HƯỞNG ỨNG NGÀY SÁCH VÀ VĂN HOÁ ĐỌC VIỆT NAM (21/4/2021 - 21/4/2024)

Một số giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động biểu diễn nghệ thuật tại Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa

Đăng lúc: 10:47:50 22/07/2021 (GMT+7)3227 lượt xem

 Phạm Văn Hóa - Lớp TCLLCT-HC B26
Đơn vị công tác: Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa
(Bài viết từ kiết quả nghiên cứu
Khoá luận tốt nghiệp Trung cấp LLCT-HC)

Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hoá được thành lập theo Quyết định số 592/QĐ-UBND, ngày 27-2-2017 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá, trên cơ sở hợp nhất, tổ chức lại ba đoàn nghệ thuật Chèo, Tuồng, Cải lương và quyết định thành lập bổ sung đoàn Dân ca dân vũ – một loại hình nghệ thuật mang đậm sắc thái văn hoá xứ Thanh. Là đơn vị sự nghiệp công lập có thu, trực thuộc Sở VHTT&DL; Nhà hát có chức năng tổ chức nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn, phục hồi, xây dựng và tổ chức biểu diễn các tiết mục, vở diễn chèo, tuồng, cải lương, các làn điệu dân ca, dân vũ Thanh Hóa; đồng thời, tham gia phục vụ các nhiệm vụ chính trị nhân kỷ niệm các ngày lễ, kỷ niệm của tỉnh, quốc gia.
Các loại hình nghệ thuật truyền thống là những tinh hoa văn hóa của dân tộc đã hình thành và phát triển trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước, qua biết bao thăng trầm của lịch sử các loại hình này vẫn luôn là món ăn tinh thần độc đáo tạo nên những đặc trưng trong nền văn hóa của đất nước và con người Việt Nam.Vì vậy, bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị của nghệ thuật truyền thống là yêu cầu được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm.
Tuy nhiên, giữa thời đại công nghệ số với sự bùng nổ về công nghệ thông tin hiện nay, các loại hình giải trí đang trở nên dễ tiếp cận hơn bao giờ hết. Chỉ với một chiếc Smartphone, chúng ta đã có cả thế giới giải trí với vô vàn sự lựa chọn trong tay. Cũng chính vì thế mà chẳng mấy ai mặn mà với việc đến tận nơi để xem một vở kịch, một buổi hòa nhạc hay một loại hình nghệ thuật truyền thống nào đó. Điều đó đã vô tình đẩy các loại hình nghệ thuật biểu diễn trong đó có hoạt động biểu diễn nghệ thuật của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa vào sự khủng hoảng khi lãnh đạo Nhà hát phải tìm đủ mọi cách vần vũ với những khó khăn chỉ mong duy trì đươc các hoạt động biểu diễn khi chưa thể tìm ra phương pháp thật sự hữu hiệu. Trên cả nước hiện nay đã có không ít các đơn vị nghệ thuật truyền thống phải giải thể hoặc cũng đang đứng trên bờ vực của sự chông chênh này.
Vậy vấn đề đặt ra ở đây là gì? Cần phải làm thế nào để hoạt động biểu diễn nghệ thuật của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày, là câu hỏi mà chắc hẳn đã khiến cho các thế hệ lãnh đạo Nhà hát đang vô cùng trăn trở. Dưới đây sẽ là một số giải pháp hay nói đúng hơn là biện pháp nên làm để đưa hoạt động biểu diễn nghệ thuật trở về đúng quỹ đạo vốn có của nó.
Nhìn vào thực tế thì hoạt động biểu diễn nghệ thuật của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa rất đa dạng và phong phú (có Chèo, Tuồng, Cải lương và Dân ca dân vũ Xứ Thanh), Nhà hát đã xây dựng được nhiều vở diễn, nhiều chương trình nghệ thuật chất lượng có tính giải trí cao. Bên cạnh đó, các vở diễn luôn mang một thông điệp riêng, có tính nhân văn và giáo dục ẩn chứa trong đó. Nhà hát đã tập trung khai thác các vở diễn có nội dung tư tưởng tốt, mượn những hình ảnh của các nhân vật để giáo dục cộng đồng bằng những câu chuyện lịch sử, dã sử, hay các vở diễn cổ kinh điển để “Lấy xưa dạy nay”. Các vở diễn hiện đại thì lại mang màu sắc của cuộc sống hiện nay, mang hơi thở của thời đại, có tính thời sự, phê phán và bài trừ những thói hư, tật xấu, thổi vào đó luồng sinh khí mới để hướng tới những điều tốt đẹp trong xã hội.
Thế nhưng, một số hạn chế trong công tác quản lý đã khiến cho hoạt động biểu diễn nghệ thuật của Nhà hát tự đánh mất đi những giá trị vốn có của nó. Những tác phẩm nghệ thuật, chương trình, vở diễn chất lượng kém; nghệ sĩ biểu diễn chưa phát huy được năng lực chuyên môn, chưa thể lột tả hết được nội dung, tư tưởng và giá trị nghệ thuật của tác phẩm; cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ hoạt động biểu diễn nghệ thuật xuống cấp, lạc hậu; cơ chế, chính sách còn nhiều bất cập khiến cho chính các nghệ sĩ, diễn viên của Nhà hát còn cảm thấy chán nản thì việc hoạt động biểu diễn nghệ thuật dần mai một là tất yếu khách quan. Cùng tháo gỡ những tồn tại, hạn chế trên là giải pháp cần có sự nhìn nhận, chia sẻ và giải quyết của Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền và đội ngũ cán bộ quản lý của Nhà hát.  Theo đó, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý hoạt động biểu diễn nghệ thuật tại Nhà hát Nghệ thuật truyền thống, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau đây:
Nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý
Có một thực tế khách quan là không ai hiểu nghệ thuật biểu diễn bằng chính những người làm nghệ thuật. Vì vậy, phát triển đội ngũ cán bộ quản lý từ chính các nghệ sĩ có năng lực chuyên môn cao, có lòng yêu nghề, có tâm huyết, đạo đức tốt và tư tưởng, lập trường vững vàng, có tư duy sáng tạo sẽ là giải pháp căn cơ cho việc xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý ở Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa. Cần phải xây dựng kế hoạch, quy hoạch và đào tạo bài bản đội ngũ này để họ trở thành những người cán bộ quản lý giàu năng lực, giàu sức sáng tạo và đủ tâm huyết để khỏa lấp những thiếu hụt về các vị trí quản lý chuyên môn ở Nhà hát hiện nay. Bên cạnh đó Cấp ủy, Ban giám đốc Nhà hát cũng cần chú trọng bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý cho đội ngũ cán bộ quản lý hiện tại bằng cách tạo điều kiện để họ được tham gia các chương trình tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ; tham gia các hội thảo khoa học để trao đổi, giao lưu và tiếp biến những tư tưởng tốt, những sáng kiến hay, những tư duy mới mẻ để hoàn thiện kỹ năng nghiệp vụ của mình. Thêm vào đó, đội ngũ cán bộ quản lý cần chủ động không ngừng học hỏi, tiếp nhận và vận dụng có khoa học nguồn kiến thức, phương pháp, kỹ năng quản lý để nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý các hoạt động biểu diễn nghệ thuật của Nhà hát.
Nâng cao chất lượng các tác phẩm, vở diễn, chương trình nghệ thuật
Nghệ thuật không bao giờ có đỉnh cao nhất mà nó luônxoay chuyển và cần có sự sáng tạo không ngừng. Tác phẩm này mới hôm qua còn là một hiện tượng nhưng hôm nay đã trở nên lỗi thời là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Vì vậy, trong công tác quản lý hoạt động biểu diễn đòi hỏi từ các cán bộ quản lý đến các nghệ sĩ không bao giờ được phép thỏa mãn mà phải luôn trăn trở, tìm ra những cái mới và khai thác nó một cách có hiệu quả.
Thực tế cho thấy nhiều năm trở lại đây để tìm được một tác phẩm, một kịch bản hay, có nội dung tư tưởng tốt, có tính thẩm mỹ cao đang trở nên rất khó khăn khi nhiều tác giả hiện nay viết nên những tác phẩm, những kịch bản chủ yếu là “vị nhân sinh” hơn là “vị nghệ thuật” cũng là bởi những yêu cầu của cuộc sống. Để giải quyết vấn đề này chúng ta cần tìm chọntừ các trại sáng tác những tác phẩm được đánh giá cao, có kế hoạch phối hợp với các chuyên gia biên kịch, chuyển thể phù hợp với loại hình nghệ thuật nhà hát cần dàn dựng, lựa chọn ekip sáng tạo (Tác giả, Đạo diễn, Nhạc sĩ, Biên đạo...) có trình độ chuyên môn cao, chọn nghệ sĩ, diễn viên phù hợp với vai diễn để biến những tác phẩm, kịch bản đó thành một công trình nghệ thuật chất lượng phục vụ công chúng.
Nên đầu tư cho đội ngũ tác giả, đạo diễn, biên đạo, nhạc sĩ của Nhà hát được trải nghiệm nhiều hơn trong thực tế để các tác phẩm của họ hội đủ những tinh hoa của cuộc sống, hơi thở của thời đại. Thường xuyên tham giacác cuộc thi, liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp để họ có cơ hội giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm.
Nâng cao nhận thức, trách nhiệm và chất lượng của các nghệ sĩ
Nhiều nghệ sĩ đã coi hoạt động biểu diễn nghệ thuật là công cụ hành nghề, để mưu cầu cuộc sống mà quên đi rằng chính khán giả, công chúng yêu nghệ thuật mới là người trao tặng cho họ ánh hào quang, không còn coi khán giả là trung tâm mà chỉ nghĩ đến những lợi ích sau cuộc biểu diễn đó. Lãnh đạo Nhà hát cần thường xuyên làm công tác giáo dục tư tưởng để các nghệ sĩ nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình, coi hoạt động biểu diễn nghệ thuật phục vụ khán giả, phục vụ nhân dân là sứ mệnh vinh quang của mình.
Cần duy trì liên tục các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên. Một tác phẩm hay, một kịch bản tốt cần có các nghệ sĩ, diễn viên giỏi mới có thể truyền tải hết được giá trị nghệ thuật của nó tới công chúng. Bản thân các nghệ sĩ của Nhà hát cũng cần coi việc “Văn ôn, vũ luyện” là căn bản để nâng cao kỹ năng, tích lũy kinh nghiệm và trình độ chuyên môn cho chính mình.
Đầu tư, nâng cấp và trang bị mới cơ sở vật chất
Từ các đoàn nghệ thuật đơn lẻ được hợp nhất, tổ chức lại thành Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa với tổ chức bộ máy lớn hơn, chuyên nghiệp hơn, hiên đại hơn. Thế nhưng trên thực tế thì Nhà hát hiện nay chưa chưa thực sự có “Nhà” để “Hát”. Sân khấu tập luyện, biểu diễn được tận dụng từ hội trường cũ sau khi tiếp nhận trụ sở làm việc từTrường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch quá nhỏ không đáp ứng được yêu cầu.Mỗi khi có chương trình công diễn Nhà hát phải đi thuê lại sân khấu của Nhà văn hóa lao động hay trung tâm hội nghị để tổ chức biểu diễn, sơ duyệt và tổng duyệt các chương trình, vở diễn. Thế nhưng những sân khấu này được thiết kế cho các sự kiện hội nghị nên công năng của nó cũng không đảm bảo cho chất lượng âm thanh, ánh sáng và các thiết bị phụ trợ cho công tác biểu diễn dẫn đến chất lượng của hoạt động biểu diễn không như mong đợi. Ngoài ra trong các chuyến biểu diễn lưu động phục vụ nhân dân sự xuống cấp của các thiết bị sân khấu, âm thanh, ánh sáng, phương tiện di chuyển không đảm bảo an toàn cũng là một vấn đề nan giải.
Đây là vấn đề lớn đòi hỏi phải có sự quan tâm vào cuộc của nhà nước, của tỉnh, của ngành văn hóa. Trong chiến lược đẩy mạnh xây dựng các thiết chế văn hóa cần có đề mục riêng, kế hoạch đầu tư cho các thiết chế văn hóa thuộc lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn. Khó khăn về tài chính có thể là nút thắt cần được tháo gỡ bằng kế hoạch từng bước xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị với một lộ trình dài hơi theo hướng hiện đại dần. Nhưng dù bằng phương án nào, cách thức gì đi chăng nữa thì đây cũng vẫn là vấn đề cấp bách và cần được quan tâm làm ngay để đảm bảo hoạt động biểu diễn nghệ thuật của Nhà hát nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa không bị bỏ lại phía sau giữa guồng quay của kinh tế thị trường.
Đề xuất cơ chế chính sách phù hợp với đặc thù củaNhà hát
Những bất cập trong cơ chế chính sách khiến cho việc quản lý hoạt động biểu diễn nghệ thuật rơi vào tình thế “Khó trăm bề”. Nghệ thuật biểu diễn là một ngành có tính chất đặc thù riêng, nó không giống với bất cứ lĩnh vực công tác nào nhưng lại vẫn phải thực hiện theo những yêu cầu của những cơ chế chung đó. Một ví dụ sau đây sẽ là minh chứng cụ thể cho những bất cập.
Nghị định 108/2014/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2014 về chính sách tinh giản biên chế quy định lộ trình và kế hoạch dài hạn thực hiện chính sách tinh giản biên chế, các Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa là đơn vị sự nghiệp công lập vì thế cũng không nằm ngoài quy định này. Như vậy mỗi năm Nhà hát cũng phải thực hiện chính sách tinh giản biên chế và hạn chế số lượng hợp đồng cũng như tuyển dụng mới. Số lượng nghệ sĩ, diễn viên ngày một hụt dần đi, thế hệ kế cận không có, nguồn nhân lực phục vụ hoạt động biểu diễn nghệ thuật thiếu hụt, đó là một tình trạng đáng báo động. Những câu chuyện tưởng chừng như đùa lại đang diễn ra trong thực tế mỗi khi Nhà hát tập luyện, chuẩn bị cho ra mắt một công trình nghệ thuật mới với yêu cầu về nội dung và tính chất chương trình, bất đắc dĩ lãnh đạoNhà hát đã phải huy động cả lực lượng làm công tác hành chính, kỹ thuật, bảo vệ, lái xe...lên sân khấu làm diễn viên đảm nhận các vai phụ, vai quần chúng. Câu hỏi đặt ra là chất lượng nghệ thuật sẽ đi về đâu khi cứ phải đối phó kiểu như thế này.
Đứng trước những khó khăn này Nhà hát rất mong nhận được sự quan tâm của UBND tỉnh, Sở VHTT&DL và các sở ngành có liên quanđể nghiên cứu một cách khoa học về cơ chế, chính sách. Cần có những quy định mang tính đặc thù về nhiều mặt để công tác quản lý hoạt động biểu diễn nghệ thuật của nhà hát hiệu quả hơn. Có giải pháp phối hợp với trường Đại học VHTT&DL Thanh Hóa mở các lớp đào tạo diễn viên của các loại hình nghệ thuật truyền thống, tạo nguồn diễn viên kế cận cho Nhà hát. Nguồn nhân lực dồi dào và chất lượng mới đảm bảo cho sứ mệnh tiên phong của một trong những lĩnh vực trọng điểm của ngành văn hóa sẽ đi đúng định hướng phát triển đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhân dân.
Để giải quyết được những vấn đề kể trên ngoài việc quan tâm, vào cuộc của các cơ quan quản lý Nhà nước thì Nhà hát, các cán bộ quản lý và các nghệ sĩ cũng cần phải nỗ lực từng bước khắc phục, tháo gỡ những khó khăn, tìm ra phương hướng cụ thể phù hợp với đặc thù của đơn vị để đồng hành cùng nhà nước và các cấp chính quyền. Chủ động đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công từng bước thanh xuân hóa nghệ thuật. Chủ động nguồn kinh phí bằng việc tích lũy từ các hoạt động biểu diễn nghệ thuật để xử lý kịp thời những vấn đề cấp bách trong phạm vi có thể.
Có thể thấy việc cần phải nâng cao hiệu quả của công tác quản lý hoạt động biểu diễn nghệ thuật có ý nghĩa to lớn như thế nào khi đất nước đang bước vào giai đoạn mới, thời cơ mới, vận hội mới. Trong lộ trình xây dựng để “Thanh Hoá là tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại; tỉnh phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước” Theo nội dung Nghị quyết số 58 của Bộ chính trị về việc xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa cần có sự phát triển đồng đều về kinh tế, chính trị, văn hóa –xã hội và cần phải có sự quyết tâm, đồng lòng chung tay của tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có những đóng góp trong công tác quản lý hoạt động biểu diễn nghệ thuật của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa./.
 
 
Số lượt truy cập
Hôm nay:
835
Hôm qua:
1836
Tuần này:
9165
Tháng này:
40811
Tất cả:
4.405.691