HƯỞNG ỨNG NGÀY SÁCH VÀ VĂN HOÁ ĐỌC VIỆT NAM (21/4/2021 - 21/4/2024)

Nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng bộ cấp xã các huyện miền núi Thanh Hóa về phát triển KT – XH, xóa đói giảm nghèo nhanh và bền vững

Đăng lúc: 06:40:22 12/08/2015 (GMT+7)1494 lượt xem

 
                                                                 Nguyễn Văn Thành
                                     Ủy viên Ban Thường vụ - Trưởng Ban Dân vận Tỉnh uỷ
 
   Nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, nhất là đảng bộ cơ sở là một trong những vấn đề quan trọng đã được khẳng định tại Đại hội XI của Đảng: “Nâng cao năng lực, sức chiến đầu của tổ chức cơ sở đảng, tạo sự chuyển biến rõ rệt về chất lượng hoạt động của các loại hình cơ sở đảng, nhất là tổ chức đảng trong các đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế. Kiện toàn tổ chức hệ thống chính trị, đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của Đảng ở cơ sở. Trong vai trò lãnh đạo toàn diện của mình, Đảng ta xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, cho nên việc nâng cao năng lực lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới ở miền núi là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng, đây là vấn lớn đang đặt ra cho các cấp uỷ, tổ chức đảng, nhất là cấp uỷ ở cơ sở.
Nâng cao năng lực lãnh đạo của đảng bộ cấp xã trong tỉnh nói chung, đảng bộ cấp xã các huyện miền núi nói riêng trong việc phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói giảm nghèo đang là vấn đề quan trọng, là yêu cầu bức thiết đối với sự phát triển kinh tế - xã hội ở các huyện miền núi hiện nay. Miền núi Thanh Hoá có diện tích hơn 8.071 km2 chiếm 72,3% diện tích cả tỉnh; 192 km đường biên giới; có 11 huyện, trong đó 5 huyện biên giới với 223 xã, thị trấn; 93 xã và 182 thôn bản đặc biệt khó khăn; dân số 1,1 triệu người, chiếm 28% dân số toàn tỉnh, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số 622.005 người. Trong những năm qua, các cấp uỷ quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói, giảm nghèo đã đạt được những kết quả tích cực trên tất cả các lĩnh vực. Tuy nhiên, đời sống nhân dân các huyện miền núi còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, việc phát triển kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khăn, toàn vùng có 7/11 huyện thuộc 64 huyện nghèo nhất cả nước; một số xã vùng sâu, vùng biên giới có tỷ lệ hộ nghèo cao trên 60%. Trong những nguyên nhân, hạn chế và tồn tại về phát triển kinh tế xã hội, xoá đói, giảm nghèo có nguyên nhân do năng lực lãnh đạo của cấp uỷ, tổ chức đảng, nhất là đảng bộ cấp xã các huyện miền núi còn hạn chế.
Thực tế hiện nay, đảng bộ một số xã ở các huyện miền núi đã ban hành được nhiều chủ trương, nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới như: Nghị quyết phát triển chăn nuôi trang trại, chăn nuôi dưới tán rừng; về phát triển cây cao su, luồng, mía đường...Một số nghị quyết hỗ trợ, thúc đẩy được sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập cho người dân như: chính sách hỗ trợ cơ giới hoá đồng bộ (hỗ trợ mua máy cấy, mạ khay); chính sách hỗ trợ lúa lai; chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi; chính sách hỗ trợ trồng cây cao su; quản lý khai thác và phát triển bền vững rừng nứa, vầu, khôi phục phát triển rừng quế...Đây là những nghị quyết có tính khả thi mà đảng bộ các xã miền núi đã và đang tổ chức thực hiện có hiệu quả, cần được nhân rộng.
Tuy nhiên, trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói giảm nghèo của cấp uỷ, tổ chức đảng cấp xã các huyện miền núi vẫn còn những hạn chế như:
- Việc xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện nghị quyết của một số cấp uỷ chất lượng còn thấp, chưa có tính khả thi; nội dung nghị quyết chưa sát với tình hình thực tiễn; chưa có những giải pháp phù hợp để triển khai thực hiện. Việc vận dụng và cụ thể hoá nghị quyết, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước thành các giải pháp, nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, xoá đói, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới hầu hết còn lúng túng, hiệu quả còn thấp.
- Năng lực lãnh đạo của một số cấp uỷ, chính quyền cấp xã còn hạn chế, tư duy kinh tế còn chậm, nhất là công tác quy hoạch, lựa chọn nội dung đột phát trong phát triển kinh tế; khai thác và huy động có hiệu quả các nguồn lực để phát triển kinh tế, xoá đói, giảm nghèo. Bên cạnh đó, vẫn còn  một số cấp ủy bao biện làm thay chính quyền, trực tiếp chỉ đạo cụ thể các công trình xây dựng cơ bản, các dự án đầu tư; có nơi cấp ủy lại buông lỏng lãnh đạo chính quyền trong phát triển kinh tế, xã hội, quản lý tài nguyên, khoáng sản, xây dựng cơ bản...vai trò cấp ủy bị xem nhẹ.
- Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ còn hạn chế. Năng lực một số cán bộ lãnh đạo cấp xã còn yếu; một số nơi cán bộ còn thiếu gương mẫu, vi phạm pháp luật, tham ô, tham nhũng, sách nhiễu, bè phái, mất đoàn kết, mất lòng tin đối với nhân dân, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản... phần nào đã làm giảm sút vai trò lãnh đạo của Đảng.
* Từ thực tiễn năng lực lãnh đạo của cấp uỷ xã ở các huyện miền núi và trên cơ sở phân tích những nguyên nhân của kết quả, cũng như hạn chế yếu kém hiện nay, chúng tôi xin đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng bộ cấp xã ở các huyện miền núi trong phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới như sau:
Thứ nhất, tập trung đổi mới và nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành và lãnh đạo tổ chức thực hiện Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói giảm nghèo bền vững ở đảng bộ cấp xã miền núi hiện nay
Việc xây dựng các nghị quyết trong phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói, giảm nghèo của các cấp uỷ xã ở các huyện miền núi còn những hạn chế, một số nơi đã xây dựng và ban hành nhiều chủ trương, nghị quyết để tổ chức thực hiện tuy nhiên nghị quyết chưa có tính khả thi, hiệu quả thấp. Do đó, đổi mới và nâng cao chất lượng xây dựng và ban hành nghị quyết của Đảng bộ các xã miền núi là vấn đề quan trọng, nếu thay đổi được khâu này sẽ tác động đến hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội, đến việc xoá đói, giảm nghèo ở mỗi địa phương.
 Để nghị quyết có tính khả thi, việc xây dựng nghị quyết ở các đảng bộ xã cần có sự đổi mới, trước hết đổi mới trong điều tra, khảo sát thực tiễn đến việc thảo luận, quyết định và ban hành nghị quyết. Cần thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ trong thảo luận nghị quyết; nội dung nghị quyết phải được công khai, minh bạch để thảo luận một cách dân chủ; trước khi thảo luận cần trao đổi, bàn bạc với cán bộ, lãnh đạo lĩnh vực đó; cần tổ chức lấy ý kiến tham gia góp ý của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội. Nghị quyết cần cụ thể, sát với yêu cầu thực tiễn, xác định rõ nội dung, nguồn lực, phân định rõ trách nhiệm các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện.
Xác định phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ trọng tâm, vì thế đảng bộ các xã cần ban hành các nghị quyết thiết thực, có tính chuyên đề từng lĩnh vực, tập trung vào các lĩnh vực mà địa phương có lợi thế gắn với vùng miền và điều kiện tự nhiên; chú trọng các lĩnh vực trọng yếu, lựa chọn khâu đột phá như: phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã, thâm canh tăng vụ; chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi, trong bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm…Sau khi ban hành nghị quyết tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện, kiểm tra, sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm. Phân công cán bộ phụ trách từng nội dung công việc; đổi mới việc quán triệt nghị quyết đến các chi bộ đảng, đảng viên và nhân dân. Việc quán triệt cần có thực tiễn minh hoạ, khắc phục tình trạng tổ chức quán triệt nghị quyết thiếu nghiêm túc, làm hình thức, qua loa, rút ngắn thời gian, sau quán triệt không xây dựng kế hoạch, chương trình để tổ chức thực hiện. Do đó, cấp uỷ đảng cần tăng cường kiểm tra, giám sát từ khi ban hành đến khi sơ kết, tổng kết đánh giá nghị quyết.
        Thứ hai, đảng bộ các xã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền cụ thể hoá các chủ trương, nghị quyết thành kế hoạch, chương trình cụ thể, phù hợp với tình hình thực tiễn để tổ chức thực hiện có hiệu quả
Hiện nay, khâu tổ chức thực hiện nghị quyết đang được xem là khâu yếu nhất, vì vậy, Đảng bộ các xã cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền cấp xã cụ thể hoá các chủ trương, nghị quyết thành các cơ chế, chính sách phù hợp để thực hiện như: rà soát, điều chỉnh quy hoạch, tuyên truyền vận động người dân thay đổi tập quán sản xuất, chuyển đổi cây trồng vật nuôi, thực hiện thâm canh, chuyên canh, ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; tập trung chỉ đạo quản lý sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn được đầu tư hỗ trợ từ các chương trình quốc gia về xoá đói giảm nghèo, chương trình 30a, 134, 135…lồng ghép các nguồn vốn đầu tư để làm tăng hiệu quả trong thực hiện các chính sách, dự án của cấp trên. Khai thác sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, khoáng sản; ngăn chặn và đẩy lùi tai nạn xã hội; vận động nhân dân thực hiện chi tiêu hợp lý, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong việc cưới, việc tang và lễ hội.
Đảng bộ các xã cần xây dựng quy chế hoạt động và duy trì tốt việc thực hiện quy chế, bảo đảm nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của đảng ủy, đi đôi với phát huy chức năng điều hành, quản lý của chính quyền và hoạt động của mặt trận, các đoàn thể nhân dân; thực hiện đúng lịch sinh hoạt định kỳ; đổi mới, nâng cao chất lượng giao ban với chính quyền, lãnh đạo mặt trận, các đoàn thể và các bí thư chi bộ, trưởng thôn, bản để nghe phản ánh tình hình cơ sở, bàn biện pháp giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh. Chỉ đạo chính quyền rà soát, phân loại hộ nghèo, xác định nguyên nhân nghèo, đối tượng nghèo; phân công nhiệm vụ, xác định rõ trách nhiệm, thời gian thực hiện cho các các ban, ngành, đoàn thể và cán bộ, đảng viên về việc hướng dẫn, giúp đỡ, hỗ trợ hộ nghèo, thoát nghèo.
Chú trọng xây dựng, quy hoạch cán bộ kết hợp với đào tạo, đào tạo lại nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã; tăng cường bồi dưỡng, tập huấn các nội dung chuyên đề, lĩnh vực, trao đổi học tập kinh nghiệm trong đội ngũ cán bộ ở các xã trong huyện và các xã ngoài huyện. Xây dựng kế hoạch luân chuyên và điều động cán bộ, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ, cán bộ là người dân tộc thiểu số nhằm tạo nguồn cán bộ địa phương lâu dài. Nâng cao trách nhiệm, tính tiền phong gương mẫu của cán bộ, công chức huyện, xã, cán bộ thôn, bản. Tiếp tục đề xuất việc tăng cường cán bộ, chiến sỹ Bộ đội biên phòng về làm phó bí thư đảng uỷ các xã biên giới để tham gia xây dựng và củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở.
 Nâng cao năng lực, hiệu quả của hệ thống khuyến nông, khuyến công, thú y, bảo vệ thực vật; tăng cường tập huấn cho hệ thống khuyến nông và nông dân để xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh.
Thứ ba, phát huy vai trò của MTTQ, các đoàn thể nhân dân, chi hội, chi đoàn, già làng, trưởng ban trong phát triển kinh tế-xã hội, xoá đói giảm nghèo bền vững
Cấp uỷ đảng phải thường xuyên định hướng nội dung hoạt động cho MTTQ, các đoàn thể chính trị-xã hội; Định kỳ cấp ủy đảng làm việc, nghe báo cáo, phản ánh tình hình tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất chính đáng của các thành viên, của đông đảo đoàn viên, hội viên. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân tích cực thực hiện nghị quyết của cấp uỷ, chương trình, kế hoạch trong phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói giảm nghèo.
Phát huy vai trò của MTTQ, các đoàn thể  nhân dân trong việc tham gia ý kiến xây dựng nghị quyết của đảng bộ; vai trò giám sát, phản biện đối với các lĩnh vực của đời sống xã hội, đối hoạt động của các tổ chức đảng, chính quyền, của cán bộ, đảng viên và công chức. Các đoàn thể, chi hội, chi đoàn cần xây dựng các chương trình cụ thể, phù hợp với đoàn thể của mình để tham gia thực hiện các nghị quyết của cấp uỷ, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, để từ đó vận động nhân thực hiện, tạo thành các phong trào thi đua sôi nổi trong phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo bền vững. Phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong việc vận động các hộ gia đình phát triển kinh tế; phát huy và giữ gìn bản sắc truyền thống tốt đẹp, xoá bỏ các phong tục tập quán lạc hậu, thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí trong chi tiêu. Xây dựng các mô hình, điển hình trong phát triển kinh tế - xã hội, từ đó nhân rộng các mô hình hay, kinh nghiệm tốt ra diện rộng, kịp thời khen thưỏng để động viên, khích lệ tạo phong trào thi đua rộng khắp.
MTTQ, các đoàn thể nắm chắc tình hình đoàn viên, hội viên, tổ chức phân loại hộ nghèo, xác định nguyên nhân nghèo từ đó xây dựng kế hoạch, phân công chi hội, chi đoàn, hội viên giúp đỡ từng hộ nghèo. Hiện nay, có nhiều cách làm có hiệu quả cần phát huy như tạo điều kiện cho các hộ nghèo vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh từ nguồn vốn vay từ các cấp hội, các đoàn thể, đồng thời các đoàn thể, đồng thời hướng dẫn cách làm ăn cho hộ nghèo. Tuy nhiên, hiện nay một số hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhất là một số hộ không đất đai, neo đơn, không còn sức lao động chủ yếu dựa vào sự cứu trợ của xã hội. Những trường hợp này, đảng bộ cấp xã cần xây dựng một nguồn quỹ cứu trợ trên tinh thần "tình làng nghĩa xóm", đạo lý và truyền thống "lá lành đùm lá rách" của dân tộc, kêu gọi lòng hảo tâm. MTTQ, các đoàn tích cực tuyên truyền, vận động con em địa phương thành đạt đóng góp xây dựng quê hương; xây dựng các phong trào giúp nhau giảm nghèo, cải thiện đời sống nhân dân.
Thứ tư, lãnh đạo phát huy vai trò của các chi bộ đảng, tính tiền phong, gương mẫu của đảng viên theo phương châm “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”
Chi bộ là tế bào của Đảng, là hạt nhân lãnh đạo chính trị ở cơ sở. Chất lượng của tổ chức cơ sở Đảng chủ yếu phụ thuộc vào chất lượng của chi bộ. Chính vì vậy, khắc phục những hạn chế, nâng cao năng lực lãnh đạo, tăng cường sức chiến đấu của chi bộ là yêu cầu bức thiết, nhất là trong phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo. Muốn vậy cần tăng cường hơn nữa công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên; quan tâm lựa chọn đúng đội ngũ bí thư chi bộ và bồi dưỡng họ đủ năng lực trình độ lãnh đạo theo yêu cầu đổi mới. Trong tổ chức thực hiện, chi bộ phải phân công cụ thể công tác cho từng chi uỷ viên và đảng viên sát với khả năng từng người. Đồng thời thường xuyên kiểm tra, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của chi bộ đối với mọi mặt hoạt động ở thôn, bản. Cấp uỷ đảng chỉ đạo cho các  chi bộ khảo sát, nắm tình hình số lượng các hộ nghèo, sau đó phân loại các hộ nghèo để có hướng giúp đỡ. Tiếp theo, chỉ đạo các chi bộ phân công từng đảng viên trực tiếp giúp đỡ từng hộ nghèo;  hàng tháng, hàng quý các đảng viên được phân công phải báo cáo kết quả cụ thể với chi bộ.
Phát huy tính tiền phong gương mẫu của đảng viên trong phát triển kinh tế-xã hội, đi đầu trong các phong trào thi đua xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư theo phương châm “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, nhất trong phong trào xây dựng các mô hình kinh tế, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang… Từ đó, xuất hiện những đảng viên làm kinh tế giỏi, những mô hình tiên tiến, kinh nghiệm hay để tuyên truyền đến quần chúng nhân dân, đồng thời làm kinh nghiệm để sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm trong chỉ đạo thực hiện.
Thứ năm, đổi mới và nâng cao chất lượng công tác kiểm tra giám sát tổ chức đảng và đảng viên trong lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói giảm nghèo
Kiểm tra, giám sát góp phần nâng cao chất lượng lãnh đạo, làm cho sự lãnh đạo của Đảng gắn với thực tiễn hơn, đảm bảo tính thống nhất tuyệt đối giữa nghị quyết và sự chấp hành; giúp cho cấp uỷ khắc phục bênh quan liêu, chủ quan, duy ý chí, thiếu trách nhiệm, suy thoái về phẩm chất chính trị đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Thực tế ở đảng bộ các xã miền núi hiện nay cho thấy, nhiều đảng bộ chưa thực sự quan tâm đến công tác kiểm tra giám sát, việc ban hành chủ trương, nghị quyết đến phân công tổ chức thực hiện chưa được kiểm tra, giám sát thường xuyên; sau khi phân công cho các tổ chức, cá nhân chưa có sự kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện, do đó hiệu quả thấp.
Vì vậy, đổi mới và nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát tổ chức đảng và đảng viên tạo sực chuyển biến rõ nét về chất lượng hoạt động ở các tổ chức cơ sở Đảng là cần thiết. Tập trung kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương, nghị quyết, nguyên tắc tập trung dân chủ trong sinh hoạt đảng. Tăng cường kiểm tra, giám sát đến các lĩnh vực nhạy cảm dễ phát sinh sai phạm như: Quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, tài chính, ngân sách, tổ chức cán bộ; chủ động phòng ngừa và xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, lãng phí…để mỗi tổ chức cơ sở Đảng thực sự là hạt nhân trong việc giữ được vai trò lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói giảm nghèo ở các huyện miền núi nhằm cải thiện và nâng cao đời sống của người dân miền núi, sớm thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa miền núi với miền xuôi, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị mà đảng bộ tỉnh đề ra./.
 
Số lượt truy cập
Hôm nay:
950
Hôm qua:
1983
Tuần này:
11263
Tháng này:
42909
Tất cả:
4.407.789