành cho tu bổ, tôn tạo di tích, danh lam thắng cảnh cònhạn chế, nhiều di tích xuống cấp nhưng chưa huy động được nguồn lực đầutư.
Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên được xác định là: Công tác lãnh đạo của các cấp uỷ đảng đối với chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chưa thật sự đồng bộ và thường xuyên; Công tác quản lý nhà nước còn thiếu tính chủ động; Đội ngũ cán bộ, công chức ngành văn hoá từ thị xã đến cơ sở chưa đảm bảo về số lượng, một bộ phận công chức chưa được đào tạo bài bản; Chưa chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền; Đầu tư cho bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa chưa đáp ứng được yêu cầu về phát triển văn hoá trong tình hình mới, khả năng huy động nguồn lực xã hội hóa còn hạnchế.
Trong thời gian tới, để nâng hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn thị xã Nghi Sơn, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp như sau:
Một là, Về vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng
Đây là giải pháp nhằm phát huy năng lực lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong toàn thị xã để thường xuyên có những chỉ đạo phù hợp, hiệu quả trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Theo đó, cần tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo của các cấp ủy đảng trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn thị xã Nghi Sơn thông qua các nội dung như: lãnh đạo chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội từ thị xã đến cơ sở triển khai tổ chức thực hiện có hiệu quả Luật Di sản văn hóa, các văn bản chỉ đạo của trung ương, của tỉnh, của thị xã về công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị của di sản văn hóa; lãnh đạo công táctuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức và người dân về vai trò, ý nghĩa nhân văn sâu sắc của di sản văn hoá với phương thức ban hành các văn bản chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc việc tổ chức thực hiện và tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, biểu dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích, đồng thời xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, xâm hại, hủy hoại giá trị di sản văn hóa.
Lãnh đạo với phương châm“dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” trên tinh thần dân chủ theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nhằm huy động sức mạnh của toàn dân góp phần xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Hai là, Về công tác quản lý nhà nước
Cần chủ động và sáng tạo trong tham mưu thực hiện nhiệm vụ trong quản lý nhà nước về văn hóa từ thị xã đến cơ sở; xác định rõ thẩm quyền quản lý di sản văn hóa, tránh tình trạng chồng chéo, đùn đẩy trách nhiệm. Đây là giải pháp cụ thể với nhiều nội dung cần chú trọng giải quyết, như: Ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quản lý hành chính nhà nước về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa; Nâng cao chất lượng hoạt động của các ban quản lý di tích; Tiến hành khảo sát, kiểm kê, nghiên cứu, đánh giá lại toàn bộ các loại hình di sản; Lập quy hoạch di sản văn hóa trọng điểm và di sản văn hóa gắn với du lịch. Các di sản văn hóa trọng điểm là những di sản văn hóa đang xuống cấp, đang có nguy cơ mai một hay biến mất cần có kế hoạch lưu giữ, bảo vệ ngay. Đối với quy hoạch di sản văn hóa gắn với du lịch nên có sự tính toán, đề ra kế hoạch theo mốc thời gian cụ thể, với tầm nhìn chiến lược, có kế hoạch bảo vệ trước khi được khai thác. Để hoạt động du lịch khai thác các di sản văn hóa mang lại hiệu quả thì cần có sựgắn kết với các dịch vụ như: nghỉ dưỡng, các công trình thể thao, giải trí, ẩm thực và đi kèm với nó cần có một hệ thống dịch vụ tài chính, thương mại, thông tin viễn thông... Kết hợp du lịch biển và du lịch văn hóa, tâm linh, sinh thái cộng đồng với các hoạt động chủ yếu như tổ chức thường niên các lễ hội, giới thiệu với du khách đến tham quan về truyền thống lịch sử văn hóa, phong tục tập quán, tín ngưỡng tôn giáo ở địa phương.
Để giải pháp này đạt hiệu quả, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân lấn chiếm đất đai, xâm phạm di tích lịch sử - văn hóa, các hành vi vi phạm luật về di sản văn hóa; xây dựng kế hoạch có lộ trình cụ thể, rõ ràng hoạt động khai thác di sản văn hóa. Đồng thời, cần có sự phối hợp giữa các ngành, các địa phương để thực hiện an toàn, hiệu quả hoạt động khai thác di sản văn hóa.
Ba là, Về xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức
Đây là giải pháp rất quan trọng nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ thực thi nhiệm vụ công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Do đó, thị xã Nghi Sơn cần quan tâm đặc biệt tới việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức ngành văn hóa; nâng cao chất lượng tuyển dụng đầu vào; chất lượng chương trình đào tạo, bồi dưỡng; quan tâm đến chế độ đãi ngộ. Hằng năm tổ chức sơ kết, tổng kết, kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có nhiều thành tích, tạo động lực làm việc cho đội ngũ cán bộ, công chức. Đồng thời, thị xã cần tiếp tục quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức ngành văn hóa có bảnh lĩnh chính trị vững vàng, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, có đạo đức nghề nghiệp. Theo đó, thị xã nên tạo điều kiện, dành kinh phí cho cán bộ học tập kinh nghiệm quản lý và khai thác di sản văn hóa; chú trọng đào tạo cán bộ, công chức có trình độ chuyên môn, đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ bảo quản, tu bổ, tôn tạo đối với các di sản văn hóa; tạo điều kiện để công chức văn hóa - xã hội ở cơ sở tham gia các lớp tập huấn, cung cấp tài liệu hướng dẫn về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa để họ được tiếp cận, nghiên cứu vận dụng phù hợp với địa phương.
Bốn là, Về công tác thông tin, tuyên truyền
Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nhằm chuyển biến từ nhận thức đến hành động trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhândân về về ý nghĩa, vai trò củacông tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh côngnghiệp hoá, đô thị hoá. Công tác thông tin, tuyên truyền cần được thực hiện phong phú, đa dạng bằng nhiều hình thức như: trao đổi trực tiếp, truyền thanh, trực quan, xuất bản ấn phẩm, tổ chức biểu diễn tiểu phẩm trong các chương trình văn nghệ; dành kinh phí và thực hiện xã hội hóa để công tác thông tin tuyên truyền được thực hiện thường xuyên và đạt chất lượng cao.
Công tác thông tin, tuyên truyền cần chú trọng tới đối tượng thanh thiếu niên. Vì vậy, cần xây dựng kế hoạch tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về di sản văn hóa, truyền đạt các giá trị di sản văn hóa cho thế hệ trẻ; đưa chương trình học tập ngoại khóa vào nhà trường theo hướng dẫn của ngành giáo dục nhằm giúp học sinh hình thành thói quen tìm hiểu về lịch sử và ý nghĩa của các di sản văn hóa; khuyến khích các trường học đăng ký chăm sóc các di sản văn hóa tại địa phương; tổ chức các cuộc tọa đàm giữa cán bộ, giáo viên ngành giáo dục, ngành văn hóa với Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh về chủ đề “Tuổi trẻ học đường tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa”;phát động đoàn viên thanh niên tham gia hưởng ứng kỷ niệm “Ngày di sản văn hóa Việt Nam - ngày về nguồn 23/11” đểthế hệ trẻ có điều kiện tìm hiểu, góp sức mình vào công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản, từ đó thắp sáng tình yêu quê hương đất nước, giữ gìn những giá trị tốt đẹp của nền văn hóa dân tộc.
Năm là, Về đầu tư nguồn lực
Ưu tiên đầu tư nguồn lực cho công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, lồng ghép tổ chức các chương trình phát triển kinh tế với giới thiệu bản sắc văn hóa của địa phương, từ đó huy động có hiệu quả nguồn lực xã hội hóa. Nội dung về đầu tư nguồn lực cho công tác này rất đa dạng, như: tăng mức đầu tư cho văn hóa, bảo đảm kinh phí cho chương trình phát triển văn hóa; đẩy mạnh công tác sưu tầm, tiếp tục tiến hành phục hồi và giữ gìn các lễ hội,nghề truyền thống; hỗ trợ phục dựng các lễ hội truyền thống tại địa phương nhằm tạo sân chơi và khơi dậy tinh thần sáng tạo cho các tầng lớp nhân dân trên địa bàn; hỗ trợ dạy nghề, khôi phục và xây dựng các làng nghề truyền thống nhằm phục vụ du khách và tạo việc làm nâng cao thu nhập cho người dân, đồng thời gìn giữ các làng nghề truyền thống của địa phương.
Ngoài nguồn vốn từ ngân sách nhà nước cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động sức mạnh của cộng đồng dân cư ở địa phương; vận động các doanh nghiệp nhất là những doanh nghiệp đóng trên địa bàn thị xã hỗ trợ tài chính để thực hiện công tác bảo tồn di sản văn hóa.
Tóm lại, di sản văn hóa có vai trò quan trọng trong đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và cộng đồng, tạo động lực phát triển ngành du lịch nhờ vào sự gia tăng số lượng khách thăm quan, đem đến những lợi ích kinh tế và góp phần quảng bá hình ảnh của địa phương, của đất nước. Vì vậy, việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa trong giai đoạn hiện nay là hết sức cần thiết, là một trong những nhiệm vụ quan trọng của tỉnh Thanh Hóa nói chung và thị xã Nghi Sơn nói riêng, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu tầm nhìn đến năm 2045 Thanh Hoá là tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại; tỉnh phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước”./.
---------------
Tài liệu tham khảo:
1. Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
2. Nghị quyết số 07-NQ/HU ngày 22/3/2018 của Ban chấp hành Đảng bộ huyện Tĩnh Gia về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ đảng đối với công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh côngnghiệp hoá, đô thị hoá, giai đoạn 2018 –2025.
3. Báo cáo số 144/BC-UBND ngày 27/01/2021 của UBND thị xã Nghi Sơn về sơ kết 03 năm thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/HU ngày 22/3/2018 củaBan chấp hành Đảng bộ huyện Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn) về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ đảng đối với công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hoá, đô thị hoá, giai đoạn 2018 –2025.
Số lượt truy cập
Hôm nay:
2945
Hôm qua:
2605
Tuần này:
11763
Tháng này:
61920
Tất cả:
4.360.457