Mùa xuân – 75 năm Thanh Hóa nhớ Bác lần đầu về thăm
Đăng lúc: 18:25:11 17/02/2022 (GMT+7)552 lượt xem
ThS. Nguyễn Thị Phương
Khoa Lý luận cơ sở
Khoa Lý luận cơ sở
Mừng xuân Nhâm Dần, mừng Đảng quang vinh tròn 92 tuổi, mặc dùtrong năm 2021 với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến toàn bộ đời sống xã hội, nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Thanh Hóa đã thực hiện thành công “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế xã hội; nhận thức rõ mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2022 và những năm tới với niềm tin mới, khí thế mới, động lực mới, khát vọng mới, quyết tâm mới đưa quê hương, đất nước bước vào một thời kỳ mới; hiện thực hóa “khát vọng thịnh vượng” sớm xây dựng tỉnh Thanh Hóa trở thành tỉnh “kiểu mẫu” như sinh thời Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn.
Cách đây vừa tròn 75 năm, trong lúc cuộckháng chiến toàn dânchống thực dân Pháp vừa bắt đầu, với tầm nhìn chiến lược về vùng đất địa linh nhân kiệt Thanh Hóa,trước khi cùng cơ quan đầu não về chiến khu Việt Bắc, ngày 20/02/1947, Bác chính thức về thăm Thanh Hóa lần đầu tiên. Trong bộn bề công việc kháng chiến, trong khói lửa của chiến tranh vệ quốc, Bác Hồ vẫn tiên liệu đầy mưu lượcvề một thế đi của nước, về một xu hướng phát triển của dân tộc, về thắng lợi của cách mạng, do đó phải bắt tay ngay vào những việc chuẩn bị cho tương lai. Vì vậy, ngay lần đầuvề thăm Thanh Hóa, khi gặp gỡ và nói chuyện với cán bộ, thân sĩ, trí thức, phú hào, các tầng lớp nhân dân tỉnh Thanh Hóa, Người giao nhiệm vụ: “Tỉnh Thanh Hóa phải trở nên một tỉnh “kiểu mẫu” và khẳng định niềm tin là: “Tỉnh Thanh Hoá theo tôi, muốn trở thành một tỉnh kiểu mẫu, nhất định được, vì người đông, đất rộng, của nhiều, chỉ còn thiếu sự điều khiển sắp đặt”[1].
Tuy nhiên, khi giao nhiệm vụ cho Thanh Hóa phải xây dựng thành tỉnh kiểu mẫu, ngay trong bài nói chuyện với cán bộ, thân sĩ, trí thức, phú hào, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh ngày 20/2/1947, cũng như trong bài viết “Thanh Hóa kiểu mẫu” sau chuyến về thăm Thanh Hóa lần đầu tiên của Người, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra những chỉ dẫn rất rõ về mục đích của việc xây dựng Thanh Hóa thành tỉnh kiểu mẫu là phải: “Làm cho người nghèo thì đủ ăn. Người đủ ăn thì khá giàu. Người khá giàu thì giàu thêm”[2]. Đồng thời, Người cũng nêu rõ phương châm là: “….phải làm sao cho mọi mặt chính trị, kinh tế, quân sự, phải là kiểu mẫu. Làm một người kiểu mẫu, một nhà kiểu mẫu, một làng kiểu mẫu, một huyện kiểu mẫu, một tỉnh kiểu mẫu. Quyết tâm làm thì sẽ thành kiểu mẫu. Một tỉnh kiểu mẫu, một nước kiểu mẫu, thì thế giới biết nước ta là một nước đáng được độc lập, thống nhất dân tộc tự do, kháng chiến thắng lợi”[3]. Cách làm là: “Đem tài dân, sức dân, của dân, làm lợi cho dân. Không phải Chính phủ xuất tiền ra làm. Chính phủ chỉ giúp kế hoạch cổ động. Vì vậy, những kế hoạch địa phương có thể tự thực hành được, cứ giúp cho đồng bào làm giàu dần, như hợp tác xã.... Việc gì cũng phải từ việc dễ đến việc khó, từ việc gấp đến việc hoãn, từ việc ít tốn tiền đến việc tốn nhiều tiền. Nói tóm lại: Kế hoạch phải thiết thực, phải làm được. Chớ làm kế hoạch đẹp mắt, to tát, kể hàng triệu nhưng không thực hiện được…”[4].
Như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn và trong hoàn cảnh vô cùng sôi động, khẩn trương lúc bấy giờ, Người đã nói, đã viết, đã căn dặn cán bộ và nhân dân Thanh Hóa bao điều quý giá. Thời gian đã lùi xa, những lời căn dặn của Người giờ đây vẫn còn nguyên vẹn tính thời sự, vẫn còn mới mẻ và hiện đại. Hơn nữa, những điều Người căn dặn tỉnh Thanh còn có ý nghĩa căn dặn chung đồng bào cả nước. Những gì Người mong muốn cho Thanh Hóa trở nên giàu đẹp, phát triển thành một điển hình mẫu mực cũng mang ý nghĩa thôi thúc cả nước hướng đổi mới, tiến bộ và phát triển. Tình cảm và sự quan tâm của Người dành cho Thanh Hóa cũng đồng thời dành cho cả nước. Đó là điều vô cùng sâu sắc và cảm động, riêng – chung hòa quyện làm một, Nhà – Làng – Nước là một, tình yêu dân chúng, đồng bào các dân tộc thiểu số, tôn giáo cũng như lương, từ trẻ em cho đến các cụ già… tất cả đều ở trong sự quan tâm rất mực chân thành của Người.
Khắc sâu lời dạy của Bác, trong hai cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa đã khắc phục khó khăn, gian khổ, vừa kiên cường chiến đấu bảo vệ quê hương, vừa tích cực đóng góp sức người sức của, chi viện cho chiến trường, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Trong thời kỳ cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội và tiến hành công cuộc đổi mới, xây dựng Thanh Hóa thành tỉnh kiểu mẫu như những lời căn dặn và chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn là mục tiêu quyết tâm thực hiện của Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa. Năm 2021, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là những ảnh hưởng rất nghiêm trọng của đại dịch COVID-19, song đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa đã đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Có 21/26 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm đạt 8,85%, nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước. Các chỉ tiêu kinh tế quan trọng đều tăng khá và tăng cao so với cùng kỳ, trong đó thu ngân sách nhà nước đạt trên 36 nghìn tỷ đồng; giá trị xuất khẩu đạt 5,339 tỷ USD, tăng 42,7% so với cùng kỳ. Tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công đạt cao nhất từ trước đến nay và đứng thứ hai cả nước. Các hoạt động văn hóa – xã hội chuyển biến tiến bộ; các chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị đạt kết quả tích cực.
Đặc biệt, khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 58 vào ngày 05-8-2020 về “xây dựng và phát triển Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”đã mở ra cho tỉnh Thanh Hóa những thời cơ, vận hội mới để Thanh Hóa vươn lên mạnh mẽ, đột phá trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc. Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Thanh Hóa ngày càng ý thức được trách nhiệm trước sự quan tâm, kỳ vọng của Trung ương và quyết tâm tổ chức thực hiện thật tốt các nội dung của Nghị quyết. Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện, đến nay, Thanh Hóa đã hoàn thành việc quán triệt, triển khai, thể chế hóa cũng như ban hành kế hoạch chương trình hành động thực hiện Nghị quyết. Thanh Hóa cũng chủ động phối hợp nghiên cứu xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù của địa phương báo cáo Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, trước khi được Quốc hội khóa XV xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 2 diễn ra vào tháng 11 năm 2021 vừa qua. Thanh Hoá nhận thức sâu sắc rằng, việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 58, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 37 thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước dành cho tỉnh, là cơ hội, điều kiện thuận lợi cho tỉnh phát triển nhanh, bền vững; đồng thời, cũng đặt ra yêu cầu phát triển cao hơn đối với Tỉnhđể đáp lại sự tin tưởng, kỳ vọng của Trung ương.Tuy nhiên, các cơ chế, chính sách này mới là khung chính sách mang tính định hướng, dẫn dắt, đặt nền tảng, tạo dư địa, không tự thân mang lại hiệu quả, mà điều quan trọng hơn là Đảng bộ, chính quyền, các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh Thanh Hóa phải nỗ lực, phấn đấu thực hiện tốt các nhiệm vụ thì mới được hưởng thành quả từ chính sách mang lại.
Để đưa nhanh các cơ chế, chính sách đặc thù vào cuộc sống và phát huy hiệu quả, tăng thêm nguồn lực, động lực cho kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm. Đó là chủ động, tích cực phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương xây dựng, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành các văn bản cụ thể hóa Nghị quyết số 37 của Quốc hội, làm cơ sở để tổ chức thực hiện; đồng thời, tập trung xây dựng, sửa đổi, bổ sung các thể chế, cơ chế, chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cho phù hợp để triển khai thực hiện đồng bộ nhằm phát huy hiệu quả cao nhất.Trên cơ sở nội dung 8 chính sách đặc thù, Tỉnh ủy, UBND tỉnh phân công trách nhiệm cụ thể cho các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị cấp tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố trong tổ chức triển khai thực hiện từng nhiệm vụ, nội dung công việc cụ thể; thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện; tăng cường phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố được Quốc hội ban hành cơ chế, chính sách tương đồng như Thanh Hóa để triển khai thực hiện hiệu quả, đúng trình tự, thủ tục. Theo đó, Tỉnh quyết định lấy Khu kinh tế Nghi Sơn, TP Thanh Hóa, TP Sầm Sơn và Cảng hàng không Thọ Xuân làm trọng điểm để tăng cường kết nối với các địa phương, nhất là trong xúc tiến đầu tư, huy động và phân bổ nguồn lực, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; từ đó, đào tạo nhân lực, thu hút, tạo việc làm, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, xây dựng các tuyến du lịch liên tỉnh, liên vùng...
Có được những kết quả và dấu ấn như trên là nhờ sự lãnh đạo của Tỉnh ủy đã khơi dậy được niềm tự hào, ý chí, nghị lực của gần 230 nghìn đảng viên trong Đảng bộ và 3,65 triệu dân cùng chung mục tiêu phấn đấu xây dựng Thanh Hóa phát triển, đáp lại sự quan tâm, kỳ vọng của Trung ương đối với Thanh Hóa và thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu “Thanh Hóa phải trở nên một tỉnh kiểu mẫu”.
Kế thừa, phát huy truyền thống lịch sử cách mạng vẻ vang của quê hương Thanh Hóa anh hung, những kết quả đạt được sẽ là tiền đề, điều kiện để tỉnh ta bước sang giai đoạn mới với khí thế mới, vận hội mới, quyết tâm mới của toàn Đảng bộ, toàn quân và dân các dân tộc trong tỉnh, phấn đấu hiện thực hóa Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nghị quyết đại hội các cấp, nhiệm kỳ 2021-2025 cùng với Nghị quyết 58 - NQ/TW của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Nghị quyết số 37 vào cuộc sống và thực hiện có hiệu quả.
Mặc dù, ngày Bác Hồ về thăm và căn dặn tỉnh Thanh Hoá đã 75 năm, nhưng những lời dạy của Bác cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Đây không chỉ là ý thức trách nhiệm và quyết tâm nỗ lực hành động làm theo lời Bác dạy của đồng bào, cán bộ, đảng viên Thanh Hóa mà còn của toàn Đảng, toàn dân, trong cả nước. Hiểu thấu những lời Người dạy để làm tất cả những gì có thể làm, để thực hành đầy đủ và tốt nhất những việc làm cụ thể, thiết thực, noi theo, làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách của Người trong cuộc sống hôm nay, để cùng đồng tâm, nhất trí, tạo nên sự đồng thuận trong chặng đường tiếp tục đổi mới vì một đất nước giàu mạnh như Người đã từng mong ước.
Để xây dựng Thanh Hóa thành tỉnh kiểu mẫu, đòi hỏi Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đoàn kết nhất trí, quyết tâm thực hiện; mỗi người trong đó đảng viên phải gương mẫu đi đầu; mỗi ngành, mỗi địa phương trong tỉnh, mỗi cơ quan, đơn vị phải có chương trình hành động và giải pháp cụ thể để học tập và làm theo lời dạy của Người, phấn đấu làm cho Thanh Hóa phải trở thành kiểu mẫu để hiện thực hóa “khát vọng thịnh vượng”, sớm xây dựng tỉnh Thanh Hóa trở thành tỉnh “kiểu mẫu” như sinh thời Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn.
Chúng ta nguyện chung sức, đồng lòng quyết tâm xây dựng quê hương Thanh Hóa ngày càng giàu đẹp, văn minh, kiểu mẫu, như nhà thơ Tố Hữu từng viết:
“Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn
Xin nguyện cùng Người vươn tới mãi”./.
---------------------
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2011, t.5, tr73
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2011, t.5, tr81
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2011, t.5, tr77
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2011, t.5, tr81
[5]“Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2021, kế hoạch phát triển năm 2022”đăngBaothanhhoa.vn ngày 8/12/2021.
[6] “Dấu ấn phát triển kinh tế năm 2021” đăng Baothanhhoa.vn ngày 01/01/2022.
Các tin khác
- Mô hình “5 được, 5 sản phẩm, 5 quán xuyến, 5 thông qua, 5 vai trò” trong công tác chủ nhiệm lớp
- Nữ cán bộ, viên chức Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá đẩy mạnh phong trào thi đua xây dựng trường đạt chuẩn mức 2
- Vận dụng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chống thói ba hoa trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” để nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị
- Giải phóng Thủ đô Hà Nội - Sự kiện trọng đại của dân tộc Việt nam
- Ý nghĩa của Tuyên ngôn Độc lập đối với cách mạng Việt Nam
- Học tập Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế
- Một số giải pháp xây dựng văn hóa doanh nghiệp trong cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa giai đoạn hiện nay - Thực tiễn từ Tổng Công ty Hợp Lực, Thanh Hóa
- Báo cáo từ chương trình nghiên cứu thực tế lớp Bồi dưỡng cán bộ dự nguồn Ban Chấp hành Đảng bộ và các chức danh lãnh đạo, quản lý huyện Thạch Thành, nhiệm kỳ 2025 - 2030, 2026 - 2031
- Giải pháp nâng cao chất lượng Trang thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá đáp ứng yêu cầu chuẩn hóa theo Quy định số 11
- Đóng góp của lực lượng vũ trang Thanh Hóa trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược
Liên kết website
Số lượt truy cập
Hôm nay:
133
Hôm qua:
2301
Tuần này:
4755
Tháng này:
12676
Tất cả:
5.105.185