HƯỞNG ỨNG NGÀY SÁCH VÀ VĂN HOÁ ĐỌC VIỆT NAM (21/4/2021 - 21/4/2024)

Một vài suy nghĩ về đổi mới việc dạy và học môn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam ở Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa hiện nay

Đăng lúc: 14:42:29 23/01/2019 (GMT+7)9625 lượt xem

                                                            
  ThS. Lê Na
Khoa Xây dựng Đảng
          Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam là một trong những môn học lý luận chính trị có ý nghĩa hết sức to lớn trong việc giáo dục chính trị tư tưởng cho học viên, hình thành ở họ nhận thức và hành động cách mạng, đáp ứng mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ vừa hồng vừa chuyên, phục vụ cho yêu cầu xâydựng và phát triển đất nước.       Trong những năm qua, công tác giảng dạy và học tập môn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam ở trường Chính trị Thanh Hóa về cơ bản đã đảm bảo được nội dung, chương trình, phù hợp đối tượng người học và yêu cầu đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy, đóng góp một phần đáng kể vào mục tiêu chung của chương trình đào tạo của Nhà trường. Đặc biệt, trong quá trình giảng dạy, đội ngũ giảng viên bộ môn đã bám sát nội dung chương trình, đào sâu nghiên cứu, thường xuyên tìm tòi, đổi mới phương pháp giảng dạy cho phù hợp với yêu cầu mới của xã hội, gắn lý luận với thực tiễn trong từng bài giảng, vì vậy việc học tập môn Lịch sử Đảng của học viên các lớp, các hệ của Nhà trường bước đầu có những chuyển biến tích cực; học viên đã chủ động tiếp thu bài giảng, tích cực tương tác với giảng viên, thể hiện sáng tạo trong việc tiếp nhận và xử lý thông tin, qua đó nâng cao trách nhiệm của mình đối với sự phát triển của đất nước, xây dựng và củng cố niềm tin vững chắc vào sự lãnh đạo của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tin tưởng vào sự nghiệp Cách mạng do Đảng lãnh đạo. Tuy nhiên, công tác giảng dạy, học tập môn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam ở trường Chính trị Thanh Hóa hiện nay vẫn còn có những vấn đề đặt ra, còn một số bài giảng chưa thực sự truyền tải hết được mục đích, yêu cầu của bài học, chưa tạo được hứng thú học tập cho người học. Về phía người học, bên cạnh những học viên tích cực học tập thì vẫn còn một số học viên có thái độ đối phó với môn học vì chưa thấy được tầm quan trọng, vị trí và vai trò của môn học đối với đời sống, dẫn đến thái độ thờ ơ, chưa tự giác học tập, thiếu phương pháp học tập tích cực. Điều này dẫn đến chất lượng học tập chưa cao, nhận thức một số vấn đề về lịch sử Đảng chưa đúng với bản chất của nó. Xuất phát từ thực tế đó nên việc đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập môn lịch sử Đảng là yêu cầu khách quan hiện nay ở Trường Chính trị trị tỉnh Thanh Hóa.Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập môn Lịch sử Đảng đòi hỏi phải có những giải pháp từ cả phía giảng viên và người học. Cụ thể:
          Thứ nhất, giảng viên phải có lập trường tư tưởng vững vàng, có niềm tin cách mạng vào sự lãnh đạo của Đảng và phải truyền tải được niềm tin đó tới học viên thông qua các bài giảng.
           Điều kiện đầu tiên để nghiên cứu và giảng dạy tốt môn lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam giảng viên cần phải làm rõ cho học viên sáng tỏ sự ra đời của Đảng là mộttất yếu khách quan; cầnlàm rõ tính đúng đắn vềchủ trương, đường lối của Đảng trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và cách mạng xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới để từ đó sẽ thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng một cách sâu sắc và toàn diện hơn. Để làm được điều này, yêu cầu đặt ra đối với giảng viên giảng dạy môn lịch sử Đảng phải đứng vững trên lập trường, quan điểm, lý luận của chủ nghĩa Mác -Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; cần nắm vững tính Đảng và tính khoa học nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của Đảng ở mỗi thời kỳ lịch sử cụ thể góp phần thực hiện tốt đường lối, nhiệm vụ chính trị của cả người dạy và người học hiện nay. Ngoài ra, giảng viên cần nghiên cứu đầy đủ các Cương lĩnh, Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng trong toàn bộ tiến trình lãnh đạo cách mạng; phải truyền đạt đúng đường lối chính sách, quan điểm của Đảng, tránh trường hợp hiểu sai và truyền đạt sai, không đúng; phải cập nhật tin tức thời sự và những nhận thức mới nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam để cập nhật vào bài giảng của mình.
 Thứ hai, trong giảng dạy, giảng viên phải xác định đúng đối tượng nghiên cứucủa môn học để làm rõ kiến thức cơ bản của từng bài.
Trong nghiên cứu, giảng dạy Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, giảng viên phải đặc biệt lưu ý đối tượng học để khai thác kiến thức, cần tránh nhầm lẫn sang khoa học Lịch sử dân tộc, tránh sa đà vào các sự kiện, diễn biến của các cuộc chiến tranh mà không làm nổi bật được vai trò lãnh đạo của Đảng được thể hiện trong quá trình hoạch định Cương lĩnh, đường lối và quá trình chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ cách mạng trong  các thời kỳ cách mạng.Trên cơ sở xác định đúng đối tượng học, giảng viên phải biết phân định kiến thức trong từng bài, xác định đâu là kiến thức cơ bản và phải tập trung dành nhiều thời gian vào làm rõ kiến thức cơ bản đó để học viên nắm được nội dung cốt lõi của bài, đồng thời định hướng cho học viên vận dụng những kiến thức được trang bị trong từng bài vào thực tiễn, hình thành kỹ năng, khả năng tư duy độc lập cho học viên.
          Thứ ba, tăng cường đổi mới phương pháp, áp dụng phương pháp dạy học tích cực gắn với công nghệ thông tin.
          Trước đây trong giảng dạy các môn lý luận nói chung, môn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam nói riêng, phương pháp được các giảng viên áp dụng chủ yếu đó chính là phương pháp thuyết trình. Không thể phủ nhận những ưu thế của phương pháp này, nhất là đối với môn Lịch sử ĐảngCộng sản Việt Nam. Khi sử dụng phương pháp thuyết trình, những giảng viên có trình độ chuyên môn sâu, có kỹ năng truyền đạt tốt sẽ giúp cho người học nắm được nội dung vấn đề một cách có hệ thống và chi tiết. Trong một khoảng thời gian ngắn, phương pháp thuyết trình có thể cung cấp một lượng thông tin kiến thức lớn cho số lượng đông người nghe…Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất của phương pháp này là ở chỗ mới chỉ tạo được luồng thông tin một chiều từ người giảng đến người học. Thầy nói - học viên nghe và chép. Việc dạy và học như vậy đã làm cho người học rơi vào thụ động, không phát huy được tính tích cực chủ động của  học viên - những người có kinh nghiệm công tác, có vốn thực tiễn phong phú, cho nên phần nào đó làm cho bài giảng Lịch sử Đảng trở nên khô cứng, thiếu sự gắn kết với thực tiễn và không thực sự tạo ra được sự húng thú học tập đối với học viên. Vì vậy, để nâng cao chất lượng dạy học môn Lịch sử Đảng đòi hỏi giảng viên phải quyết liệt hơn nữa trong đổi mới phương pháp dạy học theo hướng “lấy người học là trung tâm”, kết hợp nhuần nhuyễn giữa phương pháp thuyết trình với sử dụng linh hoạt các phương pháp dạy học tích cực như: phương pháp nêu vấn đề; phương pháp hỏi - đáp; phương pháp phỏng vấn nhanh, phương pháp neo chốt kiến thức... để tăng cường sự trao đổi giữa giáo viên và học viên về cả những vấn đề lý luận và thực tiễn, từ đó giúp cho người học thấy được tầm quan trọng và ý nghĩa thực tiễn của những kiến thức Lịch sử Đảng Đảng Cộng sản Việt Nam đã được nghiên cứu.
Đặc biệt trong điều kiện hiện nay, trình độ dân trí ngày càng cao, công nghệ - thông tin phát triển mạnh mẽ đã tác động lớn đến hệ thống giáo dục. Công nghệ - thông tin đang làm nên một cuộc đổi mới mạnh mẽ trong giáo dục, nó làm thay đổi nội dung, phương pháp dạy học cũng như cách tiếp cận kiến thức của người học. Quá trình dạy học ngày nay có sự tác động rất lớn từ sự trợ giúp của máy tính và các phần mềm thích hợp, điều này giúp cho cả người dạy và người học phát huy tiềm năng cá nhân, tăng hiệu quả của giờ học. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc giảng dạy môn lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam là điều cần thiết, đã và đang được coi là một trong những cách hỗ trợ truyền đạt hiệu quả. Với cách giảng dạy này, giảng viên có thể sử dụng một số hình ảnh lịch sử, tư liệu, sơ đồ minh họa hoặc mô hình hóa… hoặc sử dụng những đoạn phim tư liệu phù hợp với nội dung môn học làm cho bài giảng sinh động, hấp dẫn, thu hút được sự hứng thú của học viên.                     
Thứ , phảt tăng cường tính thực tiễn trong các bài giảng Lịch sử Đảng.
Lý luận gắn liền với thực tiễnmột trong những nguyên tắc trong nghiên cứu, học tập và giảng dạy các môn lý luận nói chung chứ không riêng gì đối với môn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói “Lý luận không gắn với thực tiễn là lý luận suông”. Do đặc thù đào tạo của Trường Chính trị là cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở, học viên đa số đang trực tiếp tham gia các hoạt động thực tiễn nên họ có mục đích học tập rõ ràng, là học để nắm kiến thức giúp giải quyết các vấn đề  đang đặt ra trong thực tiễn. Chính vì vậy, vấn đề gắn lý luận với thực tiễn trong giảng dạy Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam ở Trường Chính trị là vấn đề đặc biệt quan trọng. Bài giảng của giảng viên nếu biết liên hệ các nội dung với tình hình thực tiễn, biết hướng cho học viên cách vận dụng những kiến thức của bài để giải quyết các vấn đề đang đặt ra trong thực tiễn sẽ lôi cuốn, tạo sự thu hút đối với họ.
Tuy nhiên, việc gắn lý luận với thực tiễn đòi hỏi người giảng viên không những phải có vốn thực tiễn phong phú mà còn phải biết liên hệ với các vấn đề thực tiễn sao cho phù hợp với nội dung của bài giảng. Trong đó, giảng viên phải lưu ý biết chọn các vấn đề thực tiễn, liên hệ phải sát với vấn đề lý luận định làm rõ, định chứng chứng minh; phải tránh sa vào sự kiện vụn vặt, dàn trải; phải cân nhắc thời lượng, dung lượng vừa phải. Đặc biệt cần dựa theo đặc thù của đối tượng học viên từng lớp, từng hệ chứ không phải tất cả các vấn đề trong bài giảng đều đưa ví dụ thực tế và tất cả các đối tượng đều có ví dụ thực tiễn như nhau.
Thứ năm, tăng cường quá trình tự học của học viên.
          Tự học có vai trò rất quan trọng trong quá trình học tập của học viên bởi vì trên thực tế học viên ở trường Chính trị Thanh Hóa phải học cả ngày, những ngày nghỉ thì về cơ quan, đơn vị giải quyết những công việc còn tồn đọng nên hầu như có ít thời gian để học; vì vậy vấn đề tự học rất quan trọng nhằm phát huy tính tự giác và nghiên cứu của học viên. Tự học giúp học viên rèn luyện khả năng tư duy và sáng tạo của cá nhân. Đây là yếu tố quyết định chất lượng học tập, chất lượng đào tạo, là con đường tối ưu giúp họ đạt kết quả cao trong học tập. Tự học không những giúp học viên đào sâu, nắm vững kiến thức đã học trên lớp, mở rộng, cập nhật những kiến thức mới mà còn giúp họ hình thành kỹ năng học tập; bồi dưỡng hứng thú học tập. Kỹ năng tự học là điều kiện vật chất bên trong để học viên biến động cơ tự học thành kết quả cụ thể của họ.
          Như vậy, nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập môn lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam là nhiệm vụ rất quan trọng trong hệ thống các trường Chính trị nói chung và Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa nói riêng. Đthực hiện được vấn đề này cần có sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ giữa người dạy và người họccùng với sự quan tâm của Nhà trường, trong đó vai trò của giảng viên Lịch sử Đảng là rất quan trọng, phải luôn trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao trình độ lý luận chính trị, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết kinh nghiệm thực tiễn nhằm mang đến cho học viên những bài học có tính thực tiễn cao, giúp họ trở thành người cán bộ cách mạng chân chính góp sức xây dựng đất nước Việt Nam hùng mạnh, sẵn sàng đương đầu với mọi thách thức của thời đại./.
Số lượt truy cập
Hôm nay:
133
Hôm qua:
2395
Tuần này:
10311
Tháng này:
56685
Tất cả:
4.421.565