THI ĐUA "CHỦ ĐỘNG, ĐỒNG BỘ, ĐỘT PHÁ, KỶ CƯƠNG, CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ" XÂY DỰNG TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH THANH HOÁ ĐẠT CHUẨN TRONG NHÓM CÁC TRƯỜNG DẪN ĐẦU CẢ NƯỚC                                                                                           MỪNG ĐẤT NƯỚC ĐỔI MỚI, MỪNG ĐẢNG QUANG VINH, MỪNG XUÂN ẤT TỴ NĂM 2025!
             
NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 95 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM (03/2/1930 - 03/2/2025)!

Một vài trao đổi về việc đưa nội dung “Quy chế Giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội” vào giảng dạy Nghiệp vụ công tác dân vận ở Trường Chính trị tỉnh

Đăng lúc: 06:50:09 16/07/2015 (GMT+7)1978 lượt xem

 
                                                                       GVC.Mai Thị Viện
                                                                     Phó trưởng Khoa Dân vận
Để góp phần nâng cao chất lượng công tác dân vận và hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể ở cơ sở, đòi hỏi phải nâng cao nghiệp vụ công tác cho cán bộ các đoàn thể nhân dân. Hiện tại, chương trình đào tạo Trung cấp Lý luận chính trị - Hành chính có môn “Nghiệp vụ công tác Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể nhân dân ở cơ sở”. Đây là môn học nhằm cung cấp những kiến thức cơ bản về nghiệp vụ công tác Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể ở cơ sở, từ đó giúp cán bộ cơ sở liên hệ vận dụng vào thực tiễn công tác mặt trận, phụ nữ, nông dân…
Qua thực tế giảng dạy, tôi có một số suy nghĩ về việc áp dụng “Quy chế Giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội” (gọi tắt là Quy chế giám sát và phản biện xã hội) vào giảng dạy “Nghiệp vụ công tác Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể nhân dân ở cơ sở” như sau:
Thứ nhất, giảng viên cần làm rõ các thuật ngữ: giám sát, phản biện, phản biện xã hội là gì, mục đích của giám sát và phản biện xã hội?
          Theo Đại từ điển tiếng Việt, giám sát là "theo dõi, kiểm tra việc thực thi nhiệm vụ"[1]. Giám sát là quan sát, theo dõi diễn biến của đối tượng giám sát xem sự việc diễn ra, hành vi của đối tượng có phù hợp với những yêu cầu, qui định đề ra hay không rồi phản ánh, báo cáo, kiến nghị với những cơ quan, người có thẩm quyền.
        Giám sát nhằm góp phần xây dựng và thực hiện đúng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, các chương trình kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại; kịp thời phát hiện những sai sót, khuyết điểm, yếu kém và kiến nghị sửa đổi, bổ sung các chính sách cho phù hợp; phát hiện, phổ biến những nhân tố mới, những mặt tích cực; phát huy quyền làm chủ của nhân dân, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh.
Cũng theo Đại từ điển Tiếng Việt, phản biện là "đánh giá chất lượng của luận văn tốt nghiệp đại học, luận án trên đại học trước hội đồng luận án trên đại học, trước hội đồng chấm: phản biện luận văn tốt nghiệp - phản biện luận án phó tiến sĩ"[2].
Phản biện xã hội là sự nhận xét đánh giá của xã hội, của nhân dân và các nhà khoa học về chủ trương, chính sách, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội của Đảng, Nhà nước, về các chương trình phát triển kinh tế - chính trị - xã hội ở địa phương.
Phản biện xã hội nhằm phát hiện những nội dung còn thiếu, chưa sát, chưa đúng, chưa phù hợp trong các văn bản dự thảo của các cơ quan Đảng, Nhà nước; kiến nghị những nội dung thiết thực, góp phần bảo đảm tính đúng đắn, phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội và tính hiệu quả trong việc hoạch định chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân; phát huy dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội.
Thứ hai, giảng viên phải giúp học viên phân biệt rõ hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc khác với hoạt động thanh tra của Chính phủ, khác với hoạt động kiểm tra Đảng và khác với hoạt động giám sát của cơ quan quyền lực ở chỗ nào? Phản biện của Mặt trận và các đoàn thể khác với phản biện khoa học ở chỗ nào?
Bởi hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể mang tính nhân dân, không mang tính quyền lực như giám sát của các cơ quan Nhà nước. Tức là Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể vận động quần chúng nhân dân giám sát việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng; luật pháp, chính sách chế độ của Nhà nước; chương trình kế hoạch, dự án, đề án của Nhà nước, địa phương và của Hội với cơ chế theo dõi, phát hiện, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định
Theo Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể,  đối tượng giám sát là các cơ quan, tổ chức từ Trung ương đến cơ sở; cán bộ, đảng viên, đại biểu dân cử, công chức,viên chức nhà nước. Nội dung giám sát là việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước (trừ những vấn đề thuộc bí mật quốc gia) của cơ quan, tổ chức và cá nhân.
Đối tượng phản biện xã hội là các văn bản dự thảo về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật, các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Nhà nước (trừ những vấn đề thuộc bí mật quốc gia) phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của mình. Nội dung phản biện xã hội bao gồm: Sự cần thiết, tính cấp thiết của văn bản dự thảo. Sự phù hợp của văn bản dự thảo với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; thực tiễn của đơn vị, địa phương. Tính đúng đắn, khoa học, phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội và tính khả thi của văn bản dự thảo. Dự báo tác động, hiệu quả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của văn bảo dự thảo.
Thứ ba,giảng viên cần làm rõ cơ sở hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể?
Cơ sở lý luận hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể là Chỉ thị, Nghị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Điều lệ, Chương trình hành động của Mặt trận và của các đoàn thể.
Ví dụ, khi giảng bài “Nghiệp vụ công tác Mặt trận Tổ quốc và vận động xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc ở cơ sở” giảng viên cần chỉ rõ theo văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI, giám sát và phản biện xã hội không chỉ là chức năng, nhiệm vụ mà còn là quyền của Mặt trận Tổ quốc “Đảng, Nhà nước có cơ chế, chính sách tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân hoạt động có hiệu quả, thực hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội”1; theo Luật Mặt trận Tổ quốc, giám sát và phản biện xã hội là nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc; theo Văn kiện Đại hội Mặt trận Tổ quốc lần thứ VIII, giám sát và phản biện xã hội là chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhiệm kỳ 2014 – 2019. “Mặt trận chủ động phối hợp với chính quyền và các tổ chức thành viên trong công tác giám sát và phản biện xã hội” và “Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội chủ động đề xuất, phối hợp với các cấp chính quyền lựa chọn giám sát các nội dung, lĩnh vực phù hợp, thiết thực với đời sống nhân dân”.
Hoặc khi giảng bài “Nghiệp vụ công tác Hội phụ nữ và vận động phụ nữ ở cơ sở”, giảng viên cần chỉ rõ: giám sát và phản biện việc thực hiện luật pháp chính sách về bình đẳng giới là chủ trương của Đảng theo Nghị quyết số 11-NQ/BCT ngày 27/4/2007 về “Công tác phụ nữ thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; là một trong sáu nhiệm vụ trọng tâm của Hội LHPN Việt Nam nhiệm kỳ 2012- 2017.
Cơ sở thực tiễn hoạt động giám sát, phản biện xã hội là cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Khi Đảng và Nhà nước đề ra chủ trương thí điểm “nhất thể hoá” ở cấp phường, xã và quận huyện (bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND) thì vai trò và tiếng nói phản biện của Mặt trận và các đoàn thể lại càng rất cần thiết. Chẳng hạn khâu lựa chọn nhân sự, khâu tổ chức và sắp xếp lại bộ máy làm việc... đều cần có ý kiến của Mặt trận. Sở dĩ như vậy vì Mặt trận chính là người thu thập được tiếng nói rộng rãi và chân thực của các đoàn thể chính trị-xã hội thuộc tổ chức của mình, của mọi người dân bình thường trong cộng đồng dân cư. Có một điều thuộc về tâm lý khá phổ biến, nhất là trong các cụm dân cư khi chính quyền tổ chức họp dân thì thường là không nhiều ý kiến, bởi người dân thường tỏ ra hơi...ngại!!! Có chăng chỉ là những ý kiến chung chung, “vô thưởng vô phạt” vì người dân không phải đảng viên cho rằng “chúng tôi có biết gì đâu mà nói”, “chuyện ấy đã có cấp trên lo” và “liệu chúng tôi nói có ai nghe không”...  Nhưng nếu là Mặt trận đứng ra tổ chức, nghĩa là bao gồm cả các chi hội, phụ nữ, thanh niên, người cao tuổi, chữ thập đỏ, cựu chiến binh, khuyến học...thì có khá nhiều ý kiến chân thực và sâu sắc. Lãnh đạo của phường, xã tham dự những cuộc họp rộng rãi như vậy để nghe, hoặc Ban công tác Mặt trận tập hợp và phản ánh lên một cách đầy đủ thì thường là có tác dụng lớn hơn, sát thực hơn. Trong thời gian vừa qua, phải thành thực nhận rằng vai trò giám sát và phản biện của Mặt trận chưa được các cấp uỷ Đảng và chính quyền coi trọng một cách đúng mức.
Thứ ,giảng viên phải có phông kiến thức sâu, rộng về hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và của từng đoàn thể nhân dân.
Theo giáo trình, trừ bài “Công tác vận động công nhân…” có ba phần lớn, các bài còn lại của môn học đều có kết cấu hai phần lớn, đó là: phần I. “Công tác Mặt trận Tổ quốc ở cơ sở”,  “Công tác Hội nông dân ở cơ sở”, “Công tác Hội phụ nữ ở cơ sở”…; phần II. “Nghiệp vụ công tác Mặt trận Tổ quốc và vận động xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc ở cơ sở”, “Nghiệp vụ công tác Hội phụ nữ ở cơ sở”, “Nghiệp vụ công tác công đoàn ở cở sở” (phần trọng tâm của mỗi bài). Nếu giảng viên không nắm vững mục đích, tính chất giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể? nguyên tắc, chủ thể giám sát và phản biện xã hội? đối tượng, nội dung, phạm vi, phương pháp giám sát và phản biện của Mặt trận Tổ quốc và của từng đoàn thể? quyền và trách nhiệm trong giám sát và phản biện xã hội dẫn đến trình bày trùng lắp kiến thức của bài sau với bài trước, gây nhàm chán cho học viên và người học sẽ lúng túng trong việc vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn công tác.
Ví dụ: Với bài “Công tác vận động phụ nữ…” giảng viên phải chỉ rõ Hội phụ nữ có quyền giám sát, phản biện xã hội việc thực hiện luật pháp chính sách về bình đẳng giới nhằm bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ, góp phần thực hiện mục tiêu bình đẳng giới ở tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, gia đình... Với bài “Công tác vận động nông dân…” giảng viên cần chỉ rõ Hội Nông dân có quyền giám sát và phản biện xã hội việc thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về các vấn đề liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn góp phần xây dựng nông thôn mới và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn…
Thứ năm, giảng viên phải thường xuyên cập nhật thực tiễn hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể địa phương cơ sở.
Nếu không cập nhật tiến trình xây dựng nông thôn mới ở cơ sở thì giảng viên sẽ không thể đưa vào bài giảng những thông tin về hoạt động giám sát của Ban giám sát đầu tư cộng đồng đối với việc xây dựng các công trình nhằm hoàn thành tiêu chí số 2 về giao thông, tiêu chí số 3 về thủy lợi, tiêu chí số 5 về trường học, tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất văn hóa, tiêu chí số 7 về chợ…
 Thứ sáu, giảng viên cần phải nắm vững đặc điểm đối tượng người học kết hợp với việc sử dụng các phương pháp giảng dạy tích cực.
Bởi hiện nay, đối tượng học Trung cấp lý luận chính trị - hành chính ở trường chính trị các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương không chỉ là cán bộ lãnh đạo quản lý ở cấp xã mà còn có cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc các cơ quan, đơn vị hành chính, sự nghiệp, doanh nghiệp…họ công tác ở tất cả các ngành, lĩnh vực ở cấp xã, cấp huyện… có điều kiện sống, làm việc, môi trường công tác khác nhau, nhu cầu, nguyện vọng và mục tiêu, động cơ học tập khác nhau nên cách tiếp cận thông tin về giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cũng khác nhau. Việc nắm vững đặc điểm về độ tuổi, giới tính, chức vụ, đơn vị công tác, vùng miền sinh sống của học viên cộng với phông kiến thức tổng hợp về giám sát và phản biện xã hội; việc sử dụng phương pháp thuyết trình kết hợp với các phương pháp nêu vấn đề, phát vấn, lấy ý kiến nhanh ghi lên bảng, sàng lọc, thảo luận nhóm, phương pháp chuyên gia và đặc biệt là phương pháp bài tập tình huống…; việc làm chủ các phương tiện giảng dạy hiện đại sẽ giảm nhẹ công việc của giảng viên đồng thời phát huy tính tích cực chủ động của học viên chắc chắn giờ giảng sẽ không bị đơn điệu nhàm chán, rập khuôn và giảng viên sẽ dẫn dắt người học nghiên cứu, khai thác các vấn đề cần giải quyết của bài học một cách hiệu quả./.
Tóm lại, để đưa nội dung Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể vào giảng dạy môn học Nghiệp vụ công tác Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể nhân dân có hiệu quả, đòi hỏi giảng viên phải nắm vững kiến thức cơ bản về nghiệp vụ công tác Mặt trận và đoàn thể nhân dân; có kiến thức lý luận, thực tiễn về hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc./.
 


[1]. Đại từ điển tiếng Việt. Nguyễn Như Ý (chủ biên). Nxb Đại học Quốc gia TP HCM.2008. tr 621.
[2] . Đại từ điển tiếng Việt. Nguyễn Như Ý (chủ biên). Nxb Đại học Quốc gia TP HCM.2008. tr 1238.
 
Số lượt truy cập
Hôm nay:
1110
Hôm qua:
1497
Tuần này:
7229
Tháng này:
15150
Tất cả:
5.107.659