NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 114 NĂM NGÀY QUỐC TẾ PHỤ NỮ 8/3 ( 8/3/1910 – 8/3/2024) VÀ 1984 NĂM KHỞI NGHĨA HAI BÀ TRƯNG!

Một vài trao đổi nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động báo cáo chuyên đề thực tế của học viên Trường Chính trị Thanh Hóa

Đăng lúc: 09:43:36 29/03/2016 (GMT+7)1262 lượt xem

 
TS. Hà Thị Thu
Khoa Lý luận Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh
 [i]
      Thực hiện Đề án 308 về Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tại Trường Chính trị tỉnh giai đoạn 2011-2015, những năm qua, Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều chuyển biến tích cực trong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng và đạt những kết quả quan trọng cả về quy mô, số lượng và chất lượng. Nhà trường xác định nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng luôn là mục tiêu hàng đầu nhằm góp phần đào tạo đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức cách mạng trong sáng, có kiến thức về lý luận chính trị - hành chính và chuyên môn, có kỹ năng lãnh đạo, quản lý. Trong quá trình thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ những năm vừa qua, Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức trong tỉnh, trong đó công tác “đổi mới công tác quản lý, cách thức đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của học viên1 đã và đang được chú trọng. Một trong những cách đánh giá chất lượng học tập của học viên là yêu cầu viết báo cáo thực tế, đây là cách làm đúng đắn, đáp ứng những tiêu chí đổi mới giáo dục gắn lý luận với thực tiễn, học đi đôi với hành, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Nhà trường.
       Từ mục tiêu và ý nghĩa của chủ trương báo cáo chuyên đề thực tế, từ thực tiễn đi nghe báo cáo của học viên ở các lớp, chúng tôi nhận thấy, hoạt động chuyên đề thực tế không chỉ đem lại những giá trị thiết thực cho học viên, mà còn có ý nghĩa to lớn đối với đội ngũ cán bộ giảng viên và cả những nhà quản lý của Nhà trường.
Đối với học viên:
- Chuyên đề là sản phẩm tự nghiên cứu của học viên, thể hiện năng lực gắn kết giữa quá trình học với hành, lý luận gắn với thực tiễn. Theo đó, quá trình nghiên cứu hoàn thiện sẽ giúp cho học viên có cơ hội nhận thức sâu sắc hơn về kiến thức lý luận đã được học, giúp học viên có định hướng cụ thể, rõ ràng trong việc học tập, cũng như vận dụng nội dung học tập, nghiên cứu vào hoạt động chuyên môn, vào thực tiễn công tác ở địa phương, đơn vị.
- Viết chuyên đề thực tế giúp học viên tìm hiểu sâu sắc hơn về tình hình thực tiễn ở địa phương, phân tích được những thuận lợi, khó khăn ở đơn vị mình tiến hành nghiên cứu. Qua đó rèn luyện kỹ năng phát hiện vấn đề và giải quyết vấn đề từ thực tiễn.
- Báo cáo chuyên đề thực tế còn giúp học viên rèn luyện khả năng nghiên cứu, đọc tài liệu; rèn luyện kỹ năng thuyết trình, kỹ năng viết, kỹ năng chuẩn bị tài liệu, kỹ năng dùng phần mềm trình chiếu, sử dụng ảnh minh họa thực tế sinh động; phát huy tinh thần làm việc nhóm, phát huy trí tuệ tập thể...
Đối với giảng viên: Thông qua tổ chức hoạt động báo cáo thực tế, giúp giảng viên nâng cao trách nhiệm trong hướng dẫn học viên, nâng cao kiến thức thực tiễn. Đồng thời học hỏi từ học viên nhiều kinh nghiệm, như: học cách làm việc, hiểu biết về thực tiễn cơ sở, tiếp thu và tích lũy thêm nguồn tài liệu cơ sở phong phú, đầy đủ, chính xác…
Đối với nhà quản lý: Trên cơ sở tổ chức và quản lý hoạt động báo cáo thực tế cho học viên, giúp quản lý được mục tiêu đào tạo, thông qua báo cáo chuyên đề nâng cao được cả ba mục tiêu về thái độ, kiến thức và phương pháp cho học viên.
 Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện hoạt động viết và tổ chức báo cáo chuyên đề cho học viên vẫn còn tồn tại một số hạn chế sau:
       Một là, chưa thực hiện nghiêm túc yêu cầu viết chuyên đề: Bài viết trình bày chưa theo quy chuẩn, thời gian nộp bài còn chưa đúng hạn, chữ viết nguệch ngoặc, viết ngắn chiếu lệ, còn có hiện tượng cắt ghép các nội dung, thậm chí sao chép y nguyên giữa lớp này với lớp khác.
       Hai là, nội dung bài viết chuyên đề chưa đạt yêu cầu. Phần lớn các bài báo cáo chưa có lý do chọn đề tài, còn thiên về mô tả đặc điểm tình hình địa phương, chưa đi sâu phân tích những vấn đề liên quan đến nội dung báo cáo, chưa có đánh giá về thực trạng địa phương… Do đó, các giải pháp nêu ra chung chung, mang tầm vĩ mô, chưa cụ thể, sát thực.
      Ba là, quá trình tổ chức báo cáo còn một số bất cập: hoạt động chia nhóm viết báo cáo chủ yếu nhóm trưởng chịu trách nhiệm, còn chưa phát huy được hết vai trò của các thành viên trong nhóm; đại diện học viên lên báo cáo chủ yếu đọc lại bài viết, chưa biết tóm tắt, chuyển từ văn viết sang văn nói. Mặc dù học viên đã sử dụng phần mềm trình chiếu, nhưng cũng chưa tóm tắt gọn; phần trình chiếu và báo cáo viết tay có nội dung khác nhau, dẫn đến lúng túng trong trình bày...
       Có thể thấy chủ trương báo cáo chuyên đề thực tế cho học viên là một trong những cách đánh giá học viên toàn diện; có ý nghĩa to lớn, thiết thực đối với cả học viên, giảng viên và đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý của nhà trường. Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực hiện vẫn còn tồn tại những mặt hạn chế, nguyên nhân chủ yếu là do học viên chưa nắm được yêu cầu viết báo cáo chuyên đề, chưa được hướng dẫn kỹ về mục đích viết, nội dung viết, cách thức viết và báo cáo như thế nào. Để tổ chức hoạt động viết và báo cáo chuyên đề thực tế đạt hiệu quả như mong đợi, chúng tôi đưa ra một số khuyến nghị sau:
       Thứ nhất, Trách nhiệm của nhà quản lý: Phải tiến hành kiểm tra, giám sát sát sao hoạt động tổ chức báo cáo chuyên đề thực tế ở các khoa; yêu cầu các giảng viên đi nghe học viên báo cáo để rút kinh nghiệm, học tập lẫn nhau và học tập những cách làm hay của học viên, nâng cao ý thức gắn thực tiễn vào nội dung bài học đối với từng giảng viên.
        Thứ hai, về trách nhiệm của giảng viên hướng dẫn:
       - Khi hướng dẫn học viên viết chuyên đề báo cáo, phải chỉ rõ cho học viên mục đích, nội dung và cách thức viết, báo cáo một chuyên đề thực tế; nhấn mạnh lý do viết phải xuất phát từ thực tế công tác cá nhân, khi chọn đề tài phải nắm chắc phần cơ sở lý luận, đồng thời chú ý liên hệ thực tiễn, chỉ rõ thực trạng vấn đề đang cần giải quyết ở đơn vị mình trong thời gian qua, từ đó đề xuất những biện pháp giải quyết đúng đắn; có thể đưa mẫu cho học viên tham khảo; khuyến khích học viên trao đổi với giáo viên để viết báo cáo cho đúng, đạt yêu cầu.
       - Khi tổ chức báo cáo cho học viên phải xây dựng kế hoạch chi tiết, từ cách thức tiến hành, cách đặt câu hỏi, cách nhận xét đánh giá, chấm điểm sao cho sát, đúng với mục đích yêu cầu và hướng đến hiệu quả cần đạt được.
       Trên đây là một số suy nghĩ cá nhân, rất cần nhận được sự trao đổi của đồng chí, đồng nghiệp, qua đó tìm ra những biện pháp, cách làm đúng đắn, khoa học, có giá trị thực tế, nhằm làm cho việc đánh giá học viên thông qua hoạt động báo cáo thực tế có ý nghĩa thiết thực và đạt được mục tiêu như mong đợi.
 

*[i] Khoa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa
Tài liệu tham khảo
 
(1) PGS,TS. Trương Thị Thông, ThS. Lương Trọng Thành. Đổi mới công tác quản lý đào tạo, bồi dưỡng cán bộ - Từ thực tiễn Trường Chính trị Thanh Hóa” (2015), NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 66
 
 
Số lượt truy cập
Hôm nay:
54
Hôm qua:
2605
Tuần này:
8872
Tháng này:
59029
Tất cả:
4.357.566