HƯỞNG ỨNG NGÀY SÁCH VÀ VĂN HOÁ ĐỌC VIỆT NAM (21/4/2021 - 21/4/2024)

Nghiên cứu, vận dụng quan điểm xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng vào giảng dạy bài “Lý luận quản lý hành chính nhà nước”

Đăng lúc: 15:11:18 26/11/2021 (GMT+7)2689 lượt xem

Tống Thị Lan
Phó Trưởng Khoa Nhà nước và Pháp luật
 
Ở Việt nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người khởi xướng quan điểm về Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân. Trên nền tảng kế thừa, phát triển sáng tạo những quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng vào tình hình thực tiễn của đất nước, quan điểm của Đảng ta về xây dựng Nhà nước pháp quyền được hình thành và phát triển một cách nhanh chóng (lần đầu tiên đề cập trong Nghị quyết giữa nhiệm kỳ Đại hội VII) và được khẳng định rõ trong Văn kiện qua các kỳ Đại hội của Đảng. Tại Đại hội XIII, trên cơ sở bổ sung, phát triển, một lần nữa quan điểm xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam được Đảng ta xác định: 1) Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị; 2)Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, bảo đảm Quốc hội thật sự là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng quy trình lập pháp, tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tôn trọng, đảm bảo, bảo vệ quyền con người, quyền công dân; hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến Pháp, cơ chế giám sát, lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. Bảo đảm tiêu chuẩn, cơ cấu, nâng cao chất lượng đại biểu Quốc Hội, tăng hợp lý số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách; giảm số lượng đại biểu công tác ở các cơ quan hành pháp, tư pháp; 3)Xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, công khai, minh bạch. Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả   trên cơ sở tổ chức hợp lý các bộ đa ngành, đa lĩnh vực. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, xác định rõ trách nhiệm giữa Chính phủ với các bộ, ngành; giữa Chính phủ, các bộ, ngành với chính quyền địa phương. Tiếp tục sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh gọn, bảo đảm chất lượng, hoạt động hiệu quả; 4) Tiếp tục xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ Quốc, phục vụ nhân dân; 5) Tiếp tục hoàn thiện tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với địa bàn nông thôn, đô thị, hảo đảo, đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt theo luật đinh; thực hiện và tổng kết việc thí điểm chính quyền đô thị nhằm xây dựng và vận hành các mô hình quản trị chính quyền đô thị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Cải cách phân cấp ngân sách nhà nước bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương, nâng cáo tính chủ động, tự chủ của ngân sách địa phương.6)Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, phục vụ nhân dân và sự phát triển của đất nước; 7) Gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với tổ chức thi hành pháp luật. Thúc đẩy xây dựng chính quyền điện tử, tăng cường sự kết nối, trao đổi thông tin thường xuyên giữa chính quyền các cấp, giữa chính quyền với người dân và doanh nghiệp.
Đối với giảng viên trường chính trị tỉnh, việc nghiên cứu, vận dụng các nội dung của Nghị quyết vào bài giảng là điều cần thiết; bởi vì, không chỉ nâng cao kiến thức lý luận và thực tiễn cho mỗi giảng viên, mà còn giúp học viên nắm được một cách có hệ thống những chủ trương, đường lối của Đảng, qua đó xác định trách nhiệm của bản thân trong việc đưa Nghị quyết vào cuộc sống.
“Lý luận quản lý hành chính nhà nước” là bài học thuộc phần học Những vấn đề cơ bản trong quản lý hành chính nhà nước” trang bị cho người học hệ thống kiến thức cơ bản về đặc điểm, nguyên tắc, hình thức, phương pháp, nội dung quản lý hành chính nhà nước; về tổ chức bộ máy hành chính và giải pháp đảm bảo hiệu lực, hiệu quả quản lý hành chính nhà nước. Để góp phần đạt được mục tiêu của bài học, ở các mức độ khác nhau chúng ta đều có thể nghiên cứu để vận dụng những quan điểm trong Văn kiện Đại hội XIII Đảng cộng sản Việt nam về “xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa” vào giảng dạy từng phần, từng nội dung. Cụ thể là:
Thứ nhất, khi phân tích đặc điểm quản lý hành chính nhà nước là hoạt động quản lý mang tính quyền lực đặc biệt (là hoạt động thực thi quyền hành pháp), giảng viên cần cập nhật quan điểm chủ đạo của Đảng về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền trong Văn kiện Đại hội XIII để làm rõ: cách thức tổ chức quyền lực ở nước ta; sự phân công, phối hợp, kiểm soat giữa các cơ quan trong thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; sự phân công, phân cấp thẩm quyền giữa các cơ quan hành chính nhà nước, đồng thời phải chỉ rõ yêu cầu sử dụng quyền lực trong giới hạn thẩm quyền được giao, thực hiện nhiệm vụ quản lý theo đúng pháp luật, không được lạm dụng, buông lỏng quyền lực; phải thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ trong quản lý điều hành.
        Thứ hai, khi phân tích nguyên tắc quản lý hành chính nhà nước phải tiếp tục làm rõ quan điểm “Nhà nước pháp quyền do Đảng cộng sản Việt nam lãnh đạo” để nâng cao nhận thức cho người học về vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản đối với Nhà nước, trong đó có hoạt động quản lý hành chính nhà nước - là một đặc trưng quan trọng của Nhà nước pháp quyền pháp quyền xã hội chủ nghĩa  ở Việt nam (đây là sự khác biệt giữa Nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt nam so với Nhà nước pháp quyền Tư bản); đồng thời khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động quản lý hành chính nhà nước mang tính hiến định, bởi vì theo Điều 4 Hiến pháp 2013: Đảng là “lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội”. Mặt khác, khi phân tích nội dung này phải làm rõ tính khách quan của việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động quản lý nhà nước nói chung và quản lý hành chính nhà nước nói riêng trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân; đồng thời làm rõ nội dung lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động quản lý hành chính nhà nước ở từng lĩnh vực cụ thể và một số giải pháp nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động này bằng các ví dụ thực tiễn.
Thứ ba, cần quán triệt quan điểm: “Gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với tổ chức thi hành pháp luật” để phân tích làm rõ yêu cầu đối với nội dung hoạt động lập quy hành chính trên nguyên tắc tôn trọng tính tối cao của Hiến pháp, pháp luật. Để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của quyết định hành chính phải có cơ chế quy định rõ sự phân công, phân cấp thẩm quyền; phát huy tính chủ động, sáng tạo của các cấp chính quyền địa phương; nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tính hợp hiến, hợp pháp, hợp lý trong các quyết định hành chính khi ban hành của các chủ thể quản lý hành chính nhà nước, kết hợp tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quyết định quản lý.
           Thứ tư, khi xác định tổ chức bộ máy hành chính nhà nước (chủ thể quản lý hành chính nhà nước), cần vận dụng quan điểm Xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, công khai, minh bạch. Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả trên cơ sở tổ chức hợp lý các bộ đa ngành, đa lĩnh vực…” để phân tích làm rõ tư tưởng chỉ đạo: thực hiện tổ chức bộ máy hành chính tinh gọn, phân định rõ chức năng, nhiệm, quyền hạn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả gắn với nhiệm vụ cải cách hành chính; đồng thời liên hệ thực tiễn việc bố trí, sắp sếp tổ chức hành chính nhà nước trong thời gian qua, đặc biệt là tổ chức hành chính ở địa phương (cấp xã), từ đó hướng tới hoàn thành nhiệm vụ xây dựng một nền hành chính công chuyên nghiệp, hiện đại, vận hành thông suốt, hiệu quả; một nền hành chính trong sạch, vững mạnh, thống nhất, đồng bộ; giảm thủ tục hành chính, quy trình hóa, minh bạch hóa, siết chặt kỷ cương hành chính.
Thứ năm, khi phân tích nội dung giải pháp đảm bảo hiệu lực, hiệu quả quản lý hành chính nhà nước, cần vận dụng quan điểm “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước”  để phân tích làm rõ yêu cầu về lựa chọn, bố trí và sử dụng cán bộ, công chức đúng tiêu chuẩn, đúng người, đúng việc (phù hợp với chuyên môn, năng lực, sở trường công tác, vị trí việc làm…) đồng thời quán triệt quan điểm phải có: Cơ chế lựa chọn, đào tạo, thu hút, trọng dụng nhân tài”; “Cơ chế khuyến khích, khơi dậy tinh thần cống hiến vì đất nước, tạo động lực và áp lực để mọi cán bộ, công chức, viên chức hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao, tận tụy phục vụ nhân dân”và thực hiện nghiêm cơ chếSàng lọc, thay thế kịp thời những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm pháp luật, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, bị xử lý kỷ luật, không còn uy tín với nhân dân”
Như vậy, qua các lý giải trên cho thấy, từ quan điểm của Đảng về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa” trong Văn kiện Đại hội XIII Đảng Cộng sản Việt nam, giảng viên có thể nghiên cứu để vận dụng vào giảng dạy từng phần, từng nội dung trong bài“Lý luận quản lý hành chính nhà nước”. Tuy nhiên, để việc nghiên cứu, vận dụng có hiệu quả Văn kiện Đại hội XIII vào giảng dạy các bài học, môn học trong chương trình Trung cấp lý luận chính trị tại Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa, chúng tôi xin đưa ra một số kiến nghị sau:
Một là, đốivới Ban Giám hiệu: Tiếp tục tăng cường công tác lãnh, chỉ đạo việc vận dụng Nghị quyết XIII của Đảng vào thực hiện nhiệm vụ chính trị gắn với nhiệm vụ chuyên môn của các khoa, phòng; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tính cập nhật trong soạn bài, hoàn thiện giáo án của từng giảng viên.
Hai là, đối với giảng viên: Thường xuyên cập nhật, chủ động, tích cực bổ sung nội dung Văn kiện Đại hội XIII của Đảng vào soạn, giảng bài, gắn với kết hợp các phương pháp giảng dạy tích cực một cách linh hoạt, phù hợp. Đây vừa là nhiệm vụ thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên của Nhà trường; đồng thời góp phần quan trọng vào việc đưa Nghị quyết vào cuộc sống, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội.
Ba là, đối với học viên: Tích cực học tập, nghiên cứu nội dung Văn kiện để trên cơ sở phông kiến thức, sự hiểu biết của bản thân có thể hiểu và nắm được đầy đủ nội dung bài học, gắn lý luận với thực tiễn.
Trên đây là những định hướng ban đầu đối với việc nghiên cứu, vận dụng nội dung quan điểm về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong Văn kiện Đại hội XIII Đảng cộng sản Việt nam vào giảng dạy bài “Lý luận quản lý hành chính nhà nước”, với hy vọng góp phần nâng cao chất lượng các bài giảng trong đào tạo Trung cấp lý luận chính trị tại Trường Chính trị tỉnh Thanh hoá. Rất mong nhận được những đóng góp và trao đổi của các đồng nghiệp để việc nghiên cứu, vận dụng Văn kiện Đại hội XIII Đảng cộng sản Việt nam vào bài giảng được hoàn thiện hơn.
----------------
Tài liệu tham khảo: Đảng Cộng sản Việt Nam, VKĐHĐTQ lần thứ XIII, tập 1, Hà nội, 2021, tr174-tr179
 
Số lượt truy cập
Hôm nay:
849
Hôm qua:
2395
Tuần này:
11027
Tháng này:
57401
Tất cả:
4.422.281