THI ĐUA "CHỦ ĐỘNG, ĐỒNG BỘ, ĐỘT PHÁ, KỶ CƯƠNG, CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ" XÂY DỰNG TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH THANH HOÁ ĐẠT CHUẨN TRONG NHÓM CÁC TRƯỜNG DẪN ĐẦU CẢ NƯỚC

Một số yêu cầu thực hiện Bộ đề thi trắc nghiệm, góp phần nâng cao chất lượng bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước chương trình chuyên viên ở Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá

Đăng lúc: 08:11:45 15/02/2023 (GMT+7)722 lượt xem

 Việc thực hiện hiệu quả Bộ đề thi trắc nghiệm không chỉ đạt được mục tiêu bồi dưỡng theo chương trình mới của Bộ Nội mà còn tạo sự hứng khới, thái độ học tập tích cực, góp phần nâng cao chất lượng học tập và khả năng vận dụng, xử trí của học viên trong công tác ở cơ quan, đơn vị, địa phương cơ sở.
 Picture1 (1).png
Trong những năm qua, kiên trì thực hiện định hướng lấy nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng là trung tâm; đổi mới công tác quản lý là then chốt; đổi mới công tác thi, kiểm tra, đánh giá là khâu đột phá; xây dựng môi trường giáo dục kỷ cương, thân thiện, giàu tính Đảng là nhiệm vụ quan trọng thường xuyên, Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá đã có nhiều đổi mới và đạt những kết quả đáng ghi nhận, đáp ứng yêu cầu chuẩn hoá và nâng cao phẩm chất, năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện Quyết định số 420/QĐ-BNV và Quyết định số 421/QĐ-BNV ngày 2/6/2022 của Bộ Nội vụ về việc ban hành chương trình bồi dưỡng đối với công chức ngạch chuyên viên, chuyên viên chính và tương đương, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá đã ban hành Quyết định số 255- QĐ/TrCT ngày 28 tháng 10 năm 2022 về giao đề tài khoa học cấp trường “Nghiên cứu giải pháp nâng cao chất lượng bồi dưỡng chương trình chuyên viên, chuyên viên chính tại Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa”. Mục tiêu của đề tài nhằm khảo sát, đánh giá một cách khách quan, đầy đủ, toàn diện về thực trạng chất lượng chương trình bồi dưỡng chuyên viên, chuyên viên chính của Nhà trường theo Thông tư số 10/2017/TT-BNV ngày 29 tháng 12 năm 2017 của Bộ Nội vụ. Từ đó, đề xuất các giải pháp nhằm nâng chất lượng bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trong thời gian tới. Kết quả nghiên cứu đề tài, cùng với việc đề xuất các giải pháp đồng bộ, nhóm nghiên cứu đã xây dựng được 02 ngân hàng đề thi trắc nghiệm dành cho chương trình bồi dưỡng chuyên viên, chuyên viên chính. Để đánh giá mức độ khoa học, tin cậy của bộ đề thi trắc nghiệm, nhóm nghiên cứu bước đầu đánh giá kết quả với một số nội dung sau:
Thứ nhất, công tác triển khai xây dựng bộ đề thi được thực hiện một cách bài bản, khoa học; hệ thống câu hỏi được xây dựng chứa đựng những thông tin về cấu trúc cơ bản, như: thời lượng, số câu hỏi, dạng thức câu hỏi; lĩnh vực kiến thức, cấp độ năng lực của từng câu hỏi. Qua đó, cho phép đo lường, đánh giá trình độ, năng lực cũng như kết quả dạy - học chương trình bồi dưỡng.
Thứ hai, việc đánh giá kết quả thi, kiểm tra bằng hình thức trắc nghiệm có nhiều thuận lợi; qua đó có thể kiểm tra được một cách hệ thống và toàn diện kiến thức và kỹ năng của học viên; tạo điều kiện để học viên tự đánh giá kết quả học tập của mình một cách chính xác; chấm bài nhanh, chính xác và khách quan và có thể sử dụng các phương tiện hiện đại trong chấm bài và phân tích kết quả kiểm tra... Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có những khó khăn, hạn chế; đó là: việc biên soạn khó, đầu tư nhiều thời gian, thậm chí sử dụng các phần mềm để trộn đề; khó đánh giá được khả năng diễn đạt, sử dụng ngôn ngữ và quá trình tư duy của học viên để đi đến câu trả lời; chỉ giới hạn sự suy nghĩ của học viên trong một phạm vi xác định, do đó hạn chế việc đánh giá khả năng sáng tạo của học viên... Đây là những vấn đề đặt ra, đòi hỏi Nhà trường tiếp tục quan tâm để nâng cao chất lượng bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trong thời gian tới.
Do đó, trong quá trình thực hiện Bộ đề thi trắc nghiệm, Nhà trường cầu lưu ý một số yêu cầu chủ yếu sau:
1. Đối với việc ra đề thi. Việc ra đề phải cân đối số lượng câu hỏi giữa các phần học, bài học; đảm bảo vừa bao quát được cả phần học vừa sát với nội dung bài giảng và giáo trình; số lượng câu hỏi không quá nhiều (khoảng 40 - 45 câu hỏi), thời gian đảm bảo để học viên cân đối làm câu hỏi trắc nghiệm (90 phút); tuỳ theo số lượng học viên để xây dựng số lượng mã đề nhưng phải có ít nhất 03 mã đề trở lên, các mã đề phải có sự thay đổi về trật tự câu hỏi, trật tự nội dung và có thang điểm cho từng câu hỏi.
2. Đối với giảng viên giảng dạy. Giảng viên đòi hỏi phải bám sát mục tiêu bồi dưỡng của chương trình quản lý nhà nước ngạch chuyên viên của Bộ Nội vụ và mục tiêu bài giảng, đổi mới phương pháp giảng dạy nhằm đảm bảo truyền đạt bao quát khối lượng kiến thức của bài giảng và định hướng kỹ năng vận dụng, xử trí của học viên.
3. Đối với học viên. Chương trình yêu cầu học viên phải tham gia học tập đầy đủ thời gian của chương trình theo quy định. Chủ động, trách nhiệm trong học tập; nghiên cứu trước tài liệu học tập (tài liệu bồi dưỡng ngạch chuyên viên là bắt buộc; ngoài ra còn có tài liệu tham khảo khác, phù hợp với nội dung chuyên đề). Đồng thời, chuẩn bị câu hỏi, bài tập tình huống và tích cực tham gia thảo luận. Tích cực, sáng tạo trong thực hành các kỹ năng để có thể ứng dụng vào thực tế công việc sau khi kết thúc khóa bồi dưỡng.
4. Đối với việc tổ chức chấm thi. Cần có sự phân công hợp lý các giảng viên tham gia giảng bài ở nhóm kiến thức thuộc chương trình bồi dưỡng quản lý nhà nước ngạch chuyên viên, phải có đáp án, thang điểm cân đối giữa hai phần trắc nghiệm và tự luận để đánh giá khách quan mức độ nhận thức kiến thức cũng như vận dụng, xử trí của học viên.
Tóm lại, cùng với kết quả nghiên cứu đề tài “Nghiên cứu giải pháp nâng cao chất lượng bồi dưỡng chương trình chuyên viên, chuyên viên chính tại Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa”, từ thực tiễn chất lượng công tác bồi dưỡng của Nhà trường nói chung và chất lượng bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước ngạch chuyên viên nói riêng là cơ sở khẳng định để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước ngạch chuyên viên. Công tác này cần phải thực hiện đồng bộ, toàn diện, đầy đủ nội dung chương trình bồi dưỡng, trong đó phải chú trọng quan tâm đổi mới và giải quyết những yêu cầu đạt ra trong công tác thi, kiểm tra đánh giá. Việc thực hiện hiệu quả Bộ đề thi trắc nghiệm không chỉ đạt được mục tiêu bồi dưỡng theo chương trình mới của Bộ Nội Vụ mà còn tạo sự hứng khới, thái độ học tập tích cực, góp phần nâng cao chất lượng học tập và khả năng vận dụng, xử trí của học viên trong công tác ở cơ quan, đơn vị, địa phương cơ sở./.
ThS. Nguyễn Ngọc Thắng - ThS. Phạm Bá Thịnh
Phòng QLĐT& NCKH
 
Các tin khác
Số lượt truy cập
Hôm nay:
1995
Hôm qua:
1987
Tuần này:
3982
Tháng này:
29323
Tất cả:
4.897.972