NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2024)

MỘT SỐ KẾT QUẢ NỔI BẬT TỪ DỰ ÁN “BỒI DƯỠNG NÂNG CAO NĂNG LỰC CÁN BỘ ĐỊA PHƯƠNG”

Đăng lúc: 10:46:26 18/09/2016 (GMT+7)2507 lượt xem

 Nguyễn Thị Thanh Nhàn
Phó Hiệu trưởng Trường
 
Lọc hóa dầu Nghi Sơn là dự án liên doanh với số vốn đầu tư trị giá 9 tỷ USD giữa Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), Công ty TNHH Idemitsu Kosan (IKC), Công ty Hóa chất Mitsui (MCI) và Tập đoàn dầu khí Quốc tế Kuwait (KPI). Dự án là tổ hợp lọc hóa dầu lớn nhất Việt Nam được thực hiện tại Khu Kinh tế Nghi Sơn, Huyện Tĩnh Gia; hướng tới trở thành tổ hợp lọc hóa dầu hàng đầu và tiêu biểu nhất tại châu Á. Để đạt được mục tiêu đó, Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) đã và đang triển khai các chương trình đầu tư xã hội chiến lược nhằm hỗ trợ cộng đồng tận dụng các cơ hội đầu tư và giúp giảm thiểu tối đa các tác động tiêu cực từ dự án.
Nằm trong chuỗi các chương trình đầu tư xã hội chiến lược, dự án “Bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ địa phương” có mục tiêu trang bị kiến thức, rèn luyện và phát triển kỹ năng lãnh đạo, quản lý; nâng cao khả năng giao tiếp Tiếng Anh, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, có kiến thức, kỹ năng, am hiểu thực tiễn; có năng lực vận dụng sáng tạo kiến thức, nâng cao trách nhiệm thực thi công vụ, trách nhiệm phụng sự nhân dân, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Đối tượng của dự án là cán bộ, công chức thuộc các cơ quan Đảng, Mặt trận, đoàn thể, chính quyền huyện Tĩnh Gia và cán bộ xã, thôn thuộc 4 xã chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dự án Lọc hóa dầu Nghi sơn, gồm Hải Yến, Nguyên Bình, Tĩnh Hải và Mai Lâm.
Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh, với bề dày truyền thống và sự năng động, sáng tạo trong thời kỳ đổi mới; với mối quan hệ thân thiện và ảnh hưởng tốt đẹp đối với cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đã được NSRP lựa chọn là nhà thầu chính của dự án. Ngài Greg Andrews, Điều phối viên cao cấp, Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã phát biểu trong buổi phỏng vấn với Phóng viên Đài phát Thanh và truyền hình Thanh Hóa nhân dịp khai giảng các lớp thuộc dự án: “Chúng tôi chọn Trường Chính trị làm đơn vị triển khai thực hiện dự án này vì bề dày kinh nghiệm, sự cầu thị, tính chuyên nghiệp của nhà trường và mối quan hệ tốt đẹp với cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương”.
Với nhận thức sâu sắc thực hiện dự án không chỉ góp phần nâng cao năng lực cán bộ địa phương mà còn là cơ hội nâng cao năng lực, tác phong làm việc cho cán bộ, giảng viên nhà trường và hơn thế là sự đóng góp sức lực, trí tuệ, nhiệt huyết của Trường Chính trị chung sức, đồng lòng cùng với cả tỉnh “phát triển Khu kinh tế Nghi Sơn  trở thành trung tâm đô thị công nghiệp và dịch vụ ven biển trọng điểm của cả nước”[1]. Theo đó, thời gian qua Trường Chính trị đã tích cực, chủ động phối hợp chặt chẽ với NSRP, Huyện ủy, UBND huyện Tĩnh Gia và 4 xã Hải Yến, Nguyên Bình, Tĩnh Hải, Mai Lâm triển khai thực hiện dự án. Sau gần 01 năm thực hiện, đến nay dự án đã thành công tốt đẹp và đạt được những kết quả nổi bật sau:
1. Xây dựng chương trình bồi dưỡng phù hợp, sát đối tượng, đáp ứng yêu cầu bồi dưỡng theo chức danh, vị trí việc làm
Việc xây dựng chương trình, biên soạn tài liệu được triển khai bài bản, khoa học. Về quy trình, Nhà trường tổ chức hội nghị tham vấn 3 bên: NSRP - chính quyền - cán bộ địa phương về nội dung chương trình, tài liệu; tiếp đó, thực hiện điều tra, khảo sát nhu cầu bồi dưỡng đến từng đối tượng học viên; phân công giảng viên đi thực tế cơ sở, đến từng địa bàn để nghiên cứu đối tượng học viên, thu thập thông tin, tư liệu làm cơ sở cho việc xây dựng chương trình và biên soạn các chuyên đề phù hợp, sát đối tượng. Trong đó, Chương trình bồi dưỡng kỹ năng mềm: 7 chuyên đề (80 tiết)[2]; Chương trình Tiếng Anh giao tiếp: 12 bài (135 tiết); Chương trình Tin học: 5 bài (100 tiết). Các chương trình, tài liệu được thẩm định nghiêm túc, đảm bảo chất lượng, do đó được NSRP, lãnh đạo địa phương và học viên đánh giá cao.
Bên cạnh đó, trong quá trình tổ chức các lớp bồi dưỡng kỹ năng mềm, tin học, Tiếng anh, nhà trường đã cầu thị khảo sát lấy ý kiến học viên; tiếp thu ý kiến góp ý của chính quyền địa phương, của NSRP, từ đó kịp thời điều chỉnh nội dung chương trình phù hợp hơn, thiết thực hơn, phục vụ tốt hơn cho việc bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ địa phương.
2. Phương thức tổ chức bồi dưỡng được đổi mới theo hướng phát huy vai trò chủ động, tích cực của học viên trong hình thành, phát triển kỹ năng thực thi công vụ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn
Việc đổi mới phương thức bồi dưỡng trước hết được thực hiện nghiêm túc chương trình đã được thẩm định. Theo đó, việc tổ chức dạy – học đã thực hiện đồng bộ các bước, quy trình lên lớp; đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy học theo hướng tích cực, lấy người học làm trung tâm; giảng viên hướng dẫn học viên đọc tài liệu trước khi lên lớp, gợi mở, trao đổi, thảo luận, đối thoại, hướng dẫn học viên giải quyết các bài tập tình huống. Đặc biệt, bước đầu xây dựng mô hình tự học cho học viên trên cơ sở hướng dẫn của giảng viên. Từ đó, khắc phục những hạn chế như thiếu sự kết nối, tương tác giữa giảng viên và học viên trong quá trình chuẩn bị bài; nặng về giảng lý thuyết, không thực hiện quy trình đánh giá sau bài giảng…
Đặc biệt, trong đổi mới phương thức tổ chức, nhà trường vừa chú trọng truyền đạt các chuyên đề, thực hành kỹ năng, đồng thời chủ động lựa chọn những vấn đề đang đặt ra trong quá trình triển khai thực hiện Dự án Lọc hóa dầu Nghi sơn để tổ chức các hội thảo khoa học, như: Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác giải phóng mặt bằng trên địa bàn huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa;Nâng cao chất lượng công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo trên địa bàn xã Mai Lâm, huyện Tĩnh Gia”;Nâng cao trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ, công chức trên địa bàn huyện Tĩnh Gia, đáp ứng yêu cầu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh”; “Phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ, công chức xã Tĩnh Hải trong phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, “Giải pháp phục hồi sinh kế, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn xã Hải Yến sau tái định cư”Các hội thảo đã tập trung làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn, những yếu tố ảnh hưởng, chia sẻ kinh nghiệm; đề xuất các giải pháp khắc phục những hạn chế, bất cập trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy chính quyền và thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức. Thông qua mô hình bồi dưỡng này, học viên được rèn luyện, nâng cao kĩ năng thuyết trình, giao tiếp, làm việc nhóm, xây dựng chương trình, kế hoạch, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo… Và quan trọng hơn là giúp học viên nhận thức sâu sắc quá trình học tập thực chất là quá trình thực hành; biết vận dụng lý luận vào thực tiễn công tác; đồng thời qua mô hình này xây dựng được mối quan hệ tốt đẹp giữa nhà trường, chính quyền và NSRP.
3. Đổi mới quản lý đánh giá và phục vụ, tạo bước đột phá nâng cao chất lượng bồi dưỡng
Với phương châm “lấy hiệu quả phục vụ, thành công của học viên, tín nhiệm của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh làm mục tiêu phấn đấu”, nhà trường đã chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết phục vụ nghiên cứu, giảng dạy, học tập cho cán bộ, giảng viên, học viên tham gia dự án, từ tài liệu học tập, sổ tay học viên, trang thiết bị, phương tiện dạy học hiện đại nhất... Mặc dù các lớp học diễn ra vào ngày nghỉ cuối tuần, buổi tối, ở nhiều địa điểm khác nhau (huyện, xã…) song vượt lên trên tất cả khó khăn, đội ngũ cán bộ, giảng viên nhà trường đã đem tất cả nhiệt huyết và trí tuệ truyền thụ kiến thức, phương pháp tư duy, cách thức làm việc khoa học, kỹ năng giải quyết những vấn đề thực tiễn… Tinh thần phục vụ đó được hóa thân vào trong mỗi bài giảng, giờ giảng và đem lại niềm say mê học tập, rèn luyện, phấn đấu, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân cho cán bộ địa phương.
Nét mới trong quản lý phục vụ đó là nhà trường chủ động tổ chức nhiều hoạt động thực tiễn phong phú, hấp dẫn, phù hợp tâm lý cán bộ địa phương như: các buổi tọa đàm, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, trò chơi, dạ tiệc Tiếng Anh… đan xen trong nội dung chương trình. Qua đó, càng khích lệ tinh thần chủ động, tích cực, tự giác, trách nhiệm trong học tập, nghiên cứu, theo phương châm “thực học, thực làm”, góp phần thực hiện tốt mục tiêu dự án đề ra.
Điểm đột phá trong quá trình thực hiện dự án “Bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ địa phương” đó là đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng dạy và học. Theo đó, đánh giá hoạt động giảng dạy của giảng viên được thực hiện dưới nhiều hình thức, như: thông qua giáo án, phương án giảng dạy; lấy ý kiến của học viên về chất lượng giờ giảng; thanh tra, kiểm tra, dự giờ… Trong đó, việc duyệt giáo án, phương án giảng dạy được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, đảm bảo đúng quy trình. Đối với chương trình bồi dưỡng kĩ năng mềm, các nhóm trình bày phương án, thực hành giảng dạy dưới sự chủ trì trực tiếp của các đồng chí giám hiệu. Với sự góp ý trực tiếp về nội dung kiến thức, phương pháp giảng dạy, chất lượng giảng dạy được nâng lên.
Đối với học viên, nhà trường thực hiện chuyển mạnh từ đánh giá điểm số sang đánh giá quá trình. Coi trọng đánh giá quá trình chủ động xây dựng kế hoạch học tập, quản lý mục tiêu, thái độ và phương pháp học tập; tính tích cực, chủ động trong chuẩn bị nội dung trao đổi, thảo luận, tham luận, tạo không khí sôi nổi, hào hứng trong các buổi học. Lấy chất lượng sản phẩm tự học, tự nghiên cứu gắn với việc nâng cao nhận thức, kiến thức, phương pháp, kỹ năng công tác theo chức danh, vị trí việc làm là tiêu thức quan trọng để đánh giá kết quả học tập. Đồng thời, thực hiện đa dạng các kênh đánh giá, từ đánh giá của giảng viên sau mỗi chuyên đề lên lớp; tự đánh giá của học viên; đánh giá của lãnh đạo đơn vị có học viên tham dự lớp học, đánh giá của NSRP, của Ban quản lý lớp đến đánh giá của người dân địa phương - đối tượng thụ hưởng gián tiếp thành quả của dự án…
Đến thời điểm này, sau gần 01 năm triển khai thực hiện (từ tháng 10/2015 - 8/2016), nhà trường đã hoàn thành 28 lớp kỹ năng mềm, Tiếng Anh, tin học cho 421 học viên; tổ chức thành công 6 hội thảo khoa học và nhiều buổi tọa đàm, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm hợp tác giữa chính quyền với NSRP và người dân[3]. Kết quả của dự án không chỉ dừng lại ở những con số mà quan trọng hơn, thông qua thực hiện dự án, đội ngũ cán bộ địa phương được nâng cao về nhận thức, tin tưởng hơn vào sự nghiệp đổi mới của Đảng, nâng cao kiến thức, hoàn thiện kỹ năng, phương pháp thực thi công vụ, cải thiện mức độ hài lòng của nhà đầu tư và nhân dân địa phương. Đặc biệt, đối với đội ngũ giảng viên, quá trình tham gia dự án thực chất vừa là quá trình thâm nhập thực tiễn, am hiểu công việc, đời sống của cán bộ, nhân dân địa phương; đồng thời, là quá trình thích ứng, thay đổi tư duy, tác phong làm việc khoa học, chuyên nghiệp, đáp ứng tốt hơn xu thế đào tạo, bồi dưỡng phục vụ nhu cầu xã hội, trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Sự quyết liệt trong chỉ đạo, chặt chẽ trong phối hợp và sáng tạo trong tổ chức thực hiện các nội dung của dự án là thực tiễn sinh động thể hiện tình cảm, trách nhiệm, cách thức quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bồi dưỡng của nhà trường để phát triển thêm mối quan hệ phối hợp tốt đẹp giữa nhà trường với cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương và NSRP.
Những kết quả nổi bật trong quá trình thực hiện dự án “Bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ địa phương” là tiền đề quan trọng để nhà trường mở ra hướng phát triển mới: đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng nhu cầu xã hội; từng bước khẳng định là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có chất lượng của tỉnh và khu vực, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ - nhân tố quyết định thành công của sự nghiệp đổi mới quê hương, đất nước./.


[1] Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh  lần thứ XVIII, năm 2015,tr.60,61
[2] Các chuyên đề kỹ năng mềm: Kỹ năng giao tiếp; kỹ năng  tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; kỹ năng thuyết trình; kỹ năng làm việc nhóm; kỹ năng xây dựng chương trình, lập kế hoạch; kỹ năng tổ chức, điều hành hội nghị; kỹ năng quản lý thời gian
[3] Báo cáo số 162/BC-TrCT ngày 12/8/2016 của Hiệu trưởng Trường Chính trị về tổng kết dự án bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ địa phương .
Số lượt truy cập
Hôm nay:
1259
Hôm qua:
2395
Tuần này:
11437
Tháng này:
57811
Tất cả:
4.422.691