HƯỞNG ỨNG NGÀY SÁCH VÀ VĂN HOÁ ĐỌC VIỆT NAM (21/4/2021 - 21/4/2024)

Một số vấn đề lý luận về hoạt động đánh giá việc giảng dạy và học tập Lý luận chính trị - hành chính ở các trường chính trị hiện nay

Đăng lúc: 11:01:25 02/06/2016 (GMT+7)1184 lượt xem

PGS,TS. Lê Minh Quân
Phó Vụ trưởng Vụ Các trường chính trị
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
 
1. Một số vấn đề lý luận về đánh giá, hoạt động đánh giá và hoạt động đánh giá trong giáo dục - đào tạo
1.1. Đánh giá và hoạt động đánh giá
a) Khái niệm đánh giá, hoạt động đánh giá
Thuật ngữ đánh giá (evaluation), là việc đưa ra nhận định tổng hợp về các dữ kiện đo lường được qua các kỳ kiểm tra/lượng giá (assessement) trong quá trình và kết thúc bằng cách đối chiếu, so sánh với những tiêu chuẩn đã được xác định rõ ràng trước đó trong các mục tiêu.
Hoạt động đánh giá là việc thu thập, xử lý thông tin để lượng định tình hình và kết quả công việc giúp quá trình lập kế hoạch, quyết định và hành động có kết quả; áp dụng hay quy cho đối tượng một giá trị nào đó; nhận định mức độ hoàn thành nhiệm vụ, bảo đảm chất lượng, hiệu quả công việc, kinh nghiệm đạt được so với mục tiêu, chuẩn mực đã được xác lập.
Hoạt động đánh giá là một quá trình có tính hệ thống, độc lập và được lập thành văn bản để nhận được bằng chứng đánh giá và xem xét đánh giá chúng một cách khách quan nhằm xác định mức độ thực hiện các chuẩn mực đánh giá.
b) Đặc điểm của hoạt động đánh giá
Mục đích của hoạt động đánh giá là thúc đẩy hoạt động phát triển, đạt kết quả một cách tốt nhất; xác định tính phù hợp (mục tiêu có phù hợp với vấn đề và nhu cầu đang giải quyết hay không) và mức độ hoàn thành các mục tiêu, tính hiệu quả, tác động và tính bền vững. Vai trò của hoạt động đánh giá là công cụ quản lý quan trọng để theo dõi tiến độ thực hiện và hỗ trợ quá trình ra quyết định; thiết kế những chương trình và hoạt động hiệu quả hơn và lợi ích lớn hơn. Nội dung của hoạt động đánh giá bao gồm đánh giá: “đầu vào”, các hoạt động, “đầu ra”, kết quả và tác động. Yêu cầu của hoạt động đánh giá là cung cấp thông tin đáng tin cậy (khách quan, trung thực) và hữu ích. Chất lượng của hoạt động đánh giá là mức độ thực hiện việc đánh giá so với mục tiêu đánh giá đã đề ra. Hiệu quả của hoạt động đánh giá là sự so sánh giữa chi phí với kết quả đánh giá (chi phí thấp, kết quả lớn nghĩa là hiệu quả cao).
Các nguyên tắc của hoạt động đánh giá bao gồm khách quan, trung thực, bình đẳng (giữa các đối tượng đánh giá). Điều kiện của đánh giá là việc xây dựng và sử dụng hệ thống các tiêu chí đã được chuẩn hóa, công khai, minh bạch và ổn định trong toàn hệ thống. Khi các nguyên tắc này được bảo đảm, việc đánh giá trở nên chính xác và công bằng, đối tượng đánh giá chấp nhận sự đánh giá và sẵn sàng thay đổi, cải thiện hoạt động của mình. Cụ thể, để thiết kế được mô hình cho hoạt động đánh giá tốt, cần bảo đảm các nguyên tắc: i) Khuyến khích thảo luận trong quá trình đánh giá, đối tượngđược đánh giá hài lòng với kết quả đánh giá nếu họ có cơ hội trao đổi, thảo luận về công việc của chính mình một cách thoải mái và thẳng thắn, cảm nhận được tính công bằng của quá trình đánh giá. ii) Ý kiến nhận xét mang tính xây dựng, các ý kiến đánh giá cần có tính xây dựng, giúp đối tượng đánh giá vượt qua khó khăn, cải thiện công việc, bớt lo lắng về ý kiến đánh giá. iii) Coi trọng xây dựng mục tiêu phấn đấu, xây dựng mục tiêu phấn đấu là một nhân tố quan trọng trong động cơ làm việc của đối tượng đánh giá. iv) Chủ thể đánh giá có được sự tin cậy, để đánh giá có kết quả và tác dụng, chủ thể đánh giá phải là người có trình độ, có kiến thức và được tín nhiệm; đồng thời, chủ thể đánh giá cũng thoải mái với phương pháp và kỹ thuật đánh giá được áp dụng.
Quá trình của hoạt động đánh giá bao gồm: i) Nhận xét (đưa ra ý kiến về một đối tượng nào đó); ii) Nhận định (đưa ra ý kiến có tính chất đánh giá, kết luận, dự đoán về một đối tượng, một tình hình nào đó); iii) Bình luận (trao đổi, nhận định về một tình hình, một vấn đề nào đó); iv) Xem xét (tìm hiểu, quan sát kỹ để đánh giá, rút ra những nhận xét, những kết luận cần thiết); v) Phê bình (xem xét, phân tích ưu điểm, nhược điểm để góp ý kiến, chê trách), khen ngợi, v.v.. Quy trình đánh giá gồm các khâu: i) Đánh giá chẩn đoán; ii) Đánh giá từng phần; iii) Đánh giá tổng kết; iv) Ra quyết định đánh giá.
Lập kế hoạch cho hoạt động đánh giá (thiết kế hệ thống đánh giá) bao gồm các bước: i) Xác định chủ thể, khách thể và đối tượng đánh giá; ii) Xác định phạm vi vàmục đích đánh giá; iii) Xây dựng nội dung (câu hỏi) đánh giá; iv) Xác định chỉ số đánh giá; v) Xác định phương pháp thu thập thông tin; vi) Phân tích và tổng hợp thông tin thu thập được; vii) Phát hiện vấn đề, đưa ra phản hồikhuyến nghị; viii) Chia sẻ phát hiện và nhận xét với các bên có liên quan và quyết định việc sử dụng các kết quả đánh giá; v.v..
c) Phương pháp của hoạt động đánh giá
Có nhiều phương pháp đánh giá khác nhau như các phương pháp tự đánh giá, đánh giá so sánh, đánh giá định tính, đánh giá định lượng, đánh giá toàn diện (đánh giá 360o), v.v.. Tuy nhiên liên hệ trực tiếp với phương pháp đánh giá hoạt động dạy - học, có thể nêu 3 phương pháp đánh giá chủ yếu là: i)  Phương pháp đánh giá cho điểm (rating scale); ii) Phương pháp đánh giá mô tả (essay method) và iii) Phương pháp đánh giá theo kết quả (results-oriented) hay phương pháp đánh giá quản trị mục tiêu (management by objectives). Để hệ thống đánh giá phát huy hiệu quả tối đa, cần hiểu rõ bản chất của từng phương pháp, lựa chọn và vận dụng/điều chỉnh phù hợp với điều kiện cụ thể.
1.2. Hoạt động đánh giá trong giáo dục - đào tạo
a) Khái niệm hoạt động đánh giá trong giáo dục - đào tạo
Hoạt động đánh giá trong giáo dục - đào tạo là việc xác định chất lượng của đối tượng được đánh giá trên cơ sở thu thập thông tin một cách có hệ thống, nhằm hỗ trợ cho việc ra quyết định và rút ra bài học kinh nghiệm; nhận định giá trị, kết quả giảng dạy và học tập, rèn luyện của người dạy và người học.
b) Quy trình của hoạt động đánh giá trong giáo dục - đào tạo
Đánh giá chẩn đoán:Tiến hành trước khi dạy xong một nội dung hay chương trình nhất định, giúp cho người dạy nắm được tình hình kiến thức liên quan đã có của người học, những điểm người học chưa nắm vững, những thiếu sót cần bổ khuyết, v.v. để quyết định cách giảng dạy phù hợp.
Đánh giá từng phần: Tiến hành nhiều lần trong quá trình dạy học nhằm cung cấp những thông tin phản hồi, giúp người dạy và người học kịp thời điều chỉnh cách dạy và cách học, ghi nhận kết quả từng phần để tiếp tục thực hiện chương trình một cách vững chắc.
Đánh giá tổng kết: Tiến hành khi kết thúc môn học, năm học, khóa học bằng những kỳ thi nhằm đánh giá tổng quát kết quả giảng dạy, học tập, đối chiếu với những mục tiêu đã đề ra.
Ra quyết định: Khâu cuối cùng của quá trình đánh giá, dựa vào những định hướng của đánh giá, người dạy ra quyết định những biện pháp cụ thể để giúp người học khắc phục những thiếu sót và ngược lại.
c) Nội dung đánh giá trong giáo dục - đào tạo
Đánh giá “đầu vào”: Đánh giá phẩm chất, năng lực của người dạy, người học; điều kiện, năng lực của cơ sở giáo dục - đào tạo; hoạt động giảng dạy và học tập; v.v.).
Đánh giá “đầu ra”: Đánh giá số người được giáo dục, đào tạo; kết quả học tập, rèn luyện của người học; kết quả giảng dạy của người dạy, v.v).
Đánh giá kết quả: Đánh giá ảnh hưởng của quá trình giáo dục - đào tạo đến sự phát triển của tri thức, kỹ năng có liên quan của người học; đến cơ hội nghề nghiệp, vị trí việc làm mới của người học; đến sự trưởng thành về kiến thức và phương pháp giảng dạy của người dạy; v.v..
Đánh giá tác động: Đánh giá hệ quả của quá trình giáo dục - đào tạo đến sự phát triển của người học; tác động của người học sau khi được đào tạo tới xã hội (so sánh với trước khi đào tạo); tác động đến sự trưởng thành của người dạy, v.v..
c) Lập kế hoạch (thiết kế hệ thống) đánh giá trong giáo dục - đào tạo
Lập kế hoạch (thiết kế hệ thống) đánh giá trong giáo dục - đào tạo bao gồm các bước: i) Xác định các chủ thể thiết kế, triển khai, báo cáo đánh giá (người dạy, người học và các bên có liên quan; ii) Xác định phạm vi vàmục đích đánh giá (đối tượng, ý định sử dụng kết quả, chi phí và phương tiện đánh giá); iii) Xây dựng nội dung đánh giá (nêu các câu hỏi đánh giá); iv) Xác định chỉ số đánh giá (công cụ đo lường cụ thể, rõ ràng kết quả và những thay đổi - các chỉ số định lượng, định tính, tiến trình); v) Xác định phương pháp thu thập thông tin (xem báo cáo, tài liệu, bộ câu hỏi, điều tra, phỏng vấn, quan sát thực tế); vi) Phân tích và tổng hợp thông tin thu thập được (dùng những thông tin thu thập được để xem xét các xu hướng mới nảy sinh); vii) Phát hiện vấn đề, đưa ra phản hồi và khuyến nghị (điều chỉnh và nâng cao hiệu quả công việc); viii) Chia sẻ nhận xét, phát hiện với các bên liên quan và quyết định sử dụng kết quả đánh giá (xem xét hoạt động đã diễn ra, dự báo và lựa chọn hình thức hoạt động mới); v.v..
d) Phương pháp đánh giá trong giáo dục - đào tạo
Có nhiều phương pháp đánh giá trong giáo dục - đào tạo, có thể nêu và phân tích 3 phương pháp đánh giá chủ yếu:
Phương pháp đánh giá cho điểm là phương pháp được sử dụng phổ biến và có tính truyền thống trong giáo dục - đào tạo, trong chấm thi, kiểm tra, v.v., cho phép người sử dụng - chủ thể đánh giá, nhất là giáo viên và cơ sở đào tạo, có nhiều sự lựa chọn trong việc thiết kế mô hình đánh giá. Theo đó, chủ thể đánh giá xem xét từng tiêu chí đánh giá (đặc điểm của người được đánh giá) và cho điểm hoặc xếp hạng dựa trên một thang đánh giá được xây dựng từ trước (thang điểm). Thang đánh giá (thang điểm) thường gồm một số bậc được xếp hạng từ thấp tới cao. Mỗi đặc điểm cần đánh giá có một thang điểm phù hợp, mỗi nội dung có một điểm số nhất định. Phương pháp đánh giá cho điểm rõ ràng, dễ hiểu, dễ sử dụng và sử dụng rộng rãi. Tuy nhiên, phương pháp đánh giá cho điểm khó áp dụng cho việc đánh giá những hoạt động có tính sáng tạo, chưa có quy định, kết cấu từ trước; đánh giá chủ quan và sau đó tìm bằng chứng chứng minh cho đánh giá ấy. Sai sót phổ biến nhất là đánh giá có tính trung lập khi chủ thể đánh giá bận rộn, ít hoặc thiếu tránh nhiệm, lo ngại sự bất hòa, sự trả thù nên có đánh giá thờ ơ, “vô thưởng, vô phạt” (cho điểm trung bình, trung bình khá cho an toàn).
Phương pháp đánh giá mô tả là phương pháp đánh giá bằng việc viết báo cáo đánh giá (phương pháp này thường áp dụng cho việc nhận xét có tính định tính). Báo cáo đánh giá tập trung mô tả điểm mạnh, yếu cụ thể nào đó và đề xuất biện pháp khắc phục tồn tại. Phương pháp đánh giá mô tả cho phép đánh giá nhiều khía cạnh đối với đối tượng đánh giá (từ học tập đến rèn luyện, từ năng lực đế tư cách, đạo đức, tác phong). Với phương pháp đánh giá này, chủ thể đánh giá có thể chủ động đưa ra mức độ đánh giá được cho là phù hợp, hợp lý. Quá trình đánh giá là không bị giới hạn và linh hoạt. Tuy nhiên, phương pháp này tốn thời gian, khó thực hiện, đòi hỏi khả năng diễn đạt, óc tổng hợp của chủ thể đánh giá, chi phối bởi yếu tố chủ quan. 
Phương pháp đánh giá theo kết quả (Phương pháp đánh giá quản trị mục tiêu)một trào lưu mới về phương pháp đánh giá và xuất hiện trong vài thập niên gần đây. Phương pháp này đánh giá mức độ đạt mục tiêu của đối tượng đánh giá, xác định và đo lường một cách tin cậy kết quả hoạt động thực tế của đối tượng (lấy mực tiêu đào tạo làm tiêu chí so sánh, đánh giá kết quả đào tạo). Tuy nhiên, phương pháp này có thể dẫn tới kỳ vọng không thực tế về một mục tiêu có thể hoặc không thể hoàn thành một cách hợp lý. 
2. Một số vấn đề lý luận về hoạt động đánh giá việc giảng dạy và học tập lý luận chính trị - hành chính ở các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hiện nay
  2.1. Chủ thể và đối tượng đánh giá hoạt động dạy - học lý luận chính trị, hành chính ở các trường chính trị hiện nay
a) Chủ thể đánh giá là nhà trường đối với đối tượng là học viên
Nhà trường đánh giá hoạt động học tập, rèn luyện của học viên (hoạt động học tập, rèn luyện của học viên là đối tượng đánh giá của nhà trường) bao gồm:i) Đánh giá của giảng viên bộ môn đối với hoạt động học tập của học viên; ii) Đánh giá của giáo viên chủ nhiệm lớp đối với hoạt động học tập của học viên; iii) Đánh giá của khoa (các khoa chuyên môn), phòng (các phòng chức năng, nhất là Phòng Đào tạo) đối với hoạt động học tập của học viên; iv) Đánh giá của Ban Giám hiệu đối với hoạt động học tập của học viên; v) Đánh giá của Hội đồng thi đua - Khen thưởng nhà trường đối với học viên; v.v..
b) Chủ thể đánh giá là học viên đối với đối tượng là nhà trường, giảng viên
Học viên đánh giá hoạt động giảng dạy của giảng viên - hoạt động giảng dạy của giảng viên là đối tượng đánh giá của học viên bao gồm: i) Đánh giá của học viên, của ban cán sự lớp đối với giảng viên (về chuyên môn - lý luận và thực tiễn, phương pháp, phong cách, kinh nghiệm giảng dạy); ii) Đánh giá của học viên, của ban cán sự lớp đối với khoa chuyên môn của nhà trường (về tổ chức môn học, phần học, xây dựng kế hoạch, lịch giảng, thi, kiểm tra, đi thực tế, viết tiểu luận, v.v.); iii) Đánh giá của học viên, của ban cán sự lớp đối với các phòng ban, Ban gián hiệu nhà trường (về lãnh đạo, quản lý đối với chuyên môn, phương pháp, giảng viên, phương tiện, điều kiện, chất lượng đào tạo và phục vụ đào tạo, bồi dưỡng, v.v. của nhà trường); v.v..
c) Chủ thể đánh giá là các cơ quan có thẩm quyền (có trách nhiệm) đối với đối tượng là nhà trường và học viên
Chủ thể đánh giá là các cơ quan có thẩm quyền (Tỉnh ủy - Ban tổ chức Tỉnh ủy; UBND Tỉnh,Thành phố, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo) đối với hoạt động dạy - học của giảng viên và học viên bao gồm: i) Đánh giá của các cơ quan có thẩm quyền đối với hoạt động giảng dạy của giảng viên - hoạt động lãnh đạo, quản lý giảng dạy của Ban Giám hiệu nhà trường - hoạt động quản lý, giảng dạy và phục vụ giảng dạy của các khoa, phòng;ii) Đánh giá của các cơ quan có thẩm quyền đối với hoạt động học tập, rèn luyện của học viên (về động cơ, tinh thần, thái độ học tập; về trình độ, kiến thức và năng lực học tập); v.v..
d) Đánh giá trong nội bộ nhà trường và học viên
Đánh giá trong nội bộ nhà trường và học viên bao gồm: i) Đánh giá giữa giảng viên, giữa các khoa phòng, giữa các trường với nhau; v.v.; ii) Đánh giá giữa học viên với nhau, đánh giá của Ban Cán sự  lớp đối với các thành viên của lớp; v.v..
2.2. Nội dung đánh giá hoạt động dạy - học lý luận chính trị, hành chính ở các trường chính trị hiện nay
a) Nội dung đánh giá hoạt động dạy giảng dạy của nhà trường, giảng viên
Đánh giá hoạt động dạy (giảng dạy) của giảng viên lý luận chính trị, hành chính ở các trường chính trị hiện nay bao gồm: i) Đánh giá chuyên môn (trình độ chuyên môn) của giảng viên; ii) Đánh giá phương pháp giảng dạy của giảng viên; iii) Đánh giá phong cách giảng dạy của giảng viên; iv) Đánh giá cách tổ chức lớp học, kiểm tra, thi, hướng dẫn đi thực tế, hướng dẫn viết tiểu luận cuối khóa; v) Đánh giá cách chấm bài, nhận xét về học viên.
b) Nội dung đánh giá hoạt động học tập, rèn luyện của học viên
Đánh giá hoạt động học tập, rèn luyện của học viên học tập lý luận chính trị, hành chính ở các trường chính trị hiện nay bao gồm: i) Đánh giá mục đích, động cơ học tập của học viên; ii) Đánh giá năng lực (trình độ) học tập (tiếp thu và sáng tạo) của học viên; iii) Đánh giá tinh thần, thái độ (quyết tâm, trách nhiệm, thái độ, kỷ luật, rèn luyện, v.v.) của học viên; iv) Đánh giá kết quả (cách tính điểm, hệ số điểm, v.v.) của từng “phần học”, “môn học” và kết quả toàn bộ khóa học của học viên; v) Đánh giá mức độ phát triển (thay đổi) về nhận thức trước và sau khi học tập; vi) Đánh giá kết quả rèn luyện của học viên (sức khỏe, tư cách đạo đức, tác phong, thái độ, v.v.); vii) Khen thưởng - kỷ luật học viên do hoạt động đánh giá mang lại; viii) Đề xuất, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền có liên quan về sử dụng học viên sau đào tạo, bồi dưỡng; ix) Đánh giá mức độ trưởng thành (đánh giá sau đào tạo) của học viên, v.v..
c) Nội dung đánh giá tổng hợp hoạt động dạy - học
Đánh giá tổng hợp hoạt động dạy - học đối với các trường chính trị hiện nay bao gồm: i) Đánh giá của cơ quan có thẩm quyền cử người đi học (Tỉnh ủy, Thành ủy, UBND Tỉnh, Thành phố, Huyện ủy, v.v..); ii) Đánh giá của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, v.v.; iii) Đánh giá của cơ quan, đơn vị công tác của học viên; iv) Đánh giá của cán bộ, đảng viên và nhân dân nơi công tác và sinh hoạt (đánh giá của xã hội), v.v. đối với học viên (trong và sau quá trình học tập) và đối với giảng viên (trực tiếp và gián tiếp - thông qua đánh giá học viên).
 
d) Nội dung đánh giá hoạt động đánh giá việc dạy - học
Đánh giá hoạt động đánh giá việc dạy - học ở các trường cính trị hiện nay bao gồm: i) Đánh giá ưu điểm và nhược điểm của các phương pháp đánh giá hoạt động dạy học; ii) Đánh giá những bất cập và yêu cầu mới về lựa chọn và sử dụng phương pháp đánh giá hoạt động dạy - học; v.v..
2.3. Hình thức và phương pháp đánh giá hoạt động dạy - học lý luận chính trị, hành chính ở các trường chính trị hiện nay
a) Đối với giảng viên
Xác định rõ tiêu chuẩn giảng dạy của giảng viên và những yêu cầu hợp lý cho học viên cần phải đạt thành tích học tập đã đề ra. Xác định rõ các yếu tố gây cản trở học viên khi cần đạt đến trình độ cần thiết. Chọn lọc những yếu tố giúp phát triển và cải thiện môi trường học tập tại trường của học viên. Phối hợp giữa nhà trường với cơ quan, đơn vị công tác của học viên để quản lý và nâng cao chất lượng học tập, rèn luyện của học viên.
b) Đối với học viên
Xác định quá trình học tập của học viên dựa vào việc tham gia các giờ học, chú ý nghe giảng và hoàn thành bài tập trên lớp, bài tập về nhà; nâng cao mức độ hợp tác trong học tập, khả năng trao đổi, diễn đạt thông tin, tính sáng tạo, tính kỷ luật về giờ giấc, nội quy làm việc, kỹ năng học tập của học viên. Đánh giá học viên không chỉ là đánh giá kết quả, chất lượng học tập, rèn luyện của học viên mà còn là nguồn thông tin ngược (phản hồi) giúp giảng viên nắm bắt được chất lượng, phương pháp giảng dạy của mình để điều chỉnh và hoàn thiện. Bảo đảm cho đánh giá trung thực, chính xác, đầy đủ kiến thức, nhận thức, thái độ và hành vi (ở mức độ nhất định và có thể) mà học viên thu được, nhất là từ phạm vi và giới hạn của môn học, phần học, khóa học.
3. Một số giải pháp và kiến nghị (đối với việc đánh giá của nhà trường, của giảng viên đối với học viên) trong việc dạy - học lý luận chính trị, hành chính ở các trường chính trị hiện nay
Một là, hoàn thiện các hình thức thi, kết hợp hài hòa các hình thức và phương pháp thi:
Đối với thi viết - tự luận, cần thấy rõ ưu điểm của hình thức này là tạo điều kiện để học viên trình bày một cách chủ động, rèn luyện khả năng lập luận lô gíc, phân tích và tổng hợp môn, phần học và toàn khóa học. Tuy nhiên, cần khắc phục hạn chế của hình thức này là tính chính xác và khách quan bị hạn chế; số lượng câu hỏi khó không nhiều, khó bao quát toàn bộ môn, phần học và toàn khóa học, dễ học “tủ”, quay cóp; khó đánh giá đúng chất lượng của học viên. Để khắc phục tình trạng này cần: i) Sử dụng ngân hàng đề thi (bảo đảm người học học, ôn tập đầy dủ các nội dung, vô tư trong thi cử); ii) Tổ chức cắt phách (người cắt phách và người chấm khác nhau); iii) Thường xuyên thay đổi bộ đề thi, đổi mới cách ra đề thi, hạn chế học viên thu thập và làm trước bài thi (cần kết hợp tự luận, trắc nghiệm, giải quyết tình huống, kết hợp lý thuyết với bài tập), khi làm đề thi thì không hạn chế việc sử dụng tài liệu; iv) Giảng viên không chỉ giảng bài mà còn hướng dẫn học viên phương pháp tư duy để xử lý tình huống, hướng dẫn người học tự học.
Đối với thi vấn đáp, hình thức thi này có thể kiểm tra kiến thức của người học tương đối rộng, tạo khả năng phản xạ cho học viên, kết quả công bố nhanh, xác định tương đối chính xác kết quả học tập của học viên. Tuy nhiên, thời gian thi, kiểm tra kéo dài, không tạo cơ hội cho người học thể hiện tư duy hệ thống, hạn chế khả năng lập luận của học viên, phụ thuộc vào ý thức chủ quan của giảng viên.
Đối với thi trắc nghiệm, cần mở rộng sử dụng hình thức thi này, đề thi trắc nghiệm có thể dùng nhiều lần, từ ngân hàng đề thi cần tổ hợp thành nhiều đề, dùng cho nhiều ca thi, nhiều đợt thi khác nhau. Cần thấy rõ, thi trắc nghiệm là phương pháp hiện đại, tiện lợi khi chấm thi và đánh giá kết quả của học viên một cách khách quan, kết quả chấm thi không phụ thuộc vào ý chủ quan của giảng viên chấm, giảng viên chấm khác nhau vẫn có thể cho kết quả giống nhau. Tuy nhiên, lấy phương pháp trắc nghiệm (toán học) để đánh giá khoa học xã hội là rất khó, phương pháp này chỉ nên áp dụng trong kiểm tra các môn, phần học mà các kiến thức đã được xác định, các vấn đề thuần tuý lý luận.
Đối với, viết thu hoạch đi thực tế, khóa luận tốt nghiệp, v.v. cần tạo điều kiện cho học viên làm quen với công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, rèn luyện khả năng viết, lập luận lô gíc, vận dụng thực tiễn, v.v..
Cần sáng tạo, linh hoạt, hài hòa trong lựa chọn và sử dụng các hình thức và phương pháp đánh giá; kết hợp các hình thức đánh giá tạo điều kiện cho việc kiểm tra cả tri thức, thái độ, nghiệp vụ và kỹ năng.
Hai là, nâng cao yêu cầu, chất lượng (mức độ khó) của đề thi, xây dựng và thực hiện đề thi theo hướng đánh giá năng lực của học viên:
Phương thức ra đề thi cần thống nhất, nhất là thi viết - tự luận, là đề thi tổng hợp (đề “mở”), bảo đảm nội dung kiến thức chuẩn (chuẩn hóa kiến thức), tăng cường tính chủ động và sáng tạo của học viên trong liên hệ thực tiễn. Nâng cao năng lực của nhà trường, của các khoa, của giảng viên về ra đề thi “mở”, chấm bài theo đề thi “mở”; nâng cao năng lực và phương pháp ôn bài, làm bài theo đề thi “mở” đối với học viên. Tuy nhiên, cần thấy rõ đề “mở” đòi hỏi trình độ cao và kinh nghiệm lớn của người ra đề, chấm thi, đánh giá kết quả, của học viên khi làm bài theo đề thi “mở”, bởi thế nào là sáng tạo, sáng tạo theo hướng nào, liên hệ thực tiễn theo hướng nào, dựa trên những cơ sở lý luận nào, cơ sở thực tiễn nào, mối quan hệ giữa sáng tạo và nguyên tắc, kiến thức cơ bản là thế nào, v.v..
Cần hướng mạnh vào việc đánh giá năng lực toàn diện của học viên thông qua nội dung kiến thức của chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính. Áp dụng lý thuyết khảo thí hiện đại trong xây dựng câu hỏi, áp dụng công nghệ thông tin trong thực hiện bài thi, Tách việc “thi/đánh giá” năng lực với việc “tuyển chọn”; từng bước chuyển dần từ “đánh giá kiến thức” sang “đánh giá năng lực”. Chuyển từ đánh giá kiến thức (kiến thức đã học) sang đánh giá năng lực (vận dụng kiến thức có trước khi học, kiến thức có sau khi học vào giải quyết một vấn đề nhất định, từng bước chuyển sang viết và đánh giá đề án khi kết thúc chương trình đào tạo).
Ba là, hoàn thiện hệ thống sổ sách theo dõi việc học tập, rèn luyện của học viên; áp dụng công nghệ quản lý hiện đại trong đánh giá và quản lý việc đánh giá học viên:
Cần hoàn thiện hệ thống sổ sách theo dõi việc học tập, rèn luyện của học viên như Sổ theo dõi giảng dạy và học tập; Phiếu đánh giá học viên; v.v...Đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin, tiêu chuẩn ISSO trong đánh giá và quản lý hoạt động đánh giá việc dạy và học, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, nhất là đào tạo, bồi dưỡng theo chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính./.
Số lượt truy cập
Hôm nay:
2210
Hôm qua:
2925
Tuần này:
9993
Tháng này:
56367
Tất cả:
4.421.247