HƯỞNG ỨNG NGÀY SÁCH VÀ VĂN HOÁ ĐỌC VIỆT NAM (21/4/2021 - 21/4/2024)

Nhìn lại một năm hoạt động nghiên cứu thực tế của các lớp Trung cấp LLCT – HC Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa

Đăng lúc: 10:48:20 10/06/2019 (GMT+7)3688 lượt xem

                                                                   
                                                                   Nguyễn Thị Hiền
                                                                  Phòng Nghiên cứu KH-TT-TL
 
Nghiên cứu thực tếlà một nội dung trong chương trình đào tạo Trung cấp Lý luận chính trị - hành chính, giúp học viên củng cố, bổ sung kiến thức lý luận đã học trên lớp, tích lũy kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý, đảm bảo thực hiện tốt phương châm “gắn lý luận với thực tiễn”, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng.
Trên cơ sở Quy chế quản lý đào tạo của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (ban hành kèm theo Quyết định số 1855/QĐ-HVCTQG ngày 21/4/2016) và Hướng dẫn số 256/HD-HVCTQG, ngày 30/6/2017 của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh về hoạt động nghiên cứu thực tế của học viên trong chương trình đào tạo Trung cấp Lý luận chính trị - hành chính, Ban Giám hiệu Nhà trường đã có những định hướng, ý kiến chỉ đạo xây dựng Kế hoạch nghiên cứu thực tế và tổ chứ Tọa đàm tổng thể cho các lớp, các hệ trong đó xác định nội dung, chủ đề nghiên cứu theo hướng sâu địa bàn, sát lĩnh vực, phù hợp với chức danh vị trí việc làm của học viên; phân công trách nhiệm cho các khoa, phòng đảm bảo phù hợp chuyên môn, giáo viên chủ nhiệm báo cáo khoa chuyên môn, phối hợp với Phòng Nghiên cứu khoa học - Thông tin - Tư liệu và Phòng Đào tạo xây dựng kế hoạch chi tiết cho từng lớp, đấu mối với cơ quan, đơn vị đến nghiên cứu và tổ chức đoàn đi nghiên cứu.
Trong năm học 2017-2018, Nhà trường đã tổ chức cho 50 lớp thuộc các hệ, các ngành  đi nghiên cứu thực tế ở trong và ngoài tỉnh. Nội dung nghiên cứu thực tế gồm: (1) Học tập và trao đổi kinh nghiệm trong xây dựng tác phong làm việc của cán bộ, công chức, viên chức; (2) Rèn luyện phong cách làm việc cho cán bộ, công chức, viên chức theo phong cách Hồ Chí Minh; (3) Kinh nghiệm lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền ở địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh; (4) Kinh nghiệm trong xây dựng nông thôn mới…. Ngoài hình thức nghiên cứu là nghe báo cáo, học viên còn được tham quan các mô hình phát triển kinh tế của địa phương, nghiên cứu tìm hiểu các khu Di tích Lịch sử cách mạng, địa danh nổi tiếng trong và ngoài tỉnh. Thời lượng các chuyến đi nghiên cứu thực tế diễn ra từ 01đến 02 ngày và thường được tổ chức vào cuối tuần.
Các địa điểm mà Nhà trường và phòng, khoa chuyên môn lựa chọn đến nghiên cứu là những địa phương có những thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức; có sự đổi mới, đột phá về tư duy trong xây dựng nông thôn mới như: Thành phố Sầm Sơn, phường Ba Đình, thành phố Thanh Hóa; Khu Nông nghiệp Công nghệ cao Lam Sơn, Thọ Xuân; Khu Công nghiệp Nghi Sơn; Nhà máy sữa TH True milk, Nghĩa Đàn Nghệ An…
Qua việc đi nghiên cứu thực tế, học viên ở các lớp đã thu hoạch được nhiều kết quả quan trọng mang lại ý nghĩa rất thiết thực, đóng góp tích cực vào việc thực hiện mục tiêu và nhiệm vụ đổi mới của nhà trường, giúp học viên có cái nhìn tổng quát, bổ sung thêm kinh nghiệm, rèn luyện khả năng vận dụng lý luận vào thực tiễn công tác, từ đó giải quyết một số vấn đề đặt ra từ thực tế ở cơ sở. Việc nghiên cứu thực tế cũng là cơ hội để học viên tiếp tục rèn luyện các kỹ năng như kỹ năng viết, kỹ năng phát hiện vấn đề, kỹ năng tổng kết thực tiễn… Đây là những kỹ năng rất thiết thực đối với mỗi người lãnh đạo, quản lý. Bên cạnh đó, chuyến đi còn là cơ hội để thắt chặt thêm tình đoàn kết giữa các thành viên trong lớp, tạo sự gắn kết giữa Nhà trường và địa phương. Ngoài ra, nghiên cứu thực tế còn là dịp để học viên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm những bài học quản lý trong công tác, chỉ đạo xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, đặc biệt là tinh thần tập thể qua đợt đi nghiên cứu thực tế được nâng cao.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động nghiên cứu thực tế còn gặp một số khó khăn, hạn chế như:
- Việc tổ chức nghiên cứu thực tế của một số lớp vẫn còn mang nặng tính tham quan, thiếu trao đổi, học tập kinh nghiệm, chưa tìm được những mô hình, kinh nghiệm có giá trị thực tiễn;
- Ý thức trách nhiệm của một số học viên trong tham gia nghiên cứu thực tế chưa cao, chưa có sự trăn trở tìm tòi trước khi về địa phương. Vì vậy thiếu sự chia sẻ, trao đổi đa chiều; việc ghi chép khi nghe báo cáo chưa đươc các học viên thực hiện nghiêm túc.
- Việc đấu mối với các đơn vị đến nghiên cứu còn gặp khó khăn. Chưa có nhiều mô hình để Nhà trường tổ chức cho học viên đến nghiên cứu, học tập kinh nghiệm dẫn đến là có những địa điểm nghiên cứu được tổ chức nhiều lần (như Khu kinh tế Nghi Sơn, Khu Ngông nghiệp công nghệ cao Lam Sơn; FLC Sầm Sơn…).  
- Nguồn kinh phí cho hoạt động đi nghiên cứu thực tế đều do lớp tự túc.
Để việc đi nghiên cứu thực tế đạt chất lượng, hiệu quả cao cần xác định và làm tốt các yêu cầu sau:
Thứ nhất, nâng cao tinh thần trách nhiệm cho cán bộ, giảng viên và học viên về vai trò và tầm quan trọng của hoạt động nghiên cứu thực tế. Thông qua chương trình nghiên cứu thực tế, học viên sẽ tiếp thu, lĩnh hội được những thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời hiểu được bản sắc văn hóa của mỗi vùng miền. Do đó, cần tạo mọi điều kiện tốt nhất về thời gian, kinh phí, chính sách; trước khi đến địa phương, phải làm tốt công tác liện hệ, trao đổi trước về nội dung nghiên cứu để địa phương có thể chuẩn bị tốt hơn về chương tình, báo cáo…
Thứ hai, tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa nhà trường với cơ sở đến nghiên cứu, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động nghiên cứu thực tế của các lớp; các khoa chuyên môn, giáo viên chủ nhiệm được giao nhiệm vụ và hướng dẫn cần xây dựng kế hoạch trao đổi với địa phương về vấn đề cần nghiên cứu với thời gian và nội dung cụ thể để địa phương có sự chuẩn bị. Đặc biệt, cần tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm để trao đổi kết quả nghiên cứu với địa phương. Vì thông qua trao đổi, nghe báo cáo sẽ góp phần đánh giá đúng thực trạng, nâng cao hiểu biết cho học viên về những vấn đề nghiên cứu, đồng thời sẽ đưa ra những giải pháp để khắc phục những hạn chế của vấn đề nghiên cứu, qua đó đóng góp tích cực đối với các địa phương, đơn vị được khảo sát nghiên cứu.
Thứ ba, hoạt động nghiên cứu thực tế cần đa dạng hóa cả về hình thức và nội dung; nên mở rộng hình thức thực tế như phối hợp với địa phương bố trí cho học viên tham gia các hội nghị, hội thảo của các ban ngành địa phương hoặc Nhà trường tổ chức, từ đó có sự đồng tình ủng hộ và hỗ trợ cho việc nghiên cứu thực tế ngày càng cao.
Thứ tư, tăng cường trách nhiệm của các khoa, phòng trong việc tham gia, tổ chức quản lý thực hiện hoạt động nghiên cứu thực tế của học viên. Giảng viên trực tiếp phụ trách cần nghiên cứu kỹ chủ đề nghiên cứu thực tế, chuẩn bị các nội dung, định hướng cho học viên khai thác số liệu để hoàn thiện bài thu hoạch; cần có yêu cầu rõ ràng và cụ thể đối với bài thu hoạch của học viên nên. Các đồng chí trưởng các đoàn đi nghiên cứu thực tế cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu thực hiện việc nghiên cứu thực tế, thường xuyên nắm bắt và thông tin kịp thời những tình huống phát sinh…
Thứ năm, đổi mới khâu đánh giá, nghiệm thu kết quả nghiên cứu thực tế các lớp... Kết quả đi nghiên cứu thực tế của mỗi học viên được thể hiện trong bài thu hoạch thực tế; vì vậy, trong quá trình chấm bài của học viên, những bài viết sâu sắc, có tính thực tiễn, có tính khả thi, nên biên tập để đăng trên Nội san hoặc đăng tải toàn văn trên trang Website của nhà Trường làm tư liệu học tập và nghiên cứu cho cả giảng viên và học viên trong toàn trường.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ: “Lý luận phải đem ra thực hành. Thực hành phải nhằm theo lý luận[1], hoạt động đi nghiên cứu thực tế của học viên các lớp TCLLCT-HC là một trong những nội dung đào tạo đúng đắn, là cách đem những kiến thức đã học được của học viên vận dụng vào thực tiễn, thông qua đó học viên tự mình so sánh, đánh giá để có những nhận thức đúng đắn, đồng thời đúc rút kinh nghiệm, vận dụng vào thực tiễn công tác của bản thân, đem lại hiệu quả thiết thực. Để phát huy được hiệu quả của hoạt động này ở mức cao nhất, cần có sự phối kết hợp đồng bộ từ phía Nhà trường, địa phương, đội ngũ giảng viên và học viên.Thực hiện tốt hoạt động nghiên cứu thực tế của học viên sẽ góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức của tỉnh Thanh Hóa vững vàng về chính trị; chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu công tác lãnh đạo, quản lý ở địa phương, cơ sở.
 


[1] Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 5-NXB CTQG, Hà Nội năm 1995, tr 235
Số lượt truy cập
Hôm nay:
1598
Hôm qua:
1983
Tuần này:
11911
Tháng này:
43557
Tất cả:
4.408.437