HƯỞNG ỨNG NGÀY SÁCH VÀ VĂN HOÁ ĐỌC VIỆT NAM (21/4/2021 - 21/4/2024)

Nghiên cứu, vận dụng các quan điểm của Đảng trong Văn kiện Đại hội XIII về công tác kiểm tra, giám sát vào giảng dạy lý luận chính trị

Đăng lúc: 08:40:04 02/10/2021 (GMT+7)1706 lượt xem

 ThS.Lê Mỹ Dung
GVC Khoa Xây dựng Đảng
Thực tiễn hơn 90 năm Cách mạng nước ta đã chứng minh: Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng có vị trí và tầm quan trọng đặc biệt trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Do vậy, Đảng ta xác định kiểm tra là một trong những chức năng lãnh đạo quan trọng của Đảng; góp phần quan trọng, giúp Đảng ta thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của từng giai đoạn cách mạng; đồng thời, đưa công tác xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức đi vào nề nếp, có chất lượng. Nhất là trong thời kỳ đổi mới, công tác KTGS của Đảng đã góp phần quan trọng vào việc bảo vệ đường lối, quan điểm, các nguyên tắc của Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Qua công tác KTGS, Đảng ta đã xử lý và thi hành kỷ luật nhiều tổ chức và đảng viên, góp phần làm cho tổ chức đảng đảng viên nêu cao tínhtự giác chấp hành các nguyên tắc, kỷ cương kỷ luật của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Theo đó, công tác KTGS đã góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, tạo sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng và củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

Tuy nhiên, trong thực tế, không phải mọi lúc, mọi nơi, mọi tổ chức đảng và đảng viên luôn giữ vững và thực hiện nghiêm các nguyên tắc của Đảng, giữ vững bản chất chính trị, đạo đức và nêu cao lý tưởng của người đảng viên. Nhấn mạnh điều này, tại Đại hội đại
biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng ta đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế: “Thực hiện các nguyên tắc xây dựng Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ ở một số tổ chức đảng còn chưa nghiêm, thậm chí vi phạm”(1); đồng thời: “Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của không ít tổ chức đảng còn thấp, nhất là việc tổ chức thực hiện nghị quyết và khả năng phát hiện, đề ra chủ trương, biện pháp lãnh đạo giải quyết các vấn đề phát sinh ở cơ sở”(2).

Về
nguyên nhân của tình trạng trên, như Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã chỉ ra là: Một số cấp uỷ, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên chưa nhận thức đầy đủ, toàn diện, sâu sắc về tầm quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong tình hình mới; việc quán triệt các nghị quyết của Đảng ở một số nơi chưa kịp thời, sâu sắc. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện của một số cấp uỷ, tổ chức đảng chưa chủ động, sâu sát, thiếu quyết liệt; chưa coi trọng việc tự kiểm tra, xử lý vi phạm. Một số nơi, người đứng đầu chưa phát huy hết trách nhiệm, thiếu bản lĩnh, chưa gương mẫu, còn thụ động, né tránh, trông chờ vào chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên. Việc thực hiện các nguyên tắc tổ chức của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ ở một số nơi chưa nghiêm, thậm chí còn vi phạm, mất đoàn kết nội bộ, có nơi còn biểu hiện cục bộ, lợi ích nhóm. Kiểm soát quyền lực còn lúng túng, hiệu quả thấp”(3).Hơn thế, hiện nay, do tác động của hoàn cảnh bên ngoài cộng với sự thiếu tự giác tu dưỡng, rèn luyện đã dẫn đến có một bộ phận đảng viên, kể cả đảng viên có chức, có quyền, bị suy thoái, biến chất; bộc lộ cơ hội về chính trị, chạy theo lợi ích cá nhân; suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tham nhũng, “lợi ích nhóm”, ý thức tổ chức kỷ luật lỏng lẻo, thiếu tiền phong gương mẫu; xa rời quần chúng nhân dân... Những hiện tượng đó đã trở thành nguy cơ lớn, đe dọa sự sống còn của Đảng và chế độ XHCN chúng ta đang xây dựng.

Bởi vậy, để thực hiện có chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng Đảng, một nhiệm vụ then chốt, thường xuyên là công tác KTGS phải được xác định đây là một hoạt động quan trọng. Nghĩa là, công tác KTGS của Đảng cần phải nâng cao hiệu lực, hiệu quả; nghiêm túc thi hành kỷ luật Đảng; tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm lãnh đạo của cấp uỷ và tổ chức đảng các cấp; gắn việc xử lý kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên đã kết luận sai phạm qua kiểm tra nhằm giáo dục, răn đe theo đúng tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không hình thức, chiếu lệ. Các cấp ủy đảng cần nêu cao trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo UBKT và tổ chức đảng trực thuộc thực hiện có chất lượng nhiệm vụ KTGS trong Đảng; phối hợp với Thanh tra, UBMT Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể cùng cấp để tiến hành các nội dung, nhiệm vụ KTGS theo quy định; đặc biệt là việc KTGS tổ chức đảng và đảng viên chấp hành Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng và pháp luật của Nhà nước; KTGS công tác cán bộ,..

Trên tinh thần đó, Đại hội lần thứ XIII của Đảng
cũng đã chỉ ra những nhiệm vụ cụ thể trong công tác kiểm tra, giám sát. Đó là: Xây dựng, hoàn thiện các quy định, quy chế nhằm giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát…. Đổi mới mạnh mẽ, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng; công tác hướng dẫn, chỉ đạo của UBKT đối với cấp uỷ, tổ chức đảng cấp dưới trong thực hiện công tác KTGS và kỷ luật Đảng…. Xử lý kịp thời, kiên quyết, triệt để, đồng bộ, nghiêm minh các tổ chức đảng, đảng viên vi phạm. Tăng cường quản lý kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp để kịp thời phát hiện, ngăn chặn từ xa, từ đầu, từ sớm, không để xảy ra vi phạm. Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác cán bộ, gắn với chống chạy chức, chạy quyền. Phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân…”(4). Cùng nhiều nhiệm vụ khác về công tác KTGS, để thực hiện những nhiệm vụ đó, đòi hỏi mọi tổ chức đảng và mọi cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trong nghiên cứu, quán triệt và vận dụng những quan điểm chỉ đạo của Đảng vào thực tiễn địa phương, đơn vị mình một cách nghiêm túc.

Đ
ối với Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá- cơ sở đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý và nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý cho hệ thống chính trị cấp cơ sở và cán bô, công chức, viên chức ở địa phương trên địa bàn toàn tỉnh, việc quán triệt thực hiện các quan điểm của Đảng về công tác KTGS cho cán bộ, đảng viên, giảng viên không những là trách nhiệm, nhiệm vụ của Đảng bộ nhà trường mà còn góp phần quan trọng trong việc đưa nghị quyết vào cuộc sống thông qua việc truyền đạt nội dung bài giảng cho các học viên. Đối với bộ môn Nghiệp vụ công tác Đảng ở cơ sở  thuộc Chương trình Trung cấp lý luận chính trị, việc kịp thời cập nhật, đưa các quan điểm mới của Đảng trong Văn kiện Đại hội XIII về công tác xây dựng Đảng nói chung, những quan điểm về công tác KTGS nói riêng vào trong các bài giảng là yêu cầu tất yếu, đòi hỏi mỗi giảng viên phải thực hiện thường xuyên.

Để quán triệt, vận dụng các quan điểm của Văn kiện Đại hội XIII về công tác KTGS trong giảng dạy môn Nghiệp vụ công tác Đảng ở cơ sở một cách hiệu quả, đòi hỏi trước hết giảng viên phải nhận thức đầy đủ nội dung các quan điểm của Đảng trong Văn kiện Đại hội XIII về công tác
kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng, đặc biệt là những đánh giá của Đại hội XIII về thực trạng công tác xây dựng Đảng nói chung, công tác KTGS nói riêng, về vai trò của công tác KTGS đối với chất lượng công tác xây dựng Đảng và những phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát để từ đó chọn lọc thông tin, nội dung phù hợp lồng ghép, vận dụng linh hoạt vào từng bài, từng nội dung giảng dạy. Cụ thể:

Trong quá trình giảng dạy, giảng viên phải xác định rõ những nội dung cụ thể về công tác KTGS, những quan điểm của Đảng về công tác KTGS được đề cập trong Văn kiện Đại hội XIII và Quy định số 22-QĐ/TW ngày 28/7/2021 của BCHTW khoá XIII về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng để đưa vào từng bài, từng nội dung cho phù hợp nhằm làm cho học viên thấy rõ được tầm quan trọng của công tác KTGS đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và đối với công tác xây dựng Đảng bởi vì đây chính là một nội dung trong phương thức lãnh đạo của Đảng và cũng là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết của công tác xây dựng Đảng trong tất cả các thời kỳ cách mạng, đặc biệt trong tình hình hiện nay; trong đó, tùy vào từng bài cụ thể. Ví dụ, đối với Bài 8 “Công tác kiểm tra, giám sát của tổ chức cơ sở đảng”, trong quá trình giảng dạy, khi đề cập đến tầm quan trọng của việc phải nâng cao chất lượng công tác KTGS của Đảng trong tình hình hiện nay, giảng viên phải biết lồng ghép những đánh giá, nhận định của Đảng trong Văn kiện Đại hội XIII về những hạn chế, những vấn đề đặt ra trong công tác xây dựng Đảng nói chung, công tác KTGS nói riêng và từ đó có những giải pháp hữu hiệu, cũng như đó là căn cứ để BCH Trung ương Đảng khoá XIII đưa ra Quy định số 22 về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng để giúp học viên thấy rõ sự cần thiết, cấp bách phải tăng cường hơn nữa và không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác KTGS của Đảng nhằm kiên quyết, kiên trì đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ở một số cán bộ đảng viên, để không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, trong đó có các tổ chức đảng ở các địa phương, đơn vị.


Đồng thời, tùy vào từng nội dung cụ thể, giảng viên cũng phải chọn lọc, lựa chọn những nội dung để lồng ghép đưa vào bài giảng những quan điểm của Đại hội XIII về phương hướng, nhiệm vụ và các quy định cụ thể của BCH Trung ương Đảng công tác KTGS để giúp học viên có sự nhận thức đầy đủ, đúng đắn những quan điểm chỉ đạo của Đảng; từ đó liên hệ với tổ chức đảng đang sinh hoạt, liên hệ với thực tiễn chức trách, nhiệm vụ được giao để xác định những phương pháp, cách thức trong quán triệt, tổ chức thực hiện. Trong đó, giảng viên phải chú trọng phân tích làm rõ những nhiệm vụ, giải pháp, tập trung hướng vào giải quyết những vấn đề đang đặt ra trong thực tiễn. Đặc biệt, để thực hiện tốt phương châm giảng dạy là “học đi đôi với hành”, “lý luận gắn với thực tiễn”, bằng các ví vụ cụ thể như: Bên cạnh những gương người tốt việc tốt với những cách làm hay trong lãnh đạo, chỉ đạo đảng viên làm kinh tế giỏi, với những ý tưởng sáng tạo trong lao động, học tập, vươn lên vượt qua khó khăn, thử thách, vẫn còn không ít những tổ chức đảng và đảng viên chưa hoàn thành tốt nhiệm vụ, thậm chí vi phạm nghiêm trọng; đặc biệt, đã phải sử dụng các hình thức kỷ luật của Đảng để xử lý hoặc cao hơn nữa còn vi phạm pháp luật và phải nhận những bản án thích đáng. Đây là những ví dụ sinh động, làm cho bài giảng có tính thực tiễn, hấp dẫn, giúp học viên dễ hiểu, dễ vận dụng. Theo đó,  đòi hỏi
giảng viên phải đẩy mạnh, tăng cường đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng giảng dạy tích cực, lấy người học làm trung tâm, tạo sự hấp dẫn, thu hút học viên; trong đó, phải tăng cường trao đổi, thảo luận về những vấn đề đang đặt ra trong thực tiễn về công tác KTGS. Từ thực tiễn công tác xây dựng Đảng nói chung, công tác KTGS ở chính những tổ chức đảng nơi học viên đang sinh hoạt, học viên có thể cùng giảng viên trao đổi về cách thức vận dụng những quan điểm chỉ đạo của Đại hội XIII để giải quyết các vấn đề đang đặt ra ở địa phương, đơn vị một cách hiệu quả. Đây là cách thức hiệu quả để nhanh chóng đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống thông qua chính đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý đang học tại Nhà trường và đồng thời cũng sẽ giúp cho giảng viên có thêm những thông tin thực tiễn để bổ sung vào bài giảng.

Có thể khẳng định, việc quán triệt và nghiêm túc thực hiện nội dung quan điểm, nhiệm vụ về công tác K
TGS được Đại hội lần thứ XIII của Đảng đưa ra là trách nhiệm của mọi tổ chức đảng và đội ngũ đảng viên; của mọi cấp, ngành, đoàn thể. Tuy nhiên, tuỳ vị trí, chức năng, mỗi cấp, mỗi ngành có những nhiệm vụ khác nhau. Đối với Trường Chính trị tỉnh, việc nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là then chốt và chủ yếu; trong đó có việc trang bị kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ về công tác KTGS. Để đạt yêu cầu đó, đòi hỏi người giảng viên phải nghiên cứu nghiêm túc, trách nhiệm các quan điểm Đại hội lần thứ XIII của Đảng đưa ra. Đây là quá trình làm việc công phu, lâu dài, đòi hỏi giảng viên phải cố gắng, nỗ lực mới đạt được./.
 

(1) Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQGST, T1, tr 90
(2) Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQGST, T1, tr 91
(3) Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQGST, T2, tr 224-225
(4) Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQGST, T1, tr 188 - 189 
Số lượt truy cập
Hôm nay:
2063
Hôm qua:
1983
Tuần này:
12376
Tháng này:
44022
Tất cả:
4.408.902