NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 114 NĂM NGÀY QUỐC TẾ PHỤ NỮ 8/3 ( 8/3/1910 – 8/3/2024) VÀ 1984 NĂM KHỞI NGHĨA HAI BÀ TRƯNG!

Nghệ thuật tác chiến trong chiến dịch Điện biên phủ năm 1954

Đăng lúc: 13:36:51 07/05/2018 (GMT+7)3557 lượt xem

Th.s Lê Na
Khoa Xây dựng Đảng

          Trải qua mấy nghìn năm chống giặc ngoại xâm, nghệ thuật quân sự của nhân dân ta đã được hình thành và không ngừng phát triển qua các thời kỳ lịch sử. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Đảng ta đã kế thừa, vận dụng và phát triển rất hiệu quả nghệ thuật quân sự của cha ông để chiến thắng kẻ thù xâm lược, điều đó thể hiện rõ trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ “lẫy lừng năm châu, chấn động địa cầu”. Ở chiến dịch này, đã thể hiện nét đặc sắc, độc đáo của nghệ thuật quân sự truyền thống và là đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp trên cả ba lĩnh vực gồm chỉ đạo, điều hành chiến tranh (chiến lược quân sự), nghệ thuật chiến dịch và chiến thuật.
          Ngày 7 tháng 5 năm 1954, trận quyết chiến chiến lược lịch sử Điện Biên Phủ giành thắng lợi, Nhân dân Việt Nam kết thúc 9 năm  (1945 – 1954) trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ đã đóng góp và làm phong phú thêm kho tàng nghệ thuật quân sự Việt Nam, nghệ thuật tác chiến đã được phát triển cao nhất trong thời kỳ chống thực dân Pháp.
Năm 1954, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự chỉ đạo trực tiếp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thể hiện quyết tâm chính trị cao, thực hiện trận quyết chiến lược tấn công vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Lúc này, Bộ Chính trị đã đặt ra 2 phương châm tác chiến: “Đánh nhanh, thắng nhanh” và “đánh chắc, tiến chắc” để lựa chọn thực hiện. Trước khi ra mặt trận Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng, chắc thắng mới đánh. Không chắc thắng không đánh.
Tại chiến trường Điện Biên Phủ, ngày 14/1/1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ đạo toàn quân chuẩn bị các điều kiện cần thiết thực hiện phương châm “đánh nhanh, thắng nhanh”, tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ trong 3 ngày đêm. Tuy nhiên, trước giờ nổ súng tấn công, Đại tướng và Bộ Chỉ huy Chiến dịch nhận thấy, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ với sự viện trợ của Mỹ đã được thực dân Pháp xây dựng thành một cứ điểm kiên cố và vững chắc, không thể tiếp tục thực hiện được phương châm “đánh nhanh, thắng nhanh”. Đại tướng quyết định lùi thời gian tấn công, tiếp tục chuẩn bị các điều kiện cho chiến dịch và thay đổi phương châm từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” – đây là quyết định khó khăn nhất trong đời cầm quân của Đại tướng. Chính quyết định đúng đắn này, quân và dân Việt Nam với 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm”, mở 3 đợt tấn công, tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ vào ngày 7/5/1954, làm nên chiến công hiển hách, lùng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.
Chiến thắng Điện Biên Phủ, quân và dân Việt Nam đã để lại một số nghệ thuật tác chiến như:
Nghệ thuật tác chiến vây hãm và đột phá.
Chiến dịch Điện Biên Phủ, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã linh hoạt, sáng tạo và kịp thời chuyển từ phương châm “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” phù hợp với thực tế trên chiến trường. Thực hiện phương châm, “đánh chắc, tiến chắc” quân và dân Việt Nam đã thực hiện kế hoạch “vây lấn” tập đoàn cứ điểm của địch từ ngoài vào trong, tiêu diệt từng cụm cứ điểm, tiến tới tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Đây là cách đánh “trói địch lại” mà đánh, từ đánh “bóc vỏ”, đến đánh vào trung tâm cứ điểm, làm cho địch không phát huy được sở trường, thế mạnh về pháo binh, máy bay và chiến hào.  Đồng thời, khoét sâu và những điểm yếu của quân đội Pháp là ý chí, quyết tâm; là con đường tiếp tế duy nhất bằng hàng không - vốn là nhược điểm cốt tử của quân đội Pháp ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Đây chính là nghệ thuật tác chiến vây hãm và đột phá đã được quân đội Việt Nam sử dụng hiệu quả trong chiến dịch. Trong đó, vây hãm sẽ là điều kiện quan trọng cho đột phá, đột phá thắng lợi tạo kiện thuận lợi cho vây hãm siết chặt hơn và từng bước làm cho kẻ địch từ mạnh đến suy yếu về lực lượng, thế trận, tạo thời cơ thuận lợi tiến tới tổng công kích kết thúc chiến dịch toàn thắng.
Nghệ thuật tác chiến vận dụng liên hoàn các phương án tấn công.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ cho thấy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp lấy những cơ sở, điều kiện từ thực tế chiến trường để có cách vận dụng linh hoạt các phương án tác chiến cho phù hợp với từng hoàn cảnh cụ thể. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ cho thấy, sự vận dụng linh hoạt, sáng tạo các phương án tác chiến như: từ đánh chậm đến đánh nhanh, lại quay về đánh chậm và chuyển sang tổng công kích giành thắng lợi hoàn toàn. Chiến dịch thực hiện phương châm “đánh chắc, tiến chắc”, nhưng khi giành được những thắng lợi, tạo ra thời cơ mới, đẩy địch vào tình thế rối loạn, suy sụp về tinh thần, quân và dân Việt Nam lập tức mở cuộc tổng công kích toàn diện tiêu diệt nhanh chóng toàn bộ tập đoàn cứ điểm để kết thúc chiến dịch. 
Nghệ thuật tác chiến trong chiến dịch Điện Biên Phủ đã được quân và dân ta vận dụng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 - 1975), thể hiện sâu sắc nhất trong Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975. Bộ Chỉ huy đã chủ động, sáng tạo, nhạy bén thay đổi kế hoạch tác chiến, thay đổi cách đánh; vận dụng linh hoạt các phương án tác chiến khi nhận thấy tính hình trên chiến trường có lợi cho chúng ta. Quân và dân Việt Nam đã “thần tốc, táo bạo” tấn công địch để giành toàn thắng, kết thức chiến tranh, thống nhất đất nước.
Như vậy, với nghệ thuật tác chiến trong chiến dịch Điện Biên Phủ (1954) đã để lại nhiều bài học quý báu về tư tưởng chỉ đạo chiến dịch, chiến thuật của nghệ thuật quân sự Việt Nam như: tư tưởng lấy nhỏ thắng lớn; lấy thô sơ thắng hiện đại; nghệ thuật tổ chức, chỉ huy sáng tạo, linh hoàn phù hợp với thực tế tại chiến trường. Bài học về nghệ thuật tác chiến vây hãm và đột phá; vận dụng liên hoàn các phương án tấn công sẽ tiếp tục được nghiên cứu, kế thừa và vận dụng sáng tạo trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hiện nay./.
Số lượt truy cập
Hôm nay:
2637
Hôm qua:
1933
Tuần này:
4570
Tháng này:
41151
Tất cả:
4.339.688