NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 114 NĂM NGÀY QUỐC TẾ PHỤ NỮ 8/3 ( 8/3/1910 – 8/3/2024) VÀ 1984 NĂM KHỞI NGHĨA HAI BÀ TRƯNG!

Một số giải pháp tạo lập nguồn lực thông tin phục vụ nghiên cứu khoa học ở Trường Chính trị Thanh Hóa hiện nay

Đăng lúc: 19:12:47 16/03/2016 (GMT+7)1237 lượt xem


Phạm Thị Phương Thùy
 Phòng Nghiên cứu khoa học - Thông tin - Tư Liệu
Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa xác định hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế, tổng kết thực tiễn là một trong các nhiệm vụ trọng tâm của Nhà trường; là giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên; tham mưu cho tỉnh hoàn thiện cơ chế, chính sách về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và các lĩnh vực khác. Từ nhận thức đó, trong những năm qua, Nhà trường đã tập trung các nguồn lực, cơ chế, chính sách để nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế, tổng kết thực tiễn đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của sự nghiệp đổi mới toàn diện của Nhà trường trong thời kỳ mới. Vì vậy, việc tạo lập nguồn lực thông tin phục vụ cho hoạt động nghiên cứu khoa học là một yêu cầu đòi hỏi cấp thiết nhằm nâng cao chất lượng nghiên cứu phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; phục vụ hoạt động lãnh đạo, quản lý của cán bộ cấp xã hiện nay.
Trong khoa học quản lý và khoa học thông tin (còn gọi là Thông tin học) thì nguồn lực thông tin được xác định là phần tiềm lực thông tin có cấu trúc, được kiểm soát và có giá trị trong quá trình sử dụng. Thành phần của nguồn lực thông tin gồm: vốn tài liệu, các bộ sưu tập, các cơ sở dữ liệu và công cụ tra cứu. Hiện nay, nguồn lực thông tin phục vụ hoạt động nghiên cứu khoa học của Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa còn nhiều hạn chế nhất định, nên việc tạo lập vốn tài liệu với các bộ sưu tập thích hợp là yêu cầu cần thiết. Để tạo lập được nguồn lực thông tin thiết thực phục vụ công tác nghiên cứu khoa học của Nhà trường trong thời gian tới cần tập trung vào các giải pháp sau đây:
Một là, xây dựng quy chế bổ sung và phát triển vốn tài liệu.
Xây dựng quy chế bổ sung, phát triển vốn tài liệu, trong đó quy định phương hướng cũng như cách thức xây dựng vốn tài liệu của Nhà trường. Quy chế cần cụ thể hóa mục tiêu, yêu cầu và phương hướng chính trong việc xây dựng vốn tài liệu, mức độ ưu tiên lựa chọn tài liệu theo các chủ đề, giúp Thư viện xác định kế hoạch bổ sung trong ngắn hạn và dài hạn phù hợp từng giai đoạn trong chiến lược phát triển Nhà trường. Trong quy chế này có thể trình bày một số nội dung như:
- Xác định hướng bổ sung ưu tiên cho từng lĩnh vực chủ đề, từng chuyên ngành đào tạo trong Nhà trường;
- Xác lập các nguồn tài liệu nhập vào thư viện phù hợp với nội dung đào tạo, phục vụ tốt nhu cầu giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học của Nhà trường.
- Nhận lưu chiểu các tài liệu nội sinh và các ấn phẩm được biếu tặng, tài trợ, trao đổi.
- Nghiên cứu và triển khai công tác mượn liên thư viện với các trường chính trị, mà trước hết là các trường thuộc các tỉnh/thành trong vùng Bắc Trung Bộ.
- Đưa ra các tiêu chí lựa chọn các loại hình tài liệu cụ thể, các tiêu chí thanh lọc và loại bỏ khỏi kho tài liệu các tài liệu bị lỗi thời, không còn phù hợp nữa.
- Thực hiện việc liên kết để có thể khai thác và chia sẻ nguồn học liệu điện tử với các trung tâm thông tin thư viện tại các cơ sở đào tạo và nghiên cứu  về lĩnh vực khoa học chính trị và quản lý nhà nước.
Hai là, quản lý chặt chẽ nguồn tài liệu nội sinh.
Nguồn tin nội sinh là tập hợp những thông tin được tạo nên bởi các hoạt động của Nhà trường như: Tập san, Website, đề tài khoa học, hội thảo khoa học, v.v...Tất cả các tài liệu này cung cấp cho bạn đọc cơ sở lý luận, thực tiễn khoa học về lãnh đạo, quản lý; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Như vậy, khi nói đến khía cạnh về tiềm lực của Nhà trường thì tài liệu nội sinh là phương tiện phản ánh thông tin đầy đủ, có hệ thống về các thành tựu, tiềm năng cũng như hướng phát triển của đơn vị. Vì vậy, trong chính sách thông tin, tài liệu nội sinh phải được kiểm soát, tổ chức thu thập và lưu trữ ở bộ phận Thông tin - Tư liệu của chính đơn vị. Từ nhiều năm qua, Nhà trường đã tổ chức triển khai nghiên cứu và bảo vệ thành công nhiều đề tài nghiên cứu khoa học từ cấp khoa, cấp trường, cấp tỉnh và nhiều tài liệu, sản phẩm nghiên cứu khoa học khác, v.v...có giá trị lý luận và tổng kết thực tiễn khá phong phú.
 Nhưng hiện nay nguồn tài liệu khoa học này đến nay chưa được quản chuyên môn chặt chẽ. Phòng Nghiên cứu Khoa học - Thông tin - Tư Liệu cần phối hợp với các khoa xây dựng qui chế về giao nộp và quản lý nguồn tin khoa học nội sinh, kiến nghị lãnh đạo Nhà trường ban hành, để Thư viện sớm thực hiện được chức năng quản trị, tổ chức tạo thành nguồn lực. Trước mắt, Thư viện cần xây dựng một cơ sở dữ liệu riêng để quản lý, khai thác triệt để nguồn thông tin này, thực hiện quy trình kiểm soát thông tin để không trùng lặp các đề tài nghiên cứu, gây lãng phí thời gian, con người và tiền bạc.  
Ba là, từng bước triển khai xây dựng các bộ sưu tập tư liệu chuyên đề.
Trước xu thế phát triển và hội nhập, hoạt động Thông tin - Tư liệu của Nhà trường cần phải xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển nguồn lực thông tin, theo đó, xác định nội dung công việc để tạo lập các nguồn lực thông tin dưới dạng các bộ sưu tập tư liệu định hướng theo các lĩnh vực chuyên môn  như: Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; Xây dựng Đảng; Quản lý nhà nước, v.v... những lĩnh vực liên ngành như: kinh tế, xã hội, luật pháp, lịch sử - văn hóa, Khoa học và Công nghệ ở địa phương, v.v... hoặc theo phương diện tiếp cận như: Nghiên cứu thực tế, tổng kết thực tiễn.
Bốn là, đổi mới phương pháp hoạt động thông tin.
Hiện nay trong hoạt động thông tin của Nhà trường có tính bị động, mới chỉ khép kín trong các thao tác nghiệp vụ. Với Nguồn lực thông tin được tạo lập Nhà trường sẽ có tiền đề để nâng cao năng lực đảm bảo thông tin, đổi mới phương thức hoạt động, chuyển từ chế độ thụ động “cung cấp thông tin” sang chế độ chủ động “điều khiển thông tin”. Ở vai trò mới này, bộ phận Thông tin -Tư liệu cần hỗ trợ tích cực cho cán bộ của Nhà trường trong việc thực hiện các bước nghiên cứu, cụ thể như: Xác định và lựa chọn hướng nghiên cứu; xây dựng mục tiêu nghiên cứu cụ thể; xác định trình độ xuất phát điểm của đề tài nghiên cứu (trình độ chung và kinh nghiệm); hình thành tổng quan vấn đề nghiên cứu; xác định phương pháp tối ưu để triển khai đề tài; xác định khả năng ứng dụng thực tiễn của kết quả nghiên cứu.
Hiện nay, trên con đường phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước, Giáo dục - Đào tạo cùng với Khoa học - Công nghệ đóng vai trò quan trọng; chất lượng và hiệu suất của nghiên cứu khoa học bị chi phối nhiều bởi môi trường và trình độ tổ chức thông tin. Vì vậy, việc cải thiện năng lực đảm bảo thông tin, tạo lập một nguồn lực thông tin có chất lượng phục vụ công tác nghiên cứu khoa học cho các cán bộ, giảng viên và học viên tại Nhà trường, là một đòi hỏi cấp thiết. Từ đó làm tiền đề phấn đấu Trường Chính trị Thanh Hóa trở thành cơ sở Thông tin - Tư liệu hạt nhân có trọng trách cung cấp chia sẻ thông tin với các trường chính trị các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ. Góp phần xây dựng Trường Chính trị Thanh Hóa sớm trở thành “trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý kiểu mẫu của tỉnh và khu vực Bắc Trung Bộ”
 
 
 
(1). Nghị định 11/2014/NĐ-CP Về hoạt động TT KH&CN
(2). Nguyễn Hữu Hùng. Thông tin: Từ Lý luận tới thực tiễn. H., NXB Văn hóa Thông tin, 2005. 835 tr.
(3). Nguyễn Hữu Hùng. Bài giảng Thông tin và Quản lý. H., Trường ĐH Văn hóa Hà nội, 2015.
(4). Trương Thị Thông, Lương trọng Thành (Đồng chủ biên). Đổi mới công tác quản lý đào tạo, bồi dưỡng cán bộ từ thực tiễn Trường Chính Trị Thanh Hóa. H., Nxb Chính trị quốc gia, 2015. 292 tr.
 
 
Số lượt truy cập
Hôm nay:
4118
Hôm qua:
2605
Tuần này:
12936
Tháng này:
63093
Tất cả:
4.361.630