NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 114 NĂM NGÀY QUỐC TẾ PHỤ NỮ 8/3 ( 8/3/1910 – 8/3/2024) VÀ 1984 NĂM KHỞI NGHĨA HAI BÀ TRƯNG!

Nghệ thuật quân sự của Đảng trong chiến dịch Điện Biên Phủ 1954

Đăng lúc: 09:46:35 07/05/2019 (GMT+7)3851 lượt xem

                                                                                         ThS. Lê Na
                                                                                  Khoa Xây dựng Đảng
          Trải qua mấy nghìn năm chống giặc ngoại xâm, nghệ thuật quân sự của nhân dân ta đã được hình thành và không ngừng phát triển qua các thời kỳ lịch sử. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Đảng ta đã kế thừa, vận dụng và phát triển rất hiệu quả nghệ thuật quân sự của cha ông để chiến thắng kẻ thù xâm lược, điều đó thể hiện rõ trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ 1954. Chiến dịch này đã thể hiện nét đặc sắc, độc đáo của nghệ thuật quân sự truyền thống và là đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp trên cả ba lĩnh vực gồm chỉ đạo, điều hành chiến tranh (chiến lược quân sự), nghệ thuật chiến dịch và chiến thuật.
          Sau gần 8 năm tiến hành chiến tranh ở Đông Dương nhưng không đạt được kết quả như mong muốn, quân Pháp ngày càng sa vào thế bị động, phòng ngự và bất lợitrên chiến trường nên muốn đánh một trận cuối cùng để đè bẹp quân chủ lực của ta để giành một chiến thắng trong danh dự. Ngày 7/5/1953, chính phủ Pháp điều tướng Henri Navarre sang Đông Dương làm Tổng Chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp thay cho tướng Salăng. Navarre là một trong những viên tướng giỏi nhất của Pháp lúc bấy giờ, nhiều kinh nghiệm chiến trường, đầy tự tin và quyết đoán cả trong quân sự lẫn chính trị, đã từng tham gia chiến tranh thế giới lần I và II với nhiều thành tích. Trước khi được điều sang Đông Dương, Navarre đang giữ chức Tổng Tham mưu trưởng lục quân Pháp của khối Bắc Đại Tây Dương đóng tại Trung Âu. Báo chí nước ngoài từng ca ngợi Navarre như một danh tướng có thể "uốn nắn lại tình hình Đông Dương" sau hàng loạt thất bại trước đó. Khi sang Đông Dương, dựa vào kinh nghiệm trận mạc “dạn dày”, Navarre vạch ra kế hoạch tác chiến mang tên mình. Điểm mấu chốt của “Kế hoạch Navarre” là trong 2 năm 1953 và 195, sẽ thực hiện phòng ngự chiến lược ở chiến trường miền Bắc, tiến công chiến lược ở miền Nam, đặc biệt là tấn công vào vùng tự do Liên khu V nhằm giành lại sự chủ động chiến lược làm xoay chuyển tình thế trên chiến trường Đông Dương, thực hiện đòn tiến công mang tính quyết định khi có điều kiện. Thực hiện kế hoạch này Pháp hy vọng trong vòng 18 tháng sẽ giành lấy một thắng lợi quyết định để “kết thúc chiến tranh trong danh dự”, từ đó buộc Đảng ta phải đàm phán theo những điều kiện có lợi cho Pháp.
          Được sự đầu tư, chi viện, giúp sức tối đa của Mĩ, Navarređã tập trung mọi cố gắng để chọn vùng chiếm đóng và quyết định xây dựng Điện Biên Phủ thành một Tập đoàn cứ điểm quân sự phòng thủ lớn mạnh chưa từng có ở Đông Dương nhằm thu hút quân chủ lực Việt Nam đến giao chiến. Tổng số binh lực ở đây lúc cao nhất lên tới 16200 quân, được bố trí thành 3 phân khu liên thông, với 49 cứ điểm yểm hộ lẫn nhau và hệ thống bãi mìn dày đặc, hàng rào điện sát mặt đất. Mỗi một phân khu gồm nhiều trung tâm đề kháng kiên cố có thể hỗ trợ lẫn nhau, các cứ điểm đều có lực lượng cơ động, hỏa lực riêng, hệ thống công sự vững chắc, xung quanh là hào giao thông và hàng rào dây kẽm gai có khả năng phòng ngự rất mạnh. Toàn bộ Tập đoàn cứ điểm đều có hệ thống công sự nằm chìm dưới mặt đất chịu được đạn pháo 105mm với một hệ thống hàng rào, bãi dây thép gai, bãi mìn dày đặc. Pháp đã chôn hàng trăm các loại mìn: mìn phát sáng, mìn sát thương, mìn cóc nhảy, mìn chứa xăng khô napalm có thể gây sát thương cao, các  phương tiện chống đạn khói, máy hồng ngoại bắn đêm, áo chống đạn, súng phóng lựu đạn hiện đại nhất cũng được cung cấp. Pháp xây dựng Điện Biên Phủ 2 hai sân bay, sân bay chính ở Mường Thanh và sân bay dự bị ở Hồng Cúm nối liền với Hà Nội, Hải Phòng bằng một cầu hàng không, trung bình mỗi ngày có gần 100 chuyến bay vận tải tiếp tế khoảng 200 - 300 tấn hàng và thả dù khoảng 100 - 150 tấn các nhu yếu phẩm.
         Có thể nói, kế hoạch quân sự Navarre là một kế hoạch dựa trên sự nỗ lực cao nhất của Pháp và sự viện trợ lớn nhất của Mĩ với một số quân đông và mạnh nhất và số lượng phương tiện chiến tranh nhiều nhất. Đây là kế hoạch quyết tâm: "chuyển bại thành thắng" của Pháp - Mĩ. Đặc biệt, trước khi trận đánh diễn ra, đích thân Phó Tổng thống Mĩ Richard Nixon đã lên thị sát việc xây Tập đoàn cứ điểm để "đảm bảo rằng sự đầu tư của Mĩ ở Đông Dương được sử dụng hiệu quả". Với tham vọng xây dựng Điện Biên Phủ thành một “pháo đài bất khả xâm phạm”, một “cối xay thịt khổng lồ”, một “con nhím của núi rừng Tây Bắc” một “cái bẫy hiểm ác” sẵn sàng nghiền nát chủ lực của ta. Mĩ và Pháp rất tự tin cho rằng với vị thế đắc địa của Điện Biên Phủ, Việt Nam không thể nào giành thắng lợi vì 3 lý do:
Thứ nhất, về hậu cần, trong khi quân Pháp có máy bay vận tải để tiếp tế Điện Biên rất nhanh chóng, kịp thời trong khi quân ta chỉ có thể dùng sức người là chính và nếu phải đánh lâu dài thì quân ta sẽ rất khó khăn về mặt hậu cần do chiến trường ở rất xa các vùng hậu phương lớn và quá trình vận chuyển lương thực lên Điện Biên Phủ vô cùng khó khăn vì địa hình đèo núi rất dốc và vô cùng hiểm trở.
          Thứ hai, Pháp tin rằng chiến trường Điện Biên Phủ là nơi sẽ thu hút được quân chủ lực của ta đến giao chiến vì Điện Biên Phủ là vùng rừng núi, hợp với sở trường tác chiến của quân ta nhưng nếu đánh nhanh thì quân ta thiếu vũ khí tối tân, hiện đại và không thể đưa pháo lớn lên Điện Biên Phủ bằng sức lao động thủ công do địa hình rất dốc và hiểm trở.
          Thứ ba, Pháp cho rằng bộ đội ta không thể chịu nổi thời tiết, khí hậu khắc nghiệt ở Tây Bắc vì chủ yếu là người miền xuôi nên sẽ đau ốm, mệt mỏi không thể duy trì được sức chiến đấu liên tục cả ngày lẫn đêm trong thời gian dài. Vào lúc này mùa mưa, các dịch bệnh dễ xảy ra lúc đó không đánh cũng thua và Pháp cho rằng, bộ đội ta không thể nào tiếp cận được các trung tâm đề kháng của Pháp mà không bị thương vong nên thất bại là điều không tránh khỏi.
          Trước thủ đoạn và âm mưu của địch, Đảng ta phân tích, kế hoạch quân sự Navarre chỉ là sản phẩm của thế thua, thế thất bại nên chứa đựng đầy mâu thuẫn và những hạn chế không thể khắc phục được, phương châm của Đảng là "tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu", phân tán và tiêu diệt sinh lực địch để mở rộng vùng tự do. Bộ chính trị phê chuẩn phương ánchuyển từ "đánh nhanh, thắng nhanh" sang"đánh chắc, tiến chắc” dùng quân chủ lực đánh vào nơi sơ hở của địch là Tây Bắc, Thượng Lào và Tây Nguyên buộc chúng phải phân tán để đối phó với ta. Hơn nữa, từ sau năm 1950, ta đã nối thông biên giới với Trung Quốc và nhận được sự viện trợ quân sự to lớn của Trung Quốc và Liên Xô nên đã trưởng thành, lớn mạnh rất nhiều, các sư đoàn, đại đoàn, bộ binh và các trung đoàn pháo binh, công binh của ta được rèn luyện qua thực tiễn đấu tranh nên dày dạn kinh nghiệm đủ sức đối đầu với Pháp.
          Như vậy, với nghệ thuật tác chiến “đánh chắc, tiến chắc”, xây dựng trận địa chiến hào từ xa tiến vào gần, ta thực hiện “vây lấn” Tập đoàn cứ điểm của địch từ ngoài vào trong, lần lượt tiêu diệt từng cụm cứ điểm, tiến tới tiêu diệt hoàn toàn quân địch. Cách đánh này đã phát huy lợi thế của trận địa tiến công, tổ chức hiệp đồng chặt chẽ các lực lượng với quy mô lớn, tiến hành “trói địch lại”, đánh “bóc vỏ”, quân tađã hạn chế sở trường vốn là những thế mạnh của quân Pháp là pháo binh, máy bay và chiến hào đồng thời khoét sâu vào những mặt yếu cơ bản của chúng là ý chí chiến đấu và tiếp tế hậu cần, vốn là nhược điểm chí mạng của quân Pháp ở Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
          Đảng ta còn nhận định, trận Điện Biên Phủ là cơ hội đánh tiêu diệt lớn để từ đó có thể chấm dứt chiến tranh nên Trung ương Đảng đã hạ quyết tâm phải "Tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ để tạo nên một bước ngoặt mới trong chiến tranh trước khi đế quốc Mỹ can thiệp sâu hơn vào Đông Dương”. Để đối phó với âm mưu, chiến lược của Pháp, Đại tướng Võ Nguyên Giáp phân tích hai nhược điểm lớn của "con nhím Điện Biên Phủ”.
          Một là, tính cứng nhắc và thụ động của hệ thống phòng ngự bằng Tập đoàn cứ điểm mà quân địch đã lựa chọn: Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là một kết cấu chặt chẽ của nhiều cứ điểm nhưng trong thực tế vẫn là những cứ điểm tách rời. Quân địch ở đó tuy đông nhưng khi một cứ điểm bị tấn công thì lực lượng đối phó chủ yếu vẫn là lực lượng của chính cứ điểm đó chứ không phải là các cứ điểm khác. Nhược điểm này cho phép ta tập trung sức mạnh tiêu diệt và bẻ rời từng cứ điểm để làm suy yếu địch.
          Hai, tính cô lập của "con nhím Điện Biên Phủ”:Điện Biên Phủ là một thung lũng lòng chảo rộng lớn nằm chơ vơ giữa mênh mông núi rừng Tây Bắc lại rất xa những căn cứ hậu phương nhất là những căn cứ không quân lớn của địch, mọi việc tăng viện và tiếp tế đều phải dựa vào đường không. Nếu đường không bị cô lập hay cắt đứt nó sẽ nhanh chóng mất sức chiến đấu và việc khống chế sân bay Mường Thanh không còn là điều khó khăn với bộ đội ta lúc này.
          Ngoài ra, Đảng ta còn dành 2 bất ngờ để “tặng” quân Pháp khi nổ súng khai hỏa. Thứ nhất, đó là lực lượng pháo binh và pháo cao xạ. Sự xuất hiện của pháo mặt đất hạng nặng (105 mm) và pháo cao xạ đã làm mọi tính toán của Pháp đảo lộn, quân Pháp không hiểu bằng cách nào mà quân dân Việt Nam có thể đưa được pháo lớn lên Điện Biên Phủ với địa hình dốc đèo, hiểm trở như vậy, trong khi Pháp có tới 2 máy bay chịu trách nhiệm phát hiện trận địa pháo của ta. Ngay cả trung tá Pirot, chịu trách nhiệm về pháo binh tại Điện Biên Phủ rất tự tin hứa với Navarre rằng: “Sẽ tiêu diệt ngay pháo của Việt Minh sau 2 phút xuất hiện. Thứ 2, cầu hàng không - con đường tiếp tế duy nhất cho quân Pháp ở Điện Biên Phủ sẽ bị cắt đứt vì pháo mặt đất của ta từ trên núi bắn phá sân bay Mường Thanh và Hồng Cúm khiến máy bay Pháp không lên xuống được. Khi quân Pháp quyết định thả dù thì sẽ bị pháo cao xạ bắn quyết liệt khiến hoạt động này sẽ không thu được nhiều kết quả. Thực tế cho thấy bị cắt đứt về hậu cần là một nguyên nhân khiến quân Pháp thua trận tại  Điện Biên Phủ.
          Bên cạnh đó, việc giữ bí mật ý đồ tác chiến và nghi binh chiến lược, làm cho địch nhận định có nhiều sai lầm là đỉnh cao nghệ thuật trong “điều binh khiển tướng” của Đảng ta. Trước khi chiến dịch mở màn, cùng với việc động viên bộ đội kéo pháo ra, tiếp tục bí mật chuẩn bị lại mọi mặt, ta đã rút Đại đoàn 308 tiến công sang hướng Thượng Lào, nhằm cô lập địch ở Điên Biên Phủ, vừa giúp nước bạn Lào mở rộng vùng giải phóng, vừađể không cho địch đánh vào sau lưng ta. Với kế hoạch này, ta đã đạt được cả hai mục đích vừa nghi binh thu hút sự chú ý của chúng và vừa bảo đảm cho bộ đội ở Điện Biên Phủ rút ra khu tập kết an toàn.
          Thực tế đã chứng minh, việc xác định đúng phương châm tác chiến chuyển từ "Đánh nhanh, thắng nhanh" sang "đánh chắc, tiến chắc", quân ta đã thực hiện đánh từng cứ điểm địch từ ngoài vào trong. Địch chọn vị trí dưới lòng chảo, ta chọn vị trí trên cao xung quanh lòng chảo, từ đây từng cứ điểm của địch đều trong tầm kiểm soát của quân ta. Bộ chỉ huy chiến dịch đã biết tận dụng những nhược điểm của địch để chuẩn bị những điều kiện cho quân ta giành chiến thắng. Từng khẩu pháo được che chắn, ngụy trang kỹ lưỡng, đặt đúng hướng vào những mục tiêu đã định ở từng vị trí đóng quân của các đơn vị bộ binh nên có thể nhắm thẳng vào từng ngóc ngách, cứ điểm của địch.
          Với tinh thần cả nước cho Điện Biên Phủ chiến thắng. Ngày 13/3/1954, quân ta nổ súng tấn công đồi Him Lam mở màn cho chiến thắng lịch sử. Sau 56 ngày đêm với 3 đợt tiến công, chiều ngày 7/5/1954, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đã bị tiêu diệt.
          Chiến thắng Điện Biên Phủ và các chiến dịch trong Đông- Xuân 1953-1954 là một trong những đỉnh cao của chiến công giữ nước trong thời đại Hồ Chí Minh, đó là “mộtBạch Đằng, một Chi Lăng, một Đống Đa của thế kỷ XX” đã giáng một đòn quyết định vào dã tâm xâm lược của kẻ thù, đánh bại kế hoạch quân sự Navarre, làm sụp đổ niềm hy vọng của các giới chính trị và quân sự ở Pháp, làm xoay chuyển cục diện chiến tranh. Ngày 21/7/1954, Pháp buộc phải ký hiệp định Giơnevơ về lập lại hòa bình ở Đông Dương, cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta kết thúc thắng lợi, tạo cơ sở cho cuộc đấu tranh ngoại giao của ta giành thắng lợi ở Hội nghị Giơnevơ.
          Thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ đã để lại nhiều bài học quý về tư tưởng chiến lược tiến công, tư tưởng nhỏ thắng lớn, thô sơ thắng hiện đại, nghệ thuật tổ chức, chỉ huy và phát huy sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân, nghệ thuật tổ chức chuẩn bị và điều hành chiến dịch... Bằng cách đánh sáng tạo của chiến tranh nhân dân Việt Nam, mặc dù không có máy bay, xe tăng, pháo lớn, lại xa căn cứ hậu phương, nhưng chúng ta vẫn chiến thắng. Những bài học đó sẽ còn tiếp tục được nghiên cứu, kế thừa và vận dụng, sáng tạo trong huấn luyện quân sự vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay và sau này./.
Số lượt truy cập
Hôm nay:
2214
Hôm qua:
2605
Tuần này:
11032
Tháng này:
61189
Tất cả:
4.359.726