HƯỞNG ỨNG NGÀY SÁCH VÀ VĂN HOÁ ĐỌC VIỆT NAM (21/4/2021 - 21/4/2024)

Mùa xuân nhớ Bác

Đăng lúc: 16:14:27 18/02/2019 (GMT+7)1062 lượt xem

ThS. Nguyễn Thị Phương 
CLB Giảng viên trẻ
 
Nhà thơ Tố Hữu từng viết: 
Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn
Xin nguyện cùng Người vươn tới mãi”
Một mùa xuân mới lại về, khép lại năm 2018 với nhiều kết quả mang tính đột phá, tạo ra những con số ấn tượng chưa từng có từ trước đến nay. Hân hoan trong niềm vui chung của đất nước, niềm vui của tỉnh nhà. Mừng xuân Kỷ Hợi, mừng Đảng quang vinh tròn 89 tuổi. Đảng bộ và nhân dân tỉnh Thanh Hóa vui mừng trước những kết quả đạt được, nhận thức rõ mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2019, mùa xuân này chúng ta không khỏi bùi ngùi nhớ lại những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi lần đầu tiên Người về thăm Thanh Hóa (20/02/1947).
          Cách đây vừa tròn 72 năm, trong lúc kháng chiến toàn dân, toàn diện chống thực dân Pháp xâm lược vừa bắt đầu. Với tầm nhìn chiến lược về vùng đất Thanh Hóa - một vùng đất thiêng, địa linh nhân kiệt, con người Thanh Hóa với cốt cách và tiềm năng sáng tạo được hun đúc từ lịch sử văn hóa của dân tộc Việt hàng ngàn năm, là một phần máu thịt thiêng liêng của đất nước Việt Nam và dân tộc Việt Nam, vì vậy, trước khi cùng cơ quan đầu não về chiến khu Việt Bắc, chỉ huy cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, làm nên huyền thoại lịch sử của cả một dân tộc quyết giương cao ngọn cờ giải phóng, quyết giữ vững nền độc lập tự do cho Tổ quốc, thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu làm nô lệ, ngày 20/02/1947, Bác chính thức về thăm Thanh Hóa lần đầu tiên. Trong bộn bề công việc kháng chiến, trong khói lửa của chiến tranh vệ quốc, Bác Hồ vẫn tiên liệu đầy mưu lược, sáng suốt về một thế đi của nước, về một xu hướng phát triển của dân tộc, về thắng lợi của cách mạng, do đó phải bắt tay ngay vào những việc chuẩn bị cho tương lai. Vì vậy, ngay lần về thăm Thanh Hóa lần đầu tiên, khi gặp gỡ và nói chuyện với cán bộ, thân sĩ, trí thức, phú hào, các tầng lớp nhân dân tỉnh Thanh Hóa, Người giao nhiệm vụ: “Tỉnh Thanh Hóa phải trở nên một tỉnh kiểu mẫu" và khẳng định niềm tin là: “Tỉnh Thanh Hoá theo tôi, muốn trở thành một tỉnh kiểu mẫu, nhất định được, vì người đông, đất rộng, của nhiều, chỉ còn thiếu sự điều khiển sắp đặt”[1].
Tuy nhiên, khi giao nhiệm vụ cho Thanh Hóa phải xây dựng thành tỉnh kiểu mẫu, ngay trong bài nói chuyện với cán bộ, thân sĩ, trí thức, phú hào, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh ngày 20/2/1947, cũng như trong bài viết “Thanh Hóa kiểu mẫu”, mà Người đã viết sau chuyến về thăm Thanh Hóa lần đầu tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra những chỉ dẫn rất rõ về mục đích của việc xây dựng Thanh Hóa thành tỉnh kiểu mẫu là phải: “Làm cho người nghèo thì đủ ăn. Người đủ ăn thì khá giàu. Người khá giàu thì giàu thêm[2]. Đồng thời, Người cũng nêu rõ phương châm là: “….phải làm sao cho mọi mặt chính trị, kinh tế, quân sự, phải là kiểu mẫu. Làm một người kiểu mẫu, một nhà kiểu mẫu, một làng kiểu mẫu, một huyện kiểu mẫu, một tỉnh kiểu mẫu. Quyết tâm làm thì sẽ thành kiểu mẫu. Một tỉnh kiểu mẫu, một nước kiểu mẫu, thì thế giới biết nước ta là một nước đáng được độc lập, thống nhất dân tộc tự do, kháng chiến thắng lợi”[3]. Cách làm là: “Đem tài dân, sức dân, của dân, làm lợi cho dân. Không phải Chính phủ xuất tiền ra làm. Chính phủ chỉ giúp kế hoạch cổ động. Vì vậy, những kế hoạch địa phương có thể tự thực hành được, cứ giúp cho đồng bào làm giàu dần, như hợp tác xã.... Việc gì cũng phải từ việc dễ đến việc khó, từ việc gấp đến việc hoãn, từ việc ít tốn tiền đến việc tốn nhiều tiền. Nói tóm lại: Kế hoạch phải thiết thực, phải làm được. Chớ làm kế hoạch đẹp mắt, to tát, kể hàng triệu nhưng không thực hiện được…[4].
Như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn ngủi và trong hoàn cảnh vô cùng sôi động, khẩn trương lúc bấy giờ, Người đã nói, đã viết, đã căn dặn cán bộ và nhân dân Thanh Hóa bao điều quý giá. Thời gian đã lùi xa, những lời căn dặn của Người giờ đây vẫn còn nguyên vẹn tính thời sự, vẫn còn mới mẻ và hiện đại. Hơn nữa, những điều Người căn dặn tỉnh Thanh còn có ý nghĩa căn dặn chung đồng bào cả nước, những gì Người mong muốn cho Thanh Hóa trở nên giàu đẹp, phát triển thành một điển hình mẫu mực cũng mang ý nghĩa thôi thúc cả nước hướng đổi mới, tiến bộ và phát triển. Tình cảm và sự quan tâm của Người dành cho Thanh Hóa cũng đồng thời dành cho cả nước. Đó là điều vô cùng sâu sắc và cảm động, riêng – chung hòa quyện làm một, Nhà – Làng – Nước là một, tình yêu dân chúng, đồng bào các dân tộc thiểu số, tôn giáo cũng như lương, từ trẻ em cho đến các cụ già… tất cả đều ở trong sự quan tâm rất mực chân thành và chu đáo của Người.
Khắc sâu lời dạy của Bác, trong 2 cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa đã khắc phục khó khăn, gian khổ, vừa kiên cường chiến đấu bảo vệ quê hương, vừa tích cực đóng góp sức người sức của, chi viện cho chiến trường, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Thời kỳ cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa và tiến hành công cuộc đổi mới, xây dựng Thanh Hóa thành tỉnh kiểu mẫu như những lời căn dặn và chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn là mục tiêu quyết tâm thực hiện của Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa. Trong cuốn sách “Bác Hồ với Thanh Hóa – Thanh Hóa làm theo lời Bác” đồng chí Trịnh Văn Chiến, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã viết: “Lời dạy của Bác trong ngày đầu vào thăm “Thanh Hóa phải trở nên một tỉnh kiểu mẫu” luôn được Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa lấy làm phương châm hành động, mục tiêu phấn đấu trong suốt 70 năm qua”.
Mặc dù thời gian ngày Bác Hồ về thăm và căn dặn đã lùi xa cách đây 72 năm ,nhưng những lời dạy của Bác cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Đây không chỉ là ý thức trách nhiệm và quyết tâm nỗ lực hành động làm theo lời Bác dạy của đồng bào, cán bộ, đảng viên Thanh Hóa mà còn của toàn Đảng, toàn dân, trong cả nước. Hiểu thấu những lời Người dạy để làm tất cả những gì có thể làm, để thực hành đầy đủ và tốt nhất những việc làm cụ thể, thiết thực, noi theo, làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách của Người trong cuộc sống hôm nay, để cùng đồng tâm, nhất trí, tạo nên sự đồng thuận trong chặng đường tiếp tục đổi mới vì một đất nước giàu mạnh như Người đã từng mong ước.
Để xây dựng Thanh Hóa thành tỉnh kiểu mẫu, đòi hỏi Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đoàn kết nhất trí, quyết tâm thực hiện; mỗi người trong đó đảng viên phải gương mẫu đi đầu; mỗi ngành, mỗi địa phương trong tỉnh, mỗi cơ quan, đơn vị phải có chương trình hành động và giải pháp cụ thể để học tập và làm theo lời dạy của Người, phấn đấu làm cho Thanh Hóa phải trở thành kiểu mẫu.
Là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh nhà, Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa là đơn vị đầu tiên đăng ký thi đua, xây dựng Trường kiểu mẫu. Thực chất xây dựng trường kiểu mẫu là xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, giàu có về trí tuệ, nhiệt huyết, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, am hiểu thực tiễn, chuẩn mực về đạo đức; đào tạo, bồi dưỡng các thế hệ học viên tiêu biểu về sự kiên định, có trách nhiệm cao, giỏi về kiến thức lãnh đạo, quản lý, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân; xây dựng môi trường giáo dục của Đảng thực sự nề nếp, kỷ cương và thân thiện.
Hằng năm, nhà trường triển khai để các khoa, phòng, cán bộ, viên chức, người lao động thực hiện việc đăng ký các danh hiệu tập thể, cá nhân kiểu mẫu trong năm để làm cơ sở bình xét, công nhận danh hiệu “khoa, phòng kiểu mẫu”, “công dân kiểu mẫu” vào cuối năm.
Với chương trình đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính trong thời gian không quá 12 tháng nên nhà trường đã cụ thể hóa Quyết định số 488/QĐ-UBND ngày 17/02/2014 của UBND tỉnh Thanh Hóa thông qua việc bình chọn tập thể lớp kiểu mẫu, học viên gương mẫu hàng tháng. Theo đó, nhà trường đã ban hành Hướng dẫn số 115/HD-TrCT ngày 15/4/2015 về bình chọn tập thể lớp kiểu mẫu, học viên gương mẫu. Mục đích bình chọn tập thể lớp kiểu mẫu, học viên gương mẫu nhằm biểu dương tập thể lớp, cá nhân học viên có thành tích tiêu biểu trong học tập, rèn luyện, tạo động lực thúc đẩy phong trào thi đua ở các lớp, xây dựng môi trường giáo dục kỷ cương, thân thiện, giàu tính đảng, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Đồng thời là biện pháp động viên, khích lệ học viên phấn đấu trong học tập, rèn luyện để thực hiện tốt nhiệm vụ của học viên.
Để bình chọn tập thể lớp kiểu mẫu, học viên gương mẫu đảm bảo khách quan, công bằng, thực chất để tạo động lực trong học tập và rèn luyện của các lớp và học viên, nhà trường đã xây dựng bộ tiêu chí, cách thức bình chọn và hình thức biểu dương, khen thưởng. Với những quy định này, phong trào thi đua tôn vinh tập thể lớp kiểu mẫu, học viên gương mẫu duy trì thường xuyên trong các lớp Trung cấp lý luận chính trị - hành chính. Phong trào đã tạo không khí thi đua hết sức sôi động, quyết liệt và thực chất để giành giật danh hiệu tập thể lớp kiểu mẫu. Các lớp đã luôn nỗ lực, phấn đấu, thi đua học tập tốt, rèn luyện tốt, vừa chấp hành  tốt nội quy, quy chế, vừa tham gia tích cực vào các hoạt động chung của nhà trường, xây dựng tập thể lớp đoàn kết, kỷ cương, có phong trào học tập và rèn luyện tốt, đặc biệt các lớp đã rất chủ động, tích cực tham gia các phong trào thi đua hoạt động vì cộng đồng, thăm và tặng quà cho học sinh nghèo vượt khó vươn lên; tặng quà cho các gia đình chính sách; thực hiện tốt hoạt động tương thân tương ái thông qua việc góp sức, góp tiền ủng hộ nhân dân các vùng trong tỉnh bị ảnh hưởng bởi đợt mưa lũ; tổ chức có hiệu quả các hoạt động “ngày thứ 7 kết nối”; tổ chức giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao giữa học viên các lớp; tự nguyện tham gia vệ sinh môi trường; tham gia hội thi “Xây dựng tác phong cán bộ, học viên Trường Chính trị tỉnh”; thi “Rung chuông vàng” tìm hiểu về kiến thức lịch sử, văn hóa, xã hội; hội thi “Xếp sách nghệ thuật”, “Giới thiệu sách” nhân Ngày sách Việt Nam 21/4 hằng năm;báo cáo sản phẩm nghiên cứu thực tế thông qua hình thức tọa đàm, hội thảo các vấn đề thực tiễn ở địa phương (về đạo đức, tác phong, phong cách, trách nhiệm thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cải cách hành chính ở địa phương; phát triển sản xuất hàng hóa; công tác giảm nghèo ở địa phương…), trao đổi các chuyên đề rèn luyện kỹ năng: xây dựng kế hoạch phát triển năng lực cá nhân, rèn luyện kỹ năng thuyết trình thông qua hình thức giới thiệu sách. Qua chuỗi các hoạt động này, nhận thức và kiến thức của học viên được nâng lên rõ rệt.
Trên cơ sở kết quả học tập, rèn luyện, tinh thần trách nhiệm xây dựng trường, lớp và tham gia các hoạt động phong trào, theo kết luận của Hội nghị giao ban bình chọn tập thể lớp kiểu mẫu, học viên gương mẫu hằng tháng, tính từ năm học 2015-2016 đến năm học 2017-2018 có 35 lượt tập thể lớp kiểu mẫu, trong đó có 03 lớp đạt 02 lần, 01 lớp tiêu biểu đạt 03 lần danh hiệu này trong năm học; 216 học viên gương mẫu. Đối với các lớp không tập trung tại huyện bắt đầu năm học 2019 xét 02 học viên đạt danh hiệu học viên gương mẫu trên một lớp học hằng tháng. Hoạt động tôn vinh, biểu dương tập thể lớp kiểu mẫu, học viên gương mẫu hằng tháng được thực hiện trang trọng tại các buổi chào cờ.
Đặc biệt, năm 2018 là năm học tập chuyên đề “Xây dựng tác phong, phong cách của người đứng đầu; của cán bộ, đảng viên trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Để thấu triệt tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, của Tỉnh ủy Thanh Hóa, Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa đã quyết tâm, quyết liệt chỉ đạo, đưa tinh thần Chỉ thị 05-CT/TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” vào thực tiễn công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn của Nhà trường, để từng bước xây dựng Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa trở thành đơn vị kiểu mẫu, góp phần xây dựng Thanh Hóa thành một tỉnh kiểu mẫu như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Khép lại năm 2018 với nhiều dấu ấn quan trọng trên mọi mặt công tác của Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Bước sang năm 2019 - là năm kỷ niệm 70 năm thành lập Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa, một cột mốc dày dặn và ý nghĩa, đòi hỏi cán bộ, giảng viên Nhà trường càng phải thực sự cầu thị, kiên trì đổi mới, chủ động, sáng tạo, quyết tâm xây dựng hình ảnh, tác phong theo phong cách Hồ Chí Minh để xây dựng Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa trở thành đơn vị kiểu mẫu như Di huấn của Người.
         


[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2011, t.5, tr73
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2011, t.5, tr81
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2011, t.5, tr77
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2011, t.5, tr81
Số lượt truy cập
Hôm nay:
227
Hôm qua:
2395
Tuần này:
10405
Tháng này:
56779
Tất cả:
4.421.659