HƯỞNG ỨNG NGÀY SÁCH VÀ VĂN HOÁ ĐỌC VIỆT NAM (21/4/2021 - 21/4/2024)

Mùa xuân – Nhớ Bác về thăm Thanh Hóa

Đăng lúc: 11:06:00 20/02/2021 (GMT+7)678 lượt xem

 ThS. Nguyễn Thị Phương
Khoa lý luận cơ sở
 
 Mừng xuân Tân Sửu, mừng Đảng quang vinh tròn 91 tuổi, đặc biệt vui mừng với thành công rực rỡ của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc Thanh Hóa vui mừng trước những kết quả đạt được của đất nước, tỉnh nhà; nhận thức rõ mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2021 và những năm tới với niềm tin mới, khí thế mới, động lực mới, khát vọng mới, quyết tâm mới đưa quê hương, đất nước bước vào một thời kỳ mới; hiện thực hóa “khát vọng thịnh vượng” sớm xây dựng tỉnh Thanh Hóa trở thành tỉnh “kiểu mẫu” như sinh thời Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn.
Trong không khí tiết trời mùa xuân, thời điểm giao hòa giữa năm cũ và năm mới, chúng ta không khỏi bùi ngùi nhớ lại những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi lần đầu tiên Người về thăm Thanh Hóa (20/02/1947 – 20/02/2021).
          Cách đây vừa tròn 74 năm, cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện chống thực dân Pháp xâm lược đã bắt đầu. Trước khi cùng cơ quan đầu não về chiến khu Việt Bắc để chỉ huy cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, với tầm nhìn chiến lược về vùng đất Thanh Hóa - một vùng đất thiêng, địa linh nhân kiệt, con người xứ Thanh có cốt cách và tiềm năng sáng tạo được hun đúc từ lịch sử văn hóa của dân tộc Việt hàng ngàn năm, là một phần máu thịt thiêng liêng của đất nước Việt Nam và dân tộc Việt Nam, ngày 20/02/1947, Bác chính thức về thăm Thanh Hóa lần đầu tiên. Trong bộn bề công việc kháng chiến, trong khói lửa của chiến tranh vệ quốc, Bác Hồ vẫn tiên liệu đầy mưu lược, sáng suốt về một thế đi của đất nước, về một xu hướng phát triển của dân tộc, về thắng lợi của cách mạng, do đó phải bắt tay ngay vào những việc chuẩn bị cho tương lai. Vì vậy, ngay lần đầu về thăm Thanh Hóa, khi gặp gỡ và nói chuyện với cán bộ, thân sĩ, trí thức, phú hào và các tầng lớp nhân dân, Người giao nhiệm vụ: “Tỉnh Thanh Hóa phải trở nên một tỉnh “kiểu mẫu” và khẳng định niềm tin: “Tỉnh Thanh Hoá theo tôi, muốn trở thành một tỉnh kiểu mẫu, nhất định được, vì người đông, đất rộng, của nhiều, chỉ còn thiếu sự điều khiển sắp đặt”[1].
Tuy nhiên, khi giao nhiệm vụ cho Thanh Hóa phải xây dựng thành tỉnh kiểu mẫu, ngay trong bài nói chuyện với cán bộ, thân sĩ, trí thức, phú hào, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh ngày 20/2/1947, cũng như trong bài viết “Thanh Hóa kiểu mẫu”, mà Người đã viết sau chuyến về thăm Thanh Hóa lần đầu tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra những chỉ dẫn rất rõ về mục đích của việc xây dựng Thanh Hóa thành tỉnh kiểu mẫu là phải: “Làm cho người nghèo thì đủ ăn. Người đủ ăn thì khá giàu. Người khá giàu thì giàu thêm[2]. Đồng thời, Người cũng nêu rõ phương châm là: “….phải làm sao cho mọi mặt chính trị, kinh tế, quân sự, phải là kiểu mẫu. Làm một người kiểu mẫu, một nhà kiểu mẫu, một làng kiểu mẫu, một huyện kiểu mẫu, một tỉnh kiểu mẫu.Quyết tâm làm thì sẽ thành kiểu mẫu. Một tỉnh kiểu mẫu, một nước kiểu mẫu, thì thế giới biết nước ta là một nước đáng được độc lập, thống nhất dân tộc tự do, kháng chiến thắng lợi”[3]. Cách làm là: “Đem tài dân, sức dân, của dân, làm lợi cho dân. Không phải Chính phủ xuất tiền ra làm.Chính phủ chỉ giúp kế hoạch cổ động. Vì vậy, những kế hoạch địa phương có thể tự thực hành được, cứ giúp cho đồng bào làm giàu dần, như hợp tác xã.... Việc gì cũng phải từ việc dễ đến việc khó, từ việc gấp đến việc hoãn, từ việc ít tốn tiền đến việc tốn nhiều tiền. Nói tóm lại: Kế hoạch phải thiết thực, phải làm được.Chớ làm kế hoạch đẹp mắt, to tát, kể hàng triệu nhưng không thực hiện được…[4].
Như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn ngủi và trong hoàn cảnh vô cùng sôi động, khẩn trương lúc bấy giờ, Người đã nói, đã viết, đã căn dặn cán bộ và nhân dân Thanh Hóa bao điều quý giá. Thời gian đã lùi xa, những lời căn dặn của Người giờ đây vẫn còn nguyên vẹn tính thời sự, vẫn còn mới mẻ và hiện đại.Hơn nữa, những điều Người căn dặn tỉnh Thanh còn có ý nghĩa căn dặn chung đồng bào cả nước, những gì Người mong muốn cho Thanh Hóa trở nên giàu đẹp, phát triển thành một điển hình mẫu mực cũng mang ý nghĩa thôi thúc cả nước hướng đổi mới, tiến bộ và phát triển. Tình cảm và sự quan tâm của Người dành cho Thanh Hóa cũng đồng thời dành cho cả nước. Đó là điều vô cùng sâu sắc và cảm động, riêng – chung hòa quyện làm một, Nhà – Làng – Nước là một, tình yêu dân chúng, đồng bào các dân tộc thiểu số, tôn giáo cũng như lương, từ trẻ em cho đến các cụ già… tất cả đều ở trong sự quan tâm rất mực chân thành và chu đáo của Người.
Khắc sâu lời dạy của Bác, trong 2 cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa đã khắc phục khó khăn, gian khổ, vừa kiên cường chiến đấu bảo vệ quê hương, vừa tích cực đóng góp sức người sức của, chi viện cho chiến trường, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Thời kỳ cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội và tiến hành công cuộc đổi mới, xây dựng Thanh Hóa thành tỉnh kiểu mẫu như những lời căn dặn và chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn là mục tiêu quyết tâm thực hiện của Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa.
Trong giai đoạn đổi mới hiện nay, mặc dù còn muôn vàn gian khó, nhưng với bản lĩnh, trí tuệ, phẩm chất của con người Xứ Thanh càng trong gian khó càng cố gắng vượt khó để vươn lên. Đặc biệt, trong 5 năm gần đây với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ, chính quyền và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Thanh Hóa đã gặt háiđược nhiều kết quả đáng khích lệ. Với nhiều thành công và thắng lợi là minh chứng, Thanh Hóa được khẳng định: chưa bao giờ có được tiềm lực và vị thế như ngày nay. Trong đó, phải nói đến kinh tế của tỉnh vẫn duy trì đà tăng trưởng, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRGP) đạt 6,08%, là mức tăng trưởng cao so với bình quân chung của cả nước (GDP tăng 2,91%). Với những dấu ấn sâu đậm trên các mặt, các lĩnh vựcnhư:
Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục được quan tâm đầu tư. Chúng ta đã quan tâm huy động các nguồn lực đầu tư của Nhà nước, của các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước, của người dân để tập trung đầu tư vào hệ thống hạ tầng giao thông, thủy lợi, đê điều, sân bay, cảng biển, y tế, giáo dục… Tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội đạt 610 nghìn tỷ đồng, đạt mục tiêu Đại hội, gấp 1,8 lần giai đoạn 2011 – 2015.
Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã đi vào vận hành thương mại vào ngày 28-12-2018. Đây có thể coi là cố gắng rất lớn của nhiều thế hệ lãnh đạo và các tầng lớp nhân dân tỉnh ta, nhất là nhân dân vùng bị ảnh hưởng của dự án. Đến nay, Nhà máy đã đóng góp rất lớn cho tăng trưởng kinh tế, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước khá tốt.
Là một tỉnh có địa bàn rộng lớn, số người dân làm nông nghiệp và sống trong khu vực nông nghiệp, nông thôn lớn với khoảng 2,4 trên 3,65 triệu người, Thanh Hóa đã tập trung rất cao để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Đến nay, toàn tỉnh đã có 8 đơn vị cấp huyện, 397 xã, 967 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới; 18 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; bình quân đạt 17,5 tiêu chí/xã; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 65,75%, thuộc nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước.
Trong lĩnh vực xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, Thanh Hóa đã rất thành công trong tổ chức thực hiện các Nghị quyết số 18, 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị về sắp xếp, tinh giản tổ chức bộ máy ở các cấp. Thanh Hóađi đầu cả nước trong việc thực hiện các nghị quyết này, được Trung ương Đảng và các tỉnh, thành khác đánh giá rất cao.
Dấu ấn đặc biệt nhất phải kể đến là vào ngày 17-7-2020, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng, Bộ Chính trị đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Đề án xây dựng và phát triển Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tiếp đó, ngày 05-8-2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 58-NQ/TW. Đây là niềm vinh dự, tự hàocũng là sự khích lệ, tin tưởng, kỳ vọng của Trung ương vào tương lai tươi sáng của quê hương Thanh Hóa. Là sự kiện có ý nghĩa lịch sử, mở ra cho tỉnh Thanh Hóa những thời cơ, vận hội mới để tỉnh tiếp tục vươn lên mạnh mẽ, đột phá trở thành cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh trở thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc.
Có được những kết quả và dấu ấn như trên là nhờ có sự lãnh đạo của Tỉnh ủy đã khơi dậy được niềm tự hào, ý chí, nghị lực của gần 230 nghìn đảng viên trong Đảng bộ và 3,65 triệu người dân Thanh Hóa cùng chung mục tiêu phấn đấu xây dựng Thanh Hóa phát triển, đáp lại sự quan tâm, kỳ vọng của Trung ương đối với Thanh Hóa và thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu “Thanh Hóa phải trở nên một tỉnh kiểu mẫu”.
Kế thừa, phát huy truyền thống lịch sử - văn hóa, truyền thống cách mạng hết sức vẻ vang của quê hương Thanh Hóa anh hùng và những kết quả đạt được nêu trên sẽ là tiền đề, điều kiện để tỉnh ta bước sang giai đoạnmới với khí thế mới, vận hội mới, quyết tâm mới của toàn Đảng bộ, toàn quân và dân các dân tộc trong tỉnh phấn đấu hiện thực hóa Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nghị quyết đại hội các cấp, nhiệm kỳ 2021-2025 cùng với Nghị quyết 58 – NQ/TW của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” vào cuộc sống và thực hiện có hiệu quả.
Mặc dù Bác Hồ về thăm và căn dặn tỉnh Thanh Hóa đã cách đây 74 năm,nhưng những lời dạy của Bác cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Đây không chỉ là ý thức trách nhiệm và quyết tâm nỗ lực hành động làm theo lời Bác dạy của đồng bào, cán bộ, đảng viên Thanh Hóa mà còn của toàn Đảng, toàn dân, trong cả nước; do đó, chúng ta cần hiểu thấu những lời Người dạy để làm tất cả những gì có thể làm, để thực hành đầy đủ và tốt nhất những việc làm cụ thể, thiết thực, noi theo, làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách của Người trong cuộc sống hôm nay, để cùng đồng tâm, nhất trí, tạo nên sự đồng thuận trong chặng đường tiếp tục đổi mới vì một đất nước giàu mạnh như Người đã từng mong ước.
Để xây dựng Thanh Hóa thành tỉnh kiểu mẫu, đòi hỏi Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đoàn kết nhất trí, quyết tâm thực hiện; mỗi người trong đó đảng viên phải gương mẫu đi đầu; mỗi ngành, mỗi địa phương trong tỉnh, mỗi cơ quan, đơn vị phải có chương trình hành động và giải pháp cụ thể để học tập và làm theo lời dạy của Người, phấn đấu làm cho Thanh Hóa phải trở thành kiểu mẫu để hiện thực hóa “khát vọng thịnh vượng” sớm xây dựng tỉnh Thanh Hóa trở thành tỉnh “kiểu mẫu” như sinh thời Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn.
Chúng ta nguyện chung sức, đồng lòng quyết tâm xây dựng quê hương Thanh Hóa ngày càng giàu đẹp, văn minh, kiểu mẫu, như nhà thơ Tố Hữu từng viết: 
Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn
Xin nguyện cùng Người vươn tới mãi”


[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2011, t.5, tr73
[2]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2011, t.5, tr81
[3]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2011, t.5, tr77
[4]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2011, t.5, tr81
Số lượt truy cập
Hôm nay:
1403
Hôm qua:
1836
Tuần này:
9733
Tháng này:
41379
Tất cả:
4.406.259