HƯỞNG ỨNG NGÀY SÁCH VÀ VĂN HOÁ ĐỌC VIỆT NAM (21/4/2021 - 21/4/2024)

Nâng cao chất lượng công tác tham mưu, phối hợp góp phần đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hiện nay của trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa

Đăng lúc: 19:05:03 12/09/2019 (GMT+7)1631 lượt xem

                                            TS. Thịnh Văn Khoa, Phó Hiệu trưởng
Trường chính trị tỉnh, thành phố có chức năng cơ bản là tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở, cán bộ, công chức, viên chức ở địa phương về lý luận chính trị - hành chính, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kiến thức và chuyên môn, nghiệp vụ về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; kiến thức về một số lĩnh vực khác. Để thực hiện tốt chức năng đó, công tác tham mưu, phối hợp có vai trò quan trọng trong việc xây dựng thể chế và cơ chế huy động các nguồn lực. Đây là điều kiện cần thiết, tiền đề để đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của các tỉnh, thành phố trong giai đoạn hiện nay.
Nhận thức được vai trò, ý nghĩa quan trọng đó, trong những năm qua, Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa đã tập trung tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh, phối hợp với các ban, sở, ngành, các huyện, thị, thành phố tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, xây dựng được một thể chế tốt cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh.
1. Về công tác tham mưu
Trong những năm qua, mặc dù đã có những quy định của Trung ương về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, song trong quá trình tổ chức thực hiện, Nhà trường đã gặp phải những khó khăn, vướng mắc, cần phải được cụ thể hóa cho phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh. Đối với việc tham mưu hoàn thiện thể chế, Nhà trường thực hiện theo phương châm “3 rõ”: rõ về chức năng, nhiệm vụ; rõ về phương thức phối hợp và rõ về cách thức để huy động nguồn lực cho công tác đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn.
Năm 2011, Nhà trường đã tham mưu cho Thường trực Tỉnh ủy ban hành Thông báo Kết luận về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh, thống nhất tất cả các loại hình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ về lý luận chính trị, quản lý nhà nước, nghiệp vụ công tác Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể được đưa về Trường Chính trị tỉnh, theo đó các nguồn lực phục vụ cho công tác đào tạo, bồi dưỡng nêu trên cũng được chuyển về Trường Chính trị tỉnh để thực hiện.
 Cụ thể hóa chức năng, nhiệm vụ của các trường chính trị được Trung ương quy định, Nhà trường đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành các quyết định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và mối quan hệ công tác của Trường Chính trị tỉnh, gồm: Quyết định số 238-QĐ/TU ngày 28-7-2011, Quyết định số 877-QĐ/TU ngày 05-9-2017, Quyết định số 2943-QĐ/TU ngày 13-5-2019. Theo đó, Nhà trường được cụ thể hóa các nhiệm vụ như: phối hợp với các học viện, các trường đại học mở các lớp đào tạo cán bộ,công chức, viên chức ở địa phương trình độ đại học và sau đại học các chuyên ngành xây dựng đảng, chính quyền, quản lý kinh tế, quản lý nhà nước, pháp luật...; phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, cấc huyện thị thành phố nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn ở địa phương, cơ sở... Về mối quan hệ công tác, Nhà trường chủ trì tổ chức và phối hợp với các huyện, thị, thành phố, các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể cấp tỉnh xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức báo cáo Thường trực Tỉnh uỷ phê duyệt để tổ chức thực hiện.
Trên cơ sở rõ về chức năng, nhiệm vụ, rõ về cơ chế phối hợp, Nhà trường đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh uỷ và UBND tỉnh phê duyệt các đề án, kế hoạch về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh, như Đề án số 308 về “Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức tại Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá, giai đoạn 2011-2015”, Đề án số 5550 về “Bồi dưỡng cập nhật kiến thức pháp luật và kỹ năng hành chính cho công chức xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2016-2020”, Quyết định số 4982 về "Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2016-2020".
Có thể khẳng định, kết quả trên đã bước đầu tạo lập được một thể chế tốt cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh. Khắc phục được tình trạng "tranh chấp" giữa các cơ quan, đơn vị, tình trạng phân tán nguồn lực trong tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh. Tạo sự chủ động trong đổi mới và nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Nhà trường.
2. Về công tác phối hợp
Đồng thời với việc thực hiện công tác tham mưu để có được một thể chế tốt nhất cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, Nhà trường rất chú trọng công tác phối hợp với các sở, ban, ngành và các huyện, thị, thành phố. Công tác phối hợp được thực hiện cả trước, trong và sau quá trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.
 Hằng năm nhà trường đều phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, các huyện, thị thành phố tổ chức các hội nghị tuyển sinh Trung cấp Lý luận chính trị - hành chính để thống nhất về đối tượng, chỉ tiêu, phương thức tổ chức và các điều kiện cần thiết cho công tác đào tạo, bồi dưỡng. Trên cơ sở căn cứ vào các quy định, hướng dẫn của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Tỉnh ủy, Nhà trường áp dụng nguyên tắc tuyển sinh theo phương châm gắn liền với quy hoạch cán bộ, từ đó tiến hành phối hợp tuyển sinh đảm bảo 3 tiêu chí “đúng, đủ, rõ” (đúng đối tượng, đủ tiêu chuẩn, rõ nguồn quy hoạch). Bên cạnh đó, tiêu chí tuyển sinh cũng dựa vào việc học viên đăng ký đi học với điều kiện các cơ quan, đơn vị có lộ trình cử cán bộ đi học, đảm bảo nguyên tắc ai nhu cầu cần đạo tạo, bồi dưỡng trước thì cho đi đào tạo, bồi dưỡng trước. Nhờ có sự phối hợp chặt chẽ đó, Nhà trường có thể tuyển sinh để mở các lớp Trung cấp Lý luận chính trị - hành chính cho đối tượng học viên có mặt bằng trình độ, nghề nghiệp tương đồng, gồm các lớp cho cán bộ cơ sở, các lớp cho các sở, ngành, các lớp dành riêng cho các ngành có số lượng cán bộ đông như lớp ngành giáo dục, ngành y tế, ngành thuế, ngành điện lực, ngành ngân hàng... Nhờ phối hợp tốt với Ban Tổ chức Tỉnh ủy và Sở Nội vụ, Nhà trường thường xuyên có nguồn học viên cho các lớp bồi dưỡng chuyên viên, chuyên viên chính và các lớp cập nhật kiến thức mới. Có thể nói, công tác phối hợp chặt chẽ đã giúp Nhà trường mở rộng và ổn định các loại hình đào tạo, từ đó chủ động tuyển sinh trên cơ sở các tiêu chí, điều kiện quy định đối với cán bộ được cử đi học.
Xác định công tác phối hợp là việc làm thường xuyên nên trong quá trình tổ chức thực hiện đào tạo, bồi dưỡng, Ban Giám hiệu luôn quyết liệt chỉ đạo làm tốt hai “điểm mốc” phối hợp để quản lý học viên. Thứ nhất, ngay sau khi lớp học ổn định về sỹ số, nhà trường có công văn gửi về địa phương đề nghị cơ quan, đơn vị tạo điều kiện, thời gian và những điều kiện khác để học viên yên tâm học tập, hoàn thành khóa học với kết quả tốt nhất. Thứ hai, trong quá trình đào tạo Trung cấp Lý luận chính trị - hành chính, 2 lần/1 khóa học, Nhà trường gửi thông báo kết quả học tập và rèn luyện về địa phương, cơ quan, đơn vị có học viên được cử đi học; đây là cơ sở cho công tác cán bộ, đồng thời quy định này cũng giúp Nhà trường củng cố thêm mối quan hệ với các địa phương, đơn vị. Đối với các lớp được mở tại các huyện, thị, thành phố trong tỉnh, Nhà trường phối hợp để thành lập Ban chỉ đạo lớp học, gồm các thành viên trong Ban Giám hiệu, lãnh đạo các khoa, phòng của Nhà trường, lãnh đạo phòng, ban của huyện, thị, thành phố; đồng thời Nhà trường yêu cầu Ban chỉ đạo lớp học thực hiện công tác giao ban 2 lần/1 khóa học nhằm tăng cường công tác quản lý học viên của đơn vị phối hợp mở lớp, giúp duy trì nề nếp học tập tại các lớp học. Đối với các lớp sở, ban, ngành được đào tạo, bồi dưỡng tại trường, Nhà trường cũng luôn duy trì chế độ giao ban với Ban chỉ đạo lớp học.
Bên cạnh những thành công về công tác phối hợp trong quá trình thực hiện đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, hiện nay Nhà trường vẫn đang nghiên cứu để có thể tham mưu cho tỉnh có những cách thức, giải pháp theo dõi học viên sau tốt nghiệp. Thực tế cho thấy, Nhà trường chưa có đủ điều kiện để đánh giá chất lượng học viên sau khi tốt nghiệp trở về công tác tại địa phương, đơn vị. Song, Nhà trường luôn xác định, việc theo dõi sản phẩm đào tạo, bồi dưỡng là vô cùng cần thiết, đòi hỏi phải có sự phối kết hợp thống nhất giữa Nhà trường với địa phương, đơn vị có cán bộ được cử đi học. Việc theo dõi học viên sau quá trình học là cơ sở để Nhà trường tham mưu với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng và đổi mới công tác quản lý đào tạo, bồi dưỡng cho phù hợp với thực tiễn nhằm đáp ứng nhu cầu công tác cán bộ hiện nay. Hơn nữa, việc theo dõi sự phát triển của học viên sau khi tốt nghiệp góp phần khẳng định uy tín và vị thế của Nhà trường đối với sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho tỉnh nhà. Trước mắt, Nhà trường khuyến khích, động viên học viên duy trì kết nối, giao lưu sau khóa học để có thể giữ mối liên lạc với Nhà trường, qua đó Nhà trường có cơ hội nắm bắt thông tin của học viên sau tốt nghiệp.
          Tóm lại, công tác tham mưu và phối hợp của Nhà trường đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc đổi mới và nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Nhờ thành công trong việc tham mưu và phối hợp, trong những năm qua, Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa không ngừng phát triển về quy mô và chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Hy vọng, trong thời gian tới, Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa sẽ phát huy những kết quả đã đạt được, không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, trở thành trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có chất lượng của tỉnh và khu vực./.
Số lượt truy cập
Hôm nay:
1397
Hôm qua:
2925
Tuần này:
9180
Tháng này:
55554
Tất cả:
4.420.434